Chủ nhật, 08/12/2024, 00:28[GMT+7]

Tăng cường hơn nữa trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản

Thứ 3, 05/11/2024 | 18:06:08
927 lượt xem
Chiều 5/11, tiếp tục Kỳ họp thứ 8, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày tóm tắt Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Mở đầu phiên làm việc, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy đã trình bày tóm tắt Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy nêu rõ, về quyền lợi, trách nhiệm của địa phương, cộng đồng dân cư, hộ gia đình, cá nhân nơi có tài nguyên địa chất khoáng sản được khai thác (Điều 8), có ý kiến đề nghị bổ sung quy định tổ chức, cá nhân khai thác khoáng sản hằng năm hỗ trợ chi phí đầu tư, nâng cấp, duy tu, xây dựng hạ tầng, bảo vệ môi trường nhằm tăng cường hơn trách nhiệm của tổ chức khai thác khoáng sản.

Quang cảnh phiên làm việc chiều 5/11. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Đối với nội dung này, có 2 loại ý kiến, bao gồm:

Loại ý kiến thứ nhất: Bổ sung điểm đ khoản 1 Điều 8 theo Phương án 1 như dự thảo Luật (Chính phủ đề nghị bổ sung). Loại ý kiến thứ hai: Giữ như quy định của Luật Khoáng sản hiện hành theo Phương án 2 tại khoản 3 Điều 8 dự thảo Luật.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, cả hai phương án nêu trên đều có những ưu, nhược điểm riêng. Do đó, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội xem xét, cho ý kiến về nội dung này.

Về tiền cấp quyền khai thác khoáng sản (Điều 101), Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Huy cho biết, có ý kiến cho rằng, quy định về tiền cấp quyền là không khả thi, chưa phù hợp với thực tiễn; một số ý kiến đề nghị bỏ nội dung thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, đồng thời xem xét tăng mức thu thuế tài nguyên khoáng sản; đề nghị làm rõ sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên và có giải pháp cắt giảm thủ tục hành chính.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, qua 13 năm thực hiện, chính sách “Tiền cấp quyền khai thác khoáng sản” đã góp phần hạn chế đầu cơ, giữ mỏ để chuyển nhượng, lựa chọn nhà đầu tư có đủ năng lực tài chính, đồng thời cũng là một nguồn thu đáng kể cho ngân sách nhà nước.

Để giải quyết những hạn chế, vướng mắc hiện nay, dự thảo Luật đã quy định theo hướng thu tiền cấp quyền khai thác khoáng sản theo năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế. Với quy định nêu trên, tiền cấp quyền khai thác khoáng sản sẽ không bị ảnh hưởng bởi trữ lượng địa chất, trữ lượng không được khai thác, không thể khai thác hết; hoặc vì lý do khách quan chưa thể đưa mỏ vào khai thác.

Về sự khác nhau giữa tiền cấp quyền khai thác khoáng sản và thuế tài nguyên, đối với thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân tự kê khai sản lượng khai thác thực tế và nộp theo tháng và được quyết toán theo năm.

Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Lê Quang Huy trình bày tóm tắt Báo cáo một số vấn đề lớn về việc giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Địa chất và khoáng sản. (Ảnh: ĐĂNG KHOA).

Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, dự thảo Luật đang quy định theo hướng cơ quan quản lý nhà nước sẽ phê duyệt theo trữ lượng khoáng sản, tổ chức, cá nhân sẽ nộp 1 lần vào đầu năm và được quyết toán theo sản lượng khai thác thực tế theo thời kỳ (có thể 1 năm, 3 năm hoặc 5 năm). Số tiền cấp quyền khai thác khoáng sản nộp thừa sẽ được chuyển sang kỳ nộp tiếp theo, trường hợp nộp thiếu thì nộp bổ sung.

Đối với tiền cấp quyền khai thác khoáng sản, trên cơ sở quyết định phê duyệt và quyết toán thuế tài nguyên, tổ chức, cá nhân chỉ phải nộp 1 năm 1 lần, không làm phát sinh thủ tục hành chính trong việc kê khai, nộp tiền cấp quyền khai thác khoáng sản.

Theo: nhandan.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày