Thứ 3, 13/05/2025, 02:25[GMT+7]

Ngày làm việc thứ chín, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII Thảo luận các giải pháp, quyết sách lớn để thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước

Thứ 6, 01/11/2013 | 11:15:31
905 lượt xem
Ngày 31-10, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII bước sang ngày làm việc thứ chín. Các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội (KT-XH) năm 2013, kế hoạch phát triển KT-XH năm 2014; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH năm năm (2011-2015) và bàn phương hướng, giải pháp thực hiện các mục tiêu kinh tế - xã hội đến hết năm 2015.

Đại biểu QH tỉnh Đồng Tháp phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Các quyết sách lớn đã tạo sự chuyển biến tích cực

Phát biểu ý kiến tại hội trường, nhiều đại biểu QH cơ bản nhất trí với nội dung các báo cáo KT-XH do Chính phủ trình QH và báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH về những đánh giá, nhận định về tình hình và kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH trong năm 2013 và từ năm 2011 đến nay. Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, nhưng với cố gắng nỗ lực của cả nước, dưới sự lãnh đạo của Ðảng, sự chỉ đạo tập trung, quyết liệt của Chính phủ, sự giám sát có hiệu quả của QH, sự nỗ lực của các cấp, các ngành, cộng đồng doanh nghiệp và toàn dân trong việc triển khai thực hiện các Nghị quyết của Ðảng, QH, các Nghị quyết của Chính phủ, tình hình KT-XH đã có những chuyển biến tích cực.

Kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, lạm phát tiếp tục được kiềm chế, lãi suất tín dụng giảm, tăng trưởng tín dụng đã có những chuyển biến khả quan.  Cán cân thanh toán có kết dư, bảo đảm nguồn cung ngoại tệ. An sinh xã hội được bảo đảm. Nền kinh tế đang trên đà phục hồi, các ngành, lĩnh vực đều đạt được những kết quả đáng khích lệ, tiếp tục tạo điều kiện tăng trưởng cho các tháng cuối năm 2013 và  2014.

Bên cạnh những kết quả đạt được, nhiều đại biểu: Lê Thị Yến (Phú Thọ), Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng), Hoàng Văn Quang (Quảng Bình), Nguyễn Thanh Hùng (Ðồng Tháp) và một số đại biểu khác cho rằng, các báo cáo cần đánh giá rõ và đầy đủ hơn nữa nguyên nhân của những hạn chế, yếu kém.  Trong đó, chú trọng phân tích sâu các nguyên nhân về thể chế, chính sách, về tính kỷ luật, kỷ cương trong thực thi chính sách pháp luật để từ đó có những giải pháp thiết thực khắc phục triệt để hạn chế, yếu kém trong thời gian tới. 

Ngoài các nguyên nhân do khó khăn chung của nền kinh tế và chính sách cắt giảm đầu tư công, thực tế vừa qua cho thấy còn diễn ra tình trạng thiếu và chậm ban hành một số cơ chế, chính sách để có thể thu hút, huy động được đúng mức các nguồn vốn xã hội và đa dạng hình thức đầu tư. Nhiều đại biểu bày tỏ đồng tình báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của QH với nhận định, các doanh nghiệp hiện nay đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, nhiều doanh nghiệp mặc dù đã cầm cự trong những năm qua nhưng đến nay vẫn phải ngừng hoạt động, giải thể hoặc phá sản.

Ðánh giá, nhận xét các chính sách thực thi từ đầu năm đến nay, đại biểu Huỳnh Nghĩa (Ðà Nẵng) nêu các chỉ số ổn định kinh tế vĩ mô thiếu vững chắc, nhất là nguy cơ tái lạm phát cao trong các năm sau nếu thiếu những biện pháp đủ mạnh để tạo sự chuyển biến mạnh mẽ. Mặt khác, trong năm nay đã xuất hiện một số vấn đề mới có nguy cơ gây mất ổn định kinh tế vĩ mô, đó là sự thâm hụt ngân sách do nguồn thu không đạt kế hoạch, trong chín tháng qua chỉ đạt khoảng 66% dự toán cả năm...

Ðề cập các vấn đề bức xúc của xã hội được đông đảo và cử tri quan tâm, các đại biểu: Nông Thị Bích Liên (Hà Giang), Phương Thị Thanh (Bắc Cạn), Trương Minh Hoàng (Cà Mau) cho rằng, từ vấn đề giải quyết việc làm, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần của gia đình chính sách, người có công, người lao động, người làm công ăn lương, công nhân,  nhất là đối tượng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa đang còn gặp rất nhiều khó khăn. Nhiều nơi cơ sở hạ tầng còn yếu kém, mới đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của cuộc sống, kết quả giảm nghèo còn thiếu bền vững, tỷ lệ hộ tái nghèo còn cao...

Một số đại biểu nêu ý kiến, trong báo cáo của Chính phủ chưa thật sự quan tâm đúng mức tới việc xây dựng nguồn nhân lực có chất lượng cao, xây dựng nền kinh tế tri thức và việc sử dụng có hiệu quả nguồn nhân lực có chất lượng cao hiện có. Vì vậy, đại biểu Bùi Mạnh Hùng (Bình Phước) và một số đại biểu đề nghị Chính phủ cần bổ sung giải pháp, tập trung tìm ra lời giải cho vấn đề này, coi đây là một trong những động lực, là quốc sách hàng đầu để phát triển nền KT-XH mạnh mẽ, bền vững trong thời gian tới.

Cần nhiều giải pháp phục hồi kinh tế vững chắc

Ðể tạo sự chuyển động mạnh mẽ trong quản lý điều hành thực hiện mục tiêu nhiệm vụ KT-XH từ nay đến năm 2015 như Chính phủ đã xác định, các đại biểu QH đề nghị thời gian tới, Chính phủ cần quan tâm nâng cao chất lượng, hiệu quả quản lý nhà nước đối với công tác xây dựng quy hoạch và thực hiện theo quy hoạch. Ðây là vấn đề cần chỉ đạo quyết liệt, nhất quán, lộ trình đưa ra phải rõ ràng, hợp lý và mang tính khả thi trong quá trình lập, quản lý theo quy hoạch ba vùng kinh tế trọng điểm phục vụ cho yêu cầu triển khai tái cơ cấu, chú trọng sự liên kết ngành ở từng địa phương trong vùng kinh tế.

Ðại biểu Trương Văn Vở (Ðồng Nai), Trương Minh Hoàng (Cà Mau), Nguyễn Thanh Thụy (Bình Ðịnh)... đề nghị Chính phủ quan tâm, tạo sự chuyển biến về kỷ luật, kỷ cương hành chính, nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả bộ máy quản lý nhà nước, phân định rõ nhiệm vụ, quyền hạn, cơ chế trách nhiệm cá nhân ở các ngành, các cấp từ Trung ương đến địa phương. Ðiều này phải gắn liền với việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, tinh giản bộ máy tổ chức, biên chế để nhằm thực hiện tái cấu trúc mạnh mẽ nền tài chính công trong thời gian tới.

Tái cơ cấu nền kinh tế là vấn đề được nhiều đại biểu QH quan tâm ý kiến. Thời gian qua, tái cơ cấu nền kinh tế dù đã được triển khai tích cực nhưng vẫn chưa thu được những kết quả rõ nét. Tái cơ cấu đầu tư, trọng tâm đầu tư công mới dừng ở việc kiểm soát chặt hơn danh mục đầu tư, chứ chưa ngăn chặn được từ gốc rễ trách nhiệm phê duyệt dự toán đầu tư quá mức cần thiết, kém hiệu quả. Tái cơ cấu thị trường tài chính, trọng tâm là tái cơ cấu hệ thống ngân hàng thương mại, đến nay đã cơ bản thực hiện xong việc tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém, tuy nhiên nợ xấu vẫn còn ở mức cao. Tình trạng sở hữu chéo chưa được giải quyết. Tái cơ cấu doanh nghiệp, trọng tâm là tập đoàn, tổng công ty nhà nước cũng mới dừng ở sắp xếp, định hướng thoái vốn đầu tư ngoài ngành...

Theo đại biểu Hà Sĩ Ðồng (Quảng Trị) và một số đại biểu, vấn đề quan trọng nhất trong tái cơ cấu hệ thống các tổ chức tín dụng trong thời gian tới cần hướng tới nhóm ngân hàng lớn có tầm ảnh hưởng rộng, bao gồm các ngân hàng của Nhà nước. Cần xác định, phân biệt rõ vai trò chủ đạo của kinh tế nhà nước, không đồng nghĩa với vai trò chủ đạo, then chốt của doanh nghiệp nhà nước. Chính phủ nên hỗ trợ ở tầm vĩ mô đối với các doanh nghiệp lớn để các doanh nghiệp đủ sức tự vươn lên trong cạnh tranh quốc tế.

Các đại biểu QH đề nghị Chính phủ trong thời gian tới cần tiếp tục bảo đảm tính trọng tâm, trọng điểm, khắc phục triệt để bệnh dàn trải trong đầu tư và ưu tiên nguồn vốn đầu tư cho các công trình hạ tầng thiết yếu trong các lĩnh vực giao thông, thủy lợi, y tế, giáo dục ở các vùng khó khăn. Theo đó, cần tập trung đầu tư các dự án có khả năng tạo sự kết nối liên vùng hoặc tạo thay đổi lớn về cục diện kinh tế - xã hội cho các vùng, miền, các lĩnh vực.

Tăng cường đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn

Theo một số đại biểu, về nông nghiệp, nông dân, nông thôn ở nước ta hiện nay đang còn những thách thức rất lớn làm ảnh hưởng đến an ninh của nền nông nghiệp. Tốc độ tăng trưởng nông nghiệp ngày càng giảm, từ 3,3% trong giai đoạn 2006 - 2010, đến nay ước tính chỉ còn khoảng 2,8% trong năm 2013. Thực tế hiện nay, khả năng tái sản xuất mở rộng của nông dân giảm sút, rủi ro tăng cao, giá nông sản thấp, sức mua nông dân giảm, tình trạng mất đất nông nghiệp, nông dân bỏ hoang đất không canh tác xảy ra ở nhiều địa phương trong cả nước.

Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ quan tâm tăng mức đầu tư cho nông nghiệp, có chính sách để khuyến khích người nông dân tâm huyết với đồng ruộng, đẩy mạnh quá trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp. Các đại biểu: Hoàng Văn Quang (Quảng Bình), Nguyễn Thanh Hùng (Ðồng Tháp) và một số đại biểu khác đề nghị việc bổ sung, hoàn thiện vốn tổ chức thực hiện các cơ chế chính sách, tạo môi trường khuyến khích để thu hút mạnh hơn, nhiều hơn các nguồn lực, các thành phần kinh tế và các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn, nông dân.

Tham gia phát biểu ý kiến chung quanh một số nội dung đại biểu QH quan tâm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Cao Ðức Phát đã đề cập những giải pháp liên quan lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn, việc triển khai, thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng cũng báo cáo về việc thực hiện tiêu thụ lúa gạo cho nông dân, nhất là vùng đồng bằng sông Cửu Long cũng như việc triển khai giải quyết việc tạm trữ lúa gạo, chính sách đối với doanh nghiệp tham gia xuất khẩu gạo và những giải pháp trước mắt và lâu dài giúp nông dân phát triển sản xuất, tìm kiếm thị trường tiêu thụ nông sản đạt hiệu quả trong quá trình hội nhập kinh tế khu vực và thế giới.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày