Tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 đạt hơn 83 nghìn tỷ đồng
Trên đây là thông tin được đưa ra trong báo cáo của Chính phủ về công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023 gửi đến phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội chiều 15/5.
Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến, đạt kết quả tích cực
Báo cáo nêu rõ, trong năm vừa qua, công tác thực hành tiết kiệm, chống lãng phí có nhiều chuyển biến và đạt được kết quả quan trọng, tích cực trên các lĩnh vực; nhận thức, trách nhiệm về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí của các Bộ, ngành, địa phương được nâng lên.
Về quản lý, điều hành ngân sách Nhà nước, công tác điều hành chi ngân sách nhà nước năm vừa qua được thực hiện chủ động, chặt chẽ theo dự toán, đảm bảo đúng chính sách, chế độ, triệt để tiết kiệm chi thường xuyên, cắt giảm những nhiệm vụ chi chưa thực sự cần thiết, chậm triển khai.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành nội dung phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).
Tổng số tiết kiệm kinh phí, vốn nhà nước năm 2023 theo báo cáo của các bộ, ngành, địa phương là 83.087 tỷ đồng. Đến hết năm 2023, dự phòng ngân sách Trung ương đã sử dụng hết để bổ sung kinh phí cho các bộ, cơ quan trung ương (23,4 nghìn tỷ đồng) và hỗ trợ cho các địa phương (14,5 nghìn tỷ đồng).
Công tác quản lý, mua sắm tài sản công tại các bộ, ngành và địa phương năm 2023 tiếp tục chuyển biến, đảm bảo chặt chẽ, tiết kiệm. Tổng số cơ sở nhà, đất đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt là 183.044 cơ sở (đạt 69,8%); tổng số cơ sở nhà, đất còn phải sắp xếp là 79.404 cơ sở; trong đó Bộ Tài chính đã phê duyệt mới phương án sắp xếp lại, xử lý đối với 379 cơ sở nhà, đất của khối bộ, cơ quan trung ương.
Về đầu tư xây dựng, đầu tư công, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ quyết liệt công tác giải ngân vốn đầu tư công ngay từ đầu năm. Cải cách thể chế về đầu tư công tiếp tục được quan tâm, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai dự án, góp phần đẩy nhanh tiến độ thực hiện giải ngân vốn đầu tư công. Lũy kế thanh toán từ đầu năm 2023 đến ngày 31/1/2024 là 661.705 tỷ đồng, đạt 80,75% kế hoạch, đạt 92,99% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Trong quản lý, khai thác, sử dụng tài nguyên, năm 2023 cả nước đã cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đạt trên 23,6 triệu ha (chiếm tỷ lệ 97,6% diện tích cần cấp); ngành Tài nguyên và Môi trường đã tham mưu, xử lý 172 dự án, công trình không đưa đất vào sử dụng, chậm đưa đất vào sử dụng, với diện tích 6.922ha.
Cũng theo báo cáo, Chính phủ đã ban hành 27 Nghị định về chức năng, nhiệm vụ và cơ cấu tổ chức của các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; các bộ, ngành đã giảm 17 tổng cục và tổ chức tương đương; giảm 10 Cục và 144 Vụ/Ban thuộc tổng cục và thuộc bộ; giảm 108 phòng trong Vụ/Ban thuộc bộ, ngành; giảm 22 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc bộ, ngành. Các địa phương giảm 13 sở và tổ chức hành chính khác thuộc UBND cấp tỉnh; 2.572 tổ chức phòng và tương đương thuộc cơ quan chuyên môn UBND cấp tỉnh, cấp huyện; đồng thời tiếp tục rà soát, sắp xếp lại đơn vị sự nghiệp công lập, tính đến hết năm 2023 đã giảm 7.867 đơn vị sự nghiệp công lập (năm 2023 giảm 236 đơn vị), còn 46.385 đơn vị.
Trong quản lý, sử dụng vốn và tài sản nhà nước tại doanh nghiệp, năm 2023, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tiếp tục đẩy mạnh sắp xếp, cổ phần hóa, thoái vốn, cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước; theo đó đã thoái vốn nhà nước tại 5 doanh nghiệp với giá trị 11,7 tỷ đồng, thu về 24 tỷ đồng; các Tập đoàn, Tổng công ty, doanh nghiệp nhà nước đã thoái vốn tại 7 doanh nghiệp với giá trị là 53,5 tỷ đồng, thu về 206,3 tỷ đồng.
Công tác xử lý các dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả đã có tiến triển tích cực, đạt nhiều kết quả quan trọng; đã có 8/12 dự án, doanh nghiệp đã được Bộ Chính trị đồng ý chủ trương, định hướng xử lý cụ thể; sau khi có phương án xử lý, một số dự án, doanh nghiệp có lãi, giảm lỗ lũy kế, đã đóng góp cho ngân sách nhà nước, giảm dư nợ trung hạn và dài hạn của các dự án/doanh nghiệp.
Giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai
Ghi nhận những kết quả tích cực đạt được trong thực hành tiết kiệm, chống lãng phí năm 2023, song Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội (cơ quan thẩm tra) cho rằng vẫn còn một số tồn tại, hạn chế, lãng phí, là nguy cơ dẫn đến tham nhũng, tiêu cực.
Công tác hoàn thiện thể chế có nhiều kết quả tích cực, tuy nhiên có những tồn tại, hạn chế qua nhiều năm nhưng chưa được khắc phục. Một số Bộ, ngành chưa thực hiện đúng kế hoạch lập pháp, còn tình trạng chậm đưa vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh; có dự án luật khi trình chưa bảo đảm chất lượng, hồ sơ chưa đúng quy định; tình trạng chậm ban hành văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành luật, pháp lệnh tiếp tục diễn ra.
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh trình bày báo cáo thẩm tra tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).
“Sự chồng chéo, mâu thuẫn giữa các quy định trong hệ thống pháp luật về đầu tư, đất đai, bất động sản, nhà ở, xây dựng, quy hoạch cũng như việc thực thi thiếu nhất quán của một số địa phương khiến cho việc triển khai các dự án đầu tư gặp nhiều khó khăn, ách tắc, lãng phí, nhiều dự án phải dừng thi công do vướng thủ tục pháp lý, doanh nghiệp khó khăn trong tiếp cận nguồn vốn tín dụng, trái phiếu doanh nghiệp…”, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ.
Việc triển khai thực hiện 3 Chương trình mục tiêu quốc gia tiếp tục chậm, làm lãng phí, giảm hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, ảnh hưởng lớn đến mục tiêu của các chương trình. Tỷ lệ giải ngân vốn ngân sách trung ương nhất là kinh phí sự nghiệp thấp, chỉ đạt 46,77% kế hoạch bao gồm cả vốn năm 2022 được kéo dài thời gian thực hiện, giải ngân sang năm 2023.
Công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất của các doanh nghiệp nhà nước chậm; còn tình trạng trụ sở làm việc, nhà ở công vụ và công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương để hoang hóa, lãng phí; việc xử lý, sắp xếp sử dụng tài sản công ở các đơn vị hành chính sau sáp nhập, nhất là tại các huyện, xã khu vực miền núi còn lãng phí do thiếu cơ chế, chính sách, pháp luật để xử lý.
Trong thời gian tới, Thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách đề nghị Chính phủ tiếp tục siết chặt kỷ cương - kỷ luật tài chính; có giải pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế trong triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia và đầu tư công; tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những vi phạm trong đấu thầu, triển khai các dự án đầu tư công, mua sắm hàng hóa, trang thiết bị, vật tư.
Đồng thời, đẩy mạnh công tác sắp xếp lại cơ sở nhà, đất, tiếp tục hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về tài sản công; quản lý chặt chẽ, có phương án xử lý tình trạng để hoang hóa, lãng phí trụ sở làm việc, nhà ở công vụ, công trình phúc lợi công cộng tại một số địa phương.
Cùng với đó, khẩn trương hoàn thành việc xây dựng và vận hành cơ sở dữ liệu đất đai; giải quyết dứt điểm tình trạng lãng phí tài nguyên đất đai của các dự án chậm đưa vào sử dụng, để hoang hóa, đất của các nông lâm trường, các dự án bị dừng thực hiện sau thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Tham gia ý kiến thảo luận, các đại biểu đề nghị báo cáo của Chính phủ cần phân tích, làm rõ nguyên nhân của tình trạng chậm giải ngân vốn đầu tư công; các phương án xử lý, sắp xếp tài sản công, các đơn vị hành chính sau khi sáp nhập; giải pháp đồng bộ trên các lĩnh vực để quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực…
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Bồi dưỡng, cập nhật kiến thức đối với cán bộ lãnh đạo, quản lý tỉnh Thái Bình năm 2024
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu