Thứ 7, 28/12/2024, 09:42[GMT+7]

Thông cáo báo chí số 12 Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV

Thứ 2, 04/11/2024 | 21:15:50
427 lượt xem
Thứ hai, ngày 4/11, Quốc hội tiếp tục ngày làm việc thứ mười hai (Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV) tại Nhà Quốc hội dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn.

Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn phát biểu tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về 4 nội dung sau:

Một là, Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2025.

Hai là, Tình hình thi hành Hiến pháp; thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Ba là, Chủ trương điều chỉnh Quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Bốn là, Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (VCB).

Tại phiên thảo luận đã có 59 đại biểu phát biểu và 6 đại biểu tranh luận. Các đại biểu tập trung thảo luận về những nội dung sau: công tác đối ngoại năm 2024; vấn đề chống lãng phí trong bộ máy công quyền; kết quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững; giải ngân vốn đầu tư công; điều kiện kinh doanh và doanh nghiệp khởi nghiệp; phát triển kinh tế biển bền vững; an ninh, an toàn, hạ tầng giao thông; công tác phòng, chống thiên tai, phục hồi kinh tế sau bão số 3 (Yagi); hoạt động từ thiện, cứu trợ, quyên góp; giáo dục-đào tạo, tự chủ đại học, chính sách học phí cho học sinh, sinh viên, phát triển giáo dục nghề nghiệp, giáo dục thường xuyên; lao động, việc làm, đào tạo nguồn lao động chất lượng cao; vấn đề trẻ em tự kỷ; sử dụng tiết kiệm nguồn lực đất đai phát triển kinh tế-xã hội; vấn đề môi trường, định hướng tăng trưởng xanh; quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản; vấn đề nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, khó khăn trong phát triển ngành điều; thẩm quyền thẩm định dự án tu bổ di tích; việc đổi mới hoạt động lập pháp...

Tại phiên thảo luận, các đại biểu đã đề xuất nhiều giải pháp, kiến nghị, như: đề nghị Chính phủ tập trung phân tích làm rõ các nguyên nhân chủ quan, khách quan và đưa ra giải pháp hiệu quả, phù hợp nhằm đẩy nhanh giải ngân vốn đầu tư công, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển; tiếp tục triển khai thực hiện các kịch bản để chủ động, kịp thời phản ứng với các mức độ tăng trưởng của nền kinh tế; tiếp tục rà soát, phân loại và tháo gỡ các rào cản về điều kiện kinh doanh; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tăng phân cấp, phân quyền, làm rõ trách nhiệm gắn liền với kiểm soát quyền lực; đẩy mạnh hoàn thiện thể chế, tạo môi trường thuận lợi cho tăng trưởng; tập trung phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đẩy mạnh các động lực tăng trưởng truyền thống và động lực tăng trưởng mới; có các giải pháp quyết liệt triển khai thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia; giảm thuế VAT.

Bên cạnh đó, các đại biểu thảo luận tiếp về vấn đề: tiếp tục tháo gỡ nút thắt để hỗ trợ nền kinh tế; nới lỏng chính sách tài khóa, mức thu nhập chịu thuế; có các giải pháp mạnh mẽ ứng phó biến đổi khí hậu; có cơ chế đặc cách, đặc thù để hỗ trợ các địa phương bị ảnh hưởng bởi bão lũ; nâng cao năng lực phân tích, dự báo, chú trọng tháo gỡ khó khăn trong tiếp cận tín dụng; chỉ đạo quyết liệt hơn nữa tái cơ cấu ngành nông nghiệp; kiểm soát chặt chẽ dự án phát triển kinh tế, xã hội có chuyển đổi rừng, có kế hoạch trồng rừng hiệu quả trước khi cấp phép lấy rừng.

Ngoài ra, các đại biểu đã tập trung thảo luận về các nội dung: có giải pháp quản lý, khai thác, sử dụng tiết kiệm khoáng sản; nghiên cứu, chỉ đạo rà soát, xây dựng một chương trình tổng thể về công tác cảnh báo, phòng, chống thiên tai, bão lũ, công tác cứu hộ, cứu nạn; tiếp tục quan tâm, thực hiện tốt các chế độ, chính sách với các đối tượng thụ hưởng; nghiên cứu chính sách chuyển đổi nghề cho ngư dân thất nghiệp, đầu tư đê biển, phát triển thủy lợi bảo đảm sản xuất; tiếp tục quan tâm, nghiên cứu, có cơ chế chính sách đặc thù và giải pháp ưu tiên nguồn lực đầu tư về kinh tế, xã hội cho các tỉnh miền núi; quan tâm đến các sản phẩm nông sản, thủy sản, công nghệ số mang thương hiệu Việt Nam; điều chỉnh lương hưu, trợ cấp xã hội, bảo hiểm xã hội và trợ cấp ưu đãi người có công trong năm 2025; có biện pháp ngăn chặn hiệu quả các vụ lừa đảo và đánh cắp thông tin cá nhân trên mạng xã hội; giải quyết, xử lý dứt điểm những vụ việc phát sinh tiêu cực tại các trường học, lớp học hiện nay; nhanh chóng tháo gỡ các vướng mắc, thúc đẩy mọi nguồn lực để đại học trở thành trụ cột trong phát triển kinh tế-xã hội của đất nước;

Xây dựng các cơ chế, chính sách thúc đẩy nguồn thu bền vững ngoài học phí cho các cơ sở giáo dục đại học, giảm dần sự phụ thuộc vào học phí; tăng cường hỗ trợ tín dụng, thông tin, tuyên truyền về các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về các chính sách hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp, hỗ trợ tạo việc làm cho thanh niên; xây dựng các cơ chế thuận lợi để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách nhà nước; có các giải pháp để thực hiện chuyển đổi xanh; tháo gỡ khó khăn cho các trung tâm giáo dục nghề nghiệp và trung tâm giáo dục thường xuyên; nghiên cứu để có chính sách cụ thể trong đào tạo nghề gắn với thực tiễn chất lượng nguồn lao động, thị trường lao động;…

Các đại biểu cơ bản đồng tình với tình hình thi hành Hiến pháp, thi hành luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Chủ trương điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất quốc gia thời kỳ 2021, 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Chủ trương đầu tư bổ sung vốn nhà nước tại Ngân hàng Thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam.

Kết thúc thảo luận, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn, Bộ trưởng Lao động-Thương binh và Xã hội Đào Ngọc Dung, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đã phát biểu giải trình, làm rõ một số vấn đề đại biểu Quốc hội nêu.

Phiên họp được phát thanh, truyền hình trực tiếp trên Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài Truyền hình Việt Nam, Truyền hình Quốc hội Việt Nam.

Thứ ba, ngày 5/11/2024:

Buổi sáng, từ 8-10 giờ, truyền hình phát thanh trực tiếp Quốc hội họp thảo luận ở hội trường về tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2024, dự toán ngân sách nhà nước, phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2025 (trong đó, có Kế hoạch tài chính-ngân sách nhà nước 3 năm 2025-2027; tình hình thực hiện kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2024, dự kiến kế hoạch đầu tư công vốn ngân sách nhà nước năm 2025; tình hình thực hiện kế hoạch tài chính năm 2024, dự kiến kế hoạch tài chính năm 2025 của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách do trung ương quản lý); Một số nội dung về điều chỉnh, bổ sung dự toán ngân sách nhà nước.

Từ 10 giờ, Quốc hội thảo luận ở hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.

Buổi chiều, Quốc hội nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản; sau đó Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo luật này.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày