Chủ nhật, 24/11/2024, 03:08[GMT+7]

Không quy định công chứng bản dịch trong dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi)

Thứ 3, 13/08/2024 | 15:38:44
510 lượt xem
Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất tiếp thu theo hướng giữ quy định của dự thảo Luật như Chính phủ trình, đó là không quy định việc công chứng viên công chứng bản dịch mà chỉ quy định chứng thực chữ ký người dịch, để khắc phục những tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng báo cáo một số vấn đề lớn trong giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). (Ảnh: DUY LINH).

Sáng 13/8, tiếp tục chương trình phiên họp chuyên đề pháp luật tháng 8/2024, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi).

Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, một số vấn đề lớn của dự thảo Luật đã cơ bản được các cơ quan thống nhất tiếp thu, chỉnh lý như các loại giao dịch phải công chứng, công chứng bản dịch, công chứng điện tử…

Về công chứng điện tử, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, dự thảo Luật được chỉnh lý theo hướng làm rõ: công chứng điện tử trực tuyến là việc các bên tham gia giao dịch dân sự có yêu cầu công chứng không có mặt tại cùng một địa điểm và giao kết giao dịch thông qua phương tiện trực tuyến trước sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên.

Với quy định này, mọi hoạt động của người yêu cầu công chứng khi xác lập giao dịch đều phải có sự chứng kiến trực tiếp của công chứng viên nên hoàn toàn có thể đáp ứng yêu cầu của việc công chứng nội dung theo phương thức truyền thống.

Theo Thường trực Ủy ban Pháp luật, do công chứng điện tử là vấn đề mới, để bảo đảm tính ổn định của Luật và tính khả thi, dự thảo Luật chỉ quy định những vấn đề cơ bản về công chứng điện tử, đồng thời giao Chính phủ quy định phạm vi các giao dịch được công chứng điện tử, lộ trình thực hiện, quy trình, thủ tục cụ thể trong công chứng điện tử.

Về công chứng bản dịch, một số ý kiến tán thành với dự thảo Luật do Chính phủ trình không quy định việc công chứng bản dịch mà chỉ quy định công chứng viên chứng thực chữ ký người dịch. Đa số ý kiến trong Thường trực Ủy ban Pháp luật và cơ quan chủ trì soạn thảo thống nhất tiếp thu theo hướng này để khắc phục tồn tại, hạn chế của việc công chứng bản dịch.

Một số ý kiến đề nghị giữ quy định về công chứng bản dịch như Luật Công chứng hiện hành; đồng thời, bổ sung quy định về tăng cường trách nhiệm của người phiên dịch bảo đảm tính chính xác của bản dịch với bản gốc, còn công chứng viên chỉ chịu trách nhiệm về tính xác thực, tính hợp pháp của văn bản đã được dịch.

Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành nội dung thảo luận. (Ảnh: DUY LINH).

Cần quy định cụ thể về trợ lý, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên

Quan tâm về đội ngũ trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Thanh nêu rõ, đội ngũ này đang tham gia vào hầu hết các công đoạn của quy trình công chứng từ việc tiếp nhận hồ sơ, tư vấn hồ sơ, soạn thảo văn bản, hỗ trợ chữ ký trong giao dịch, hỗ trợ đặt lịch, xếp lịch, tổ chức ký kết giao dịch, cập nhật dữ liệu, lập hồ sơ lưu trữ… và nhiều công việc khác.

Trong khi đó, dự thảo Luật quy định nghiêm cấm công chứng viên tiết lộ thông tin công chứng. Vậy nếu không quy định về quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ thì đối tượng này không có cơ sở để tiếp cận, xử lý công việc, nhất là nguyên tắc bảo mật thông tin công chứng; cũng như cần bảo đảm tư cách của các đối tượng này khi giao tiếp với các tổ chức, cá nhân có liên quan để tham gia hoạt động công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Phó Chủ tịch Quốc hội cho biết, thời gian vừa qua, có một số vụ án mà nhân viên của tổ chức hành nghề công chứng lợi dụng quá trình thực thi nhiệm vụ vi phạm pháp luật, nhưng vì không có quy định về chức danh, chức vụ của đối tượng này nên các cơ quan tiến hành tố tụng gặp khó khăn trong việc xác định tội danh và trách nhiệm.

Do vậy, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị, cơ quan soạn thảo và cơ quan thẩm tra nghiên cứu ý kiến của đại biểu Quốc hội quy định về trợ lý công chứng viên, thư ký nghiệp vụ của công chứng viên. Và cần ưu tiên cho các đối tượng này trong điều kiện xem xét bổ nhiệm công chứng viên.

Phát biểu kết luận nội dung thảo luận, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội cơ bản thống nhất với Báo cáo một số vấn đề lớn về việc tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi). Liên quan đến công chứng bản dịch, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, vấn đề này đã rõ, chúng ta thống nhất chỉ chứng thực chữ ký của người dịch và người dịch phải chịu trách nhiệm.

Đối với trách nhiệm quản lý nhà nước đối với hành nghề công chứng, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị làm rõ trách nhiệm của Bộ Tư pháp trong việc chủ trì giúp Chính phủ xây dựng và quản lý cơ sở dữ liệu về công chứng.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày