Đẩy nhanh hiệu lực thi hành các luật về đất đai, nhà ở có tác động tích cực đến kinh tế-xã hội
Tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh
Chiều 21/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
Thảo luận về dự thảo luật, đại biểu Quốc hội bày tỏ tán thành cao với việc đưa hiệu lực các dự án luật vào thi hành sớm. Dưới góc độ địa phương, đại biểu Nguyễn Trúc Anh (Đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội) cho rằng, đẩy nhanh hiệu lực thi hành luật sớm 5 tháng giải quyết một loạt vấn đề đang tồn tại hiện nay, đặc biệt liên quan đến đất đai.
“Chính phủ lần này đã rất quyết tâm đổi mới khi sớm đưa những thông tư, nghị định, cam kết với Quốc hội vào cuộc sống. Các dự án luật được thi hành sớm hơn ngày nào sẽ có tác động tích cực đến kinh tế-xã hội sớm ngày đó”, đại biểu đoàn Hà Nội nói.
Đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Chung quan điểm, đại biểu Nguyễn Quang Huân (Bình Dương) cho rằng, việc đưa các luật vào thi hành sớm sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng 6 tháng cuối năm khi sẽ tháo gỡ vướng mắc, thúc đẩy đầu tư sản xuất, kinh doanh.
“Nếu như dự luật này được thông qua sẽ có tác động tích cực đến tăng trưởng 6 tháng cuối năm, thậm chí có thể vượt kế hoạch mà Quốc hội giao và cũng góp phần tháo gỡ ngay những khó khăn, vướng mắc cho sản xuất, kinh doanh”, đại biểu Huân cho biết.
Về phần mình, đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) cho rằng, trong bối cảnh còn tồn tại một bộ phận cán bộ có tâm lý sợ sai, sợ chịu trách nhiệm, việc Chính phủ quyết tâm đẩy nhanh hoàn thiện các văn bản để đưa các luật, đặc biệt là Luật Đất đai vào cuộc sống thể hiện tinh thần dũng cảm, không sợ sai, không sợ trách nhiệm.
Đại biểu Vũ Tiến Lộc (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Đại biểu cũng bày tỏ tin tưởng với quyết tâm của Chính phủ, sự nỗ lực đồng bộ của cả hệ thống từ Trung ương đến địa phương và cách làm quyết liệt, chúng ta hoàn toàn có thể đưa các luật này vào thực hiện thành công trong thời gian sớm hơn.
“Chính vì vậy, tôi cho rằng chúng ta cũng không cầu toàn trong việc triển khai xây dựng các quy định và có thể tiếp tục điều chỉnh trong tương lai. Vì sự phát triển chung, chúng ta hoàn toàn có thể thực hiện luật này trong thời gian sớm nhất”, đại biểu nhấn mạnh.
Bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn
Đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Ủng hộ chủ trương để các luật nêu trên sớm đi vào cuộc sống, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đồng Tháp) cho rằng một số quy định tại các luật có thể thực hiện được ngay, tuy nhiên còn nhiều nội dung cần văn bản hướng dẫn chi tiết.
Do đó, đại biểu đề nghị Chính phủ chuẩn bị kỹ lưỡng, bảo đảm tiến độ, chất lượng các văn bản hướng dẫn chi tiết, nhất là các văn bản do địa phương xây dựng.
Cùng với đó, tổ chức tuyên truyền, phổ biến pháp luật rộng rãi, tạo sự thống nhất trong nhận thức thực thi các luật, bảo đảm hiệu quả triển khai các luật này ngay khi có hiệu lực thi hành.
Đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Trúc Sơn (Bến Tre) đề nghị cơ quan soạn thảo cần làm rõ những vấn đề đặt ra như ban hành nghị định, thông tư hướng dẫn luật đến ngày 1/8/2024 còn rất ít thời gian, đặt ra vấn đề chất lượng thi hành luật, đặc biệt là tại các chính quyền địa phương.
Do đó, đại biểu cho rằng, cần hướng dẫn chi tiết nhất, tập trung nỗ lực tối đa xây dựng, ban hành các văn bản hướng dẫn luật thiết yếu nhất theo quy trình rút gọn.
Cũng bày tỏ đồng tình với chủ trương đưa 4 luật có hiệu lực sớm đáp ứng yêu cầu thực tế, đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) đề nghị cần nhận diện rõ, đầy đủ rủi ro, thách thức, khó khăn, vướng mắc có thể phát sinh, hệ quả tiêu cực của việc điều chỉnh thời gian hiệu lực và điều khoản chuyển tiếp của các luật, qua đó chủ động có các giải pháp xử lý, khắc phục.
Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Quảng Trị) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Đại biểu đoàn Quảng Trị cũng bày tỏ băn khoăn vấn đề dù Quốc hội quyết định nhưng lại yêu cầu “Chính phủ chịu trách nhiệm toàn diện trước Quốc hội và nhân dân về hiệu quả của việc điều chỉnh hiệu lực thi hành và điều khoản chuyển tiếp của các luật, xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật”.
“Tôi cho rằng việc xử lý các vấn đề phát sinh sau khi điều chỉnh hiệu lực của các luật, Chính phủ đề xuất và phải chịu trách nhiệm là đúng. Nhưng tôi cũng nghĩ rằng các đại biểu Quốc hội khi bấm nút thông qua cũng phải có trách nhiệm trước quyết định của mình”, đại biểu nói.
Do đó, đại biểu đề nghị trước khi thông qua luật, các cơ quan soạn thảo nên gửi tới Quốc hội những vấn đề có thể phát sinh khi các luật trên có hiệu lực sớm, nếu có thì giải quyết thế nào, cơ quan nào chịu trách nhiệm giải quyết. Có như vậy khi tiếp xúc cử tri sau kỳ họp, đại biểu Quốc hội cũng có cơ sở chắc chắn để trả lời với cử tri.
Triển khai sớm, đúng quy trình, bảo đảm chất lượng
Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Phát biểu giải trình, làm rõ một số nội dung đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh cho biết, một vấn đề các đại biểu rất quan tâm liên quan việc chuẩn bị các quy định, hướng dẫn, nghị định, quyết định, các thông tư và hướng dẫn của địa phương.
Báo cáo trước Quốc hội, Bộ trưởng cho biết, ngay từ khi Luật Đất đai (sửa đổi) được thông qua vào tháng 1/2024, Chính phủ, đặc biệt là Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành liên quan, cơ quan soạn thảo bắt tay ngay vào việc hoàn chỉnh nghị định và thông tư theo quy định.
“Cho nên là ở đây không có rút gọn quy trình, tức là đã thực hiện đầy đủ quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật. Thủ tướng chỉ cho phép quy trình gọi là rút gọn về mặt hiệu lực, thời gian”, Bộ trưởng Đặng Quốc Khánh nêu rõ.
Cũng theo Bộ trưởng, hiện nay, có một số nghị định còn đã lấy phiếu thành viên Chính phủ lần thứ 2, có nghĩa rằng là đã trình Chính phủ lần thứ 2 và tiếp thu, giải trình của thành viên Chính phủ.
Vừa qua, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà đã chủ trì với các bộ trưởng, cơ quan soạn thảo, các bộ, ngành, các địa phương, với các hiệp hội về nội dung của các nghị định. Đến thời điểm này, các nghị định đang trong quá trình chỉnh lý về mặt kỹ thuật và sẽ sớm được ban hành.
Các đại biểu Quốc hội tại phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Bộ trưởng khẳng định, các luật có hiệu lực sớm nhưng Chính phủ đã làm đầy đủ quy trình, đáp ứng yêu cầu của quy trình ban hành văn bản quy phạm pháp luật, trong khi vẫn bảo đảm chất lượng của luật. Trong quá trình đó, Chính phủ cũng đã lấy ý kiến của các địa phương để tiếp tục nghiên cứu, bổ sung cho bảo đảm, đồng bộ.
Về tác dụng của các luật khi đi vào cuộc sống, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường cho rằng, nhiều chính sách của các luật sẽ giúp giải quyết các điểm nghẽn, khắc phục những nút thắt, thu hút nguồn lực và sử dụng hiệu quả nguồn tài nguyên thiên nhiên, đất đai, cũng như đáp ứng mong mỏi của người dân và doanh nghiệp.
Bộ trưởng nêu thí dụ, Luật Đất đai 2024 đã có quy định hộ gia đình ở đất đai sản xuất, kinh doanh ổn định, không tranh chấp, không vi phạm pháp luật từ ngày 1/7/2014 trở về trước mà chưa có giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai thì tới đây sẽ được giải quyết cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai.
Ngoài ra, trong Luật Đất đai cũng có quy định, kể từ ngày 1/7/2004 trở về trước, đất dành cho sản xuất ổn định, không tranh chấp thì người sản xuất trên đất đó được cơ quan nhà nước có thẩm quyền thừa nhận được cấp giấy chứng nhận quyền sở hữu đất đai.
Theo Bộ trưởng, việc triển khai thực hiện Luật Đất đai sớm cũng tạo điều kiện cho đồng bào ta ở nước ngoài tham gia vào thị trường đất đai như người Việt Nam ở trong nước, giúp họ có cơ hội tham gia vào thị trường, khơi thông nguồn lực.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”
- An Ninh: Khánh thành Trung tâm giáo dục cộng đồng