Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trong ngôi nhà di sản Báo chí cách mạng Việt Nam
Từ ý tưởng của nhà báo Phan Hữu Minh
Tôi về công tác tại Bảo tàng Báo chí Việt Nam năm 2017. Nhớ lần đầu gặp nhà báo Phan Hữu Minh, Ủy viên Thường vụ Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam, Trưởng Ban Kiểm tra Hội Nhà báo Việt Nam, anh vỗ vai tôi: “Vũ ạ, phải đặt được bia di tích Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng ở Đại Từ, Thái Nguyên nữa thì mới yên tâm”. Sự yên tâm mà anh Minh nhắc đến, theo tôi nghĩ đó là sự yên tâm với lịch sử, với các vị tiền bối, với bề dày của việc đào tạo báo chí nước nhà. Lớp học đầu tiên với 42 học viên ấy đã tỏa đi khắp các chiến trường, các nẻo đường đất nước đưa tin chiến sự, cổ vũ nhân dân đồng lòng đánh giặc, xây dựng đất nước Việt Nam…
Chúng tôi bắt tay vào sưu tầm hiện vật của các nhà báo đã từng là học viên của Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, đi phỏng vấn từng nhân vật còn sống. Tôi còn nhớ, ngày 31/10/2017, tôi và đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam, cùng Nguyễn Văn Ba, bảo tàng viên đến nhà cụ Trần Kiên, nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Nhân Dân. Cuộc gặp tại đây có bà Phạm Thị Mai Cương, bà Lý Thị Trung và bà Dung vợ ông Trần Kiên. Mọi người như trở về thời trai trẻ, từ những câu chuyện về học hành, sinh hoạt của trường dạy làm báo ở chiến khu ấy, những tình cảm lứa đôi, những câu chuyện vui từ những món ăn như cà bung, làm báo tường...
Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (Ảnh Tư liệu).
Bà Mai Cương kể lại, mắt vẫn ánh lên hãnh diện: “Trong lớp học, ba chị em phụ nữ ngồi bàn đầu nên thầy giáo vào dạy hoặc các đồng chí lãnh đạo đến thăm lớp đều được bắt tay trước, hãnh diện lắm so với cánh đàn ông”. Bà Lý Thị Trung tâm sự: “Hồi ấy, nhà bếp cho ăn mãi món cà, hết cà nấu canh đến cà bung mắm tôm, nướng hấp đủ các kiểu đến nỗi chán không muốn ăn”. Ông Kiên thì trầm tĩnh: “Khó khăn, gian khổ là vậy, nhưng ai cũng hăng hái muốn trang bị cho mình kiến thức làm báo để phục vụ Tổ quốc, phụng sự nhân nhân”.
Nhiều lần đến thăm nhà báo Phạm Viết Thiệu, ông tâm sự rằng sau khi học xong, đi thực tập phỏng vấn đồng chí Võ Nguyên Giáp, ông mất bình tĩnh run đến mức quên hết câu hỏi, nhờ bác Giáp trấn tĩnh, động viên rồi cũng hoàn thành nhiệm vụ. Ông kể khu tập thể của học viên nam riêng, nữ riêng, nhà lợp lá, bàn ghế làm bằng tre chẻ đôi và xếp theo chiều cao dần về phía sau.
Những tấm ảnh, những bài viết, danh sách những buổi ghi hình về các nhân vật... ngày một dày thêm. Đây là cơ sở để chúng tôi từng bước hoàn thiện hồ sơ, khoanh vùng di tích, trình các ngành chức năng xem xét, công nhận. Tình cờ xem được phóng sự phát trên VTV1 mô tả quá trình mấy chục năm đi tìm địa chỉ di tích này mà trong đó chủ yếu là sự xông pha của nhà báo Hữu Minh, chúng tôi càng có thêm động lực và quyết tâm vào cuộc.
Đến quyết tâm của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam
Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam quyết tâm thực hiện việc lập hồ sơ để ngành chức năng công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích Quốc gia. Khi có văn bản của Hội Nhà báo Việt Nam giao cho Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với các cơ quan của tỉnh Thái Nguyên hoàn thiện hồ sơ khoanh vùng di tích là bước đầu để tiến tới xin công nhận di tích quốc gia.
Đại diện Hội Nhà báo Việt Nam kiểm tra các hạng mục thi công trước Lễ khánh thành Di tích lịch sử quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng.
Tôi và Nguyễn Văn Ba được đồng chí Trần Kim Hoa, Giám đốc Bảo tàng Báo chí Việt Nam giao nhiệm vụ phối hợp với cán bộ nghiệp vụ của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Thái Nguyên bám sát việc lập hồ sơ khoanh vùng di tích. Thực tế để làm được việc này chúng tôi đã phải đi lại cơ sở rất nhiều.
Khu vực Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng xưa kia, hiện nay phần lớn nằm dưới lòng hồ Núi Cốc, một phần còn lại nằm trên địa phận của xã Tân Thái (Đại Từ). Sau khi đo đạc, chúng tôi xác định tọa độ khoanh vùng di tích, vẽ bản đồ… một việc rất quan trọng để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch công nhận là di tích quốc gia.
Có lần khi đoàn công tác của Trung ương Hội Nhà báo Việt Nam có đồng chí Nguyễn Gia Thụy, Chánh Văn phòng và đồng chí Phan Hữu Minh, Trưởng Ban Kiểm tra đi cùng về xã Tân Thái. Chiều đoàn phải về Hà Nội có việc gấp, tôi đã tình nguyện ở lại để xin 8 con dấu trên bản đồ khoanh vùng từ xã, huyện đến tỉnh. Khi xác định được lô đất, việc đo đạc, cắm cọc, san ủi… đều làm rất rốt ráo, đúng quy trình.
Rồi ngày đó cũng đến. Khi biết thông tin Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ký quyết định công nhận Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng là di tích quốc gia, trong lòng chúng tôi ai cũng dâng trào niềm vui…
Hiện hữu “địa chỉ đỏ” ngôi trường dạy làm báo đầu tiên
Sau 5 năm chuẩn bị, đầu năm 2024 tiến hành khởi công và Lễ khánh thành, bàn giao công trình tu bổ, tôn tạo Di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng sẽ được Hội Nhà báo Việt Nam, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Nguyên tổ chức ngày 9/8/2024, tại xã Tân Thái (Đại Từ).
Các đại biểu thực hiện nghi thức động thổ khởi công công trình tu bổ, tôn tạo Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng (ngày 18/1/2024).
Đây là sự kiện chính trị quan trọng, mở đầu cho chuỗi các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2025). Sự kiện góp phần đưa di tích quốc gia Địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng trở thành “địa chỉ đỏ”, phát huy đầy đủ giá trị lịch sử của người làm báo cách mạng, thúc đẩy công tác tuyên truyền, quảng bá công cuộc xây dựng, phát triển kinh tế tại vùng chiến khu xưa.
Cùng trong khuôn khổ các hoạt động thiết thực hướng tới Kỷ niệm 100 năm Ngày Báo chí Cách mạng Việt Nam, Bảo tàng Báo chí Việt Nam phối hợp với Ban quản lý Di tích lịch sử quốc gia Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, UBND xã Tân Thái và Nhị Vân Media tổ chức chương trình “Truyền thông, trải nghiệm thực tế: Lịch sử và di sản Báo chí Cách mạng Việt Nam”.
Nhà báo Trần Thị Kim Hoa, Phụ trách Bảo tàng Báo chí Việt Nam chia sẻ: Chương trình nhằm thực hiện hiệu quả hoạt động tuyên truyền, giới thiệu rộng rãi đến công chúng trong và ngoài nước về những di sản vô giá của Báo chí Cách mạng Việt Nam mà các thế hệ người làm báo đã nỗ lực xây dựng và phát triển. Thông qua chương trình, Bảo tàng Báo chí Việt Nam mong muốn người làm báo cả nước, đông đảo công chúng, đặc biệt là thế hệ trẻ, các sinh viên, học sinh hiểu hơn về Di tích lịch sử Quốc gia Địa điểm Thành lập Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng, góp phần bồi đắp kiến thức khoa học lịch sử và văn hoá...
Rồi đây các kỷ vật sẽ được phổ biến, trưng bày trang trọng nơi mà cách đây 75 năm là địa điểm Trường dạy làm báo Huỳnh Thúc Kháng. Những bằng chứng sinh động của di tích lịch sử quốc gia này là tài liệu giáo dục truyền thống vô giá về lòng yêu nước, về truyền thống vẻ vang của báo chí cách mạng Việt Nam.
Theo: thainguyen.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
- Đổi mới sáng tạo ở báo Đảng: Dám nghĩ, dám làm, sẽ có đột phá 21.06.2024 | 11:20 AM
- Lữ đoàn 679, Vùng 1 Hải quân: Đón nhận Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng Nhất 07.06.2024 | 18:53 PM
Xem tin theo ngày
- Quốc hội thảo luận về các dự án luật
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng