Thứ 6, 10/01/2025, 10:32[GMT+7]

Kỷ niệm 206 năm ngày sinh Các Mác (5/5/1818-5/5/2024) Nhà lý luận thiên tài, lãnh tụ vĩ đại của giai cấp công nhân và nhân dân lao động trên toàn thế giới

Chủ nhật, 05/05/2024 | 09:53:29
2,254 lượt xem
Cuộc đời và di sản tư tưởng của Karl Marx (5/5/1818-14/3/1883) cũng như học thuyết của ông đã đi vào lịch sử nhân loại và có ảnh hưởng to lớn trong mọi thời đại. V.I.Lenin nhận định rằng điểm cốt yếu của học thuyết Marx là soi sáng vai trò lịch sử toàn thế giới của giai cấp công nhân với tư cách là người xây dựng xã hội chủ nghĩa thay thế xã hội tư bản.

Tượng đài Karl Marx tại Thủ đô Moscow của Nga. Ảnh: GETTY

Khi nghiên cứu vào lịch sử vào trong đời sống xã hội, Marx và học thuyết của ông đã xuất phát từ con người hiện thực, với hoạt động thực tiễn trở thành động lực thúc đẩy xã hội vận động và phát triển. Lý luận của chủ nghĩa Marx-Lenin đã trở thành thế giới quan, phương pháp luận, là lăng kính định hướng cho giai cấp công nhân và phong trào cộng sản trên toàn thế giới, đấu tranh giải phóng dân tộc, xóa bỏ chế độ người bóc lột người, hướng tới xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội.

Kế thừa những hạt nhân hợp lý của các nhà tư tưởng trước đó, tổng kết thành tựu của nhân loại, bằng trí tuệ uyên bác, tinh thần nhân văn cao cả, Marx và người bạn vĩ đại của ông - Friedrich Engels đã xây dựng quan điểm về xây dựng xã hội phát triển, hạnh phúc một cách khoa học và cách mạng. Những quan điểm đó đến nay vẫn mang ý nghĩa lý luận, thực tiễn và giá trị thời đại hết sức sâu sắc, trở thành những định hướng quan trọng cho Ðảng Cộng sản Việt Nam nghiên cứu, vận dụng để khơi dậy khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ rõ: “chỉ có chủ nghĩa xã hội, chủ nghĩa cộng sản mới giải phóng được các dân tộc bị áp bức và những người lao động trên thế giới khỏi ách nô lệ”, “cách mạng giải phóng dân tộc phải phát triển thành cách mạng xã hội chủ nghĩa thì mới giành được thắng lợi hoàn toàn”. Kể từ đó, chủ nghĩa Marx-Lenin được tuyên truyền, giáo dục và vận dụng sáng tạo vào thực tiễn cách mạng Việt Nam, giành thắng lợi trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, giải phóng hoàn toàn miền nam, thống nhất đất nước năm 1975, giữ vững chủ quyền biên giới, hải đảo của Việt Nam và xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong gần 40 năm đổi mới tiếp tục khẳng định sự vận dụng sáng tạo, đúng đắn chủ nghĩa Marx-Lenin của Ðảng Cộng sản Việt Nam vào điều kiện cụ thể ở nước ta, là tiền đề và điều kiện tiên quyết xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội mang bản sắc Việt Nam, hiện thực hóa thành công khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Cho đến nay, chủ nghĩa Marx-Lenin vẫn là hệ thống lý luận quan trọng trong đường lối chiến lược cách mạng của Ðảng Cộng sản Việt Nam nhằm kiên định mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội, phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Chủ nghĩa Marx-Lenin đã luận giải chi tiết những quy luật tạo động lực cho sự phát triển kinh tế, xã hội như quy luật quan hệ sản xuất phù hợp với trình độ phát triển của lực lượng sản xuất, quy luật quan hệ biện chứng giữa cơ sở hạ tầng và kiến trúc thượng tầng, giữa kinh tế và chính trị, quy luật về cách mạng xã hội… Ðây đều là những quy luật xã hội quan trọng góp phần thúc đẩy đất nước phát triển kinh tế, tạo nên bước tiến lớn góp phần tăng trưởng kinh tế. Chủ nghĩa Marx là cơ sở vững chắc để Ðảng Cộng sản Việt Nam đề ra đường lối đổi mới đất nước, hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, khai thác tối đa mọi nguồn lực của đất nước. Trên cơ sở giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế cho mỗi giai tầng trong xã hội, từ đó tạo động lực thúc đẩy tính tự giác, tích cực cho người lao động, giải phóng sức sản xuất thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế. Không ngừng đa dạng các loại hình phân phối, đổi mới cơ cấu kinh tế để nâng cao chất lượng, hiệu quả sức cạnh tranh, tạo động lực quan trọng để phát triển đất nước.

Marx từng chỉ rõ tính tất yếu của việc xây dựng nhà nước vô sản trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội: “Giữa xã hội tư bản chủ nghĩa và xã hội cộng sản chủ nghĩa là một thời kỳ cải biến cách mạng từ xã hội nọ sang xã hội kia. Thích ứng với thời kỳ ấy là một thời kỳ quá độ chính trị, và nhà nước của thời kỳ ấy không thể là cái gì khác hơn là nền chuyên chính cách mạng của giai cấp vô sản”. Nhà nước ta hiện nay là nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, với nhiều nỗ lực trong thực hiện chức năng quản lý xã hội theo pháp luật và tổ chức nhân dân tiến hành sự nghiệp đổi mới. Từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, tổ chức bộ máy, đội ngũ cán bộ công chức, viên chức và cơ chế vận hành, nhất là vận dụng quá trình chuyển đổi số góp phần thực hiện các mục tiêu trong xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam hiện nay.

Muốn xây dựng đất nước phồn vinh, hạnh phúc tất yếu vấn đề nguồn nhân lực phải được đề cao. Marx từng nhấn mạnh: “Trong tất cả những công cụ sản xuất, thì lực lượng sản xuất hùng mạnh nhất là bản thân giai cấp cách mạng”. Vận dụng quan điểm đúng đắn của chủ nghĩa Marx-Lenin về vai trò của nguồn nhân lực đối với sự nghiệp cách mạng, Ðảng và Nhà nước Việt Nam rất quan tâm tới công tác giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, công tác y tế, chăm sóc sức khỏe, nâng cao thể lực, tầm vóc con người Việt Nam, tăng cường công tác giáo dục tư tưởng lý luận, đạo đức cách mạng cho mọi giai cấp, tầng lớp nhân dân Việt Nam. Xác định giai cấp cách mạng là khối liên minh công nông, trí thức, doanh nhân và những người lao động chân chính khác dưới sự lãnh đạo của Ðảng Cộng sản Việt Nam.

Học thuyết Marx chỉ rõ con người sáng tạo ra văn hóa thông qua hoạt động có ý thức, mục đích về đời sống xã hội nhằm cải biến, sáng tạo làm cho cuộc sống tốt đẹp hơn. Văn hóa là do quần chúng nhân dân sáng tạo ra để nâng cao chất lượng cuộc sống. Trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội, Ðảng và Nhà nước Việt Nam luôn coi trọng, phát triển văn hóa. Ðại hội Ðảng lần thứ XIII chỉ rõ: “Phát triển con người toàn diện và xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc để văn hóa, con người Việt Nam thực sự trở thành sức mạnh nội sinh, động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc”.

Trên mặt trận kinh tế, chủ nghĩa Marx-nin tạo cơ sở quan trọng nâng cao đời sống nhân dân và vị thế Việt Nam trên trường quốc tế; đấu tranh chống lại sự nghèo nàn, lạc hậu để tiếp tục phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa; xây dựng và thực hiện các giải pháp thúc đẩy tăng trưởng kinh tế với bảo đảm bình đẳng công bằng xã hội và an sinh xã hội, đấu tranh chống lại mọi sự phá hoại về mặt kinh tế của các thế lực thù địch... Về chính trị, tư tưởng, văn hóa: Kiên trì giữ vững đoàn kết, nhất trí trong Ðảng và tinh thần đoàn kết toàn dân, bảo đảm vai trò lãnh đạo của Ðảng và định hướng xã hội chủ nghĩa, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng, quyết liệt đấu tranh, phản bác với những luận điệu sai trái, thù địch, những biểu hiện phản văn hóa, đấu tranh với tình trạng tham nhũng, lãng phí, suy thoái tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ Ðảng và trong mỗi cán bộ, đảng viên...

Muốn xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội, Ðảng và nhân dân Việt Nam luôn phải giữ sự kiên định mục tiêu và lý tưởng cách mạng, giữ vững ổn định chính trị, xã hội. Lênin từng khẳng định: “Chúng ta không hề coi lý luận của Marx như là một cái gì đã xong xuôi hẳn và bất khả xâm phạm; trái lại, chúng ta tin rằng lý luận đó chỉ đặt nền móng cho môn khoa học mà những người xã hội chủ nghĩa cần phải phát triển hơn nữa về mọi mặt, nếu họ không muốn trở thành lạc hậu đối với cuộc sống”. Vì thế trong giai đoạn hiện nay cần liên tục kế thừa, bổ sung, chọn lọc những nội dung lý luận khoa học của chủ nghĩa Marx-Lenin. Tăng cường bảo vệ chủ nghĩa Marx-Lenin, bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng Cộng sản Việt Nam. Bồi dưỡng, giáo dục lý luận chính trị nói chung, chủ nghĩa Marx-Lenin nói riêng cho đội ngũ cán bộ, đảng viên và nhân dân, gắn lý luận với thực tiễn, khắc phục tình trạng giáo điều trong nghiên cứu và học tập lý luận... Từ đó tạo những tiền đề, cơ sở lý luận quan trọng và cần thiết góp phần xây dựng và phát triển đất nước Việt Nam ổn định, phồn vinh và hạnh phúc.

TIẾN SĨ MAI DIỆU ANH 

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày