Chủ nhật, 24/11/2024, 08:55[GMT+7]

Kỷ niệm 120 năm Ngày sinh Tổng Bí thư Trần Phú (1/5/1904-1/5/2024) Phát huy chí khí chiến đấu của Tổng Bí thư Trần Phú

Thứ 4, 01/05/2024 | 07:53:37
1,695 lượt xem
Tổng Bí thư Trần Phú - người con ưu tú của quê hương Hà Tĩnh và dân tộc Việt Nam đã cống hiến trọn cuộc đời mình cho sự nghiệp cách mạng vẻ vang của Đảng, của dân tộc; để lại cho Đảng, cho các thế hệ cán bộ, đảng viên và Nhân dân những di sản quý báu.

Phát huy truyền thống của quê hương và noi gương Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân huyện Đức Thọ đang ra sức thi đua thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội Đảng các cấp, phấn đấu đạt chuẩn huyện nông thôn mới nâng cao trước năm 2025.

Hà Tĩnh là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, cách mạng, nơi sinh ra và nuôi dưỡng bao lớp người con kiên cường, anh dũng trong chiến đấu chống ngoại xâm; cần cù, chịu thương, chịu khó, sáng tạo trong lao động sản xuất. Hà Tĩnh tự hào là quê hương của vua Mai Hắc Đế, Đặng Tất, Đặng Dung, La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp, Đình nguyên Tiến sĩ Phan Đình Phùng, Đại thi hào Nguyễn Du, nhà thơ - nhà quân sự - nhà kinh tế tài ba Nguyễn Công Trứ, nhà thơ Xuân Diệu, nhà thơ Huy Cận… Đặc biệt, Hà Tĩnh là quê hương của 2 đồng chí Tổng Bí thư là Trần Phú và Hà Huy Tập.

Trần Phú sinh ngày 1/5/1904 trong một gia đình nhà nho nghèo, yêu nước tại huyện Tuy An, tỉnh Phú Yên, nhưng quê hương là xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ, tỉnh Hà Tĩnh. Mồ côi cha mẹ từ nhỏ, bằng nghị lực phi thường, đồng chí đã nỗ lực vươn lên học tập, đỗ đầu kỳ thi Thành chung và sớm tham gia các tổ chức yêu nước.

Tháng 6/1926, đồng chí được Hội Phục Việt cử sang Quảng Châu bắt liên lạc với Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên. Tại đây, đồng chí được dự lớp huấn luyện lý luận chính trị do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc trực tiếp giảng dạy, được kết nạp vào Hội Việt Nam cách mạng Thanh niên và nhóm bí mật Cộng sản Đoàn. Từ một thanh niên trí thức yêu nước, đồng chí Trần Phú trở thành một chiến sĩ cộng sản kiên trung.

Hình ảnh đồng chí Trần Phú hoạt động tại Trung Quốc giai đoạn 1926 - 1927. Đầu năm 1927, đồng chí được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang Liên Xô học tại Trường Đại học Phương Đông. (Ảnh: Thu Phương). 

Mùa xuân năm 1927, đồng chí Trần Phú được lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc cử sang học tập tại Trường Đại học Phương Đông của Quốc tế Cộng sản ở Matxcơva (Liên Xô). Những năm tháng học tập ở đây đã giúp đồng chí Trần Phú tích lũy những vấn đề lý luận chuẩn bị cho bước trưởng thành vượt bậc. Tại Hội nghị BCH Trung ương tháng 10/1930, đồng chí Trần Phú được bầu làm Tổng Bí thư của Đảng khi mới 26 tuổi.

Bản Luận cương Chính trị năm 1930 của Đảng Cộng sản Đông Dương do đồng chí Trần Phú khởi thảo và các văn kiện của Đảng trong thời kỳ đồng chí Trần Phú làm Tổng Bí thư đã góp phần hình thành đường lối cơ bản của cách mạng Việt Nam, chỉ đạo phong trào cách mạng vượt qua mọi thử thách, từng bước đi tới thắng lợi vẻ vang.

Ngày 18/4/1931, đồng chí Trần Phú bị địch bắt và bị tra tấn dã man. Với chí khí của người cộng sản kiên trung, đồng chí Trần Phú hiên ngang trước những thủ đoạn hèn hạ của kẻ thù, khẳng định niềm tin sắt son vào thắng lợi của sự nghiệp cách mạng dưới sự lãnh đạo của Đảng. Do bị tra tấn cực hình, ngày 6/9/1931, đồng chí Trần Phú đã trút hơi thở cuối cùng tại Nhà thương Chợ Quán (Sài Gòn), khi mới 27 tuổi.

Tại Nhà trưng bày lưu niệm (trong Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú) đang lưu giữ hơn 100 tài liệu, hiện vật về thân thế, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng của cố Tổng Bí thư. 

Cuộc đời hoạt động cách mạng của đồng chí Trần Phú chưa đầy 10 năm và giữ cương vị Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng chưa đến 1 năm, nhưng đồng chí đã để lại tấm gương sáng ngời của người cộng sản mẫu mực và những đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng, của dân tộc.

Phát huy chí khí chiến đấu của đồng chí Trần Phú và các thế hệ cách mạng tiền bối, từ ngày có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh đã đoàn kết, vượt qua mọi khó khăn, nỗ lực vươn lên giành thắng lợi trên các lĩnh vực. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào, khi đất nước bị ngoại xâm hay trong thời kỳ hòa bình, Hà Tĩnh luôn là địa phương đi đầu trên nhiều lĩnh vực.

Trong những năm 1930-1931, dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhất là khi Đảng bộ tỉnh Hà Tĩnh ra đời (tháng 3/1930), cùng với sức lan tỏa từ tư tưởng, tấm gương cách mạng của đồng chí Trần Phú, Nhân dân Hà Tĩnh đã cùng Nhân dân cả nước thổi bùng ngọn lửa cách mạng 1930-1931, đỉnh cao là Xô viết Nghệ - Tĩnh. Mặc dù bị kẻ thù đàn áp dã man, nhưng Xô viết Nghệ - Tĩnh đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu, giúp Đảng ta kịp thời đề ra đường lối đấu tranh đúng đắn, giành thắng lợi to lớn trong cao trào cách mạng 1936-1939 và 1939-1945, tiếp tục hoàn thiện đường lối cách mạng theo Luận cương Chính trị (tháng 10/1930) do đồng chí Trần Phú chủ trì khởi thảo.

Trong khí thế cách mạng sục sôi, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh cùng đồng bào cả nước đã làm nên cuộc Cách mạng tháng Tám năm 1945 long trời lở đất. Hà Tĩnh là một trong 4 tỉnh giành chính quyền về tay Nhân dân sớm nhất của cả nước. Suốt 9 năm trường kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, Hà Tĩnh đã tập trung củng cố, xây dựng chính quyền cách mạng, đóng góp sức người, sức của, góp phần to lớn cùng cả nước đánh đuổi thực dân Pháp, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ năm 1954, hòa bình được lập lại ở Đông Dương.

Khu mộ cố Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh (Đức Thọ). 

Trong cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ (1954-1975), Hà Tĩnh là một trong những địa bàn chiến lược quan trọng. Trước khó khăn, thử thách vô cùng cam go, ác liệt, quân và dân Hà Tĩnh đã kiên cường chiến đấu, sản xuất, bảo đảm huyết mạch giao thông với tinh thần “Tất cả vì tiền tuyến”, “Tất cả để đánh thắng giặc Mỹ xâm lược”. Những chiến công hiển hách và những đóng góp to lớn của quân và dân Hà Tĩnh đối với sự nghiệp cách mạng đã làm nên chiến thắng ngày 30/4/1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.

Bước vào thời kỳ đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng, phát huy các giá trị truyền thống tốt đẹp của quê hương, tinh thần cách mạng, chí khí của Tổng Bí thư Trần Phú cùng các thế hệ cha anh, sau hơn 30 năm tái lập tỉnh, Đảng bộ và Nhân dân Hà Tĩnh không ngừng chăm lo xây dựng khối đoàn kết trong Đảng, gắn bó mật thiết giữa Đảng với Nhân dân; thường xuyên nỗ lực đổi mới, sáng tạo, phát huy tiềm năng, lợi thế, tìm hướng đi đột phá để kiến tạo môi trường năng động, thông thoáng, giành nhiều kết quả nổi bật trên các lĩnh vực.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nói chuyện với cán bộ và Nhân dân huyện Đức Thọ ngày 28/4/2014. (Ảnh tư liệu: Thanh Hoài). 

Từ một tỉnh nghèo, Hà Tĩnh vươn lên phát triển bền vững. Kinh tế tăng trưởng liên tục với tốc độ cao, năm 2023 đạt 8,05%, đứng thứ 15 cả nước; quý I/2024 tăng trưởng 7,82%, đứng thứ 13 cả nước. Công nghiệp tăng trưởng cao, tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong nền kinh tế; các công trình, dự án trọng điểm phát huy hiệu quả. Khu kinh tế Vũng Áng từng bước vươn mình trở thành trung tâm động lực phát triển của tỉnh và khu vực. Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM được tập trung chỉ đạo quyết liệt, đạt những kết quả nổi bật. Đến nay, toàn tỉnh có 100% xã NTM, 60 xã NTM nâng cao, 15 xã NTM kiểu mẫu, 9/13 huyện đạt chuẩn NTM.

Lĩnh vực văn hóa - xã hội phát triển toàn diện. Các giá trị di sản văn hóa được bảo tồn, phát huy; Hà Tĩnh có 2 danh nhân và 5 di sản văn hóa phi vật thể được UNESCO vinh danh. Khu di tích Tổng Bí thư Trần Phú ở xã Tùng Ảnh, huyện Đức Thọ đã và đang được trùng tu, tôn tạo, mở rộng, là địa chỉ đỏ giáo dục truyền thống cách mạng cho các tầng lớp nhân dân. Giáo dục và đào tạo luôn đứng tốp đầu cả nước; đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao. Công tác an sinh xã hội thường xuyên được quan tâm. Từ năm 2020 đến nay, tỉnh đã huy động xã hội hóa xây dựng 105 nhà văn hóa cộng đồng kết hợp tránh trú bão lũ; gần 8.000 nhà ở kiên cố cho người dân; Quỹ học bổng của tỉnh đã hỗ trợ 318 em học sinh gặp hoàn cảnh đặc biệt khó khăn vào học đại học.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cùng đoàn công tác Trung ương và lãnh đạo tỉnh Hà Tĩnh kiểm tra, chỉ đạo các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công dự án đường bộ cao tốc Bắc - Nam qua Hà Tĩnh (tháng 5/2023). (Ảnh: Văn Đức). 

Công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị được quan tâm, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của Đảng được nâng lên, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Thực hiện hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và các quy định về việc nêu gương. Công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực được triển khai thực hiện nghiêm túc. Quốc phòng - an ninh, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Thời gian tới, bên cạnh những thời cơ, vận hội mới, thì còn không ít khó khăn, thách thức, đòi hỏi từng tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân phải tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, tăng cường đoàn kết, thống nhất, khơi dậy ý chí, khát vọng của người Hà Tĩnh, phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đã đề ra. Thường xuyên chăm lo công tác xây dựng Đảng trên các mặt: chính trị, tư tưởng, đạo đức, tổ chức và cán bộ. Chú trọng xây dựng và nâng cao uy tín của từng tổ chức đảng, từng cơ quan, đơn vị.

Đồng chí Trương Thị Mai - Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương và các đồng chí lãnh đạo tỉnh thăm hỏi người dân làng vạn chài Tiền Phong, xã Quang Vĩnh, huyện Đức Thọ (tháng 8/2023). (Ảnh: Đức Hà). 

Tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn với thực hiện nghiêm túc quy định về những điều đảng viên không được làm, các nghị quyết của Trung ương, của tỉnh; phát huy tính tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên, trước hết là các đồng chí trong thường trực, BTV, bí thư cấp ủy và người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Củng cố, kiện toàn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị từ tỉnh đến cơ sở. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, phòng, chống tham nhũng, tiêu cực. Nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Phát huy vai trò MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội và Nhân dân tham gia góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, giám sát và phản biện xã hội.

Triển khai đồng bộ, quyết liệt và hiệu quả Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050; hoàn chỉnh các quy hoạch vùng, ngành; gắn với chiến lược phát triển kinh tế bền vững vùng Bắc Trung Bộ và duyên hải Trung Bộ. Đẩy mạnh thu hút đầu tư, nhất là các ngành trọng điểm, Khu kinh tế Vũng Áng. Tạo điều kiện thuận lợi để các dự án trọng điểm triển khai, đi vào hoạt động theo kế hoạch, phấn đấu dự án Nhiệt điện Vũng Áng 2 vận hành thử vào cuối năm 2024; đường cao tốc Bắc - Nam đoạn qua Hà Tĩnh hoàn thành trong năm 2025; khởi công dự án hạ tầng Khu công nghiệp VSIP trong dịp kỷ niệm 120 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú; xúc tiến triển khai một số dự án lớn đã cam kết tại Hội nghị Xúc tiến đầu tư năm 2023. Phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành Trung ương để sớm có phương án đối với dự án khai thác mỏ sắt Thạch Khê.

Tập trung thực hiện Đề án “Thí điểm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025”; phấn đấu đạt chuẩn NTM nâng cao đối với các huyện Đức Thọ, Thạch Hà, Can Lộc; huyện Nghi Xuân đạt chuẩn NTM kiểu mẫu, điển hình về văn hóa gắn với phát triển du lịch; các huyện Kỳ Anh, Hương Khê phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2024. Tiếp tục thực hiện việc dồn điền, đổi thửa, tích tụ ruộng đất, tạo điều kiện để các doanh nghiệp, HTX đầu tư, liên kết sản xuất các mô hình nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn; áp dụng KHKT vào sản xuất, tăng năng suất, giá trị sản phẩm, mở rộng thị trường xuất khẩu nông sản, giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người nông dân.

Triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 18-NQ/TU của BCH Đảng bộ tỉnh khóa XIX về xây dựng, phát triển văn hóa và con người Hà Tĩnh trong giai đoạn mới; đảm bảo sự hài hòa giữa phát triển kinh tế với văn hóa, thực sự coi văn hóa là nền tảng tinh thần của xã hội, là động lực, mục tiêu của sự phát triển; tiếp tục khơi dậy và phát huy mạnh mẽ ý chí, sức mạnh, truyền thống văn hóa, con người Hà Tĩnh giàu lòng yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, hiếu học, vượt khó vươn lên, sống nhân ái, nghĩa tình...

Nhà máy Nhiệt điện Vũng Áng 2 dự kiến hoạt động thương mại vào năm 2025. (Ảnh: Thu Trang). 

Quan tâm công tác an sinh xã hội, tiếp tục thực hiện tốt chính sách đối với người có công, giảm nghèo bền vững, chương trình nhà ở, hỗ trợ học sinh gặp hoàn cảnh khó khăn, chăm lo các đối tượng yếu thế; đẩy mạnh đào tạo nghề, giải quyết việc làm, xuất khẩu lao động, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho Nhân dân.

Tập trung cải cách hành chính, nâng cao Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI); đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin, đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo môi trường bình đẳng, thuận lợi để thu hút đầu tư.

Tăng cường công tác đảm bảo an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, nắm chắc và dự báo đúng tình hình; quan tâm giải quyết các kiến nghị, phản ánh của Nhân dân, kịp thời xử lý các vụ việc phát sinh ngay tại cơ sở. Mở rộng, nâng cao hiệu quả các hoạt động đối ngoại với các đối tác nhằm thúc đẩy thương mại và đầu tư. Thắt chặt quan hệ hợp tác toàn diện với các tỉnh của nước bạn Lào.

Phát huy truyền thống tốt đẹp của quê hương, noi gương đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Hà Tĩnh tiếp tục đoàn kết, thống nhất, khắc phục mọi khó khăn, nỗ lực quyết tâm xây dựng tỉnh Hà Tĩnh giàu mạnh, văn minh, xứng đáng với quê hương cách mạng, quê hương Tổng Bí thư đầu tiên của Đảng./.

Hoàng Trung Dũng, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hà Tĩnh.

Theo: dangcongsan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày