Thứ 3, 25/06/2024, 21:23[GMT+7]

Quốc hội thành lập đoàn giám sát tối cao về bảo vệ môi trường

Thứ 6, 21/06/2024 | 10:22:40
890 lượt xem
Quốc hội chính thức thành lập Đoàn giám sát chuyên đề nhằm giám sát, đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14.

Các đại biểu Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề của Quốc hội. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Sáng 21/6, với 448/449 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành (bằng 91,99% tổng số đại biểu Quốc hội), Quốc hội đã thông qua Nghị quyết thành lập Đoàn giám sát chuyên đề “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành”.

Quốc hội phân công ông Nguyễn Đức Hải, Phó Chủ tịch Quốc hội làm Trưởng đoàn. Phó Trưởng đoàn Thường trực là ông Lê Quang Huy, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội.

Phó Trưởng đoàn có ông Vũ Hồng Thanh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; ông Lê Quang Mạnh, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách của Quốc hội.

Các Ủy viên, đại biểu và chuyên gia mời tham gia Đoàn giám sát do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.

Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết trước khi Quốc hội biểu quyết. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Chuyên đề giám sát tối cao nhằm đánh giá việc ban hành và tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường, trong đó trọng tâm là đánh giá việc tổ chức thực hiện Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14, các nghị quyết của Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội có liên quan đến bảo vệ môi trường.

Đồng thời, chỉ rõ những tồn tại, hạn chế, nguyên nhân và trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân; rút ra bài học kinh nghiệm để nâng cao hiệu quả việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Cùng với đó, kiến nghị, đề xuất giải pháp hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và các quy định khác của pháp luật có liên quan, nâng cao hiệu quả tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường và xử lý trách nhiệm đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Phạm vi giám sát là việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường trên phạm vi cả nước kể từ khi Luật Bảo vệ môi trường số 72/2020/QH14 có hiệu lực thi hành đến hết ngày 31/12/2024.

Đối tượng giám sát, gồm: Chính phủ, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Bộ, cơ quan ngang Bộ có liên quan; Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan.

Đoàn sẽ tập trung giám sát về các nội dung: Việc ban hành, hoàn thiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường; việc tổ chức thực hiện chính sách, pháp luật về bảo vệ môi trường.

Kết quả giám sát sẽ được trình Quốc hội xem xét tại Kỳ họp thứ 10 (tháng 10/2025).

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày