Thứ 2, 25/11/2024, 02:53[GMT+7]

Tháo gỡ những điểm nghẽn, hạn chế của giáo dục mầm non

Thứ 5, 04/04/2024 | 15:54:29
14,272 lượt xem
Sáng ngày 4/4, tại Trụ sở Chính phủ, đồng chí Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia Đổi mới giáo dục và đào tạo chủ trì phiên họp của Ủy ban về “Đổi mới, phát triển giáo dục mầm non đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Cùng tham dự phiên họp có Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, Phó Chủ tịch Ủy ban; lãnh đạo một số bộ, ban, ngành và địa phương; trong đó, tỉnh Thái Bình có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh dự họp.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và các đại biểu dự phiên họp.

Audio: audio_thao_go_diem_nghen.mp3

Đây là phiên họp quan trọng nhằm tiếp tục thể chế hóa, cụ thể hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về giáo dục mầm non; phát triển giáo dục mầm non dưới 5 tuổi có chất lượng phù hợp với điều kiện của từng địa phương và cơ sở giáo dục, giúp trẻ phát triển thể chất, tình cảm, hiểu biết, thẩm mỹ, hình thành các yếu tố đầu tiên của nhân cách, đặt nền móng cho việc hình thành phát triển các giá trị cốt lõi của con người Việt Nam.

Trong những năm qua, Đảng và Nhà nước đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách về phát triển giáo dục, đào tạo, trong đó có giáo dục mầm non. Nhờ đó, giáo dục mầm non đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Mạng lưới cơ sở giáo dục mầm non phát triển rộng khắp đến tất cả các xã, phường, thôn, bản trên cả nước, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu đưa trẻ đến trường. Hàng năm có trên 5,3 triệu trẻ mầm non được nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục tại hơn 15.000 trường mầm non và gần 16.000 cơ sở độc lập; toàn quốc có 56,9% trường mầm non đạt chuẩn quốc gia, tỉ lệ phòng học kiên cố đạt 82,2%... Việc thực hiện thành công mục tiêu phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em mẫu giáo 5 tuổi đã tạo cơ chế, động lực thúc đẩy giáo dục mầm non phát triển, từng bước đáp ứng nhu cầu nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục trẻ em.

Tại phiên họp, các thành viên Ủy ban và các đại biểu dự họp phát biểu ý kiến, thảo luận trên tinh thần thẳng thắn, cởi mở, xây dựng; đánh giá toàn diện về giáo dục mầm non thời gian qua: những kết quả đạt được; tồn tại, hạn chế và nguyên nhân; đúc rút những bài học kinh nghiệm để từ đó xác định phương hướng, nhiệm vụ, giải pháp sát thực tiễn, trúng và đúng nhằm hiện thực hóa các chủ trương, đường lối của Đảng về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non trong giai đoạn sắp tới.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính phát biểu tại phiên họp.

Phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao và cơ bản nhất trí với các báo cáo và ý kiến phát biểu của thành viên Ủy ban, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương; giao Văn phòng Chính phủ phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo nghiêm túc tiếp thu những ý kiến xác đáng, hoàn thiện và ban hành thông báo kết luận của phiên họp.

Thủ tướng chỉ rõ giáo dục và đào tạo được Đảng, Nhà nước xác định là quốc sách hàng đầu, là sự nghiệp của toàn Đảng, cả hệ thống chính trị và của toàn dân; với quan điểm xuyên suốt: Con người là trung tâm, chủ thể, là mục tiêu, nguồn lực, động lực phát triển; không hy sinh tiến bộ, công bằng xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần; nguồn vốn quý nhất, yếu tố quyết định là con người. Những năm qua, giáo dục đào tạo đã có những bước phát triển mạnh mẽ và đạt được nhiều thành tựu quan trọng, góp phần nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài; đóng góp quan trọng vào quá trình phát triển đất nước. Bên cạnh những kết quả đạt được, giáo dục đào tạo nói chung, giáo dục mầm non nói riêng vẫn còn những tồn tại, hạn chế cần được sớm khắc phục; còn những khó khăn, thách thức trước mắt cần sự nỗ lực lớn để vượt qua.

Thủ tướng nhấn mạnh, giáo dục mầm non có vai trò đặc biệt quan trọng trong hệ thống giáo dục quốc dân, trong chiến lược phát triển nguồn nhân lực, phát triển con người Việt Nam. Giáo dục mầm non là bậc học dành cho lứa tuổi nhỏ nhất trong tiến trình phát triển của con người. Xây dựng, phát triển con người cần phải được đặt nền móng từ những năm đầu đời.

Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh và các đại biểu dự phiên họp.

Thủ tướng Chính phủ giao Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà trực tiếp chỉ đạo Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục hoàn thiện các báo cáo, tờ trình cấp có thẩm quyền ban hành văn bản phù hợp về đổi mới, phát triển giáo dục mầm non, trong đó nêu rõ căn cứ chính trị, pháp lý; đánh giá thực trạng hiện nay; đề xuất cơ chế, chính sách; rõ nội hàm đổi mới; rõ thẩm quyền, rõ trách nhiệm của từng cấp, từng cơ quan.

Thủ tướng cho rằng đổi mới và phát triển giáo dục mầm non phải phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng, Hiến pháp, chính sách, pháp luật của Nhà nước, phù hợp xu thế phát triển thời đại; phù hợp thực tiễn, hoàn cảnh đất nước trong bối cảnh hiện nay; tháo gỡ được các vướng mắc; đổi mới cách huy động nguồn lực, lấy hợp tác công tư là chính.

Để xử lý, giải quyết 3 điểm nghẽn, hạn chế của giáo dục mầm non (về nhân lực; về cơ sở vật chất; tiếp cận chưa bình đẳng về giáo dục mầm non, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…), Thủ tướng yêu cầu rà soát, có cơ chế chính sách để huy động mọi nguồn lực cho giáo dục mầm non, nhất là chính sách về thuế, tiếp cận đất đai, tín dụng; vấn đề xã hội hóa, kêu gọi sự đóng góp của người dân; cơ chế, chính sách huy động nguồn lực con người và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong giáo dục mầm non, như vấn đề biên chế giáo viên…

Các bộ, ngành, địa phương phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo để hoàn thiện các văn bản, trên tinh thần "cái gì đã chín, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, có hiệu quả, đa số đồng tình thì tiếp tục thực hiện; cái gì chưa có quy định hoặc vượt quy định thì mạnh dạn thí điểm, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, không cầu toàn nhưng không nóng vội".

Nguyễn Thơi  

(Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày