Thứ 7, 02/11/2024, 14:13[GMT+7]

Luật Cảnh sát biển Việt Nam góp phần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân

Thứ 4, 27/03/2024 | 09:16:18
16,457 lượt xem
Theo đánh giá chung, sau 5 năm thực hiện, các nội dung, mục tiêu của Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023 đã được hoàn thành. Nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, nhất là ngư dân không ngừng được nâng cao.

Quang cảnh hội nghị Tổng kết thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023.

Ngày 26/3, tại Hà Nội đã diễn ra hội nghị tổng kết thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023. Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng dự và chủ trì.

Hội nghị được tổ chức dưới hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến tại 36 điểm cầu trên địa bàn cả nước.

Phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam sâu rộng và hiệu quả

Luật Cảnh sát biển Việt Nam được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (khóa XIV) thông qua tại kỳ họp thứ 6 và có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2019 nhằm thể chế hóa chủ trương, đường lối, quan điểm của Đảng, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật Việt Nam về quản lý, bảo vệ và phát triển biển, đảo; tạo nền tảng, khung pháp lý vững chắc để phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, tổ chức, cá nhân trong sự nghiệp bảo vệ chủ quyền, an ninh, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng (bên phải) dự và chủ trì hội nghị.

Luật Cảnh sát biển đồng thời là cơ sở để xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam “Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại", tương xứng với vị trí là lực lượng vũ trang nhân dân, lực lượng chuyên trách của Nhà nước, làm nòng cốt thực thi pháp luật bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển.

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Quán triệt thực hiện Quyết định của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam phối hợp Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng, Cục Tuyên huấn/Tổng cục Chính trị làm tốt công tác tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ ban hành các văn bản, hướng dẫn triển khai thực hiện đề án.

Chủ trì phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan tham mưu cho Bộ Quốc phòng triển khai thực hiện tốt các nội dung: Biên soạn, phát hành tài liệu, xây dựng phim tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên phạm vi cả nước, trong đó tập trung vào đối tượng cán bộ, đảng viên, công chức và các tầng lớp nhân dân, ngư dân các địa phương có biển.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức thành công Hội nghị trực tuyến toàn quốc tập huấn về Luật Cảnh sát biển Việt Nam cho cán bộ lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương có biển và cơ quan, đơn vị có liên quan với 3.457 đại biểu tại 74 điểm cầu; tổ chức các cuộc thi tìm hiểu về luật trên cả nước...

Các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, đơn vị Quân đội đã kịp thời chỉ đạo các cơ quan, đơn vị trực thuộc biên soạn đề cương, bài giảng; in, cấp phát tờ rơi, tờ gấp, sách hỏi đáp về Luật Cảnh sát biển Việt Nam phù hợp với từng đối tượng để kịp thời tuyên truyền.

Chủ động ứng dụng, phát huy hiệu quả công nghệ thông tin trong xây dựng nội dung tuyên truyền để truyền tải Luật cảnh sát biển Việt Nam đến nhân dân nhanh chóng, kịp thời, hiệu quả. Các ban, bộ, ngành cũng đã xây dựng và duy trì 1.200 tủ sách, ngăn sách pháp luật, với hơn 3.000 đầu sách có nội dung tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam, kịp thời đáp ứng nhu cầu nghiên cứu, học tập, tìm hiểu pháp luật, nâng cao trình độ nhận thức, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, lực lượng vũ trang và nhân dân. Ban hành các văn bản triển khai thực hiện đề án, lồng ghép tuyên truyền một cách sáng tạo và linh hoạt.

Bên cạnh đó, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố có biển cũng đã chủ động thành lập Ban chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc các sở, ban, ngành, địa phương... tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tổ chức các hội nghị quán triệt...

Các đại biểu tham dự hội nghị. 

Cấp ủy, chính quyền địa phương thường xuyên coi trọng kiểm tra, hướng dẫn, rút kinh nghiệm; kịp thời bổ sung chủ trương, biện pháp lãnh đạo, chỉ đạo phù hợp, nhân rộng mô hình hay, cách làm hiệu quả, đồng thời khắc phục những hạn chế, khuyết điểm trong quá trình tổ chức thực hiện Đề án.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam, cơ quan thường trực Đề án đã chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức biên soạn, in ấn, phát hành bảo đảm kịp thời, đầy đủ hệ thống tài liệu tuyên truyền, phổ biến giáo dục Luật Cảnh sát biển Việt Nam; chú trọng xây dựng video clip, phóng sự, tiểu phẩm... có nội dung, hình thức phong phú, đa dạng, phản ánh đầy đủ, sinh động nội dung cơ bản của Luật và các văn bản hướng dẫn thi hành có liên quan.

Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam đã biên soạn, in, phát hành 15.000 cuốn Luật Cảnh sát biển Việt Nam, 6.000 cuốn Luật Cảnh sát biển Việt Nam song ngữ; 15.000 cuốn các văn bản quy phạm pháp luật về Cảnh sát biển Việt Nam; 15.000 cuốn Hỏi đáp về Luật Cảnh sát biển Việt Nam; 6.300 cuốn Catolog giới thiệu tổng quan về lực lượng Cảnh sát biển cùng nhiều tài liệu khác. 


Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã phối hợp với các cơ quan chức năng, ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương, các cơ quan thông tấn báo chí tổ chức Cuộc thi Trực tuyến toàn quốc tìm hiểu Luật Cảnh sát biển Việt Nam, bảo đảm chặt chẽ, thống nhất và hiệu quả.

Các cơ quan báo chí, truyền thông chủ động xây dựng kế hoạch tuyên truyền, đăng tải phát sóng hàng nghìn nội dung liên quan đến đề án. Các cơ quan, đơn vị quân đội chủ động tổ chức tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam với nhiều hình thức phong phú, sinh động....

Đề án đã góp phần tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam.

Thượng tướng Võ Minh Lương


Phát biểu tổng kết hội nghị, Thượng tướng Võ Minh Lương đánh giá, sau 5 năm triển khai, đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023 đã đạt được những kết quả tích cực, nhiều nhiệm vụ hoàn thành tốt và xuất sắc, góp phần nâng cao một bước về nhận thức, tạo sự chuyển biến trong việc chấp hành pháp luật của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và các tầng lớp nhân dân, đáp ứng nhu cầu nhiệm vụ quốc phòng, an ninh, nhất là trong xây dựng, bảo vệ an ninh, chủ quyền, trật tự an toàn biển đảo, phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo vệ tài nguyên biển, động viên ngư dân vươn khơi, bám biển...

Việc triển khai Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng đã góp phần xây dựng vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển; đồng thời đấu tranh, phản bác các quan điểm sai trái, luận điệu xuyên tạc của các thế lực thù địch, phần tử cơ hội chính trị về biển đảo; tạo sự đồng thuận trong xã hội về quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Thượng tướng khẳng định, qua triển khai thực hiện, Đề án đã góp phần tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam.

Quang cảnh hội nghị. 

Chất lượng, hiệu quả trong thực hiện Đề án đã khẳng định vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam trong thực thi pháp luật, bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự, an toàn trên biển; góp phần tích cực vào xây dựng nền quốc phòng toàn dân, thế trận an ninh nhân dân trên biển và thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội của địa phương, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Sau 5 năm, lực lượng Cảnh sát biển đã phát hiện, bắt giữ, xử lý 3.542 vụ với 433 đối tượng; khởi tố 430 vụ, 504 đối tượng; xử lý vi phạm hành chính 2.789 vụ, 4.405 đối tượng; bàn giao 170 vụ, 255 đối tượng... 


Đề nghị xem xét tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Đề án

Tại hội nghị, đại diện các địa phương và bộ, ban, ngành đã trình bày tham luận tổng kết kết quả công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam thời gian qua; đồng thời đưa ra nhiều kiến nghị liên quan.

Các đại biểu thống nhất, thời gian tới, nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền biển, đảo gắn liền với phát triển bền vững kinh tế biển, công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật trên biển tiếp tục đặt ra nhiều yêu cầu cao hơn. Bên cạnh đó, nhu cầu tiếp cận, tìm hiểu pháp luật về biển đảo và Luật Cảnh sát biển Việt Nam của nhân dân, nhất là ngư dân cũng sẽ nhiều hơn.

Các đại biểu trình bày tham luận tại hội nghị. 

Bên cạnh đó, việc tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam tới quốc tế cũng sẽ là một giải pháp quan trọng nhằm bảo vệ Tổ quốc từ sớm, từ xa, góp phần để các nước trong khu vực, trên thế giới có cách hiểu, cách nhìn nhận toàn diện, rõ ràng, chính xác hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong việc thực hiện quản lý, bảo vệ chủ quyền, lợi ích quốc gia, dân tộc trên biển bằng biện pháp pháp luật, dân sự, hòa bình, phù hợp với xu hướng của các quốc gia trên thế giới hiện nay.

Đánh giá cao hiệu quả triển khai Đề án, Thứ trưởng Quốc phòng đề nghị lãnh đạo các bộ, ban, ngành Trung ương, cấp ủy, chính quyền các địa phương, lực lượng vũ trang cần tiếp tục quán triệt, nâng cao nhận thức về vai trò, ý nghĩa, tầm quan trọng của việc triển khai Luật Cảnh sát biển Việt Nam cũng như vị trí, vai trò, chức năng nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển.

Các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ Quốc phòng, các cơ quan ban ngành địa phương tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam.

 

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng phát biểu tổng kết hội nghị. 

Phát huy vai trò của các cơ quan truyền thông, các thiết chế văn hóa-thông tin cơ sở; đa dạng hóa hình thức tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số; nhân rộng các mô hình, cách làm tốt, sáng tạo, hiệu quả; củng cố, duy trì hệ thống tủ sách pháp luật, bảo đảm có đủ tài liệu, sách báo pháp luật để cán bộ, đảng viên và nhân dân tự học tập, nghiên cứu.

Thượng tướng cũng đề nghị cần tiếp tục quan tâm đầu tư kinh phí, trang thiết bị, huy động các nguồn lực để bảo đảm cho công tác tuyên truyền phổ biến, giáo dục pháp luật nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng.

Đồng chí giao Vụ Pháp chế Bộ Quốc phòng chủ trì phối hợp cùng Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển tiếp nhận các ý kiến thảo luận tại hội nghị để bổ sung, hoàn chỉnh báo cáo Tổng kết thực hiện đề án, tham mưu cho Bộ Quốc phòng báo cáo Thủ tướng Chính phủ, đề xuất tiếp tục kéo dài thời gian thực hiện Đề án theo kiến nghị của các ban, bộ, ngành địa phương để đáp ứng nhu cầu thực tiễn đề ra.

Báo Nhân Dân được tặng Bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong tuyên truyền

Dịp này, Bộ Quốc phòng đã khen thưởng cho 65 tập thể, 110 cá nhân đạt thành tích xuất sắc trong tổ chức, chỉ đạo, thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023.

Báo Nhân Dân đã vinh dự nhận được 6 bằng khen (2 tập thể, 4 cá nhân) vì đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023.

Thượng tướng Võ Minh Lương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Quốc phòng trao Bằng khen cho các tập thể đã có thành tích xuất sắc trong việc thực hiện Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019-2023. 


Theo: nhandan.vn



 

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày