Sát cánh bên nhau, siết chặt đội ngũ, biến đau thương, mất mát thành hành động
Trong cuộc trao đổi với Phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người đứng đầu Đảng ta, GS.TS Tạ Ngọc Tấn, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh, Phó Chủ tịch Thường trực Hội đồng lý luận Trung ương còn có nhiều suy nghĩ, cảm xúc, cảm nhận về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Tấm gương của người cộng sản liêm khiết
Phóng viên (PV): Thưa GS.TS Tạ Ngọc Tấn, trải qua nhiều cương vị quan trọng do Đảng, Nhà nước và Nhân dân giao phó, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có nhiều cống hiến to lớn, quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc, nhất là trong công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Đồng chí có suy nghĩ, cảm nhận gì về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Theo tôi, có thể nói một cách rất khái quát đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với Đảng, với đất nước, với Nhân dân tập trung ở 3 điểm chính. Điểm thứ nhất, đồng chí là một nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng, thể hiện vai trò, trách nhiệm của mình trong việc triển khai, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ trong bất kỳ trọng trách nào mà đồng chí gánh vác, từ làm lãnh đạo Tạp chí Cộng sản cho đến khi lãnh đạo Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương, Chủ tịch Quốc hội, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước. Bất cứ ở vị trí công tác nào, đồng chí đều triển khai, chỉ đạo trực tiếp, cặn kẽ từng công việc để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ.
Đóng góp lớn thứ hai của đồng chí đó là việc tổng kết thực tiễn, nghiên cứu lý luận. Có thể nói, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một trong số ít những đồng chí lãnh đạo cao cấp nhất của Đảng, Nhà nước, đồng thời là một nhà lý luận. Cả cuộc đời của đồng chí gắn bó với hoạt động lý luận, từ khi ra trường năm 1967 cho đến phút cuối đời, lúc nào đồng chí cũng quan tâm đến công tác lý luận và trực tiếp là nhà nghiên cứu lý luận và có đóng góp lớn cho công tác lý luận của Đảng.
Thứ ba, theo tôi, những đóng góp rất đáng trân trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, đó là đóng góp của một tấm gương, của người cộng sản liêm khiết, một người gương mẫu đi đầu trong việc học tập làm theo tấm gương đạo đức của Bác Hồ. Cá nhân đồng chí đã thể hiện trong suốt cả cuộc đời hoạt động của mình: Liêm khiết, chuyên cần, nhẫn nại, gần dân, thương dân. Không những thế, đồng chí còn truyền những giá trị tốt đẹp đó cho cả gia đình, cho nên cả gia đình đồng chí là gia đình rất gương mẫu.
PV: Đề nghị GS.TS Tạ Ngọc Tấn nêu rõ vai trò hạt nhân lãnh đạo, xây dựng sự đoàn kết, thống nhất ý chí và hành động trong Đảng của đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được thể hiện như thế nào?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Tổng Bí thư đương nhiên là người đứng đầu của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Từ góc độ của mình, tôi nhìn thấy việc đầu tiên, Tổng Bí thư thể hiện vai trò lãnh đạo như trung tâm đoàn kết của Đảng. Trung tâm đoàn kết ở chỗ là đồng chí rất công bằng, rất sòng phẳng, rất chia sẻ, rất rõ ràng với công việc của từng người và luôn tìm mọi cách để đoàn kết Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư trong mọi tình huống, kể cả những lúc khó khăn, phức tạp nhất. Ví dụ như những lúc mà nước ngoài có những vi phạm vào độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước hay là chống đại dịch COVID-19..., đồng chí đều thể hiện vai trò đặc biệt của người thủ lĩnh của Đảng, Nhà nước.
Thứ hai, đồng chí là người gần như là tạo ra một bước ngoặt đặc biệt trong quá trình lãnh đạo đất nước. Với trách nhiệm là người đứng đầu của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng và tiêu cực, công cuộc phòng chống tham nhũng, tiêu cực do đồng chí lãnh đạo, chỉ đạo trực tiếp ấy đã tạo nên một bước thay đổi rất quan trọng từ nhận thức đến hành vi của đội ngũ cán bộ về thái độ, trách nhiệm đối với nước, đối với dân. Nó làm thay đổi trách nhiệm của việc một số người cứ quan niệm hạ cánh là an toàn. Nhưng ở đây nếu cứ có tham nhũng, lãng phí thì không có bất cứ một cửa thoát an toàn cho bất cứ người nào. Đấy là nhận thức là rất quan trọng.
Thứ ba nữa là, thể hiện người lãnh đạo, người đứng đầu của Đảng rất gần dân, rất chia sẻ với dân mọi hoạt động, mọi việc làm, mọi hoạt động lãnh đạo đối với Nhà nước, với Đảng, đặc biệt là đối với Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị thì đều tập trung vì dân, vì hạnh phúc của dân. Đó là tối thượng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013 - 2020. Ảnh: Phương Hoa/TTXVN.
Nhà lý luận xuất sắc của Đảng với những đóng góp to lớn
PV: Như Giáo sư vừa trao đổi, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có vai trò, đóng góp quan trọng trong lĩnh vực lý luận, nhất là vai trò trong việc không ngừng bổ sung, hoàn thiện lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở nước ta. Giáo sư có thể đánh giá cụ thể những đóng góp đó như thế nào?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Đồng chí Nguyễn Phú Trọng là một nhà lý luận xuất sắc của Đảng và những đóng góp của đồng chí vào công tác lý luận của Đảng là rất to lớn. Theo tôi có thể nhìn nhận trên mấy khía cạnh như thế này. Thứ nhất, về mặt tổ chức, chỉ đạo thực tiễn thì đồng chí Nguyễn Phú Trọng liên tục là người có vai trò, trách nhiệm rất quan trọng. Kể từ năm 1996, khi đồng chí là Ủy viên của Hội đồng lý luận Trung ương, sau đó là Chủ tịch Hội đồng Lí luận Trung ương khóa II và liên tục là người được Bộ Chính trị phân công chịu trách nhiệm về công tác lý luận của Đảng. Trong quá trình đó, đồng chí là người tham gia trực tiếp trong việc chỉ đạo và tổ chức thực hiện việc tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng. Những kết quả tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng có ý nghĩa rất quan trọng, là nền móng, cơ sở khoa học thực tiễn để phục vụ cho việc bổ sung, phát triển cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, bổ sung và phát triển năm 2011 mà Đại hội XI của Đảng đã thông qua. Và trong suốt quá trình đó, đồng chí là người rất quan tâm đến việc trực tiếp triển khai công việc lý luận.
Trong thời kỳ chuẩn bị cho Báo cáo chính trị Đại hội XI của Đảng, đồng thời chuẩn bị cho việc bổ sung, phát triển Cương lĩnh XI, đồng chí trực tiếp chỉ huy các đoàn đi khảo sát, đánh giá, tổng kết thực tiễn ở khắp các địa phương. Đồng chí trực tiếp là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo và chịu trách nhiệm phụ trách Tổ Biên tập xay dựng văn kiện để triển khai công việc. Tất cả những công việc cụ thể để chuẩn bị ấy đều có vai trò, trách nhiệm đồng chí Nguyễn Phú Trọng.
Thứ hai, cần phải kể đến vai trò đặc biệt quan trọng của đồng chí Nguyễn Phú Trọng trong việc nghiên cứu, tổng kết, dần dần làm rõ và hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam. Có thể nói, tổng kết 20 năm đổi mới đó là bước rất quan trọng để dẫn tới một loạt những vấn đề đặt ra. Ví dụ như là khẳng định Nhà nước pháp quyền; khẳng định vai trò cực kỳ quan trọng của việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng; khẳng định vai trò, vị thế của phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc; khẳng định tăng trưởng kinh tế gắn liền với xây dựng, phát triển văn hóa, thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội... Những phần lý luận rất quan trọng như thế hầu như đã được tổng kết, đánh giá trong quá trình tổng kết 20 năm đổi mới của Đảng.
Sau này, với việc bổ sung và phát triển Cương lĩnh thì chúng ta thấy đó là sự khẳng định tiếp theo về mô hình chủ nghĩa xã hội với 8 đặc trưng, sau đó bổ sung và phát triển thêm từ Cương lĩnh 1991. Nếu như nói tác phẩm cụ thể của đồng chí về vấn đề lý luận, mô hình chủ nghĩa xã hội thì có thể nói đến hai tác phẩm rất quan trọng. Tác phẩm đầu tiên là bài phát biểu của đồng chí tại Trường Đảng cao cấp Ni-cô Lô-pết tại thủ đô La Habana, Cuba năm 2012, trong đó đồng chí nói lên những đặc trưng rất cơ bản về nhận thức của Đảng ta về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội. Trong đó, lần đầu tiên đồng chí nêu bật 5 giá trị rất quan trọng mà chủ nghĩa xã hội hướng tới, đó là một sự tiếp nhận tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Giá trị thứ nhất là tính chất chung chế độ. Đó là chế độ của dân, do dân, vì dân, tất cả vì hạnh phúc của Nhân dân. Đặc trưng thứ hai đó là đặc trưng về một nền kinh tế phát triển không phải vì làm giàu cho một bộ phận mà là nền kinh tế phát triển gắn liền với văn hóa và thực hiện tiến bộ, công bằng, xã hội.
Giá trị thứ ba đồng chí Nguyễn Phú Trọng nhắc tới đó là những giá trị liên quan đến văn hóa, phát triển một nền kinh tế gắn liền với phát triển văn hóa, rồi bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa vì con người.
Thứ tư, đồng chí nói đến giá trị liên quan đến mối quan hệ giữa chế độ chúng ta với thiên nhiên, tự nhiên. Đồng chí nói đến giá trị rất quan trọng của chủ nghĩa xã hội. Đó là hướng tới việc phát triển một chế độ trong mối quan hệ gắn bó hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn bảo vệ thiên nhiên cho muôn đời con cháu về sau chứ không phải bóc lột thiên nhiên vì lợi ích trước mắt.
Cuối cùng đồng chí nói đến là mối quan hệ về mặt chính trị. Đó là chế độ ta là chế độ của dân, do dân và vì dân, một Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa vì dân chứ không phải như kiểu nhà nước mà chỉ thu về lợi ích của một nhóm nhỏ giàu có. Có thể nói đấy là năm giá trị khẳng định ngay từ bài phát biểu đó.
Đến bài thứ hai có thể coi như là tác phẩm kinh điển về nhận thức lý luận về chủ xã hội. Đó là bài “Một số vấn đề lý luận về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam”. Bài đó trở thành cốt tử, trung tâm của những nhận thức lý luận và được hình thành trong cuốn sách do Hội đồng lý luận Trung ương phối hợp với Nhà xuất bản Chính trị quốc gia sự thật phát hành.
Cuốn sách đó của Tổng Bí thư đã được rất nhiều nước trên thế giới quan tâm, trong đó có cả những trường đại học của Mỹ quan tâm, cho sinh viên đọc những cuốn sách này. Họ đọc những cuốn sách này chính là nghiên cứu về phần nghiên cứu lý luận của Đảng.
Tiếp nữa, tôi muốn nói đến đóng góp cực kỳ to lớn của đồng chí về lý luận, xây dựng mô hình tổng kết lý luận, nghiên cứu lý luận, đóng góp vào việc hoàn thiện mô hình chủ nghĩa xã hội Việt Nam rất đặc trưng.
PV: Những đúc kết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã được xuất bản thành rất nhiều những cuốn sách như chúng ta đã thấy trong thời gian gần đây. Theo GS.TS Tạ Ngọc Tấn, những cuốn sách này có ý nghĩa về lý luận, thời sự và thực tiễn như thế nào?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Theo tôi được biết, nếu như cuốn “Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội Việt Nam” có thể coi là cuốn sách đầu tiên về những vấn đề lý luận của Tổng Bí thư năm 2021. Và suốt trong thời gian ấy đến nay có khoảng gần hai chục cuốn sách của Tổng Bí thư. Đây là những cuốn sách, tôi nghĩ là rất quý vì nó tập hợp quan điểm của Tổng Bí thư về những vấn đề liên quan đến kinh tế - xã hội, chính trị, an ninh quốc phòng, xây dựng Đảng, quan hệ quốc tế... Mỗi cuốn sách ấy tập chung rất nhiều những nhận thức về lý luận của đồng chí không chỉ về thời hiện đại mà nó là một quá trình đồng chí tham gia nghiên cứu lý luận, kể cả những năm tháng đồng chí công tác của Tạp chí Cộng sản cho đến sau này.
Theo tôi, giá trị là tập trung vào hai nghĩa có những nội dung rất thời sự. Đấy là sự khái quát với thời điểm hiện tại về những vấn đề liên quan đến các lĩnh vực đời sống, thể hiện đường lối, chủ trương của Đảng ta dựa trên những nhận thức lý luận, dựa trên tình hình thực tiễn lịch sử rất cụ thể của Việt Nam.
Thứ hai nữa, đó là sự tiếp nối cả một quá trình nhận thức lý luận, đánh giá của đồng chí Nguyễn Phú Trọng về những vấn đề thời sự.
Thay đổi rất quan trọng về cách thức, phương pháp làm việc
PV: Về xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp quan trọng trong 2 nhiệm kỳ làm Chủ tịch Quốc hội. GS.TS Tạ Ngọc Tấn có thể chia sẻ cụ thể hơn về nội dung này?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trong quá trình đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người đứng đầu của cơ quan lập pháp của đất nước thì tôi cũng là người rất may mắn là Đại biểu Quốc hội khóa XIV, trực tiếp chứng kiến công việc lãnh đạo, chỉ đạo công việc Quốc hội của đồng chí. Cùng với những nhận thức khác qua thông tin, qua tìm hiểu, tôi thấy đóng góp của đồng chí Nguyễn Phú Trọng thể hiện ở mấy điểm. Trước hết là thay đổi rất quan trọng về cách thức, phương pháp làm việc. Từ việc chất vấn các bộ, các ngành, đặt ra những vấn đề đặc biệt là những vấn đề rất thiết thân, bức xúc của đời sống xã hội. Nếu đặt lên bàn chất vấn và những cuộc chất vấn, tôi thấy rất sinh động. Đặc biệt thời điểm đó các cuộc chất vấn được truyền hình trực tiếp. Đấy là một phong cách rất là mới, đồng chí thể hiện vai trò, trách nhiệm của người lập pháp, của người kiểm tra, xem xét, đánh giá quá trình tổ chức thực hiện những quyết định của mình đối với các bộ, các ngành và kể cả Thủ tướng cũng xuất hiện để trả lời những câu hỏi.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng làm việc với Thường trực Hội đồng Lý luận Trung ương năm 2014 (ảnh: TTXVN).
Thứ hai, tôi thấy trong thời kỳ đó là thời kỳ tăng cường đội ngũ bộ máy, đặc biệt là tăng cường việc lựa chọn, xem xét, đánh giá lực lượng đại biểu chuyên nghiệp. Có một điều rất quan trọng nữa là tăng cường vai trò, trách nhiệm và một số công việc có tính chất thường trực mà bộ phận thường trực, bộ phận đại biểu chuyên trách làm việc, xử lý để đi đến những quyết định chung của Quốc hội.
Thứ ba, theo tôi có một vai trò rất quan trọng, thúc đẩy quá trình xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Tôi không nhớ con số cụ thể nhưng nhớ là trong suốt thời kỳ đồng chí là Chủ tịch Quốc hội, liên tục xuất hiện các bộ luật. Đó là thời kỳ đóng góp rất quan trọng thúc đẩy để chúng ta hiện nay có một hệ thống luật pháp tương đối hoàn thiện để điều chỉnh các hoạt động của toàn bộ xã hội trên tất cả các lĩnh vực.
Công cuộc phòng, chống tham nhũng đã tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng
PV: Những năm qua, Nhân dân và các cán bộ, đảng viên rất vui mừng, phấn khởi, tăng thêm niềm tin vào Đảng, Nhà nước khi chứng kiến những chủ trương, biện pháp xử lý rất kiên quyết của Đảng, Nhà nước ta trong công tác phòng chống tham nhũng. Giáo sư nhìn nhận như thế nào về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong cuộc chiến chống tham nhũng, tiêu cực?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Dưới thời kỳ hơn 2 khóa đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư - Người đứng đầu của Đảng, trong đó có gần 2 năm kiêm Chủ tịch nước, có thể nói là công cuộc phòng, chống tham nhũng của chúng ta đã tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng. Lần đầu tiên hoạt động phòng, chống tham nhũng đã trở thành nghiêm khắc, không có vùng cấm và việc xử lý rất bài bản. Nhiều vụ án ngay lập tức được xem xét, đánh giá, đưa ánh sáng, kể cả những vụ án đã xuất hiện trước đó cả chục năm. Khi có khuất tất, khi có ảnh hưởng đến mất mát tiền, của cải của Nhân dân, đất nước thì đều được đưa ra ánh sáng.
Thứ hai, cuộc phòng chống tham nhũng này thay đổi nhận thức rất lớn trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, đảng viên, trong toàn bộ hệ thống chính trị. Trước hết là trong hệ thống Đảng, tạo nên nhận thức và xử lý rất nghiêm túc đối với kỷ luật Đảng, phê bình và tự phê bình, đấu tranh trong nội bộ Đảng. Cần phải nói điều đó như vậy. Bởi vì nếu như trước kia, anh có thể giải quyết công việc để anh hạ cánh an toàn thế là xong. Còn bây giờ thì không có. Bây giờ nếu mắc khuyết điểm thì anh phải chịu trách nhiệm với khuyết điểm đó, gắn liền với trách nhiệm đối với vị trí công việc anh xử lý. Thậm chí làm cho người cán bộ nhìn thấy rằng, con đường tham nhũng, lãng phí là con đường cùng. Anh không có cách nào trốn cả, buộc anh phải thực hiện một cách hết sức nghiêm túc, kỷ luật, kỷ cương của Đảng.
Thứ ba, tôi thấy công cuộc phòng chống tham nhũng là việc làm không chỉ đóng góp vào việc xây dựng Đảng và hệ thống chính trị vững mạnh, trong sạch, còn có một vai trò rất quan trọng nữa. Đó là củng cố niềm tin của dân, lấy lại niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và hệ thống chính trị. Người dân rất tin cậy, tin tưởng đồng chí Tổng Bí thư, tin tưởng vào công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng, kể cả những lúc một số cán bộ tương đối lớn bị xử lý kỷ luật, người dân vẫn rất tin cậy vào công cuộc phòng, chống tham nhũng.
Điều cuối cùng tôi muốn nói, tức là thông qua việc phòng, chống tham nhũng làm trong sạch bộ máy của Đảng, thay đổi nhận thức của người cán bộ, đảng viên đối với chức trách công việc, đối với việc rèn luyện đạo đức, tác phong, kỷ cương của mình đối với thái độ, trách nhiệm trước cấp dưới và trước toàn dân. Đồng thời gắn với đó là quá trình củng cố, tăng cường niềm tin của Nhân dân đối với Đảng, đối với đất nước, đối với chế độ. Đó chính là một quá trình rất quan trọng để làm công việc bảo vệ Đảng, xây dựng Đảng, tăng cường sức mạnh của Đảng, đặc biệt là sức mạnh lãnh đạo của Đảng. Bởi vì chúng ta biết rằng, quyền lực của Đảng chỉ dựa vào điểm tựa duy nhất - Đó là niềm tin của dân. Khi đã có niềm tin của dân đấy là lúc Đảng có sức mạnh lớn nhất .
Con người của Nhân dân, con người của lịch sử
PV: Vậy Giáo sư có cho rằng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một con người của Nhân dân, con người của lịch sử?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Con người của lịch sử thì đương nhiên. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sẽ đi vào lịch sử như một trong những Tổng Bí thư theo tôi quan niệm đó là Tổng Bí thư rất xuất sắc của Đảng. Tất nhiên là đồng chí Tổng Bí thư nào cũng xuất sắc, cũng có những đóng góp to lớn, nhưng riêng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tôi thấy đó là một sự đóng góp rất đặc biệt. Khi đồng chí là một Tổng Bí thư xuất sắc, một con người rất đặc biệt của Đảng thì đương nhiên rồi - đồng chí là con người của Nhân dân. Vì Đảng chúng ta là Đảng của Nhân dân.
PV: Giáo sư có thể phân tích rõ hơn góc độ con người của Nhân dân của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Đảng ta là Đảng của Nhân dân nên Tổng Bí thư đương nhiên là con người của Nhân dân. Con người của Nhân dân thể hiện mấy điều như trên tôi cũng đã phân tích. Thứ nhất, đồng chí thể hiện rất đúng vai trò, lý tưởng của Đảng, là người lãnh đạo của Nhân dân. Là người lãnh đạo thì tài năng, phẩm giá, nhân cách và đặc biệt là tấm gương. Người lãnh đạo chỉ có thể được lòng Nhân dân, chỉ có được sự tín nhiệm của cấp dưới khi thực sự là một tấm gương tốt, “thượng bất chính, hạ tắc loạn”, bên trên mà lộn xộn thì bên dưới tất nhiên không yên. Nhưng nếu một người làm gương tốt, nếu một người đi đầu trong sạch, gương mẫu, nếu người đứng đầu mà bản thân và gia đình thực sự là một tấm gương trong sáng, lành mạnh của đất nước, của chế độ thì ở dưới đương nhiên người dân tôn phục. Và không chỉ tôn phục ông ấy thôi mà còn làm theo ông ấy, đồng thời ủng hộ ông ấy bằng cách chống lại những gì làm ngược với tấm gương của ông ấy. Cho nên đương nhiên Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là con người của Nhân dân.
Góp phần to lớn hoàn thiện thể chế trong hoạt động của Đảng
PV: Cùng với việc xử lý nghiêm kỷ luật những cán bộ vi phạm thì Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng trực tiếp chỉ đạo ban hành rất nhiều những quy định, quy chế của Đảng để chấn chỉnh công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Những quy định như thế đã có ý nghĩa như thế nào để chúng ta tiếp tục công cuộc phòng chống tham nhũng thưa Giáo sư?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Trong những đánh giá tổng kết của các kỳ đại hội thì các báo cáo chính trị đều nhấn mạnh một điều là điểm yếu nhất chúng ta vẫn là tổ chức thực hiện. Muốn tổ chức thực hiện tốt thì phải có một thể chế cực kỳ hoàn thiện. Ngay trong Đảng cũng vậy, muốn để các tổ chức Đảng hoạt động một cách chuẩn chỉnh, thực sự đúng vai trò, trách nhiệm của tổ chức Đảng thì lúc đó phải có hệ thống thể chế cực kỳ chặt chẽ. Ban Chấp hành Trung ương dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hoàn thiện những quy định, những quy chế, những định chế trong hoạt động của Đảng từ nguyên tắc tổ chức này. Cách thức làm việc của các cấp ủy cho đến các tổ chức hoạt động, rồi mối quan hệ giữa cơ quan..., tất cả những chuyện đó chính là hoàn thiện thể chế trong hoạt động của Đảng. Và khi chúng ta có một thể chế hoàn chỉnh, hợp lí, thông minh, đủ hiệu lực thì lúc bấy giờ nó sẽ có vai trò rất quan trọng trong việc tăng cường vai trò lãnh đạo của Đảng, tăng cường hiệu quả lãnh đạo và cầm quyền của Đảng.
PV: Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn là người đặc biệt quan tâm đến vấn đề đạo đức của người cán bộ, đảng viên và nhiều lần nhấn mạnh “Danh dự là điều thiêng liêng, cao quý nhất”. Trong bối cảnh chúng ta đang chuẩn bị tổ chức Đại hội XIV của Đảng thì công tác cán bộ cần được quan tâm như thế nào, thưa Giáo sư?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Nói đến đạo đức thì đời nào cũng cần, chỗ nào cũng cần, cộng đồng nào cũng cần. Bởi vì đạo đức nói cho cùng đó là những chuẩn mực hành xử tốt đẹp của con người. Con người phải hướng tới cách hành xử trong mối quan hệ với nhau, trong mọi mối quan hệ thật tốt đẹp. Đấy chính là những chuẩn mực đạo đức. Và đương nhiên rồi, chính vì vai trò rất quan trọng của đạo đức đó nên chúng ta mới có một yêu cầu trong nội dung xây dựng Đảng là xây dựng Đảng về đạo đức.
Đạo đức gắn liền với chuẩn mực trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, gắn liền với trách nhiệm của người công dân Việt Nam trong thời đại mới. Chính vì thế cho nên là đạo đức ấy không đơn thuần chỉ là những tiêu chuẩn có tính chất tốt đẹp mà phải gắn với nó là những điều kiện, những luật lệ, những đảm bảo để những chuẩn mực đạo đức ấy không chỉ là được ủng hộ, thực hiện mà còn được bảo vệ trong những môi trường phức tạp.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trò chuyện, trao đổi với GS.TS Tạ Ngọc Tấn.
Đôi khi những người hành xử đạo đức lại không phải là những người được bảo vệ an toàn. Cho nên hoạt động đạo đức này theo quan niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thì nó phải gắn liền với hệ thống kỷ cương, chặt chẽ, kỷ luật, đi đôi với sự tự giác của con người về mặt đạo đức, nó phải gắn bó chặt chẽ với nhau. Đương nhiên là nói đến đạo đức thì nói như Bác Hồ: Sông có nguồn, cây có cội, con người thì có đạo đức là gốc, không có đạo đức làm việc gì cũng hỏng. Bác Hồ đã khẳng định phải có “hồng”, có “chuyên”. Nếu có “hồng” mà không có “chuyên” làm việc việc gì cũng khó. Nhưng có “chuyên” mà không có “hồng” thì làm việc gì cũng hỏng. Đạo đức chính là căn cốt ở đó.
Tin cậy vào sự lãnh đạo có tính tập thể của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương
PV: Với những đóng góp quan trọng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng như vậy, khi nghe tin Tổng Bí thư không còn nữa, Giáo sư có suy nghĩ, cảm xúc như thế nào?
GS.TS Tạ Ngọc Tấn: Có thể nói là sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là sự mất mát lớn cho Đảng, cho Nhà nước và cho Nhân dân ta. Tôi nghĩ là mất mát, đau thương đã đành nhưng lúc này không phải lúc để chúng ta ngồi lại với những đau thương, mất mát. Toàn Đảng, toàn dân, toàn quân sát cánh bên nhau, siết chặt đội ngũ. Đặc biệt là tin cậy vào sự lãnh đạo có tính tập thể. Tôi muốn nói là lãnh đạo tập thể và trách nhiệm cá nhân có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với Đảng ta, đặc biệt trong lúc khó khăn như thế này. Chúng ta hết sức sát cánh lại với nhau để tin cậy vào sự sáng suốt, tinh thần đoàn kết, ý thức trách nhiệm của tập thể Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành Trung ương để chúng ta vượt qua mất mát, đau thương này, tiếp tục sự nghiệp to lớn, công cuộc xây dựng, phát triển đất nước, đẩy mạnh đổi mới vì dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh và lớn hơn hết vì hạnh phúc của Nhân dân. Đây là điều mà ngay từ đầu tiên khi thành lập Đảng, Đảng và Bác Hồ chúng ta đã mong muốn...
PV: Xin trân trọng cảm ơn GS.TS Tạ Ngọc Tấn đã dành cho chúng tôi buổi trao đổi đầy ý nghĩa ngày hôm nay./.
Theo: dangcongsan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội trao quà tết tại Thái Bình
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Xây dựng công nhận thị trấn Tiền Hải mở rộng đạt tiêu chí đô thị loại IV
- Thống nhất nội dung, chương trình kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất HĐND tỉnh khóa XVII, nhiệm kỳ 2021 - 2026
- Gặp mặt cán bộ, hội viên Câu lạc bộ Lê Quý Đôn
- Khen thưởng 12 tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác văn phòng cấp ủy
- Công bố quyết định của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công tác cán bộ
- Hội nghị Chính phủ với chính quyền địa phương
- Không ngừng nghỉ trong công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực
- Họp Tiểu ban Nhân sự Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XXI
- Chính thức khởi động cuộc thi trắc nghiệm trên internet tìm hiểu “Lịch sử Đảng bộ, lịch sử tỉnh Thái Bình”