Thứ 6, 27/12/2024, 08:02[GMT+7]

Đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo

Thứ 5, 24/10/2024 | 11:00:11
1,028 lượt xem
Dự thảo Luật Bảo hiểm y tế được sửa đổi, bổ sung đề xuất bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan trình bày tóm tắt Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Tiếp tục Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV, sáng 24/10, Quốc hội nghe Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan, thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày Tờ trình về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế.

Bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc

Bộ trưởng cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung 40 điều, tập trung sửa đổi, bổ sung các quy định cần thống nhất, đồng bộ với các luật có liên quan, khắc phục các bất cập của luật hiện hành có tính cấp bách, có đầy đủ thông tin, dữ liệu, đạt được sự đồng thuận.

Trong đó có các quy định về chuyển từ 4 tuyến khám bệnh, chữa bệnh sang 3 cấp chuyên môn kỹ thuật để kịp thời có hiệu lực từ ngày 1/1/ 2025 đồng bộ với Luật Khám bệnh, chữa bệnh.

Một số nội dung cụ thể đáng chú ý được Bộ trưởng đề cập, như sửa đổi quy định về khám bệnh, chữa bệnh đúng tuyến và không đúng tuyến (thông tuyến) được cập nhật theo cấp chuyên môn kỹ thuật của Luật khám bệnh, chữa bệnh năm 2023.

Theo đó, bỏ thủ tục chuyển tuyến đối với một số trường hợp bệnh hiếm, bệnh hiểm nghèo... được lên thẳng cấp chuyên môn cao để giảm thủ tục, tạo thuận lợi, giảm chi tiền túi cho người dân, tiết kiệm chi phí cho quỹ.

Dự thảo cũng sửa đổi quy định về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và chuyển người bệnh giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế để đồng bộ với quy định về cấp chuyên môn kỹ thuật theo hướng tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân và phân cấp, phân quyền cho Sở Y tế về đăng ký khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế ban đầu và phân bổ thẻ bảo hiểm y tế.

Các đại biểu dự phiên họp sáng 24/10. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Lần sửa đổi này cũng bổ sung cơ chế thanh toán điều chuyển thuốc trong trường hợp đã mua sắm theo các quy định thuận tiện nhất của Luật Đấu thầu mới nhưng vẫn thiếu thuốc nhằm khắc phục tình trạng thiếu thuốc và bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế, không để người bệnh phải tự mua và được bảo đảm quyền lợi.

Đồng thời, cập nhật cơ chế thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng được chuyển đến cơ sở khác đủ điều kiện thực hiện đang được quy định tại nghị định của Chính phủ.

Sửa quy định cơ quan bảo hiểm xã hội kiểm tra chất lượng khám bệnh, chữa bệnh thành kiểm tra việc thực hiện hợp đồng khám bệnh, chữa bệnh để phù hợp về chức năng, tránh chồng chéo với cơ quan quản lý nhà nước về y tế.

Bổ sung hình thức thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh đặc thù đối với lực lượng vũ trang và nhân dân ở khu vực biên giới, các xã đặc biệt khó khăn, biển đảo.

Cạnh đó, dự thảo cũng điều chỉnh giảm 1% tỷ lệ chi phí quản lý quỹ bảo hiểm y tế từ 5% còn 4% để tăng chi trực tiếp cho khám bệnh, chữa bệnh từ 90% lên 91% từ đầu năm, tiết kiệm thủ tục, thời gian phân bổ, điều chỉnh kinh phí.

Cần giải quyết căn cơ vướng mắc trong thanh toán chi phí khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế

Thẩm tra, Ủy ban Xã hội của Quốc hội cơ bản nhất trí với phạm vi sửa đổi, bổ sung của dự án Luật. Theo cơ quan thẩm tra, dự thảo Luật đã mở rộng thêm một bước, bảo đảm tốt hơn quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế khi “thông cấp khám bệnh, chữa bệnh”.

Theo đó, quỹ bảo hiểm y tế chi trả như khi đi khám bệnh, chữa bệnh đúng quy định trong trường hợp người bệnh được tự đến cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thuộc cấp cơ bản hoặc cấp chuyên sâu trong một số trường hợp bệnh nặng, bệnh hiểm nghèo; khám bệnh, chữa bệnh tại các cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh ban đầu và một số cơ sở thuộc cấp khám bệnh, chữa bệnh cơ bản trên toàn quốc và khám bệnh, chữa bệnh tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh chuyên sâu với lộ trình phù hợp.

Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Luật. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).

Tuy nhiên, Ủy ban Xã hội cho rằng cần đánh giá kỹ lưỡng tác động đến khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế cũng như tổ chức và hoạt động của hệ thống khám bệnh, chữa bệnh, trong đó có y tế cơ sở.

Về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh và thanh quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế, Ủy ban Xã hội đánh giá cao đề xuất của Chính phủ khi bổ sung quy định về thanh toán chi phí thuốc, thiết bị y tế được điều chuyển giữa các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh, chi phí dịch vụ cận lâm sàng của người bệnh đã được chỉ định nhưng phải thực hiện ở nơi khác để bảo đảm quyền lợi của người tham gia bảo hiểm y tế cũng như bảo đảm chất lượng và tính kịp thời trong khám bệnh, chữa bệnh.

Tuy nhiên, để giải quyết được căn cơ quyền lợi của bệnh nhân bảo hiểm y tế, đề nghị Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu quy định tại khoản 4 Điều 31 cơ chế thanh toán thông qua bệnh viện hoặc trực tiếp cho người bệnh khi phải tự mua thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế như việc thanh toán chi phí dịch vụ cận lâm sàng quy định tại khoản 5 Điều 31.

Ủy ban Xã hội cũng cơ bản tán thành với quy định về tạm ứng, thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế tại Điều 32, song đề nghị Chính phủ có cơ chế để giải quyết căn cơ những vướng mắc trong thanh toán, quyết toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh giữa Bảo hiểm Xã hội Việt Nam và cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thời gian qua.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày