Thứ 4, 07/08/2024, 10:26[GMT+7]

Ngày làm việc thứ năm, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII Sử dụng hiệu quả các nguồn lực để phát triển đất nước

Chủ nhật, 27/10/2013 | 18:01:21
694 lượt xem
Kỳ họp thứ sáu Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ năm. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về tình hình thực hiện dự toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2013; dự toán NSNN và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2014; sơ kết ba năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) giai đoạn 2011-2015 và phương án phát hành Trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2014 - 2016.

Đại biểu QH tỉnh Phú Yên phát biểu ý kiến tại hội trường.

Giảm chi NSNN cho lĩnh vực hành chính
Thảo luận tại tổ về tình hình thực hiện dự toán NSNN năm 2013; dự toán NSNN và phương án phân ngân sách T.Ư năm 2014, các đại biểu QH đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và Báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tài chính, ngân sách của  QH về nội dung này.

Qua thảo luận, các đại biểu cho rằng, năm 2013, nền kinh tế nước ta có chuyển biến khá tích cực: lạm phát được kiềm chế, thị trường vàng, ngoại tệ, tỷ giá khá ổn định, thanh khoản của hệ thống ngân hàng, cán cân thanh toán được cải thiện, góp phần giữ được ổn định kinh tế vĩ mô... Tuy nhiên, đại biểu Trịnh Xuyên (Thanh Hóa) và một số đại biểu cho rằng, việc triển khai thực hiện dự toán NSNN thời gian qua còn nhiều bất cập, như: chi NSNN cho hoạt động hành chính còn rất lớn, chi cho đầu tư phát triển kinh tế - xã hội còn dàn trải, lãng phí; kỷ cương, kỷ luật trong công tác quản lý tài chính còn chưa nghiêm; năng lực, bộ máy cơ quan thuế chưa đủ sức trong thực hiện nhiệm vụ... Ðáng chú ý, một số cán bộ ngành thuế còn "đồng hành" cùng doanh nghiệp, làm tư vấn cho doanh nghiệp trốn, lậu thuế... gây thất thoát NSNN.

Một số đại biểu đề nghị, dự toán ngân sách nhà nước và phương án phân bổ NSNN năm 2014 nên cắt giảm mạnh việc chi NSNN cho lĩnh vực hành chính; phải rà soát lại tính hiệu quả của các dự án, trên cơ sở đó tập trung đầu tư NSNN cho các công trình, dự án trọng điểm có ý nghĩa thiết thực, không đầu tư dàn trải, tràn lan. Khi đầu tư NSNN cho các bộ, ngành, địa phương, doanh nghiệp phải gắn với tái cơ cấu nền kinh tế. Trong đó, Nhà nước cần quan tâm đầu tư ngân sách cho ngành giáo dục - đào tạo và khoa học công nghệ, vì đây là lĩnh vực quan trọng, hoạt động còn nhiều khó khăn. Ðẩy mạnh các biện pháp chống gian lận thương mại, trốn thuế, chống nợ đọng thuế, phấn đấu giảm tỷ lệ nợ đọng xuống dưới 5%, quản lý chặt chẽ và khai thác nguồn thu vào NSNN. Ðặc biệt là các lĩnh vực còn có thể khai thác được nguồn thu, như khu vực doanh nghiệp nhà nước, từ quản lý tài sản công, khai thác tài nguyên...

Thảo luận về thực hiện Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015, đại biểu Nguyễn Ðình Quyền (Hà Nội) và một số đại biểu khác cho rằng, cơ chế vận hành, công tác quản lý, triển khai thực hiện Chương trình MTQG còn chung chung, nặng về cơ chế "xin, cho", gây bất bình đẳng, nảy sinh tiêu cực, làm thất thoát NSNN. Hơn nữa, việc triển khai, thực hiện Chương trình MTQG về xóa đói, giảm nghèo, nước sạch nông thôn, môi trường ở cơ sở nhiều bộ, ngành tham gia, nên gây chồng chéo, lãng phí NSNN, hiệu quả không cao... Do vậy, thời gian tới vẫn cần tiếp tục triển khai thực hiện Chương trình MTQG, không mở rộng thêm, song Chính phủ cần chỉ đạo rà soát, thu hẹp Chương trình MTQG...

Trong buổi sáng, tại tổ, các đại biểu QH thảo luận về phương án phát hành Trái phiếu Chính phủ, giai đoạn 2014 - 2016.   

Nâng cao hiệu quả công tác phòng cháy, chữa cháy
Buổi chiều, các đại biểu QH làm việc tại hội trường, nghe Ủy viên Ủy ban TVQH, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của QH Nguyễn Kim Khoa trình bày Báo cáo của Ủy ban TVQH giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng cháy, chữa cháy.

Tại Kỳ họp thứ năm, QH khóa XIII, QH đã tiến hành thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật phòng cháy, chữa cháy (PCCC). Ủy ban TVQH đã chỉ đạo các cơ quan hữu quan tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội (ÐBQH), các Ðoàn ÐBQH... Tiếp thu ý kiến ÐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, sửa đổi 23/65 điều của Luật hiện hành, bổ sung năm điều vào dự thảo Luật, đồng thời chỉnh lý kỹ thuật một số điều khoản khác cho phù hợp với quy định của các luật chuyên ngành có liên quan...

Trong đó, đáng chú ý là: Một số ý kiến đề nghị quy định rõ hơn trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có khả năng về nhân lực, vật lực tham gia hỗ trợ và phối hợp chữa cháy. Tiếp thu ý kiến ÐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo chỉnh lý, bổ sung mục 3b khoản 2 Ðiều 1 về trách nhiệm của cá nhân và hoàn chỉnh các điều luật để làm rõ hơn và bảo đảm tính khả thi như dự thảo Luật trình QH. Có ý kiến đề nghị bổ sung quy định về phòng cháy đối với hệ thống tàu điện ngầm, tàu điện trên cao, ký túc xá sinh viên, các làng nghề, công trình, phương tiện giao thông, các nơi thờ tự, cơ sở di tích lịch sử, đối với nhà máy sản xuất hóa chất, hệ thống kho vũ khí - đạn dược của lực lượng vũ trang, kho bạc nhà nước...; quy định cụ thể các điều kiện về phòng ngừa, cứu nạn, thoát nạn. Tiếp thu ý kiến ÐBQH, Ủy ban TVQH đã chỉ đạo bổ sung quy định về phòng cháy đối với cơ sở sản xuất, kho vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ...

Thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật này, các đại biểu Nguyễn Văn Minh (Bắc Cạn), Nguyễn Anh Sơn (Nam Ðịnh) và một số đại biểu khác cho rằng, dự thảo luật quy định về trách nhiệm của các chủ hộ gia đình trong việc tham gia PCCC là chưa khả thi và chưa hợp lý. Bởi hiện nay, còn rất nhiều hộ gia đình nghèo, có hoàn cảnh khó khăn, chưa đủ lo cho cuộc sống hằng ngày... Vì thế, chưa thể tự trang bị những phương tiện, điều kiện để PCCC. Ban Soạn thảo cần nghiên cứu và viết lại quy định này để phù hợp với điều kiện hiện nay của nhân dân.

Một số ý kiến đề nghị cần bổ sung những quy định về PCCC tại các khu nhà cao tầng, trong đó cần chú trọng tiêu chuẩn hiện đại của các nước phát triển. Các tổ chức, doanh nghiệp tham gia cung cấp ga nhiên liệu cho các hộ dân tại các khu nhà cao tầng phải đáp ứng đủ các điều kiện về an toàn, chất lượng, phải được các cơ quan chức năng kiểm tra, giám sát thường xuyên, qua đó góp phần bảo đảm an toàn cuộc sống của người dân. Tại các khu công nghiệp, khu chế xuất, nhất thiết phải thành lập các Ðội PCCC chuyên trách, được hưởng lương của các doanh nghiệp, đơn vị. Ðây sẽ là lực lượng quan trọng kịp thời ứng phó khi có cháy nổ xảy ra. Vấn đề này đã được Luật PCCC hiện hành quy định và cần tiếp tục được quy định trong Luật sửa đổi, bổ sung.

Theo nhandan


 

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày