Kiên quyết không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của nhân dân
Phát biểu ý kiến mở đầu cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính sản xuất, kinh doanh đang trên đà phục hồi, kéo theo đó là nhu cầu tiêu thụ điện tăng cao, chưa kể thời tiết đang chuẩn bị bước vào cao điểm nắng nóng. Do đó, tình hình dự báo cung ứng điện sẽ khó khăn hơn. Tuy nhiên, chúng ta cũng đã chuẩn bị tốt hơn ngay từ cuối năm 2023. Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ phụ trách lĩnh vực này đã liên tục có nhiều chỉ đạo. Vì vậy, chúng ta cần phải luôn chủ động vấn đề nguồn, lưới để bảo đảm bất kỳ tình huống nào cũng phải đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.
Thủ tướng nêu rõ, việc quan tâm, chỉ đạo thôi là chưa đủ mà phải tăng cường rà soát, kiểm tra, đôn đốc, không để tình trạng “nước đến chân mới nhảy”. Nhắc lại bài học thiếu điện cục bộ mùa khô năm ngoái, Thủ tướng cho rằng, thực tế chúng ta có chuẩn bị nhưng không đôn đốc, đi sâu đi sát kiểm tra, lúc cần điện thì nhiều nhà máy lại bảo dưỡng; khâu điều hành không tốt, lúc thời tiết đang thuận lợi thì lại sử dụng gần hết nguồn nước cho thuỷ điện; thực chất thì tổng nguồn thì không thiếu, nhưng thiếu điện do khâu điều hành, việc tính toán không khoa học, quan liêu... Vì vậy, kinh nghiệm năm nay là tập trung công tác điều hành; cùng với đó củng cố năng lực truyền tải điện vì nhu cầu điện ngày càng cao. Mục tiêu đặt ra là không được để thiếu điện, nhất là vì lý do chủ quan là điều hành.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu chỉ đạo hội nghị.
Thủ tướng yêu cầu phải rút kinh nghiệm bài học năm ngoái để bảo đảm cung ứng đủ điện, không để người dân và doanh nghiệp phải lo lắng về điện; yêu cầu các đơn vị phải rà soát lại các số liệu cẩn thận, phải có các phương án ứng phó, nhất là chuẩn bị cả phương án chủ động trong tình huống xấu nhất có thể xảy ra. Thủ tướng nhấn mạnh nguyên tắc cao nhất là phải phát huy tinh thần trách nhiệm, không được để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và sinh hoạt của người dân.
Đại diện lãnh đạo các tập đoàn EVN, PVN tham dự hội nghị.
* Theo Bộ Công thương, quý I/2024, sản lượng điện lũy kế đạt 69,34 tỷ kW giờ, tăng 11,77% so cùng kỳ năm 2023; sản lượng điện bình quân ngày đạt 762 triệu kW giờ, tăng 10,4% so cùng kỳ năm 2023.
Trong bối cảnh diễn biến thủy văn 3 tháng đầu năm không thuận lợi, để thực hiện mục tiêu tiết kiệm tối đa nước hồ thủy điện, các nguồn nhiệt điện, đặc biệt là nhiệt điện than đã được huy động cao để đáp ứng nhu cầu phụ tải. Đồng thời tăng cường truyền tải điện từ miền nam, miền trung ra miền bắc. Mặc dù nhu cầu điện tăng cao hơn so với dự báo, tuy nhiên, hệ thống điện quốc gia đã đáp ứng nhu cầu sử dụng điện thực tế 3 tháng đầu năm, đặc biệt là các dịp nghỉ Tết Dương lịch và Nguyên đán Giáp Thìn.
Để bảo đảm cung ứng điện năm 2024, đặc biệt là cao điểm mùa khô, ngay từ tháng 11/2023, Bộ Công thương đã tổ chức họp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) và các đơn vị có liên quan để xây dựng kế hoạch cung ứng điện cho năm 2024. Trên cơ sở đề xuất của các đơn vị, Bộ Công thương đã ban hành các Quyết định phê duyệt Kế hoạch cung cấp điện và vận hành hệ thống điện năm 2024 (Quyết định 3110/QĐ-BCT ngày 30/11/2023), phê duyệt biểu đồ cấp than cho phát điện (Quyết định 3111/QĐ-BCT), phê duyệt Kế hoạch cấp khí cho phát điện (Quyết định 3112/QĐ-BCT ngày 30/11/2023). Đặc biệt, Bộ Công thương đã phê duyệt riêng Kế hoạch cung ứng điện các tháng cao điểm mùa khô (tháng 4, 5, 6, 7) năm 2024 (Quyết định 3376/QĐ- BCT ngày 29/12/2023).
Trong các tháng cuối năm 2023 và quý I/2024, Bộ Công thương đã thực hiện giám sát chặt chẽ tình hình cung cấp nhiên liệu (than, khí) cho phát điện, đồng thời đã phối hợp với EVN tổ chức các đoàn công tác rà soát việc chuẩn bị cung ứng điện mùa khô tại các đơn vị phát điện (cả trong và ngoài EVN), truyền tải, phân phối điện. Căn cứ kết quả của các đoàn công tác, ngày 28/3, Bộ Công thương đã có Chỉ thị số 05/CT-BCT về việc đảm bảo cung cấp điện các tháng cao điểm mùa khô năm 2024.
Đối với công tác đốc thúc tiến độ công trình Đường dây 500kV Quảng Trạch – Phố Nối, định kỳ 2 tuần, Bộ Công thương đã tổ chức họp giao ban tiến độ với EVN, các tỉnh có đường dây đi qua, có sự có mặt của Văn phòng Chính phủ, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để rà soát tiến độ nhằm đảm bảo đường dây hoàn thành đúng tiến độ tháng 6/2024 như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Về phương án cung ứng điện giai đoạn cao điểm năm 2024, Bộ Công thương cho biết, do tăng trưởng kinh tế phục hồi (GDP quý I tăng 5,66% so với cùng kỳ, cao hơn tốc độ tăng của quý I các năm 2020-2023), dẫn đến tăng trưởng nhu cầu phụ tải điện cao hơn so với các kế hoạch được duyệt. Theo rà soát của các đoàn công tác đi kiểm tra tình hình cung ứng điện và căn cứ báo cáo thực tế của EVN, ngày 3/4, Bộ Công thương đã tổ chức họp rà soát với các đơn vị về kế hoạch cung ứng điện cao điểm mùa khô.
Trên cơ sở cập nhật của EVN, ngày 19/4, Bộ Công thương đã phê duyệt điều chỉnh Kế hoạch cung ứng điện tháng cao điểm mùa khô, cũng như cả năm 2024 (Quyết định số 924/QĐ- BCT), cũng như cho các tháng còn lại của năm 2024, đảm bảo bám sát tình hình thực tế. So với Kế hoạch cũ, Kế hoạch cung cấp điện được điều chỉnh tăng trưởng phụ tải điện như sau: 10,4% - đối với Phương án để điều hành cho cả năm 2024 (cao hơn 1,25% so với Kế hoạch năm đã duyệt) và 11,4% - đối với Phương án để điều hành dự phòng trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 (cao hơn 1,25% so với Kế hoạch cao điểm mùa khô đã duyệt).
Về cân đối sản lượng điện: với định hướng sử dụng tiết kiệm nước các hồ thủy điện ngay từ cuối năm 2023, xuyên suốt quý I/2024, tổng lượng nước hiện có trong các hồ thủy điện tại thời điểm báo cáo quy đổi ra sản lượng điện là khoảng 11,3 tỷ kW giờ. Việc cung ứng nhiên liệu cho sản xuất điện, đặc biệt là nhiên liệu than đã được các đơn vị thực hiện tốt. Hệ thống điện quốc gia về cơ bản sẽ đáp ứng đủ điện cho phát triển kinh tế - xã hội và nhu cầu của nhân dân trong hầu hết thời gian trong năm.
Về cân bằng công suất: miền trung và miền nam đáp ứng được cân bằng công suất. Tuy nhiên, trong bối cảnh nguồn khí trong nước suy giảm mạnh, để đảm bảo cung cấp điện an toàn và ổn định hệ thống điện miền nam, đã thực hiện chạy bổ sung khí LNG từ 15/4, đồng thời các nhà máy nhiệt điện sẵn sàng khả năng chạy dầu để đáp ứng phụ tải đỉnh; miền bắc tiềm ẩn rủi ro thiếu hụt công suất đỉnh, đặc biệt trong các tháng nắng nóng cao điểm (tháng 5 đến tháng 8). Trong trường hợp các yếu tố bất lợi xếp chồng như lưu lượng nước về kém, sự cố các nhà máy điện kéo dài và sẽ cần thực hiện điều chỉnh phụ tải cũng như huy động thêm nguồn máy phát diesel mượn của khách hàng. Kịch bản cân bằng công suất khu vực miền bắc các tháng trong năm 2024 như sau:
Tại Chỉ thị số 05/CT-BCT ngày 28/3 của Bộ trưởng Công thương, quan điểm chỉ đạo của Bộ xuyên suốt, bao trùm trong công tác đảm bảo cung ứng điện giai đoạn cao điểm mùa khô năm 2024 là yêu cầu các đơn vị xây dựng kế hoạch cung cấp điện, cung cấp nhiên liệu (than, khí, dầu) chủ động, có dự phòng ứng phó với các tình huống cực đoan có thể xảy ra, tuyệt đối không để xảy ra tình trạng đứt gãy nguồn cung năng lượng do nguyên nhân chủ quan. Với quan điểm chỉ đạo nêu trên, Bộ Công thương đã và đang tập trung chỉ đạo các đơn vị tập trung thực hiện các giải pháp đảm bảo cung ứng điện cho giai đoạn cao điểm mùa khô, cũng như các tháng còn lại trong năm 2024 cụ thể như sau:
Các giải pháp về vận hành: EVN, các Tổng công ty Phát điện, các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than phối hợp Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Đông Bắc tập trung tối đa đảm bảo ưu tiên cung cấp than đầy đủ, liên tục và ổn định, bám sát nhu cầu thực tế và có dự phòng, ban hành và duy trì đủ lượng định mức than tồn kho; tuyệt đối không được để thiếu than cho các nhà máy điện.
EVN, Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN), TKV, các Tổng công ty Phát điện, các Chủ đầu tư các nhà máy nhiệt điện than tăng cường công tác duy tu bảo dưỡng các nhà máy điện thuộc phạm vi quản lý, đảm bảo độ khả dụng để đáp ứng theo nhu cầu phát điện của hệ thống điện quốc gia, tăng cường theo dõi giám sát các thiết bị trong quá trình vận hành, chủ động xử lý khiếm khuyết để nâng cao độ tin cậy trong vận hành của các thiết bị; bảo đảm các điều kiện để có thể huy động phát theo nhu cầu của hệ thống; đẩy nhanh tiến độ khắc phục sự cố và đưa vào vận hành các tổ máy nhiệt điện bị sự cố dài ngày, khẩn trương khắc phục sự cố ngắn ngày.
Chủ đầu tư các nguồn nhiệt điện than chủ động thực hiện các giải pháp để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, khắc phục tình trạng suy giảm công suất khi nhiệt độ môi trường tăng cao.
EVN, Trung tâm Điều độ hệ thống điện Quốc gia lập kế hoạch huy động nguồn thủy điện với mục tiêu giữ mực nước các hồ thủy điện cao nhất có thể trong các tháng cao điểm mùa khô năm 2024 để đảm bảo đủ mức dự phòng công suất, điện năng.
Các chủ hồ thủy điện chủ động phối hợp với các địa phương xây dựng kế hoạch chủ động chuẩn bị nước cho sản xuất nông nghiệp, giảm thiểu phụ thuộc vào lượng nước xả từ các hồ; sử dụng tiết kiệm tối đa lượng nước xả từ các hồ thủy điện.
Các giải pháp về đầu tư xây dựng: EVN, Tổng công ty Truyền tải điện Quốc gia (EVNNPT) đẩy nhanh tiến độ triển khai thực hiện các công trình lưới điện, các công trình Đường dây 500 kV, đặc biệt là Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch - Quỳnh Lưu - Thanh Hóa - Nam Định - Phố Nối. EVN và các Chủ đầu tư đẩy nhanh tiến độ các dự án lưới điện phục vụ nhập khẩu điện từ các nhà máy điện tại Lào.
Giải pháp về tiết kiệm điện: phối hợp với các Bộ, Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, các tập đoàn EVN, TKV, PVN và các cơ quan, đơn vị thực hiện nghiêm túc, tích cực hơn nữa Chỉ thị số 20/CT-TTg ngày 08/6/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường tiết kiệm điện, Quyết định số 279/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 8/3/2018 phê duyệt Chương trình quốc gia về Quản lý nhu cầu điện giai đoạn 2018-2020, định hướng đến năm 2030.
Về đảm bảo điện trong các năm tới, Bộ Công thương cho biết, việc cung ứng điện cho năm 2024 về cơ bản sẽ được đảm bảo. Trong thời gian tới, sau khi Đường dây 500kV mạch 3 Quảng Trạch-Phố Nối được đi vào vận hành với đầy đủ các điều kiện kỹ thuật cần thiết, hệ thống điện miền Bắc sẽ được bổ sung tăng cường công suất/điện năng từ miền Trung và miền Nam. Tuy nhiên, với tỷ trọng nguồn thủy điện chiếm hơn 32%, việc cung-cầu nội miền của khu vực miền Bắc nhiều thời điểm sẽ xuất hiện tình trạng mất cân đối trong trường hợp tình hình thủy văn bị ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, sự cố các tổ máy nhiệt điện than (đã vận hành nhiều năm). Do vậy, việc bổ sung sớm nguồn điện mới (đặc biệt là các nguồn điện chạy nền) cho miền bắc là hết sức cần thiết…
Phát biểu ý kiến kết luận cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đánh giá cao nỗ lực của Bộ Công thương, các tập đoàn đã nỗ lực để bảo đảm cung ứng điện trong quý I vừa qua; nêu rõ nhu cầu sử dụng điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng đang tăng lên, là điều đáng mừng vì cơ cấu sử dụng tăng thì góp phần cho tăng trưởng; tuy nhiên, đi cùng với đó là nỗi lo vì phải đáp ứng nhu cầu tăng trưởng, gây áp lực cho sản xuất, truyền tải điện, cung ứng điện, các doanh nghiệp, đơn vị liên quan. Vì vậy, chúng ta phải đặt mục tiêu không để thiếu điện cho sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng trong bất cứ hoàn cảnh nào.
Các bộ, ngành, cơ quan, địa phương, đơn vị, doanh nghiệp, chủ thể liên quan căn cứ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn chủ động xây dựng các phương án xấu nhất có thể xảy ra; kịp thời điều hành, quản lý, sản xuất, kinh doanh với các giải pháp linh hoạt, hợp lý, hiệu quả đáp ứng yêu cầu đề ra; phải dự báo, đánh giá tình hình “đúng và trúng”, sát nhu cầu, khả năng đáp ứng, những diễn biến xấu có thể xảy ra, kể cả năm 2024 và 2025.
Về các phương án nguồn điện, Thủ tướng yêu cầu bảo đảm chung cho tất cả các vùng miền; lưu ý những tháng cao điểm ở miền bắc (tháng 5, 6, 7) thì phụ tải tăng lên mạnh (dự báo tháng 5 trên dưới 1.000MW, tháng 6 trên dưới 2.500MW, tháng 7 khoảng 1.000MW). Giải pháp thì phải đa dạng hóa các nguồn điện; phải rà soát kỹ các nguồn có thể huy động được, kể cả nguồn chạy dầu diesel; thúc đẩy các nguồn điện lớn như Quảng Trạch, Nhơn Trạch 3, 4…; tập trung cho phương án xấu nhất. Về nguồn nhiên liệu than, khí, nước, theo đó, về than, Thủ tướng đề nghị các nhà máy nhiệt điện than mua tối đa than sản xuất trong nước, không mua được mới nhập khẩu thì mới thúc đẩy sản xuất, kinh doanh trong nước, tạo sinh kế, không chảy máu ngoại tệ, đồng thời tránh được tiêu cực; các tổng công ty than phải đẩy mạnh khai thác than tối đa.
Về nguồn nước, đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp các đơn vị dự trữ nguồn nước bảo đảm nhu cầu, nhất chú trọng các hồ thủy điện Sơn La, Hòa Bình, bảo đảm quản lý, chủ động tiết kiệm chứ không thể “trông vào ông trời được”. Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cũng phải bảo đảm nguồn nhiên liệu khí, dầu.
Liên quan về tháo gỡ pháp lý, có những nội dung vướng mắc về Nghị định, Thông tư, Thủ tướng chỉ đạo Bộ Công thương phải tháo gỡ ngay; xây dựng kế hoạch đáp ứng theo từng tháng; bảo đảm cân đối chung và công suất tối thiểu của các nhà máy điện; phải vì lợi ích tổng thể chứ không phải cục bộ; phải bảo đảm nguồn thu ngân sách và sinh kế cho người dân; phải đa dạng hoá các nguồn điện; sớm ban hành Nghị định về mua bán điện trực tiếp, lấy ý kiến của các thành viên Chính phủ trong tuần tới, sớm trình Chính phủ vào phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4.
Liên quan truyền tải điện, Thủ tướng yêu cầu trước mắt cần tập trung hoàn thành công trình Đường dây 500kV Quảng Trạch - Phố Nối, rà soát tiến độ để dứt khoát khánh thành trước 30/6/2024; tăng cường đi kiểm tra, thăm hỏi, tặng quà động viên cán bộ, công nhân trên công trường làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ; rà soát, xem lại khâu nào chậm trễ, trong đó có khâu cột thép, phải tìm ra nguyên nhân và giải pháp khắc phục, tăng cường sản xuất cột thép; bảo đảm lo đủ sứ cách điện; phải tìm hiểu, kiểm tra để ưu tiên các hạng mục, thiết bị sản xuất được trong nước: về đường dây.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường rà soát hành lang tuyến còn vướng mắc gì thì cùng địa phương giải quyết; Bộ Xây dựng phải xử lý tốt các vấn đề liên quan đơn giá xây dựng. Phải tăng cường nhập khẩu điện, do đó phải sớm hoàn thành Đường dây 500kV Nậm Sum-Nông Cống, Trạm cắt 220kV Đắk Óoc. Phải phân phối điện hợp lý, nhất là chú ý lúc cao điểm; tăng cường sử dụng điện tiết kiệm, hiệu quả. Bộ Công thương tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn tiết kiệm điện.
Về tính giá điện, Thủ tướng chỉ đạo phải dựa trên các văn bản, quy định đã có, nhưng tinh thần là có lộ trình phù hợp, tiết kiệm chi phí, chi hành chính, tăng cường ứng dụng chuyển đổi số, giảm lỗ trong kinh doanh điện, giảm chi phí tuân thủ cho người dân, doanh nghiệp; không điều hành theo kiểu “giật cục”. EVN phải rà soát lại việc này; giá điện phải bảo đảm phù hợp, phải trao đổi với các tập đoàn như Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) và các tập đoàn khác; tinh thần là giá điện cạnh tranh nhưng phải có sự điều tiết của Nhà nước. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Lê Minh Khái chỉ đạo việc này; lưu ý phải làm tốt công tác tuyên truyền, bảo đảm công khai, minh bạch.
Các bộ, ngành theo chức năng nhiệm vụ thì chủ động thực hiện nhiệm vụ được giao; sớm trình Chính phủ các cơ chế mua bán điện trực tiếp, tự sản tự tiêu thì phải… Về giải pháp tuyên truyền, Thủ tướng đề nghị các cơ quan như Bộ Thông tin và Truyền thông, VTV, VOV, TTXVN, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ phải bố trí thời lượng hợp lý để có các chương trình tuyên truyền tăng cường sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả, đi vào lòng người.
Các địa phương theo thẩm quyền thực hiện nhanh chóng công tác giải phóng mặt bằng; lựa chọn nhà đầu tư, xây dựng các công trình liên quan điện; bảo đảm hành lang cho các dự án đường truyền tải điện; các bộ, ngành cơ quan chức năng tăng cường công tác kiểm tra, chống tiêu cực trong ngành điện nói chung, sản xuất và tiêu thụ điện nói riêng. Các nhà máy sản xuất điện thì tập trung sản xuất, tăng cường tiêu thụ các nguyên liệu, sản phẩm trong nước. Thủ tướng yêu cầu điều hành thông suốt, thông minh, tăng cường chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa trong ngành điện, giảm chi phí đầu vào, tăng năng lực cạnh tranh…
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng