Thứ 6, 22/11/2024, 10:15[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến New Delhi bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Ấn Độ

Thứ 4, 31/07/2024 | 08:26:38
1,213 lượt xem
Đúng 22 giờ 40 phút đêm 30/7 (giờ địa phương, tức 0 giờ 10 phút sáng 31/7 giờ Hà Nội), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam đã tới Sân bay quân sự Palam ở thủ đô New Delhi bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ theo lời mời của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 30/7 đến 1/8.

Cán bộ, nhân viên Đại sứ quán Việt Nam tại Ấn Độ đón Thủ tướng Phạm Minh Chính tại Sân bay quân sự Palam ở Thủ đô New Delhi.

Ra sân bay đón Thủ tướng Phạm Minh Chính và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam về phía Ấn Độ có Quốc Vụ khanh Ngoại giao Pabitra Margerita, Đại sứ Ấn Độ tại Việt Nam Sandeep Arya và Vụ trưởng Vụ Lễ tân, Bộ Ngoại giao; về phía Việt Nam có Đại sứ Việt Nam tại Ấn Độ Nguyễn Thanh Hải; Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Mumbai Lê Quang Biên, cán bộ, nhân viên Đại sứ quán.

Trong khuôn khổ chuyến thăm, dự kiến, Thủ tướng Phạm Minh Chính có cuộc hội đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi; gặp gỡ một số nhà Lãnh đạo Ấn Độ; dự Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - Ấn Độ, gặp gỡ một số tập đoàn hàng đầu của Ấn Độ…

Thủ tướng Phạm Minh Chính đến sân bay quân sự Palam, Thủ đô New Delhi bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước đến Ấn Độ. 

Đây là chuyến thăm đầu tiên của Thủ tướng Phạm Minh Chính trên cương vị người đứng đầu Chính phủ và là chuyến thăm chính thức Ấn Độ đầu tiên của một Thủ tướng Chính phủ Việt Nam sau 10 năm.

Chuyến thăm diễn ra sau khi Ấn Độ tổ chức thành công bầu cử Hạ viện lần thứ 18 với thắng lợi thuộc về Liên minh Dân chủ Quốc gia Ấn Độ (NDA) do Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) làm nòng cốt, Thủ tướng Narendra Modi tái đắc cử nhiệm kỳ 3 liên tiếp, khẳng định vị thế là lãnh đạo có uy tín và ảnh hưởng đậm nét nhất trên chính trường Ấn Độ hiện nay do những thành tích vượt bậc về kinh tế, khoa học-kỹ thuật, đối ngoại đạt được trong hai nhiệm kỳ vừa qua.

Quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Ấn Độ phát triển tích cực với nền tảng quan hệ vững chắc và tin cậy chính trị cao. Quan hệ kênh Đảng, Nhà nước, Quốc hội và nhân dân được mở rộng, thường xuyên duy trì các chuyến thăm, tiếp xúc cấp cao và các cấp, ở các kênh. Hợp tác quốc phòng-an ninh tiếp tục là lĩnh vực hợp tác trụ cột, quan trọng và chiến lược. Hợp tác kinh tế-thương mại phục hồi và phát triển tích cực sau đại dịch, kim ngạch thương mại hai chiều năm 2023 đạt gần 15 tỷ USD.

Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam tới Sân bay quân sự Palam ở Thủ đô New Delhi. 

Tính đến tháng 5/2024, kim ngạch thương mại giữa hai nước đạt gần 5,94 tỷ USD, trong đó xuất khẩu của Việt Nam sang Ấn Độ đạt 3,56 tỷ USD và nhập khẩu từ Ấn Độ đạt gần 2,38 tỷ USD (ta xuất siêu 1,1 tỷ USD). Ấn Độ hiện có 380 dự án đầu tư còn hiệu lực với tổng số vốn 1,067 tỷ USD, đứng thứ 24/144 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam; một số tập đoàn lớn của Ấn Độ đang quan tâm đầu tư vào Việt Nam trên lĩnh vực hạ tầng, năng lượng tái tạo, trong đó có Tập đoàn Adani.

Hợp tác trong lĩnh vực văn hóa, du lịch và giao lưu nhân dân tiếp tục được tăng cường và mở rộng. Kết nối giữa hai nước về hàng không và hàng hải được đẩy mạnh; hiện giữa hai nước có 54 chuyến bay thẳng hàng tuần.

Hợp tác hai nước trên các lĩnh vực khác như nông nghiệp hai nước tiếp tục đạt được nhiều kết quả tích cực. Hợp tác năng lượng-dầu khí phát triển tốt. Hợp tác giáo dục-đào tạo đạt được nhiều kết quả tích cực. Ấn Độ cấp cho ta 150 suất học bổng theo Chương trình Hợp tác kỹ thuật và kinh tế Ấn Độ (ITEC), 30 suất học bổng thuộc Chương trình CEP/GCSS, và 2-4 suất/năm đào tạo tiếng Hindi và Văn hóa Ấn Độ. Ấn Độ đã thành lập Trung tâm đào tạo nguồn lực chất lượng cao về công nghệ thông tin và truyền thông tại Hà Nội, Trung tâm tiếng Anh tại Đại học Đà Nẵng.

Về khoa học-công nghệ, hai bên đã ký Bản ghi nhớ về hợp tác giữa Viện Năng lượng Nguyên tử Việt Nam và Trung tâm đối tác năng lượng hạt nhân toàn cầu Ấn Độ (3/2018), Thỏa thuận thực hiện Dự án “Xây dựng Trạm dò tìm, tiếp nhận dữ liệu và Trung tâm xử lý dữ liệu ảnh vệ tinh” (1/2018). Hiệp định về sử dụng Năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình có hiệu lực từ tháng 8/2017 và Ủy ban Hỗn hợp về Năng lượng nguyên tử vì mục đích hòa bình đã họp 2 kỳ (12/2018 và 3/2021).

Hai nước còn nhiều tiềm năng trong hợp tác thương mại-đầu tư với nhiều thế mạnh như thị trường đông dân nhất thế giới, kinh tế phát triển năng động. Gần đây, các tập đoàn lớn của Ấn Độ đã quan tâm đến thị trường Việt Nam trong các lĩnh vực chiến lược như năng lượng tái tạo, công nghiệp chế biến, dược phẩm, hạ tầng, logistics.

Về phía Việt Nam, hãng hàng không Vietjet đã mở thêm nhiều chuyến bay thẳng đến các thành phố lớn của Ấn Độ; Công ty Vinfast đã khởi công xây dựng nhà máy lắp ráp và sản xuất ô tô tại bang Tamil Nadu, Ấn Độ với số vốn cam kết 2 tỷ USD. Hợp tác trên các lĩnh vực khoa học-công nghệ, thông tin-truyền thông, giáo dục-đào tạo, văn hóa-du lịch, giao lưu nhân dân đều phát triển tích cực.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày