Tích cực tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long
Phát biểu ý kiến tại cuộc họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, đến thời điểm này, sau một thời gian nỗ lực vượt mọi khó khăn, tích cực triển khai, hạ tầng đường cao tốc của khu vực đã dần hình thành. Thủ tướng nêu rõ, quy hoạch đến năm 2030, Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 1200 km đường cao tốc với 3 tuyến theo hướng Bắc – Nam và Đông – Tây, hình thành hệ thống giao thông hoàn chỉnh. Đến nay, chúng ta cũng đã quy hoạch xong hệ thống sân bay, giao thông đường thuỷ trong khu vực. Qua khảo sát, Thủ tướng đề nghị trong nhiệm kỳ này, các bộ, ngành, địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long cố gắng hoàn thành 600 km đường cao tốc, và nhiệm kỳ tới tiếp tục hoàn thành 600 km nữa.
Thủ tướng nêu rõ, ngoài sự chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, các bộ, ngành thì nỗ lực của các địa phương là rất lớn trong triển khai các tuyến cao tốc với tinh thần nắn tuyến thẳng nhất có thể. Vấn đề là chúng ta phải huy động nguồn lực, phân kỳ đầu tư, góp phần thực hiện đột phá về hạ tầng chiến lược, góp phần thực hiện mục tiêu cả nước hoàn thành 3.000 km đường cao tốc vào năm 2025 và 5.000 km vào năm 2030. Thủ tướng cảm ơn các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, Thành phố Hồ Chí Minh, doanh nghiệp, người dân trong vùng dự án đã hiến đất, hiến nhà, nơi ăn ở, sinh kế cho công trình. Nêu rõ đến nay, công tác giải phóng mặt bằng chỉ còn có 1%. Thủ tướng cảm ơn sự hợp tác, phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, các địa phương trong việc giải phóng mặt bằng, triển khai công trình dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của doanh nghiệp, sự ủng hộ của nhân dân.
Quang cảnh buổi làm việc (Ảnh: Thanh Giang).
Thủ tướng nêu rõ, đây cũng là vinh dự, trách nhiệm và tự hào của chúng ta được tham gia vào đại công trường xây dựng đường cao tốc, kế thừa thành quả của các thế hệ đi trước, tiếp tục hoàn thiện hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long. Công việc cho đến thời điểm này tương đối suôn sẻ; chúng ta đã huy động mọi nguồn lực để làm; quy hoạch và xây dựng các dự án theo hướng tuyến thuận lợi, phù hợp nhất có thể để tạo không gian phát triển kinh tế mới, tại những khu đô thị, dịch vụ, nông thôn mới; tiến hành có lộ trình, tập trung vào 600km đang làm và chuẩn bị cho 600 km sắp tới; chúng ta cũng làm tốt công tác giải phóng mặt bằng cho giai đoạn 1. Mặc dù Đồng bằng sông Cửu Long khó khăn về nguyên vật liệu do cơ chế, chính sách, nhưng đến giờ này cũng đã được tháo gỡ được cơ bản các khó khăn, vướng mắc. Thủ tướng Chính phủ, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã nhiều lần vào Đồng bằng sông Cửu Long để họp bàn với các bộ, ngành, địa phương để tháo gỡ khó khăn, triển khai các dự án thuận lợi.
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với các bộ, ngành, địa phương tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển hạ tầng giao thông Đồng bằng sông Cửu Long (Ảnh: Thanh Giang).
Thủ tướng đề nghị những địa phương nào thuận lợi về nguồn nguyên vật liệu thì cần tranh thủ đẩy nhanh tiến độ thi công; bày tỏ vui mừng vì bước đầu thí điểm dùng cát biển để san lấp diễn ra thuận lợi. Theo báo cáo của các cơ quan liên quan, chủ đầu tư, nhà thầu, sau khi xử lý rửa mặn thì độ mặn của cát biển thấp hơn môi trường nền đất chung quanh nơi san lấp. Điều thuận lợi là chúng ta cũng lựa chọn được các nhà thầu có kinh nghiệm trong xây dựng đường cao tốc. Thủ tướng đánh giá qua quá trình làm, các chủ thể đều trưởng thành hơn. Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố đều trưởng thành, tích cực vào cuộc; hy vọng sau khi giai đoạn 1 với 600 km hoàn thành thì giai đoạn 2 sẽ thuận lợi hơn. Thủ tướng vui mừng vì sự phối hợp nhịp nhàng giữa các bộ, ngành, địa phương. Kết quả này là rất đáng trân trọng, tự hào; qua đây khẳng định là chúng ta làm được, vấn đề là phải có quyết tâm chính trị.
Thủ tướng cho rằng phải muốn đất nước phát triển thì phải có cán bộ giỏi, có tâm, có đức, trí tuệ, hoài bão, trách nhiệm, tất nhiên phải có sản phẩm; quản lý phải thông minh, số hoá; phát triển kinh tế-xã hội, môi trường phải hài hoà, hợp lý, nhanh và bền vững, xanh, sạch, đẹp. Thủ tướng nhấn mạnh, Đồng bằng sông Cửu Long cần phát triển nhanh và bền vững, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Điều quan trọng hơn cả là cần rút kinh nghiệm để thời gian tới làm tốt hơn nữa. Những vấn đề khó khăn nhất chúng ta đã vượt qua, bây giờ, cần phải tạo động lực mới, khí thế mới, hướng tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng. Qua đây cho thấy không gì không thể, vấn đề là quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm.
Lãnh đạo các bộ, ngành báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc (Ảnh: Thanh Giang).
Thủ tướng nêu rõ, Đồng bằng sông Cửu Long đang đối mặt với tình trạng sụt, lún, sạt lở, chua mặn…, do đó, Thủ tướng giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện dự án tổng thể giải quyết tình trạng này bằng hợp tác công tư, phát hành trái phiếu Chính phủ. Cùng với đó, cần tích cực triển khai Đề án phát triển 1 triệu ha lúa phát thải thấp; tiếp tục hoàn thiện, mở rộng các sân bay Phú Quốc, Cà Mau, Rạch Giá; đầu tư phát triển cảng biển Cái Cui, Trần Đề, Hòn Khoai… từ đó mở ra các không gian phát triển mới. Theo Thủ tướng, Đồng bằng sông Cửu Long vẫn còn khó khăn nhưng tương lai phát triển rất tươi sáng. Hạ tầng giao thông được phát triển đồng bộ sẽ góp phần quan trọng giảm chi phí logistics, nâng cao sức cạnh tranh cho hàng hoá…
* Theo Bộ Giao thông vận tải, Hiện nay, khu vực đồng bằng sông Cửu Long đang triển khai 5 dự án giao thông trọng điểm thuộc diện chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Nhà nước các công trình, dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành Giao thông vận tải; đến nay, 4/5 dự án đã hoàn tất các thủ tục đầu tư,đang tổ chức triển khai thi công, trong đó Dự án cao tốc Cao Lãnh – An Hữu đã khởi công Dự án thành phần 1 (Đồng Tháp), Dự án thành phần 2 do tỉnh Tiền Giang làm cơ quan chủ quản dự kiến khởi công trong tháng 7/2024; Dự án cao tốc Mỹ An – Cao Lãnh (vốn ODA Hàn Quốc) do Bộ giao thông vận tải làm cơ quan chủ quản đang hoàn thiện thủ tục và dự kiến khởi công đầu năm 2025, tình hình thực hiện các dự án cụ thể như sau:
Lãnh đạo Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại buổi làm việc (Ảnh: Thanh Giang).
Công tác giải phóng mặt bằng tại các dự án cơ bản đáp ứng tiến độ triển khai thi công, cụ thể: Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng đạt 98,9%; Dự án Cần Thơ - Cà Mau đạt 99,9%; Dự án Cao Lãnh - An Hữu: Thành phần 1 - tỉnh Đồng Tháp đạt 99,7%, Thành phần 2 - tỉnh Tiền Giang đạt 82 %; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận đoạn qua địa phận tỉnh Kiên Giang đạt khoảng 18% (khởi công tháng 3/2024). Mặc dù khối lượng giải phóng mặt bằng còn lại không nhiều, tuy nhiên nếu không được giải quyết dứt điểm trong tháng 7/2024 sẽ ảnh hưởng đến việc tổ chức thi công hoàn thành toàn bộ các dự án.
Theo các yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, 02 dự án phải cơ bản hoàn thành năm 2025 (gồm: Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn Cần Thơ - Cà Mau và Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi - Bến Nhất, Gò Quao - Vĩnh Thuận); Dự án cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027; Dự án cao tốc Cao Lãnh - An Hữu và Dự án Mỹ An - Cao Lãnh hoàn thành năm 2027.
Để đảm bảo hoàn thành các dự án, các chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện, tuy nhiên, tiến độ các dự án chưa đáp ứng kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do thiếu hụt nguồn vật liệu cát đắp. Đến nay, sản lượng thi công tại Dự án Cần Thơ-Cà Mau đạt 34%/45% kế hoạch; Dự án Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng: DATP1 đạt 20,5%/20,4%, DATP2 đạt 5%/18%, DATP3 đạt 11,9%/40%, DATP4 đạt 2,3%/10%; Dự án Cao Lãnh – An Hữu - TP1 đạt 29%/30% kế hoạch, TP2 chưa khởi công; Dự án đường Hồ Chí Minh đoạn Rạch Sỏi – Bến Nhất, Gò Quao – Vĩnh Thuận đạt 2,6%/3,9% kế hoạch.
Như vậy, với tình hình GPMB như hiện nay và đặc thù các dự án phải gia tải chờ lún trong khoảng 10-12 tháng, để có thể hoàn thành các dự án theo kế hoạch đề ra, vấn đề cốt lõi nhất hiện nay là phải đảm bảo nguồn vật liệu cát đắp, vật liệu cấp phối đá dăm và công tác chỉ đạo, điều hành của chủ đầu tư, cũng như sự nỗ lực, quyết tâm của các nhà thầu trong tổ chức thi công là yếu tố quyết định đến tiến độ hoàn thành các dự án.
Về nguồn vật liệu cát đắp nền đường: để đảm bảo hoàn thành các dự án, Quốc hội, Chính phủ đã cho phép áp dụng cơ chế đặc thù trong việc cấp mỏ vật liệu nhằm rút ngắn quá trình thực hiện. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà đã hết sức quan tâm, nhiều lần trực tiếp kiểm tra, làm việc với các địa phương và có nhiều văn bản, công điện chỉ đạo để giải quyết khó khăn về nguồn vật liệu cho các dự án. Lãnh đạo Bộ giao thông vận tải, Bộ Tài nguyên và Môi trường, các Tổ công tác của Chính phủ đã trực tiếp làm việc với địa phương để tháo gỡ khó khăn vướng mắc và kịp thời hướng dẫn các thủ tục liên quan đến việc khai thác, cung ứng vật liệu.
Căn cứ vào trữ lượng cát của các địa phương trong vùng, kế hoạch triển khai và nhu cầu cát của từng dự án, thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng và Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà, Bộ giao thông vận tải đã phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường và các địa phương xây dựng phương án và trình Thủ tướng giao chỉ tiêu cụ thể cho các địa phương có nguồn cát và đề xuất phương án điều chuyển linh hoạt nguồn cát giữa các dự án để đáp ứng tiến độ thi công.
Với sự chỉ đạo quyết liệt của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà, sự phối hợp hiệu quả, trách nhiệm của các bộ, ngành, địa phương cùng với sự nỗ lực của các tỉnh, đến nay, đã xác định nguồn cung ứng với tổng trữ lượng khoảng 63,1 triệu m3/nhu cầu 55,5 triệu m3 (An Giang 22 triệu m3; Đồng Tháp 9,3 triệu m3; Vĩnh Long 5 triệu m3; Bến Tre 5,4 triệu m3; Tiền Giang 9,3 triệu m3; Sóc Trăng 12,1 triệu m3 bao gồm cả 5,5 triệu m3 cát biển), trong đó: đã đủ điều kiện khai thác khoảng 36,83 triệu m3, đang hoàn thiện thủ tục cung ứng cho 26,27 triệu m3.
Tại cuộc làm việc, các địa phương đồng bằng sông Cửu Long báo cáo Thủ tướng Chính phủ tình hình triển khai các tuyến cao tốc trên địa bàn; kiến nghị Thủ tướng Chính phủ, các bộ, ngành một số giải pháp tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy các dự án hạ tầng giao thông trọng điểm trong vùng được triển khai thuận lợi, tập trung vào ban hành các cơ chế, chính sách phù hợp; tháo gỡ khó khăn về vật liệu cát san lấp; quan tâm phát triển hệ thống giao thông đường thủy từ Thành phố Hồ Chí Minh đi các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long… Đại diện các nhà thầu mong muốn đơn giản hóa các thủ tục hành chính, khẩn trương hoàn thành công tác giải phóng mặt bằng…
Kết luận cuộc làm việc, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, sau 2 buổi đi kiểm tra thực tế vào chiều qua và sáng nay các dự án cao tốc trục dọc, trục ngang tại vùng đồng bằng sông Cửu Long, Thủ tướng rất vui mừng nhận thấy những chuyển biến rõ nét và đã định hình được các tuyến đường cao tốc sẽ mang lại diện mạo mới và những cơ hội, không gian phát triển rộng lớn cho từng địa phương và toàn vùng. Chúc mừng các tỉnh, thành phố đồng bằng sông Cửu Long đang phát triển mạnh mẽ hạ tầng giao thông, Thủ tướng nêu rõ, có được thành tích này là nhờ sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp, thường xuyên là Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, sự nỗ lực của Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương, sự vào cuộc của các doanh nghiệp, sự đồng lòng, ủng hộ của nhân dân.
Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại buổi làm việc.
Thủ tướng cảm ơn các địa phương đã có quyết tâm chính trị cao, thống nhất về nhận thức, biến thành hành động; cảm ơn cấp ủy, chính quyền các địa phương đã động viên nhân dân vào cuộc. Thủ tướng cho rằng, hiện nay, chúng ta tự tin, trưởng thành hơn so 3 năm trước; từ đó sẽ tự tin triển khai giai đoạn 2 với 600km đường cao tốc và các dự án sân bay, cảng biển, bến thủy nội địa, chứng minh “không việc gì là không thể”.
Thủ tướng nêu rõ, bên cạnh những thành tích đạt được là rất cơ bản, vẫn còn tồn tại, đó là giải phóng mặt bằng còn lại rất ít, nhưng rất khó khăn; quản lý nguyên vật liệu có chỗ khắt khe quá, có chỗ lỏng lẻo; việc thí điểm sử dụng cát biển đôi lúc còn lúng túng, chưa có hướng dẫn cụ thể; việc khai thác cát ở một số địa phương lại quá thận trọng, gây chậm trễ; việc sạt lở bờ sông phải được đánh giá kỹ hơn, tránh để người dân hiểu lầm; một số cơ quan, địa phương phản ứng chậm; hiện 2 tuyến cao tốc đang còn thiếu khoảng 30 triệu m3 cát.
Các địa phương phải trao đổi, hỗ trợ về vật liệu xây dựng. Một số địa phương còn chưa chủ động, chưa quyết liệt, còn lúng túng trong chỉ đạo, điều hành, chưa thể hiện được tinh thần trách nhiệm chính trị cao, nhất là đối với việc cung ứng vật liệu cho các dự án giao thông trọng điểm kết nối liên vùng.
Các cơ quan tham mưu, tổng hợp chưa nghiên cứu sâu sắc, chưa có phân tích, đánh giá kỹ, chưa có thông tin đầy đủ, đề xuất chưa sát, chưa trúng. Việc triển khai thực hiện các kết luận, chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có lúc, có nơi còn chậm, chưa chính xác. Một số địa phương chưa chủ động triển khai, áp dụng kịp thời cơ chế chính sách đặc thù mà Quốc hội, Chính phủ đã ban hành, dẫn đến chưa kịp thời có phương án cung ứng vật liệu đắp nền đường cho các dự án còn thiếu nguồn. Công tác thông tin, truyền thông một số nơi chưa chủ động thông tin đầy đủ để người dân đồng tình, ủng hộ, thậm chí còn có thông tin sai lệch…
Về bài học kinh nghiệm, Thủ tướng nhấn mạnh, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, Bộ trưởng, Thứ trưởng, các cơ quan tham mưu phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, làm hết trách nhiệm của mình; cần phải cầu thị, chia sẻ, tự hoàn thiện mình để làm cho tốt; cán bộ phải có tâm, có đức, có tài, có trách nhiệm, làm việc hiệu quả. Công tác quản lý phải được thường xuyên thay đổi, phù hợp thực tiễn cuộc sống. Quản lý, quản trị phải thông minh, số hóa, giảm phiền hà, giảm thủ tục, giảm chi phí cho người dân, doanh nghiệp.
Phải đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau với tinh thần hiệu quả. Phải tự tin tìm ra tất cả những gì có thể, vận dụng tối đa cơ chế, chính sách, phát huy tối đa tiềm năng khác biệt, cơ hội nổi trội, lợi thế cạnh tranh của các địa phương trong quá trình phát triển. Có tinh thần tự lực, tự cường, vận dụng sáng tạo đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước. Làm tốt công tác truyền thông, khách quan, trung thực với tinh thần “Dân biết, dân bàn, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng”; chia sẻ, hỗ trợ nhau lúc khó khăn.
Thời gian tới, Thủ tướng yêu cầu mục tiêu không thay đổi, phấn đấu hoàn thành 600km đường cao tốc trong nhiệm kỳ này ở đồng bằng sông Cửu Long, tập trung cho 2 tuyến cao tốc bắc-nam và đông-tây, trong đó tuyến cao tốc trục bắc-nam phải hoàn thành trước ngày 31/12/2025...; tích cực hưởng ứng phong trào thi đua nước rút 500 ngày đêm hoàn thành 3.000km đường cao tốc chào mừng Đại hội lần thứ XIV của Đảng, kỷ niệm 80 năm Ngày Quốc khánh, 50 năm Ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước.
Khi hoàn thành sớm các công trình này, chúng ta sẽ đưa vào khai thác sử dụng sớm, tạo không gian phát triển mới, tạo giá trị mới, thặng dư về đất lớn hơn, tạo các khu công nghiệp, khu đô thị, dịch vụ mới, tạo sinh kế cho người dân với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi". Phải tính toán vốn để báo cáo cấp thẩm quyền; Chính phủ sẽ giải quyết theo thẩm quyền. Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phải tham mưu, điều tiết vốn cho các công trình, dự án.
Về giải phóng mặt bằng, khối lượng chỉ còn rất ít, do đó Thủ tướng yêu cầu trong tháng 7 này các địa phương phải nỗ lực hoàn thành. Đối với công trình hạ tầng kỹ thuật điện giao chéo với các tuyến đường cần phải di dời, Bộ Công thương chỉ đạo EVN phải tích cực vào cuộc giải quyết. Về vật liệu xây dựng, các địa phương phải chủ động giải quyết như mở rộng mỏ, gia hạn giấy phép… Bí thư, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các địa phương phải giải quyết. Các Ban quản lý dự án, nhà thầu phải phối hợp chặt chẽ tham gia cùng các tỉnh để giải quyết, nếu thuộc thẩm quyền của Chính phủ thì Chính phủ sẽ giải quyết ngay. Các tỉnh miền Đông hỗ trợ miền Tây về đá, sỏi, các tỉnh miền Tây hỗ trợ các tỉnh miền Đông về cát san lấp.
Thủ tướng lưu ý, thi công "3 ca, 4 kíp", “làm ngày không đủ, tranh thủ làm đêm”, làm xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết; "ăn tranh thủ, ngủ khẩn trương". Rút ngắn thời gian thi công càng sớm, người dân càng được hưởng lợi. Thủ tướng đề nghị cấp ủy, chính quyền các cấp hỗ trợ các nhà thầu chỗ ăn ở, lương thực, thực phẩm; không để các Ban quản lý dự án, nhà thầu, các kỹ sư, công nhân “cô đơn” trên các công trường, đồng ruộng.
Về công tác hỗ trợ tái định cư, chăm lo đời sống nhân dân, các địa phương đã làm tốt, nhưng cần hơn nữa là sự chăm lo đời sống nhân dân sau tái định cư. Thủ tướng tin tưởng sau đây sẽ có nhiều khu công nghiệp, khu dịch vụ, sinh kế người dân sẽ được cải thiện.
Thủ tướng yêu cầu địa phương phải bảo đảm an ninh trật tự, giữ vững ổn định chính trị, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng; liên quan sự phối hợp giữa các cơ quan, địa phương với nhau thì phải chủ động, nếu vướng gì, vượt thẩm quyền phải báo cáo; bên cạnh tiến độ phải coi trọng chất lượng, yêu cầu kỹ mỹ thuật, vệ sinh môi trường, an toàn lao động, cảnh quan… Các cơ quan truyền thông vào cuộc với tinh thần “lấy tích cực đẩy lùi tiêu cực”, “lấy cái đẹp dẹp cái xấu”, tuyên truyền gương người tốt, việc tốt, cách làm hay…; phản ánh những vấn đề chưa được một cách khách quan, trung thực, có đề xuất giải pháp; không để các thế lực thù địch lợi dụng chống phá Đảng, Nhà nước.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Năm 2024, tổng sản phẩm GRDP trên địa bàn tỉnh ước tăng 7,32%
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- UBND tỉnh tiếp và làm việc với Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam
- UBND tỉnh họp nghe báo cáo tiến độ thực hiện và công tác GPMB các dự án nhà ở thương mại và khu dân cư NTM kiểu mẫu
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội biểu quyết thông qua các dự án luật
- Công bố quyết định của Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác cán bộ
- Tổng Bí thư Tô Lâm trao đổi chuyên đề đặc biệt quan trọng, định hướng phát triển đất nước
- Khai mạc hội chợ nông nghiệp quốc tế khu vực đồng bằng Bắc Bộ năm 2024
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám: Quốc hội thảo luận về sửa đổi dự án Luật Quảng cáo
- Thông cáo báo chí Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII