Thứ 6, 29/11/2024, 07:53[GMT+7]

Chưa đưa đấu giá biển số xe ô-tô vào Luật Đấu giá tài sản

Thứ 3, 21/05/2024 | 16:41:07
1,599 lượt xem
Theo đại diện Ủy ban Thường vụ Quốc hội, do thời gian thực hiện Nghị quyết thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô đến nay chưa được 1 năm nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật Đấu giá tài sản.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Chiều 21/5, tiếp tục Chương trình Kỳ họp thứ 7, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội thảo luận phiên toàn thể tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải điều hành phiên họp.

Mở đầu phiên làm việc buổi chiều, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Báo cáo tiếp thu, chỉnh lý, giải trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết, tại Kỳ họp thứ 6 (tháng 10-11/2023), Quốc hội đã xem xét, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Ủy ban Kinh tế (Cơ quan chủ trì thẩm tra) phối hợp với Bộ Tư pháp (Cơ quan chủ trì soạn thảo), Ủy ban Pháp luật và các cơ quan hữu quan nghiên cứu tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật.

Chưa đưa đấu giá biển số xe ô-tô vào Luật

Liên quan đến vấn đề đang được dư luận quan tâm là đấu giá biển số xe ô-tô, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Vũ Hồng Thanh cho biết: Hiện việc đấu giá biển số xe ô-tô đang được thực hiện thí điểm theo Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội. Theo đó, Nghị quyết số 73/2022/QH15 được thực hiện trong 3 năm kể từ ngày 1/7/2023, Chính phủ báo cáo Quốc hội kết quả thực hiện Nghị quyết và đề xuất hoàn thiện pháp luật về đấu giá biển số xe ô-tô tại Kỳ họp đầu năm 2026.

Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

"Do thời gian thực hiện Nghị quyết thí điểm này đến nay chưa được 1 năm nên cần thêm thời gian để đánh giá và tổng kết trước khi xem xét đưa vào Luật", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội thông tin.

Bên cạnh đó, hồ sơ dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản do Chính phủ trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 cũng chưa có nội dung đề nghị luật hóa các quy định của Nghị quyết số 73/2022/QH15 tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH ngày 21/3/2024 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề nghị Chính phủ sớm có ý kiến chính thức bằng văn bản về việc luật hóa các quy định tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 ngày 15/11/2022 của Quốc hội về thí điểm đấu giá biển số xe ô-tô. Tuy nhiên, đến nay, Chính phủ chưa có văn bản về nội dung này theo yêu cầu tại Thông báo Kết luận số 3433/TB-TTKQH nên chưa có cơ sở để luật hóa các nội dung tại Nghị quyết số 73/2022/QH15 tại dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản.

Về đề nghị bổ sung quyền sử dụng kho số quản lý phương tiện giao thông vận tải là tài sản phải đấu giá và cùng thuộc một nhóm kho số viễn thông và kho số khác phục vụ quản lý nhà nước, Thường vụ Quốc hội cho biết sẽ do pháp luật chuyên ngành quy định. Vì thế, chưa bổ sung các loại tài sản này tại dự thảo luật.

Đề xuất tăng lũy tiến tiền cọc

Liên quan đến chế tài xử lý vi phạm đối với người trúng đấu giá không nộp tiền trúng đấu giá (Điều 70), dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp người trúng đấu giá quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản mà vi phạm nghĩa vụ thanh toán tiền trúng đấu giá dẫn đến quyết định công nhận kết quả đấu giá bị huỷ thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm bị cấm tham gia đấu giá đối với loại tài sản đó trong thời hạn từ 6 tháng đến 5 năm trên cơ sở nghiên cứu, tham khảo quy định tại Điều 87 của Luật Đấu thầu năm 2023.

Biện pháp trên nhằm ngăn chặn các hành vi tiêu cực, gây lũng đoạn thị trường, ngăn chặn tình trạng bỏ cọc hoặc thổi phồng giá trị tài sản để trục lợi trong hoạt động đấu giá tài sản.

Đồng thời, dự thảo Luật đã bổ sung quy định về cơ quan có thẩm quyền quyết định cấm tham gia đấu giá là cơ quan có thẩm quyền phê duyệt kết quả trúng đấu giá; quyết định cấm tham gia hoạt động đấu giá phải được gửi cho tổ chức, cá nhân bị xử lý và cơ quan, tổ chức có liên quan, đồng thời gửi đến Bộ Tư pháp và phải đăng tải trên Cổng Đấu giá tài sản quốc gia và giao Chính phủ quy định chi tiết các nội dung này.

Quang cảnh phiên họp buổi chiều ngày 21/5. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Đối với một số tài sản đặc thù, có giá trị lớn có thể tác động đến thị trường chứng khoán, bất động sản, dự thảo Luật quy định rõ hơn: Mức tiền đặt trước tối thiểu là 10% và tối đa là 20% giá khởi điểm. Quy định này nhằm hạn chế tình trạng người đấu giá bỏ cọc, bảo đảm thống nhất với quy định của pháp luật hiện hành về khoáng sản, đất đai, tần số vô tuyến điện… và thực tiễn áp dụng việc đấu giá đối với một số loại tài sản đặc thù này.

Dự thảo Luật đã bổ sung trường hợp đấu giá quyền cho thuê tài sản mà giá khởi điểm được xác định theo đơn giá thuê hằng năm thì tiền đặt trước tối thiểu là 5% và tối đa là 20% giá khởi điểm nhân với thời hạn cho thuê.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng cho rằng, việc nâng mức tiền đặt trước đối với một số tài sản đặc thù như quyền sử dụng đất đối với trường hợp giao đất, cho thuê đất để thực hiện dự án đầu tư, quyền khai thác khoáng sản và tài sản khác là không phù hợp vì các tài sản đặc thù này thường có giá trị rất lớn. Theo Báo cáo của Bộ Tư pháp, quá trình triển khai quy định về mức tiền đặt trước từ 5% đến 20% của Luật hiện hành cơ bản phù hợp với thực tiễn, tạo điều kiện thu hút được nhiều người tham gia đấu giá.

Như vậy, việc nâng mức tiền đặt trước chưa xử lý triệt để được tình trạng bỏ cọc sau khi trúng đấu giá tài sản mà còn hạn chế số lượng người đủ điều kiện tham gia đấu giá tài sản, nhất là những nhà đầu tư quy mô nhỏ nhưng có tiềm năng; đồng thời, việc xử lý tình trạng người trúng đấu giá “bỏ cọc” phải được xử lý bằng các hình thức khác chứ không chỉ bằng cách quy định nâng mức tiền đặt trước.

"Tuy nhiên trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu để hoàn thiện quy định tiền đặt trước theo hướng tăng theo lũy kế sau mỗi bước giá khi sửa đổi toàn diện Luật Đấu giá tài sản nhằm ngăn chặn việc người tham gia đấu giá trả giá cao bất thường trong quá trình đấu giá nhưng sau đó bỏ cọc", Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nhấn mạnh.

Dự thảo Luật sau khi được tiếp thu, chỉnh lý đã sửa đổi, bổ sung 43 điều và bãi bỏ 3 điều của Luật hiện hành; bổ sung 3 điều mới; tăng 18 khoản so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6 nhưng chủ yếu là sửa về mặt kỹ thuật lập pháp, không phát sinh nhiều chính sách mới. 


Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày