Thứ 5, 09/01/2025, 14:47[GMT+7]

Quốc hội xem xét, thông qua cơ chế, chính sách đặc thù cho Đà Nẵng và Nghệ An tại Kỳ họp thứ 7

Thứ 2, 15/04/2024 | 19:33:57
2,135 lượt xem
Hai dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Đà Nẵng và Nghệ An sẽ được trình Quốc hội cho ý kiến, thông qua tại Kỳ họp thứ 7 (tháng 5/2024) theo trình tự thủ tục rút gọn trong một kỳ họp.

Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long trình bày Tờ trình của Chính phủ. (Ảnh: DUY LINH).

Chiều 15/4, tại Phiên họp thứ 32, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự kiến Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2025, điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.

Trình bày tờ trình của Chính phủ về điều chỉnh Chương trình năm 2024, Bộ trưởng Tư pháp Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình 7 dự án luật, 1 dự án pháp lệnh, 2 dự thảo nghị quyết.

Theo đó, 2 dự thảo nghị quyết trình Quốc hội cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp gồm: Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Tờ trình của Chính phủ nêu, dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 sẽ đề xuất 2 nhóm cơ chế, chính sách đặc thù với 30 chính sách cụ thể tập trung giải quyết các điểm nghẽn, tháo gỡ vướng mắc về thể chế, chính sách, tạo thuận lợi trong thu hút đầu tư, bảo đảm TP Đà Nẵng có thể hoàn thành nhiệm vụ được Bộ Chính trị giao tại Nghị quyết số 43.

Còn dự thảo Nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An, Chính phủ đề xuất xây dựng với 5 nhóm chính sách với 17 chính sách cụ thể, gồm: nhóm quản lý tài chính-ngân sách nhà nước (5 chính sách); nhóm quản lý đô thị, tài nguyên và môi trường (3 chính sách); nhóm quản lý đầu tư (4 chính sách); nhóm phát triển kinh tế biển (2 chính sách); nhóm tổ chức bộ máy và biên chế (3 chính sách).

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Cũng trong năm 2024, Bộ trưởng Lê Thành Long cho biết, Chính phủ đề nghị trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 đối với dự án Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.

Tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình cho ý kiến và thông qua theo quy trình một kỳ họp đối với dự án Dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Bên cạnh đó, Chính phủ đề nghị bổ sung vào chương trình cho ý kiến đối với 6 dự án: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quảng cáo; Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi); Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp (sửa đổi); Luật Công nghiệp công nghệ số; Luật Nhà giáo; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và Quy chuẩn kỹ thuật.

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024 với 100% ý kiến tán thành.

Theo đó, bổ sung 3 dự án vào Chương trình xây dựng luật pháp lệnh năm 2024 trình Quốc hội cho ý kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 7 vào tháng 5/2024 theo quy trình một kỳ họp và theo trình tự thủ tục rút gọn.

3 dự án này gồm: Luật Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ; Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung Nghị quyết số 119/2020 về thí điểm tổ chức mô hình chính quyền đô thị và một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Đà Nẵng; Nghị quyết của Quốc hội về một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển tỉnh Nghệ An.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng thống nhất điều chỉnh tiến độ Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tiêu chuẩn và tiêu chuẩn kỹ thuật từ cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 7, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 sang cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày