Thứ 7, 11/01/2025, 08:56[GMT+7]

Sẽ lấy phiếu đại biểu Quốc hội về quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn

Thứ 3, 11/06/2024 | 14:14:57
1,758 lượt xem
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết sẽ thiết kế lấy phiếu ý kiến đại biểu Quốc hội về một phương án đồng ý hay không đồng ý cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 11/6, tại Phiên họp thứ 34, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ.

Quy định về cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 Điều 10) là một trong những nội dung lớn được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp lần này.

Tiếp tục giữ đề xuất cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe

Báo cáo một số vấn đề lớn còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, nhiều ý kiến ủng hộ quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe, song một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.

Theo cơ quan thẩm tra, tại Kỳ họp thứ 6, đa số đại biểu Quốc hội nhất trí với quy định này và một số đại biểu đề nghị đưa ra mức giới hạn thấp nhất.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.

Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới báo cáo tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” và đã được thể hiện cụ thể tại Báo cáo số 835/BC-UBTVQH15 giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ gửi các đại biểu Quốc hội đầu Kỳ họp thứ 7; không có Đoàn đại biểu Quốc hội nào đề nghị lấy ý kiến đại biểu Quốc hội hai phương án về nội dung này.

Trong dự thảo Luật, nếu không tiếp tục kế thừa khoản 6 Điều 5 của Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia năm 2019, sẽ làm tăng số vụ tai nạn giao thông, kéo theo làm tăng hậu quả, thiệt hại do tai nạn giao thông gây ra đối với tính mạng, sức khỏe, tài sản của người điều khiển phương tiện, người tham gia giao thông khác, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, nguồn lực của đất nước, gây ra nhiều hệ lụy cho xã hội; đi ngược lại những cố gắng, nỗ lực của cả hệ thống chính trị, gây lãng phí công sức, tiền bạc của Nhà nước và Nhân dân.

Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “Điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.

Có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh.

Quang cảnh phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề xuất bổ sung vào khoản 5 Điều 87 của dự thảo Luật giao cho Bộ Y tế quy định về xác định nồng độ cồn và nồng độ cồn nội sinh trong máu để làm căn cứ xác định trường hợp người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu có nồng độ cồn do sử dụng rượu, bia hoặc đồ uống có cồn khác.

Theo chuyên gia y tế, cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn.

Ủng hộ đề xuất của cơ quan tiếp thu, chỉnh lý dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho rằng thực tế quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe đã phát huy tác dụng, hiện tiếp tục được Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội và nhiều đại biểu thống nhất.

Tuy nhiên, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý một số đại biểu Quốc hội khi phát biểu trên hội trường còn băn khoăn về nội dung này; do đó, đề nghị khi Quốc hội xem xét thông qua luật cần biểu quyết riêng nội dung liên quan quy định cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi lái xe.

Có chung quan điểm, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cũng đề xuất đưa ra biểu quyết riêng và có giải trình đầy đủ, như vậy khi Quốc hội thông qua sẽ tạo tác dụng rất tốt.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn nêu ý kiến tại phiên họp. (Ảnh: DUY LINH).

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn cho hay, mặc dù đa số ý kiến đồng thuận nhưng vẫn có 9-10 ý kiến còn băn khoăn, vì vậy nên đưa ra 2 phương án để lấy phiếu ý kiến của đại biểu Quốc hội để tôn trọng dân chủ, ý kiến tập thể.

Kết luận nội dung này, Phó chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho hay sẽ thiết kế lấy phiếu một phương án đồng ý hoặc không đồng ý cấm tuyệt đối nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Đồng thời, có thể thiết kế thêm một số nội dung khác để lấy phiếu nhưng có công văn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi cho các Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội, yêu cầu Trưởng đoàn tổ chức lấy phiếu tập trung tại đoàn. Căn cứ vào kết quả lấy phiếu thì sẽ báo cáo có biểu quyết riêng hay không.

Đề xuất bổ sung quy định xe đưa đón học sinh có thiết bị ghi nhận hình ảnh

Về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đối với xe ô-tô chở học sinh, trẻ em mầm non, Điều 46 dự thảo Luật quy định: Khi đưa đón học sinh tiểu học, trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 1 người quản lý trên mỗi xe ô-tô để hướng dẫn, giám sát, duy trì trật tự và bảo đảm an toàn cho học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trong suốt chuyến đi.

Trường hợp xe trên 30 chỗ và chở trên 29 học sinh tiểu học và trẻ em mầm non phải bố trí tối thiểu 2 người quản lý trên mỗi xe ô-tô. Người lái xe, người quản lý có trách nhiệm kiểm tra trẻ em mầm non, học sinh tiểu học khi xuống xe; không được để học sinh tiểu học, trẻ em mầm non trên xe khi người lái xe và người quản lý đã rời xe.

Lái xe ô-tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có tối thiểu 2 năm kinh nghiệm lái xe vận tải hành khách.

Đồng thời, cơ sở giáo dục phải xây dựng quy trình bảo đảm an toàn khi đưa đón học sinh, trẻ em mầm non; hướng dẫn cho lái xe và người quản lý học sinh, trẻ em mầm non nắm vững và thực hiện đúng quy trình; chịu trách nhiệm bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi tổ chức đưa đón học sinh, trẻ em mầm non của đơn vị mình.

Báo cáo về nội dung này, Chủ nhiệm Lê Tấn Tới cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho bổ sung quy định xe ô-tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô-tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định phát biểu. (Ảnh: DUY LINH).

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định bày tỏ ủng hộ đề xuất nêu trên cũng như việc dự thảo Luật quy định cụ thể tiêu chuẩn của xe đưa đón học sinh, người lái xe, người quản lý trên xe và cơ sở giáo dục...

Tán thành cao việc quy định chặt chẽ đối với xe ô-tô đưa đón học sinh, trẻ em mầm non, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường đề nghị bên cạnh quy định về trách nhiệm của cơ sở giáo dục, tại khoản 5 Điều 46 dự thảo Luật cần bổ sung quy định trách nhiệm của cơ sở kinh doanh vận tải khi đưa đón trẻ em mầm non, học sinh bằng xe ô tô.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày