Rà soát, cải tạo hồ đập để bảo đảm an ninh nguồn nước
Sáng 4/6, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh đã trả lời chất vấn trước Quốc hội về các vấn đề đại biểu quan tâm.
Lo ngại trước tình trạng công trình chứa nước xuống cấp
Bày tỏ lo ngại về tình trạng xuống cấp các công trình khai thác sử dụng nước, đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên) dẫn thông tin: Hiện nay, trên cả nước có khoảng trên 40.200 công trình khai thác sử dụng nước, trong đó có 6.750 hồ thủy lợi với nhiều hồ, đập nhỏ, phần lớn được xây dựng từ những năm 1970-1980 trong điều kiện kinh phí, trình độ kỹ thuật hạn chế, chất lượng thiết kế thi công chưa phù hợp, không có hồ sơ, thiếu kinh phí bảo trì… Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết trong thời gian tới, Bộ trưởng và ngành sẽ có giải pháp gì để khắc phục tình trạng trên.
Đại biểu Đoàn Thị Hảo (đoàn Thái Nguyên).
Trả lời chất vấn của đại biểu, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, việc sửa chữa, nâng cấp, cải tạo hơn 1.100 hồ chứa nước xuống cấp, thiếu khả năng xả lũ đòi hỏi một nguồn lực rất lớn. Theo người đứng đầu ngành Tài nguyên-Môi trường, thời gian qua, Luật Tài nguyên nước đã được Quốc hội thông qua, theo đó tập trung giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Công thương… phối hợp để điều hòa, phân phối nguồn nước; đưa ra các kịch bản nguồn nước để bảo đảm an ninh nguồn nước. Tới đây, các Bộ sẽ đề xuất, báo cáo Thủ tướng Chính Phủ để rà soát lại hiện trạng các hồ đập để vừa bảo đảm việc trữ nước phục vụ sản xuất cũng như yếu tố an toàn.
Nhấn mạnh đầu tư công trình tích trữ nước là một trong những giải pháp ưu tiên trong Luật Tài nguyên nước năm 2023, đại biểu Quàng Thị Nguyệt (đoàn Điện Biên) đề nghị Bộ trưởng cho biết việc thực hiện các chính sách nhằm thu hút đầu tư xây dựng các công trình tích trữ nước trong thời gian tới như thế nào để bảo đảm chủ động tích trữ, điều hòa, phân phối nguồn nước, đáp ứng yêu cầu sử dụng nước phục vụ dân sinh và phát triển kinh tế-xã hội.
Đại biểu Quàng Thị Nguyện (đoàn Điện Biên) chất vấn tại phiên làm việc sáng 4/6.
Trả lời chất vấn, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh cho biết, thời gian qua, chúng ta đã rất quan tâm đến việc xây dựng hồ thủy lợi và triển khai các dự án thủy điện. Đến nay, Bộ tiếp tục quan tâm và rà soát những khu vực cần bổ sung hoặc có đủ điều kiện để xây dựng các hồ đập và hệ thống kênh, mương thủy lợi.
"Việc tích trữ nước phải gắn với việc sử dụng hiệu quả nguồn nước bằng các hệ thống thủy lợi”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Giải đáp chất vấn của đại biểu Lưu Bá Mạc (đoàn Lạng Sơn) về công tác duy trì dòng chảy tối thiểu đối với các công trình thủy điện, Bộ trưởng cho biết, hiện nay, các thủy điện đều phải chấp hành quy định về duy trì dòng chảy tối thiểu để duy trì sinh hoạt của người dân, đặc biệt là các thủy điện ở vùng cao.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường trả lời chất vấn của các đại biểu trong phiên làm việc sáng 4/6.
Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng đã có nhiều cố gắng thực hiện việc yêu cầu các nhà máy thủy điện lắp hệ thống quan trắc, giám sát, kết nối về Bộ để theo dõi, giám sát, quản lý. Hiện đã có hơn 850 hồ thủy điện kết nối về Bộ, khi có hiện tượng không duy trì dòng chảy tối thiểu thì sẽ tổ chức trực tiếp kiểm tra, xử lý theo quy định.
Thời gian tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát, đồng thời yêu cầu các địa phương thực hiện kết nối hồ thủy điện với cấp sở, cấp bộ để cùng giám sát, bảo đảm duy trì dòng chảy tối thiểu, không làm ảnh hưởng đến đời sống người dân.
Trả lời quan tâm của các đại biểu, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan cho biết: Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang trực tiếp quản lý 5 hồ lớn và 25 hồ khác được phân cấp cho các địa phương. Toàn bộ các công trình này đều trong trạng thái an toàn.
Đối với khoảng 900 hồ khác do các địa phương trực tiếp quản lý, thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục trình Thủ tướng Chính Phủ rà soát để có cái nhìn tổng thể. Bộ trưởng cũng gợi ý, các địa phương cần chủ động phát huy tư duy đa mục tiêu, đa sinh kế, tạo nguồn thu để bổ sung vào nguồn bảo hành, bảo trì các hồ đập dựa trên phát triển du lịch, kinh tế đặc thù.
Cần có giải pháp từ sớm để bảo đảm an ninh nguồn nước
Liên quan đến các chất vấn liên quan đến an ninh nguồn nước, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh khẳng định: Hiện nay, biến đổi khí hậu đang tác động mạnh mẽ tới Việt Nam. Do đó, Việt Nam cần phải có những giải pháp từ sớm để bảo đảm an ninh nguồn nước.
Theo Bộ trưởng, hiện nay, 60% nguồn nước của Việt Nam phụ thuộc vào nước ngoài và chỉ có 40% nội sinh. Bảo đảm an ninh nguồn nước do đó trước hết phải bảo đảm được nguồn nước nội sinh, trên cơ sở tiếp tục bảo vệ, phát triển rừng đồng thời sử dụng nước một cách hiệu quả nhất.
“80% nước đang phục vụ cho nông nghiệp với hình thức tưới tràn… Nhưng lượng nước chúng ta sử dụng được trong hoạt động này chỉ khoảng 10%. Điều này cũng cần phải khắc phục dần”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nói.
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Bộ trưởng cho biết thêm, bên cạnh các quy hoạch về tài nguyên nước, quy hoạch các lưu vực sông hiện có, Bộ Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục tham mưu Chính Phủ phê duyệt thêm 5 quy hoạch khác liên quan. Đây cũng là cơ sở để tạo nên mối liên hệ về trách nhiệm giữa các địa phương để bảo đảm nguồn nước được sử dụng hiệu quả nhất.
Trên góc độ vĩ mô, Bộ trưởng cho biết, sẽ tiếp tục phối hợp với các nước trong khu vực để điều hòa và bảo đảm an ninh nguồn nước quốc gia.
Liên quan đến tình trạng thiếu nước ngọt cục bộ do xâm nhập mặn tại Đồng Bằng Sông Cửu Long vừa qua, Bộ trưởng cho rằng, trước hết cần tiếp tục tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động tích trữ và sử dụng tiết kiệm nước.
Trả lời quan tâm của các đại biểu về hiện tượng sạt lở đất tại đồng bằng Sông Cửu Long, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường đưa ra 4 nguyên nhân chính. Thứ nhất, nền địa chất trầm tích của vùng này được kiến tạo với các lớp địa chất trầm tích còn non trẻ so với các đồng bằng khác. Theo quan sát thì vùng này vẫn tự sụt lún.
"Chúng tôi còn đo được các phễu lún, có nhiều điểm lún đến 10cm, tất cả đều do nền địa chất quá non trẻ", Bộ trưởng nói.
Các nguyên nhân còn lại bao gồm: Lượng phù sa giảm rất lớn; lấn chiếm bờ sông để xây dựng, nuôi trồng; và đặc biệt là khai thác cát. Nhiều địa phương báo cáo là có tình trạng người dân dùng vòi rồng để khai thác cát khiến sụt lún tăng cao.
Sắp tới, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ đánh giá tổng thể vùng nào được phép khai thác cát và sắp xếp lại dân cư ở các vùng có nguy cơ sạt lở, xử lý việc lấn chiếm dòng sông, bờ sông.
Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan trả lời chất vấn tại phiên làm việc sáng 4/6.
Trong khi đó, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, tình trạng sạt lở đang diễn ra, ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống của người dân. Theo Bộ trưởng, vừa qua, Thủ tướng Chính phủ đã có chuyến thị sát và giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn trình đề án tổng thể về vấn đề này. Dự kiến đến tháng 9 tới, Bộ sẽ trình đề án, trong đó tiếp cận một cách tổng thể hơn, chiến lược hơn về vấn đề hạn hán, xâm nhập mặn.
Dẫn đánh giá của thế giới nêu "chúng ta đang ở kỷ nguyên khô hạn mang tính chất toàn cầu", Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta cần tiếp cận vấn đề tiết kiệm nước ở 3 chủ thể: Số lượng nước, chất lượng nước và cách thức sử dụng nguồn nước. Trong đó cách thức sử dụng nước tác động đến số lượng và chất lượng nước.
“Đến giờ này chúng ta cần có thông điệp với bà con nông dân Đồng bằng Sông Cửu Long và cả nước rằng: Chúng ta không phải là một quốc gia dư thừa nước mà nước sẽ ngày càng khan hiếm hơn. Từ đó để có cách tiếp cận ngắn hạn, dài hạn bằng chiến lược nông nghiệp tổng thể để chuyển đổi trạng thái nông nghiệp, từ tưới tràn, tưới xả sang tưới nhỏ giọt”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.
Về các giải pháp trước mắt để hạn chế xâm nhập mặn, trữ ngọt, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nêu rõ, Bộ sẽ đề nghị Chính phủ ưu tiên đầu tư cho Đồng bằng Sông Cửu Long, nhất là các công trình có độ phủ rộng, nhiều người dân hưởng lợi.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Lễ phát động “300 ngày chung tay xóa nhà tạm, nhà dột nát” trên địa bàn tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Gặp mặt truyền thống kỷ niệm 35 năm ngày thành lập Hội Cựu chiến binh Việt Nam
- UBND tỉnh: Tiếp tục nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Khoa học - động lực cho phát triển
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật