Thứ 6, 10/01/2025, 10:34[GMT+7]

Dự báo sát tình hình tháng 5 và quý II để đề ra các nhiệm vụ, giải pháp

Thứ 7, 04/05/2024 | 14:35:47
857 lượt xem
Sáng 4/5, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4 nhằm đánh giá, phân tích tình hình phát triển kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm, tình hình giải ngân vốn đầu tư công, 3 Chương trình mục tiêu quốc gia; công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; bàn các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm thời gian tới…

Quang cảnh phiên họp.

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, phiên họp này nhằm đánh giá tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng qua; đánh giá các trọng tâm, trọng điểm của công tác chỉ đạo, điều hành, lãnh đạo; phân tích, đánh giá các kết quả đạt được, những gì tích cực, những gì “đi ngang, đi xuống”, đâu là các khó khăn, vướng mắc? Phân tích các nguyên nhân khách quan, chủ quan, nhất là nguyên nhân do sự lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành của chúng ta, đặc biệt cần lưu ý rút ra bài học kinh nghiệm; phải chăng những kết quả đạt được thời gian qua là nhờ chúng ta đã nắm bắt sát tình hình, có phản ứng chính sách kịp thời, hiệu quả?

Thủ tướng cũng nhấn mạnh bài học về đề cao trách nhiệm cá nhân, nhất là của các Bộ trưởng, trưởng ngành, các thành viên Chính phủ; vấn đề tăng cường giám sát, kiểm tra “từ sớm, từ xa, từ cơ sở, ngay từ lúc đầu”, không để tích tụ sai phạm nhỏ thành lớn, “vừa mất thời gian, tiền bạc, con người”. Theo Thủ tướng, nhìn lại từ nhiều vụ việc vừa qua cho thấy công tác giám sát, kiểm tra đạt hiệu quả thấp.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp.

Thủ tướng nêu rõ, thời gian tới, chúng ta phải dự báo sát tình hình tháng 5 và quý II này, nhất là đánh giá tình hình có gì mới, đột biến không? Từ đó đề ra các nhiệm vụ, giải pháp có tính căn cơ, lâu dài, vừa có tính tình thế trước mắt, … để hoàn thành nhiệm vụ của năm 2024 theo tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP; giải quyết những vấn đề tồn đọng, kéo dài, nhất là những việc đã kéo dài 2-3 nhiệm kỳ trong khi chúng ta tại sao có việc thì lại giải quyết rất nhanh. Thủ tướng yêu cầu các cấp, các ngành, địa phương phải thực hiện tinh thần “làm việc nào dứt việc đó” vì thời gian ít, nguồn lực có hạn, yêu cầu thì cao, công việc thì nhiều. Thủ tướng nhấn mạnh các trọng tâm tháng 5 này như chuẩn bị cho Hội nghị Trung ương và kỳ họp tới của Quốc hội; cùng với đó, giải quyết các vấn đề đột xuất, bất ngờ như hạn hán, bão lũ…

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tình hình kinh tế-xã hội tháng 4 và 4 tháng tiếp tục đạt được nhiều kết quả quan trọng, đáng khích lệ, thể hiện qua 10 nhóm kết quả nổi bật:

Kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4 tăng 4,4% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 3,93%. Tỷ giá được điều hành linh hoạt, kịp thời, chủ động có biện pháp can thiệp, bảo đảm cân đối hài hòa với điều hành lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng. Thu ngân sách nhà nước 4 tháng ước đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1% so với cùng kỳ; kim ngạch xuất nhập khẩu, xuất khẩu, nhập khẩu 4 tháng tăng lần lượt là 15,2%, 15% và 15,4% so với cùng kỳ; ước xuất siêu 8,4 tỷ USD; xuất khẩu sang các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc... đều tăng trưởng cao; các cân đối lớn được bảo đảm, đáp ứng nhu cầu điện cho sản xuất kinh doanh, sinh hoạt của người dân.

Tổng vốn FDI đăng ký 4 tháng đạt gần 9,3 tỷ USD, tăng 4,5% so với cùng kỳ năm 2023, trong đó FDI đăng ký mới đạt hơn 7,1 tỷ USD, tăng 73,2%; vốn thực hiện đạt 6,3 tỷ USD, tăng 7,4%. Nhiều doanh nghiệp công nghệ lớn toàn cầu đã thể hiện mong muốn hợp tác đầu tư vào các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo... của Việt Nam. Giải ngân đầu tư công 4 tháng đạt 17,46% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ năm 2023 (15,65%), đã đưa lượng vốn lớn ra nền kinh tế để hỗ trợ cho tăng trưởng và phát triển.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh tiếp tục chuyển biến tích cực. Sản xuất, xuất khẩu nông nghiệp tiếp tục duy trì đà tăng trưởng: Chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) tháng 4 tăng 6,3% so với cùng kỳ năm trước; tính chung 4 tháng tăng 6% (cùng kỳ giảm 2,5%), trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 6,3% (cùng kỳ giảm 2,9%). Chỉ số quản trị nhà mua hàng (PMI) tháng 4 đạt 50,3 điểm, số lượng đơn đặt hàng mới tăng trở lại. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 4 tăng 9% so với cùng kỳ, tính chung 4 tháng tăng 8,5% (3 tháng tăng 8,2%); khách quốc tế 4 tháng đạt gần 6,2 triệu lượt người, tăng 68,3% so với cùng kỳ và tăng 3,9% so cùng kỳ năm 2019 (năm trước dịch Covid-19).

Tình hình đăng ký doanh nghiệp có dấu hiệu tích cực hơn. Trong tháng 4, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là 15,3 nghìn doanh nghiệp, cao hơn số rút lui khỏi thị trường (13,6 nghìn doanh nghiệp); doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và giải thể lần lượt giảm 20,2% và 10,9% so với cùng kỳ. Tính chung 4 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường là gần 81,3 nghìn doanh nghiệp, tăng 3% so với cùng kỳ; số doanh nghiệp chờ làm thủ tục giải thể và đã giải thể là 25,5 nghìn doanh nghiệp, giảm 5,3%...

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày