Thứ 2, 13/01/2025, 21:30[GMT+7]

Hội thảo khoa học 75 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 7, 12/10/2024 | 08:48:29
478 lượt xem
Ngày 11/10, Ban Dân vận Trung ương, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh và Tỉnh ủy Tuyên Quang đã phối hợp tổ chức Hội thảo khoa học 75 năm tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, giá trị lý luận và thực tiễn đối với công tác dân vận hiện nay.

Các đại biểu tham dự Hội thảo.

Dự Hội thảo có đại diện lãnh đạo, nguyên lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương; Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh; một số ban, bộ, ngành Trung ương; tỉnh Tuyên Quang và các tỉnh lân cận, Bộ Tư lệnh Quân khu 2; các nhà khoa học.

Hội thảo được truyền hình trực tuyến tới các huyện ủy, thành ủy, đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy Tuyên Quang với tổng số gần 1.500 đại biểu tham dự.

Cách đây 75 năm, ngày 15/10/1949, bài báo "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đăng trên báo Sự thật với bút danh X.Y.Z.

Tác phẩm gồm 4 nội dung lớn: Nước ta là nước dân chủ. Dân vận là gì? Ai phụ trách dân vận? Dân vận phải thế nào?

Trong đó, Người chỉ rõ mối quan hệ giữa dân chủ và dân vận; Quan điểm, nguyên tắc tiến hành công tác dân vận; Trách nhiệm vận động quần chúng của cả hệ thống chính trị; Phương pháp vận động quần chúng và những phẩm chất cần có đối với cán bộ dân vận.

Phát biểu khai mạc và Đề dẫn Hội thảo, đồng chí Mai Văn Chính, Ủy viên Trung ương Đảng, Trưởng Ban Dân vận Trung ương nhấn mạnh: Hội thảo là hoạt động thiết thực, có ý nghĩa quan trọng kỷ niệm 75 năm Chủ tịch Hồ Chí Minh viết tác phẩm "Dân vận"; 94 năm Ngày truyền thống công tác Dân vận của Đảng; 25 năm Ngày "Dân vận" của cả nước; tiếp tục khẳng định tầm vóc, giá trị lý luận, thực tiễn tác phẩm "Dân vận" của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó để nhận thức ngày càng đầy đủ, sâu sắc hơn về tư tưởng, tầm nhìn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về công tác dân vận đối với cách mạng Việt Nam và việc vận dụng, phát huy giá trị tác phẩm và các di sản Hồ Chí Minh trong công tác dân vận hiện nay.

Đồng chí đề nghị, các đại biểu tham dự hội thảo tập trung làm rõ các nội dung như: Từ tư tưởng Hồ Chí Minh về dân vận đến công tác dân vận của Đảng giai đoạn hiện nay; Công tác tuyên truyền, giáo dục, quán triệt làm chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động của các cấp ủy đảng, hệ thống chính trị và toàn xã hội về công tác dân vận; sự lãnh đạo cụ thể hóa, thể chế hóa đường lối, chủ trương của Đảng về công tác dân vận và tổ chức thực hiện hiệu quả trong thực tiễn… Phối hợp tổ chức các phong trào thi đua yêu nước, thi đua "Dân vận khéo", các cuộc vận động, phát huy sức mạnh khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Ban Dân vận các cấp với việc nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tham mưu, nghiên cứu, hướng dẫn, tổ chức thực hiện các nhiệm vụ công tác dân vận; thực hiện chương trình phối hợp công tác dân vận trong hệ thống chính trị.

Các đại biểu tọa đàm về công tác dân vận.

Tham luận tại Hội thảo, các đại biểu, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều ý kiến tâm huyết làm rõ hơn những giá trị của tác phẩm khi vận dụng vào thực tiễn đời sống trên quan điểm, tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh như: Tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh giá trị lý luận và thực tiễn; Công tác dân vận trong sự nghiệp đổi mới đất nước vì hạnh phúc của nhân dân; Tư tưởng Hồ Chí Minh về “Dân vận khéo” - Bài học trong công tác dân vận hiện nay; Tác phẩm “Dân vận” và sự khẳng định của Chủ tịch Hồ Chí Minh về vai trò, sức mạnh của nhân dân và tư tưởng “Dân là gốc”; Vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác dân vận đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng.

Trên cơ sở quán triệt tư tưởng Hồ Chí Minh về công tác dân vận, Đảng Cộng sản Việt Nam đã vận dụng và phát triển sáng tạo các biện pháp, hình thức vận động mới, phù hợp với nội dung và đối tượng của công tác dân vận và thu được nhiều thành tựu quan trọng.

Từ thực tiễn đổi mới và phát triển đất nước, Đảng đã khắc sâu bài học “Dựa vào dân”; “Dân là gốc”, “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, dân giám sát, dân thụ hưởng” làm phương châm để xây dựng sự đồng thuận xã hội, phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa, không ngừng củng cố và mở rộng mối quan hệ gắn bó máu thịt giữa Đảng với dân…

Phát biểu tổng kết hội thảo, Giáo sư, Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh nhấn mạnh, Hội thảo có ý nghĩa rất thiết thực kỷ niệm 75 năm ra đời tác phẩm “Dân vận” của Chủ tịch Hồ Chí Minh, qua đó, góp phần giáo dục chính trị tư tưởng trong cán bộ đảng viên và các tầng lớp nhân dân nhất là thế hệ trẻ.

Các báo cáo tham luận đã đi sâu phân tích nội dung tư tưởng Chủ tịch Hồ Chí Minh về trách nhiệm thực hiện công tác dân vận. Xuyên suốt tác phẩm đều thể hiện rõ vai trò của nhân dân. Tác phẩm đã nêu lên quan niệm tổng quát về “dân chủ”, thể hiện tính chất, bản chất của chế độ nhà nước ta - nhà nước dân chủ, chế độ chính trị dân chủ, nhà nước của dân, do dân, vì dân.

Các báo cáo tham luận cũng tập trung phân tích những nội dung phong phú, sinh động về công tác dân vận, về những phẩm chất cần có ở đội ngũ cán bộ phụ trách công tác dân vận. Đặc biệt, tác phẩm chỉ rõ những yêu cầu đặt ra đối với đội ngũ cán bộ trực tiếp làm công tác dân vận, theo phương châm “óc nghĩ, mắt trông, tai nghe, chân đi, miệng nói, tay làm” phải thật thà, gương mẫu “nói đi đôi với làm” ; đồng thời nhấn mạnh “dân vận khéo” thì việc gì cũng xong…

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày