Chủ nhật, 24/11/2024, 06:25[GMT+7]

Nhân dân tiếc thương nhà lãnh đạo hết lòng vì nước, vì dân

Thứ 6, 26/07/2024 | 08:58:44
691 lượt xem
Tối 25/7, dù đã muộn nhưng từng đoàn người nối dài vẫn xếp hàng bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, thành phố Hà Nội), kiên nhẫn chờ đến lượt để vào tiễn biệt Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ai nấy đều mang nỗi niềm bùi ngùi, tiếc thương khi nhắc đến nhà lãnh đạo có tâm, có tài, hết lòng vì nước, vì dân.

Người dân xếp hàng bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia (số 5 Trần Thánh Tông, Hà Nội), chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, tối 25/7/2024.

Mờ sáng đi xe máy từ Ninh Bình tới Hà Nội tiễn đưa Tổng Bí thư

Hòa chung vào dòng người, cô giáo Đỗ Thị Thìn và Đỗ Thị Phương của Trường THCS Ninh An (Hoa Lư, Ninh Bình) cho biết, các cô đã cất công đi xe máy từ Ninh Bình vào 4 rưỡi sáng sớm nay, nhưng vào buổi sáng, Ban Lễ tang chỉ đón các đoàn lãnh đạo nên cô giáo Thìn cùng người đồng nghiệp đã di chuyển qua viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng ở quê nhà Đông Anh trước.

Khi đến xếp hàng bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia từ 14 giờ chiều để được vào viếng Tổng Bí thư tối nay, cô giáo Thìn cho hay: Được tận mắt nhìn di ảnh bác, tôi thực sự xúc động về vị lãnh đạo tài đức vẹn toàn, đặc biệt xuất sắc.

Tối muộn ngày 25/7, nhiều người dân vẫn xếp hàng dài bên ngoài Nhà tang lễ quốc gia, chờ viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

Có mặt ở khu vực gần nhà tang lễ từ sớm, ông Trần Đức Nhuận (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, buổi sáng ông đã đến nhưng không được vào, nên buổi chiều ông đã quay lại và đến từ sớm vì sợ đông.

"Nhất quyết phải tiễn Tổng Bí thư lần cuối. Tôi rất cảm kích bác Trọng từ khi bác còn là Bí thư Thành ủy Hà Nội", ông Nhuận nói.

Nhắc đến Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, ông Nhuận cho biết có thể đúc kết bằng 3 từ “rất nhân hậu”.

"Người dân ai cũng muốn gần bác. Khi nghe tin bác Trọng mất, tôi đã rất đau xót và buồn bã từ hôm đó tới bây giờ. Bác Trọng từ trần là đất nước mất một nhân tài. Đồng chí Tổng Bí thư là một tấm gương sáng cho tất cả người dân Việt Nam noi theo", ông Nhuận nhấn mạnh.

Chị Trần Thị Mai Hồng chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân sau khi vào viếng Tổng Bí thư. 

Khi biết tin Tổng Bí thư qua đời, chị Trần Thị Mai Hồng, trú tại quận Tây Hồ, Hà Nội đã khóc nhiều ngày nay. Và đến ngày viếng, chị chia sẻ bản thân đã rất mệt khi phải xếp hàng dài để được viếng bác, thế nhưng, khi đến lượt được vào viếng Tổng Bí thư, chị cảm thấy vô cùng hạnh phúc.

Chị chia sẻ, ngày trước, chị còn trẻ và chưa có đủ điều kiện để đến viếng Đại tướng Võ Nguyên Giáp khi bác qua đời, khiến chị cảm thấy rất hối tiếc. Do đó, khi có đám viếng của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, chị tự nhủ nhất định phải đi.

Cũng là một người thường xuyên theo dõi hoạt động chính trị, kinh tế-xã hội, lịch sử… và trên hết là một người yêu nước, chị cho rằng những lời căn dặn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất quý báu.

“Bác như một tấm gương để tôi noi theo về đạo đức. Bác là người đại diện của Đảng để giúp tôi hiểu hơn về Đảng. Có rất nhiều câu nói của bác mà tôi rất thích, nhưng câu nói mà tôi ấn tượng nhất chính là ‘Tiền bạc lắm làm gì, chết có mang theo được đâu. Danh dự mới là điều thiêng liêng, cao quý nhất’. Tôi thực sự cảm thấy hạnh phúc khi đã hoàn thành tâm nguyện được vào viếng bác, nói lời tiễn biệt bác, và sự đợi chờ này là xứng đáng”, chị Hồng bồi hồi nói.

Tiếc thương một nhân cách lớn, một người bạn lớn

Họa sĩ-cựu chiến binh Phạm Ngọc Khôi chia sẻ với phóng viên Báo Nhân Dân về những kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người bạn học thời phổ thông của ông. 

Đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - người bạn học từ thời phổ thông của mình, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi, thương binh chống Mỹ cho biết, ông và đồng chí Tổng Bí thư là bạn đồng niên, cùng theo học tại Trường THPT Nguyễn Gia Thiều năm xưa.

Bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm cùng bạn học, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi lần giở ký ức khi cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng hội ngộ trong những lần họp khóa, họp trường, được gặp người bạn đáng quý của mình.

“Gần đây nhất là năm 2020, trường kỷ niệm 70 năm thành lập, tôi cùng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng còn khoác vai nhau thân thương, sau đó còn về Lại Đà để thắp hương nhà thờ họ Nguyễn Phú. Khi vào viếng Tổng Bí thư, tôi chỉ nghĩ thầm: 'Anh Trọng ơi, Ngọc Khôi đến viếng anh đây'", ông Khôi nghẹn ngào nói.

Do rất đông người dân đến viếng, mỗi người không có nhiều thời gian trước linh cữu, người họa sĩ-cựu chiến binh cho biết, bản thân ông rất tiếc nhưng cũng rất xúc động trong thời khắc chia tay người bạn đồng niên, tiếc thương một nhân cách lớn, một người bạn lớn của các cựu học sinh Trường Nguyễn Gia Thiều.

“Cả ngày hôm nay, tôi xem vô tuyến tường thuật phúng viếng mà trong lòng đầy cảm xúc. Tôi còn giữ được 3 bài thơ mà bạn Trọng làm khi ra trường, đã viết tay đặc biệt tặng tôi. Hôm nay tôi đã mang 3 bài thơ ra đọc lại. Thật khó để quên những lần tựu trường được nói chuyện, tán gẫu cùng nhau đầy xúc động”, họa sĩ Phạm Ngọc Khôi chia sẻ.

Trước đó, trong sáng nay, các thế hệ thầy, trò Trường THPT Nguyễn Gia Thiều đã trang trọng tổ chức Lễ tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - cựu học sinh của nhà trường niên khóa 1957-1963.

Chia sẻ tại lễ tưởng niệm, thầy Lê Trung Kiên, Hiệu trưởng Trường THPT Nguyễn Gia Thiều cho biết, đồng chí Nguyễn Phú Trọng là người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhân hậu, trọng dân, đã dành trọn cuộc đời cống hiến cho lý tưởng độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, vì hạnh phúc của nhân dân, có lối sống giản dị, gần gũi, thân tình.

“Đồng chí mất đi là một tổn thất vô cùng to lớn của Đảng ta, nhân dân ta. Trường Nguyễn Gia Thiều mất đi một cựu học sinh ưu tú xuất sắc, một nhân cách lớn trong đạo nghĩa tình thầy trò”, thầy Lê Trung Kiên xúc động cho biết.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày