Thứ 6, 29/11/2024, 05:25[GMT+7]

Đề xuất công khai thông tin doanh nghiệp chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Thứ 2, 27/05/2024 | 19:10:09
897 lượt xem
Việc công khai thông tin các doanh nghiệp chậm hoặc trốn đóng bảo hiểm xã hội sẽ giúp người lao động có đầy đủ thông tin trước khi quyết định lựa chọn doanh nghiệp mình xin vào làm việc.

Đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) phát biểu ý kiến. (Ảnh: DUY LINH).

Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội dành cả ngày làm việc 27/5 thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi).

Làm rõ trách nhiệm nếu tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội tăng

Phát biểu ý kiến thảo luận, đại biểu Lê Thị Thanh Lam (đoàn Hậu Giang) cho biết thời gian qua, vấn đề trốn đóng, chậm đóng, đặc biệt là nợ bảo hiểm xã hội vẫn còn diễn ra ở nhiều doanh nghiệp, địa phương, ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của người lao động.

Đại biểu đề nghị Chính phủ cần có quy định riêng về trách nhiệm tổ chức kiểm tra đối với các doanh nghiệp, có thể giao hẳn cho ngành bảo hiểm xã hội chịu trách nhiệm kiểm tra, xử phạt các doanh nghiệp vi phạm hoặc đề nghị, kiến nghị ra tòa theo Bộ luật Hình sự.

Đồng thời, cần bắt buộc doanh nghiệp có quỹ dự phòng của doanh nghiệp hoặc quỹ hoạt động của doanh nghiệp theo tỷ lệ phần trăm mà doanh nghiệp đưa vào hoạt động, và có tỷ lệ chỉ tiêu để doanh nghiệp trong quá trình thực hiện phải bảo đảm quyền lợi đóng bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, tai nạn lao động cho người lao động, như thế người lao động sẽ không bị thiệt thòi.

“Khi doanh nghiệp hoạt động tốt thì việc chăm lo cho người lao động sẽ càng tốt hơn. Còn nếu có vấn đề về rủi ro thì vẫn bảo đảm được nguồn quỹ cho người lao động về bảo hiểm y tế, bảo hiểm xã hội hoặc bảo hiểm tai nạn để người lao động không bị mất quyền lợi. Đây cũng là điều kiện bảo đảm cho người lao động tham gia tốt hơn bảo hiểm xã hội”, đại biểu Lam nói.

Bên cạnh việc tăng cường các biện pháp thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về bảo hiểm xã hội, đại biểu Vương Thị Hương (đoàn Hà Giang) đề nghị dự thảo Luật quy định rõ hơn vai trò, trách nhiệm của cơ quan quản lý nhà nước, cơ quan thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội nếu để tình trạng trốn đóng, chậm đóng bảo hiểm xã hội gia tăng.

Liên quan đến các tổ chức, công ty, doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, đại biểu cho rằng cũng cần có quy định, chế độ công khai rộng rãi về thông tin, tình hình nợ, số nợ, thời gian nợ, chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc của các tổ chức, công ty, doanh nghiệp này để người lao động có thể theo dõi cũng như có thêm thông tin trong việc lựa chọn tham gia thị trường lao động.

“Đề xuất thông tin về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động ngoài việc công khai cũng phải có cách để cho người lao động có thể tiếp cận, tra cứu nhanh chóng, từ đó người lao động có thể nhận biết được cũng như tạo ra được sự cạnh tranh trong thị trường lao động giữa các doanh nghiệp và bảo vệ quyền lợi cho người lao động một cách tốt nhất”, đại biểu Hương nêu rõ.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ). (Ảnh: DUY LINH).

Đồng tình với quan điểm trên, đại biểu Đào Chí Nghĩa (đoàn Cần Thơ) đề nghị bổ sung quy định “cơ quan có thẩm quyền thông báo tên, địa chỉ doanh nghiệp chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động biết trên các phương tiện thông tin đại chúng cũng như cập nhật trên hệ thống cơ sở dữ liệu của các trung tâm giới thiệu việc làm, dịch vụ việc làm về tình trạng chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp” để người lao động có đầy đủ thông tin trước khi ra quyết định lựa chọn doanh nghiệp mà mình xin vào làm việc. Theo đại biểu, quy định này sẽ bảo đảm tính cảnh báo, tính răn đe và minh bạch về mặt thông tin.

Nhấn mạnh tình trạng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc là vấn đề hết sức nan giải, đại biểu Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) đề nghị dự thảo Luật phải quy định trách nhiệm của Bảo hiểm xã hội Việt Nam trong việc thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở những đối tượng chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chu kỳ 3 tháng nhắc một lần để những đối tượng này kịp thời chấn chỉnh.

Nhất trí quy định cơ chế đặc thù bảo vệ người lao động bị chậm, trốn đóng bảo hiểm xã hội

Tại Điều 41 dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) quy định về cơ chế đặc thù để bảo vệ người lao động trong trường hợp người sử dụng lao động không còn khả năng đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động.

Nhất trí cao về sự cần thiết phải có quy định nêu trên để phòng ngừa và bảo vệ quyền lợi chính đáng của người lao động, đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ) nhấn mạnh, đây là một yêu cầu cấp bách, nhằm giải quyết những trường hợp đặc biệt, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động khi đã thực hiện đầy đủ trách nhiệm của người tham gia bảo hiểm xã hội.

Theo đại biểu, thực tiễn thời gian qua, nhiều chủ doanh nghiệp trốn đóng, nợ đóng bảo hiểm xã hội, chưa đòi được, người lao động trong doanh nghiệp không được hưởng quyền lợi bảo hiểm xã hội. Dự thảo luật lần này đã có những sửa đổi, nâng cao hiệu quả xử lý về chậm đóng, trốn đóng bảo hiểm xã hội, chắc chắn sẽ có tác động tích cực trong việc trong việc bảo vệ quyền lợi của người lao động.

“Tuy nhiên, khi nhiều trường hợp dù xử phạt, khởi tố, thậm chí không thể xử lý được thì người lao động vẫn sẽ là người thiệt thòi nhất trong khi họ không có lỗi, những người này cần được bảo vệ, hỗ trợ thông qua các cơ chế đặc thù”, đại biểu Nam cho hay.

Đại biểu Nguyễn Thành Nam (đoàn Phú Thọ). (Ảnh: DUY LINH).

Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, tính toán nguồn lực để mở rộng hơn nữa đối tượng người lao động được ngân sách nhà nước hỗ trợ trong khoảng thời gian bị chậm đóng, trốn đóng để bao phủ nhóm người yếu thế, như người bị suy giảm khả năng lao động, nhất là những trường hợp do tai nạn lao động, người ốm đau thường xuyên, người có bệnh nền…

Đối với hành vi bị nghiêm cấm, tại khoản 2 Điều 8 của dự thảo Luật quy định cấm hành vi chiếm dụng tiền hưởng bảo hiểm xã hội. Theo đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam), quy định như vậy là chưa đầy đủ, đề nghị Ban soạn thảo giữ nguyên hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại khoản 3, Điều 17 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đó là “cấm chiếm dụng tiền đóng, hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp”.

Lý giải nguyên nhân, đại biểu cho biết, thực tế hiện nay, tình trạng các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp, bảo hiểm y tế cho người lao động nhưng vẫn trích từ tiền đóng của người lao động hàng tháng khi trả lương diễn ra phổ biến. Do đó, Luật cần thiết phải quy định hành vi cấm chiếm dụng tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn để có căn cứ xử lý vi phạm đối với hành vi này.

Có cùng mối quan tâm, đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng hiện nay trong dự thảo Luật mới chỉ quy định cấm hành vi truy cập, khai thác, cung cấp trái pháp luật cơ sở dữ liệu về bảo hiểm xã hội. Trong khi đó, còn nhiều hành vi khác như lợi dụng giao dịch điện tử, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức, cá nhân; hành vi về gian lận, giả mạo, chiếm đoạt hoặc sử dụng trái pháp luật tài khoản giao dịch điện tử. Do vậy, đại biểu đề nghị bổ sung thêm các hành vi cấm cho đầy đủ hoặc có thể quy định các hành vi cấm theo quy định của pháp luật về giao dịch điện tử.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày