Chủ nhật, 12/01/2025, 19:42[GMT+7]

Thủ tướng Phạm Minh Chính làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng

Thứ 2, 26/08/2024 | 08:03:22
721 lượt xem
Ngày 25/8, tiếp tục chuyến công tác tại tỉnh Lâm Đồng, Thủ tướng Phạm Minh Chính có buổi làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng về để đánh giá kết quả thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023, những tháng đầu năm 2024 và phương hướng, nhiệm vụ đến năm 2025; đồng thời giải quyết, một số kiến nghị để tạo động lực mới cho sự phát triển của tỉnh.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì cuộc làm việc với Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng (Ảnh: Thanh Giang).

Cùng dự có Thượng tướng Lương Tam Quang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an; đại diện lãnh đạo các bộ, ban, ngành, cơ quan Trung ương.

Theo Tỉnh ủy Lâm Đồng, năm 2023, tỉnh có 14/18 chỉ tiêu kinh tế-xã hội đạt và vượt so Nghị quyết Tỉnh ủy năm 2023; kinh tế duy trì tốc độ tăng trưởng 5,63%; tổng thu ngân sách nhà nước đạt 13.100 tỷ đồng; GRDP bình quân đầu người đạt 86,12 triệu đồng; hoạt động du lịch tăng trưởng mạnh, tổng lượt khách du lịch đạt 8,65 triệu lượt khách, khách quốc tế đạt 400 nghìn lượt…

Kết quả thực hiện nhiệm vụ 7 tháng đầu năm 2024: kinh tế cố gắng duy trì đà tăng trưởng, tăng 2,97%; thu ngân sách Nhà nước đến ngày 19/8 đạt 8.293 tỷ đồng, bằng 58,61% dự toán địa phương. Tỉnh tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng hợp lý: tiến độ sản xuất nông nghiệp đảm bảo thời vụ, diện tích gieo trồng của hầu hết các nông sản chủ lực đều tăng so với cùng kỳ. Liên kết chuỗi giá trị gần sản xuất với tiêu thụ sản phẩm, ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao trong chăn nuôi được mở rộng; năng suất, chất lượng sản phẩm và an toàn thực phẩm chăn nuôi được cải thiện.

Lĩnh vực công nghiệp-xây dựng duy trì ổn định; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 6,71% so cùng kỳ. Ngành du lịch tiếp tục duy trì tốc độ tăng trưởng tốt, khách du lịch đạt 6,8 triệu lượt, tăng 12,8% so cùng kỳ; trong đó: khách quốc tế đạt 396 nghìn lượt, tăng 39,9%.

Các lãnh đạo chủ chốt tỉnh Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lâm Đồng tham dự cuộc làm việc. (Ảnh: Thanh Giang).

Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới triển khai sâu rộng và đạt kết quả tích cực: Lũy kế đến nay, có 109/111 xã (98,2%) được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó: 41 xã nông thôn mới nâng cao, 16 xã nông thôn mới kiểu mẫu: 5 huyện đạt chuẩn nông thôn mới (gồm: Đơn Dương, Đức Trọng. Đạ Tẻh, Cát Tiên, Lâm Hà); 2 thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới.

Bộ trưởng Công an Lương Tam Quang phát biểu ý kiến tại cuộc làm việc. (Ảnh: Thanh Giang).

Tỉnh đã tổ chức Hội nghị công bố Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030 và xúc tiến đầu tư vào tỉnh Lâm Đồng; Lễ công bố Cảng hàng không Liên Khương trở thành Cảng hàng không quốc tế. Đây là dịp để Lâm Đồng giới thiệu, quảng bá tiềm năng, thế mạnh, chính sách thu hút đầu tư, nét đặc sắc, hấp dẫn, giá trị nổi bật về tài nguyên du lịch, các điểm đến và sản phẩm đặc trưng, sảm phẩm OCOP của tỉnh.

Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; tổ chức nhiều chương trình, lễ hội, hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao. Thực hiện tốt công tác giảm nghèo, chính sách cho người đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, đối tượng yếu thế. Phong trào thi đua "Xóa nhà tạm, nhà dột nát" được quan tâm thực hiện. Kiểm soát hiệu quả dịch bệnh; đảm bảo đầy đủ thuốc men, vật tư y tế, sinh phẩm phục vụ công tác khám, chữa bệnh. Tỉnh chỉ đạo tổ chức thành công các sự kiện văn hóa, thể thao và du lịch nổi bật, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước đến tham quan; đưa vào khai thác thử nghiệm các sản phẩm dịch vụ du lịch mới; triển khai cơ chế chính sách phát triển kinh tế ban đêm trên địa bàn thành phố Đà Lạt phục vụ nhu cầu vui chơi giải trí, tham quan trải nghiệm của du khách. Quốc phòng-an ninh, trật tự, an toàn xã hội cơ bản được giữ vững; chú trọng công tác đấu tranh các loại tội phạm vi phạm pháp luật về ma túy, tham nhũng, kinh tế, môi trường đạt kết quả tích cực.

Quang cảnh cuộc làm việc. (Ảnh: Thanh Giang).

Phát biểu ý kiến kết luận, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, tình hình thế giới thời gian qua có nhiều khó khăn, phức tạp: chiến tranh, xung đột, cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn, đứt gãy chuỗi cung ứng..., làm ảnh hưởng tiêu cực tình hình trong nước. Trong khi đó, Lâm Đồng gặp nhiều khó khăn hơn, đầu năm hạn hán, thiếu nước sinh hoạt, tháng 4-5 thì gặp mưa lũ, sạt lở, vừa qua có tình trạng vaccine không bảo đảm, gây ra tình trạng bò sữa bị chết; một số lãnh đạo, đảng viên bị kỷ luật, dẫn đến thiếu một số chức danh lãnh đạo chủ chốt.

Trong bối cảnh như vậy, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân cũng đã nỗ lực vượt khó khăn: kinh tế-xã hội phát triển tích cực trên các lĩnh vực. Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng biểu dương những nỗ lực, sự phấn đấu của Đảng bộ, chính quyền, quân và dân tỉnh Lâm Đồng, đóng góp vào sự phát triển chung của đất nước. Tuy nhiên, chúng ta không được chủ quan, nhìn thẳng vào sự thật để phát hiện những khó khăn, thách thức, hạn chế để giải quyết.

Nêu rõ, Lâm Đồng còn nhiều dư địa, tiềm năng, cơ hội để phát triển bứt phá, Thủ tướng đề nghị Lâm Đồng bám sát các Nghị quyết của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ các cấp của tỉnh, vận dụng sáng tạo trong điều kiện mới, nhất là các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ để hoàn thành tốt nhất nhiệm vụ năm 2024, là tiền đề thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ năm 2025.

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu kết luận cuộc làm việc. (Ành: Thanh Giang).

Tư duy, phương pháp luận phải bám sát thực tiễn, tôn trọng thực tiễn, lấy thực tiễn làm thước đo; lãnh đạo tỉnh phải tích cực đi xuống cơ sở, bám sát dân; sơ kết, đánh giá những vấn đề làm được, chưa làm được, rút ra bài học kinh nghiệm, cái gì chưa làm tốt phải phân tích, vướng mắc phải tháo gỡ, khó khăn phải vượt qua; phát huy mạnh mẽ tinh thần đoàn kết, tự cường, không trông chờ ỷ lại, không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác, không né tránh; hành động phải quyết liệt hơn nữa; Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị cũng phải thống nhất dưới sự lãnh đạo của Đảng; nhấn mạnh tinh thần "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm, không nói chung chung. Phân công “rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ thời gian thực hiện, rõ hiệu quả, rõ sản phẩm”.

Tư tưởng phải thông, quyết tâm phải cao, nỗ lực phải lớn, hành động phải quyết liệt, có trọng tâm, trọng điểm, làm việc nào dứt việc đó. Đặc biệt coi trọng đầu tư công, phải tập trung làm những dự án ưu tiên, lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt; không được dàn trải; tăng cường phân cấp, phân quyền, cá thể hóa trách nhiệm cá nhân, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lượng tái tạo, thiết kế các công cụ giám sát, kiểm tra, đôn đốc, kiểm soát quyền lực. Xây dựng hệ thống cơ quan hành chính đoàn kết, liêm chính, vì nhân dân phục vụ; xóa bỏ môi trường cơ chế xin-cho, tránh tiêu cực, tham nhũng; lấy người dân, doanh nghiệp là trung tâm, chủ thể để phục vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ trong sạch, chuyên nghiệp, tận tụy.

Thủ tướng yêu cầu nhanh chóng ổn định tình hình, chuẩn bị Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội lần thứ XIV của Đảng; đoàn kết trong đảng, trong nhân dân, trước hết là đoàn kết trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy, từ đó lan tỏa ra toàn tỉnh; hoàn thành mọi nhiệm vụ mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó. Đoàn kết để tăng tốc, bứt phá, đạt hiệu quả cao hơn nữa trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, thực hiện các nhiệm vụ, chỉ tiêu đã đề ra, phát triển tỉnh nhanh và bền vững; càng khó khăn phức tạp càng phải nỗ lực vươn lên, thể hiện bản lĩnh, năng lực, đạo đức, trong sáng, vững vàng chính trị, từ đó tạo ra động lực, nguồn lực, tạo cảm hứng cho toàn nhân dân, xã hội.

Về phương hướng, nhiệm vụ thời gian tới, Thủ tướng nêu rõ, cần xác định rõ những vấn đề trung tâm, tăng cường kết nối vùng, luôn quan tâm an sinh xã hội, tiến bộ, công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau, lấy yếu tố con người là trung tâm, chủ thể, là động lực, nguồn lực phát triển.

Về nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Phạm Minh Chính yêu cầu ngoài thực hiện 3 đột phá chiến lược mà Đảng, Nhà nước đã đề ra, với Lâm Đồng cần thực hiện thêm 3 đột phá:

Đột phá tập trung phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp, ứng dụng thành quả cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, nhất là vào lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ.

Đột phá trong phát triển kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, chống biến đổi khí hậu, phát triển công nghiệp văn hoá, giải trí.

Đột phá dành thời gian nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách ưu đãi để huy động mọi nguồn lực xã hội, nguồn lực từ nhân dân, doanh nghiệp để thúc đẩy phát triển nhanh và bền vững, đặc biệt hướng vào hạ tầng giao thông, y tế, văn hóa, xã hội, chống biến đổi khí hậu.


Tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, trọng tâm là cải cách thủ tục hành chính; xây dựng chính quyền kiến tạo với tinh thần chính sách thông thoáng, hạ tầng thông suốt, quản lý thông minh; huy động tối đa nguồn lực, nhất là nguồn lực hợp tác công tư để phát triển hạ tầng có thế mạnh; cơ cấu lại phát triển nông nghiệp theo hướng xanh, hữu cơ, có giá trị; phải quy hoạch vùng nguyên liệu, đầu tư cho khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo;

Kết nối với doanh nghiệp để tạo thị trường, đa dạng hóa thị trường, chuỗi cung ứng, sản xuất, kinh doanh, kết nối với ngân hàng để hỗ trợ vay vốn, đưa hàm lượng khoa học công nghệ, mẫu mã, bao bì, mã số vùng trồng; phát triển kinh tế lâm nghiệp gắn với bảo vệ rừng, bán tín chỉ carbon, tăng nguồn thu từ rừng, mang lại lợi ích cho người dân khi trồng rừng để dân yên tâm giữ rừng.

Phát triển công nghiệp chế biến, chế tạo sâu hơn vì hiện nay sản phẩm còn xuất khẩu thô; thúc đẩy khởi nghiệp đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ, có chính sách thu hút nhân tài, phát triển Lâm Đồng thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực cho cả khu vực vì có khí hậu ôn hoà, cảnh quan đẹp, truyền thống lịch sử, văn hoá hào hùng. Xây dựng cơ sở dữ liệu, kết hợp với Đề án 06 của Chính phủ, Bộ Thông tin và Truyền thông phải đôn đốc, kiểm tra các địa phương thực hiện việc này.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, nâng cao hiệu quả công vụ, "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm" đối với người dân, doanh nghiệp. Bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, xây dựng nền quốc phòng toàn dân, xây dựng thế trận an ninh nhân dân, xây dựng thế trận lòng dân vững chắc; Tây Nguyên phải gắn kết phát triển kinh tế-xã hội với bảo đảm quốc phòng an ninh, hai yếu tố này gắn kết chặt chẽ với nhau; phải bảo đảm an toàn, an ninh, an dân, từ đó tạo môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh.

Thiết kế các công cụ bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của các nhà đầu tư; sử dụng hiệu quả tài nguyên thiên nhiên như khoáng sản, đất đai, phát huy hiệu quả trên đất. Làm tốt công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị là then chốt, công tác cán bộ là then chốt của then chốt; bố trí và sử dụng cán bộ hợp lý, hiệu quả; khắc phục những hậu quả trước đây để lại; tăng cường củng cố niềm tin của nhân dân, tích cực phòng, chống tham nhũng để phát triển.

Thủ tướng yêu cầu Lâm Đồng chuẩn bị thật tốt cho tổ chức Đại hội Đảng các cấp; chỉ đạo các bộ, ngành phải hết sức trách nhiệm giúp đỡ tích cực tỉnh Lâm Đồng cũng như các tỉnh khác; phải chia sẻ, cảm thông, nỗ lực giải quyết các công việc còn đang vướng mắc; nếu thấy vướng Luật, Nghị định, Thông tư thì phải đề xuất cấp có thẩm quyền sửa đổi; "không nói không, không nói khó, không nói có mà không làm", “đã bàn phải thông, đã đi là phải đến, đã làm là phải thành công, đã ra quân là chiến thắng”; các bộ, ngành phải có tinh thần tiến công, chủ động, tháo gỡ, chia sẻ, giúp đỡ, không được nói chung chung.

Tại cuộc làm việc, Thủ tướng cũng cho ý kiến cụ thể về một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Lâm Đồng.

Theo: nhandan.vn

  

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày