Thứ 6, 22/11/2024, 10:03[GMT+7]

Tích cực rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật

Thứ 5, 08/08/2024 | 08:25:54
1,132 lượt xem
Ngày 7/8, tại Trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Phạm Minh Chính - Trưởng Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật chủ trì Phiên họp thứ hai của Ban Chỉ đạo. Cùng dự có Phó Thủ tướng Lê Thành Long; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu ý kiến chỉ đạo Phiên họp thứ hai Ban Chỉ đạo.(Ảnh: Trần Hải).

Phát biểu ý kiến tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ, sau quyết định thành lập Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, ngày 8/7, Thường trực Chính phủ và Ban Chỉ đạo đã họp Phiên thứ nhất để xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm. Trong đó, xác định rõ các nhiệm vụ mà Bộ Tư pháp (Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo) và các bộ, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện, đó là: rà soát, sửa đổi các nội dung liên quan đến phân cấp, phân quyền (xây dựng cơ chế, chính sách, pháp luật, quy hoạch, xây dựng các công cụ kiểm tra, giám sát, không làm các công việc cụ thể); cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; xóa bỏ cơ chế xin-cho; chống phiền hà, sách nhiễu cho người dân và doanh nghiệp; khơi thông, sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực cho phát triển, lấy đầu tư công, nguồn lực Nhà nước dẫn dắt và kích hoạt mọi nguồn lực hợp pháp khác, trong đó, cả vốn đầu tư nước ngoài. 

Quang cảnh Phiên họp lần thứ hai Ban Chỉ đạo. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Trên cơ sở rà soát, xây dựng một luật sửa đổi, bổ sung một số luật với trình tự, thủ tục rút gọn để xử lý các vướng mắc theo nguyên tắc: các bộ, ngành chủ trì, soạn thảo luật sửa đổi các luật thuộc lĩnh vực quản lý của mình, báo cáo Chính phủ xem xét, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8.

Trong Phiên họp này, Thủ tướng đề nghị Bộ Tư pháp báo cáo về tiến độ và kết quả thực hiện kết luận của Thường trực Chính phủ tại Phiên họp thứ nhất, trong đó: đánh giá tình hình các bộ, ngành thực hiện nhiệm vụ xử lý kết quả rà soát văn bản đã được Chính phủ chỉ ra tại các Báo cáo rà soát văn bản quy phạm pháp luật phục vụ Nghị quyết 101/2023/QH15 và Nghị quyết 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV; báo cáo kết quả rà soát, tổng hợp các khó khăn, vướng mắc pháp lý mang tính cấp bách, ở tầm luật cần tập trung nghiên cứu, tháo gỡ và dự kiến đề xuất phương án phân công các bộ, ngành nghiên cứu, xử lý.

Đề xuất giải pháp hiệu quả, toàn diện thực hiện nhiệm vụ được Chính phủ giao tại Nghị quyết 82/NQ-CP, Nghị quyết 93/NQ-CP và Quyết định 81/QĐ-BCDRSXLVBQPPL ngày 25/7/2024 ban hành Kế hoạch hoạt động của Ban Chỉ đạo.

Đại diện lãnh đạo các bộ, ngành tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Trên cơ sở Báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, cho ý kiến về các vấn đề chủ yếu sau: cho ý kiến trực tiếp vào các nội dung cơ cấu, bố cục và những nội dung chính của Báo cáo. Rà soát, đánh giá lại xem các nhiệm vụ tại Quyết định 81 của Ban Chỉ đạo và Kết luận của Thường trực Chính phủ (Thông báo 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ) đã được thực hiện như thế nào? Có vướng mắc, khó khăn gì? Nguyên nhân và giải pháp khắc phục? Xem xét, đánh giá về thực trạng tình hình xử lý văn bản sau rà soát thời gian qua, trong đó cần xác định rõ sự chậm trễ trong xử lý văn bản sau rà soát xuất phát chủ yếu từ nguyên nhân chủ quan, khách quan nào? Cần đề xuất các giải pháp cụ thể để đẩy nhanh tiến độ, chất lượng của hoạt động xử lý văn bản sau rà soát? Nội dung vướng mắc, bất cập đã được Bộ Tư pháp tổng hợp đã bám sát chỉ đạo của Ban Chỉ đạo chưa? Còn nội dung cần xử lý ngay để thúc đẩy tăng trưởng, kiếm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô?.

Đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp báo cáo Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

Đối với vướng mắc pháp lý của 13 luật như báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính có ý kiến về tiến độ và phạm vi sửa đổi để tháo gỡ ngay, trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024). Thời gian có hạn, yêu cầu thì nhiều, nội dung phong phú và khó, do đó Thủ tướng mong các đại biểu tập trung trí tuệ, báo cáo, đóng góp ý kiến ngắn gọn, thẳng thắn, đi thẳng vào vấn đề.

* Theo Bộ Tư pháp, về việc triển khai nhiệm vụ rà soát, xử lý kết quả rà soát: trên cơ sở văn bản đề nghị và hướng dẫn của Bộ Tư pháp gửi các bộ, ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân các tỉnh đến thời điểm hiện tại, Bộ Tư pháp đã nhận được báo cáo của các bộ, địa phương, cụ thể:

15 bộ, cơ quan ngang bộ có báo cáo thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ: Ngân hàng Nhà nước; Bộ Y tế; Bộ Giao thông vận tải; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du Lịch; Bộ Quốc phòng; Bộ Xây dựng; Bộ Thông tin và Truyền thông; Bộ Công an; Bộ Ngoại giao; Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Ủy ban Dân tộc; Bộ Nội vụ; Bộ Tài chính; Bộ Công thương; Bộ Kế hoạch và Đầu tư.

Đại diện lãnh đạo một số bộ, ngành tham dự phiên họp. (Ảnh: TRẦN HẢI).

55 địa phương và một số hiệp hội, doanh nghiệp có báo cáo thực hiện rà soát văn bản quy phạm pháp luật theo Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 18/6/2024 của Chính phủ.

Bám sát Kết luận của Thường trực Chính phủ về Ban Chỉ đạo rà soát, xử lý vướng mắc trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật (Thông báo số 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024 của Văn phòng Chính phủ), cụ thể là: “Tập trung rà soát, xử lý các vướng mắc có tính chất cấp bách tại một số luật nhằm tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn để thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô" và kết quả tổng hợp cho đến thời điểm hiện nay (31/7/2024), tổng số kiến nghị đã được tổng hợp thuộc phạm vi kết luận nêu trên là 594 kiến nghị.

Trong đó: Luật Đầu tư: 47 kiến nghị; Luật Đầu tư công: 241 kiến nghị; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư: 32 kiến nghị; Luật Doanh nghiệp: 29 kiến nghị; Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch: 22 kiến nghị; Luật Ngân sách nhà nước: 131 kiến nghị, Luật Quản lý thuế: 14 kiến nghị; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công: 19 kiến nghị; Luật Kế toán: 31 kiến nghị; Luật Dự trữ quốc gia: 2 kiến nghị; Luật Kiểm toán độc lập: 11 kiến nghị và Luật Chứng khoán: 15 kiến nghị.

Trên cơ sở kết quả tổng hợp, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đã xây dựng 12 Phụ lục đối với kết quả rà soát 13 Luật gồm: Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (Luật PPP), Luật Doanh nghiệp, Luật Quy hoạch và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch; Luật Ngân sách nhà nước, Luật Quản lý thuế, Luật Quản lý, sử dụng tài sản công, Luật Kế toán, Luật Dự trữ quốc gia, Luật Kiểm toán độc lập và Luật Chứng khoán.

Đối với các kết quả rà soát thuộc các lĩnh vực pháp luật khác, Cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo đang phối hợp với các bộ, ngành nghiên cứu, xem xét và sẽ đề xuất phương án phù hợp trong các Phiên họp tiếp theo của Ban Chỉ đạo.

Về việc rà soát, xây dựng luật sửa đổi, bổ sung một số luật về thúc đẩy tăng trưởng, kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô: trên cơ sở 594 kiến nghị từ kết quả rà soát đối với 13 Luật nêu trên, kết quả rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15 và Nghị quyết số 110/2023/QH15 của Quốc hội khóa XV, kết hợp với tổng hợp thông tin từ hoạt động thẩm định văn bản quy phạm pháp luật của Bộ Tư pháp, nghiên cứu đề xuất từ các bộ, cơ quan, địa phương và Kết luận của Thường trực Chính phủ tại Thông báo số 322/TB-VPCP ngày 15/7/2024, để đáp ứng yêu cầu mới phát sinh trong thực tiễn quản lý nhà nước, nhất là những vấn đề phát sinh sau đại dịch Covid-19, Bộ Tư pháp và Nhóm giúp việc Ban Chỉ đạo đã tổng hợp, phân loại các vướng mắc, bất cập cần xử lý tại Báo cáo này sau khi có sự xem xét, trao đổi, đánh giá giữa các cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh.

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính cảm ơn các cơ quan của Quốc hội luôn đồng hành, chia sẻ với Chính phủ, khẳng định Chính phủ quyết tâm cùng Quốc hội tháo gỡ mọi khó khăn, vướng mắc, tạo thuận lợi, sinh kế cho người dân, doanh nghiệp; đánh giá cao các ý kiến phát biểu chất lượng, đi thẳng vào vấn đề, thể hiện tinh thần trách nhiệm cao, trí tuệ sát thực tiễn.

Về quan điểm chỉ đạo, Thủ tướng yêu cầu xuất phát từ thực tiễn, tôn trọng thực tiễn khách quan, lấy thực tiễn làm thước đo trên cơ sở đó tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình xây dựng luật, tổ chức thi hành luật với tinh thần cái gì đã “chín”, đã rõ, được thực tiễn chứng minh là đúng, thực hiện có hiệu quả, và đa số đồng tình thì đưa vào và luật hoá; một số nội dung đã được đưa vào các Nghị quyết thí điểm của Quốc hội, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương mà thấy đã rõ, thực hiện đã đúng, thực tiễn kiểm nghiệm rồi, có hiệu quả rồi thì chúng ta nghiên cứu đưa vào trong luật.

Tinh thần là thực tiễn đặt ra như vậy, do đó chúng ta phải tháo gỡ để góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật vừa có kế thừa, vừa có phát triển; tinh thần là không cầu toàn, không nóng vội, vừa làm vừa rút kinh nghiệm, mở rộng dần, dễ làm trước, khó làm sau, hết sức cầu thị, tạo đột phá, tháo gỡ các khó khăn cho người dân, doanh nghiệp; lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm, kết hợp với yêu cầu thực tiễn có điều chỉnh, bổ sung; phạm vi đối tượng thì cũng khoanh lại gọn, tháo gỡ vướng mắc, giải quyết những khó khăn từ thực tiễn đặt ra, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, tạo việc làm, sinh kế cho người dân; bên cạnh đó là hoàn thiện hệ thống pháp luật, tập trung có trọng tâm, trọng điểm, không dàn trải.

Nguyên tắc rà soát, xử lý là tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự là cần thiết, tạo sự đột phá trong điều kiện hiện nay, nhưng phải có tính kế thừa, phát triển.

Thủ tướng Phạm Minh Chính


Thủ tướng nhấn mạnh, nguyên tắc rà soát, xử lý là tập trung vào những vấn đề cấp bách, thực sự là cần thiết, tạo sự đột phá trong điều kiện hiện nay, nhưng phải có tính kế thừa, phát triển; từng bước hoàn thiện hệ thống pháp luật, bổ sung, sửa đổi; nghiên cứu kỹ lưỡng, đánh giá tác động một cách chắc chắn, khả thi, hiệu quả, không để xảy ra lợi ích nhóm; thực hiện công tâm, khách quan, trong sáng, vô tư trong quá trình sửa đổi; tăng cường phân cấp, phân quyền đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực thực thi, thiết kế các công cụ kiểm tra, giám sát; giảm thủ tục hành chính, giảm phiền hà cho người dân, không tạo cơ chế xin-cho, không để xảy ra tiêu cực, tham nhũng vặt; lựa chọn các vấn đề liên quan động lực tăng trưởng, kiểm soát lạm phát.

Về vướng mắc pháp lý của 13 luật như báo cáo của Bộ Tư pháp, Thủ tướng giao Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng dự án luật sửa nhiều luật thuộc lĩnh vực quản lý Nhà nước của Bộ Kế hoạch và Đầu tư; Bộ Tài chính chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan khẩn trương nghiên cứu, thực hiện việc xây dựng dự án luật sửa nhiều luật thuộc lĩnh vực quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Thủ tướng yêu cầu Bộ Tư pháp phối hợp, bảo đảm quy trình thủ tục xây dựng các dự án luật theo đúng quy định; các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật, đề xuất, gửi Bộ Tư pháp và các cơ quan liên quan để tổng hợp; các cơ quan phối hợp từ sớm, từ xa với các cơ quan của Quốc hội, lấy ý kiến chuyên gia, các nhà khoa học, tạo sự đồng thuận về các vấn đề có ý kiến khác nhau; hồ sơ phải chuẩn bị kỹ, đánh giá tác động, rõ giải pháp, rõ phạm vi, rõ đối tượng, phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.

Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính và các cơ quan liên quan cần nỗ lực, cố gắng, quyết tâm cao hơn nữa, tập trung tối đa nguồn lực về con người, cơ sở vật chất, tài chính cho công tác này, chuẩn bị kỹ lưỡng, phấn đấu trình Quốc hội thông qua các dự án luật nói trên tại Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV (tháng 10/2024), bảo đảm tính khả thi cao, hiệu quả khi các luật đi vào cuộc sống.

Theo: nhandan.vn


  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày