Đề xuất mở rộng điều kiện thụ hưởng và cơ chế thuê mua nhà ở xã hội
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định điều hành phiên họp. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Cho phép xây dựng nhà ở xã hội cho thuê trên đất quy hoạch sản xuất, kinh doanh
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) đánh giá cao các quy định trong dự thảo, đặc biệt là việc cắt giảm nhiều thủ tục hành chính không cần thiết nhưng vẫn bảo đảm quản lý nhà nước.
Theo đại biểu, việc chuyển thẩm quyền phê duyệt dự án khả thi cho chủ đầu tư, bỏ yêu cầu đấu thầu, không phê duyệt nhiệm vụ quy hoạch và lồng ghép thủ tục phòng cháy, chữa cháy là những điều chỉnh hợp lý, giúp giảm thời gian và chi phí cho nhà đầu tư.
Đại biểu cũng chỉ rõ, hiện nay nhà ở xã hội gồm hai loại: nhà ở xã hội cho thuê và nhà ở xã hội ở lâu dài, tuy nhiên xu hướng xã hội đang nghiêng về nhu cầu thuê, nhất là với người lao động đã có chỗ ở tại quê nhưng cần nơi ở gần nơi làm việc. Ông Minh cho rằng, việc phát triển mạnh nhà ở xã hội cho thuê sẽ giúp giảm ùn tắc giao thông, giảm chi phí đi lại cho người lao động.
Đại biểu Đinh Ngọc Minh (Cà Mau) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Hiện mục tiêu nhà ở xã hội mới đạt khoảng 15%, còn thiếu nhiều so với yêu cầu. Vì vậy, đại biểu kiến nghị Quốc hội cho phép người có đất đang quy hoạch là đất sản xuất kinh, doanh được xây dựng nhà ở xã hội để cho thuê giống như kinh doanh nhà ở xã hội cho thuê, tạo điều kiện bổ sung nhanh nguồn cung nhà ở xã hội cho thuê, đáp ứng yêu cầu thực tiễn.
Nêu ý kiến tại phiên họp, đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh) cho biết, việc ban hành nghị quyết sẽ góp phần tháo gỡ những nút thắt trong phát triển nhà ở xã hội, giúp người lao động thu nhập thấp có thêm cơ hội tiếp cận, mua hoặc thuê nhà ở phù hợp.
Theo nữ đại biểu, thành công của chính sách thí điểm không chỉ hỗ trợ hiệu quả mục tiêu xây dựng ít nhất 1 triệu căn nhà ở xã hội giai đoạn 2021-2030 theo chủ trương của Đảng và Nhà nước, mà còn tạo tiền đề nhân rộng mô hình, nâng cao nguồn cung và giải quyết bài toán nhà ở bức thiết tại nhiều địa phương.
Đại biểu Phạm Thị Hồng Diễm (Trà Vinh) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Góp ý cho dự thảo nghị quyết về điều kiện thụ hưởng nhà ở xã hội (Điều 9), đại biểu đề nghị mở rộng tiêu chí xác định đối tượng hưởng chính sách. Thay vì chỉ căn cứ vào hộ khẩu hoặc nơi cư trú, cần lấy nơi làm việc ổn định làm căn cứ chính, phù hợp với thực tiễn di cư lao động hiện nay.
Đại biểu dẫn số liệu của Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết, hiện có hơn 1,2 triệu công nhân làm việc xa quê không có chỗ ở ổn định nhưng không đủ điều kiện mua/thuê nhà ở xã hội do vướng quy định về hộ khẩu. Đại biểu đề nghị cho phép người lao động đang làm việc tại địa phương không có dự án nhà ở xã hội, nếu được cơ quan sử dụng xác nhận, thì vẫn được quyền đăng ký mua hoặc thuê nhà ở xã hội tại địa phương khác.
Về cơ chế thuê nhà ở xã hội (Điều 10), đại biểu kiến nghị mở rộng đối tượng được thuê, không chỉ giới hạn cho công nhân khu công nghiệp mà cần bổ sung thêm các nhóm như giáo viên mới ra trường, bác sĩ trẻ, cán bộ công tác tại vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế-xã hội đặc biệt khó khăn.
Đại biểu cũng đề xuất bổ sung cơ chế thuê mua sau thời gian sử dụng ổn định, theo đó người thuê được chuyển quyền mua nhà ở xã hội sau tối thiểu 5 năm cư trú liên tục và không vi phạm hợp đồng. Theo đại biểu, mô hình này không chỉ tạo động lực ổn định đời sống mà còn giúp giảm áp lực sở hữu nhà ngay cho người lao động.
Mở rộng đối tượng đóng góp vào Quỹ phát triển nhà ở xã hội
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Phát biểu tại phiên thảo luận, đại biểu Hoàng Văn Cường (Hà Nội) nhấn mạnh sự cần thiết của việc đa dạng hóa nguồn lực cho Quỹ phát triển nhà ở xã hội, trong đó đặc biệt lưu ý vai trò đóng góp của chính những người có nhu cầu mua hoặc thuê nhà ở xã hội.
Theo đại biểu, cần thiết cho phép người dân có nhu cầu nhà ở xã hội được tham gia đóng góp thường xuyên vào quỹ dưới hình thức tiết kiệm, và lấy lịch sử đóng góp làm một trong các tiêu chí xét duyệt ưu tiên tiếp cận nhà ở xã hội theo hướng: người tích lũy tốt có thể được mua, người tích lũy trung bình có thể thuê mua, người tích lũy kém hơn thì được ưu tiên thuê.
“Cần mở rộng thêm một ý là nguồn tiền đóng góp của những người này sẽ được dành để đầu tư có thể xây dựng nhà bán chứ không chỉ có thuê và thuê mua như hiện nay”, ông Cường nêu kiến nghị.
Bày tỏ tán thành với ý kiến của đại biểu Cường về Quỹ nhà ở quốc gia, đại biểu Dương Khắc Mai (Đắk Nông) nêu rõ, đây là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách, có chức năng đầu tư tạo lập quỹ nhà ở cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuê, thuê mua theo đề xuất của Chính phủ.
Tuy nhiên, ông nhấn mạnh cần có cơ chế quản lý chặt chẽ để việc huy động, quản lý, sử dụng quỹ đúng mục đích, bảo đảm hiệu quả nhằm phục vụ cho mục tiêu quan trọng nêu trên.
Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Phát biểu giải trình, làm rõ ý kiến các đại biểu Quốc hội nêu tại phiên thảo luận, Bộ trưởng Xây dựng Trần Hồng Minh cho biết, tình hình triển khai nhà ở xã hội trên cả nước vẫn còn rất chậm so với mục tiêu đề ra là 1 triệu căn.
Theo đó, từ năm 2021 đến nay, cả nước mới triển khai được 679 dự án với khoảng 623.000 căn; trong đó mới hoàn thành 108 dự án với khoảng 73.000 căn, đạt khoảng 15%. Riêng năm 2025, mục tiêu là 100.000 căn nhưng đến nay mới hoàn thành 15.600 căn, khởi công thêm gần 20.000 căn, đạt khoảng 44%.
Theo Bộ trưởng, nguyên nhân chính khiến tiến độ chậm là do vướng mắc ở cơ chế, thể chế, chính sách và quy trình, thủ tục triển khai. Do đó, Bộ Xây dựng đã báo cáo, đề xuất Chính phủ xin cơ chế chính sách tháo gỡ những khó khăn cho nhà đầu tư được tham gia xây dựng nhà ở xã hội.
Bộ trưởng nêu rõ hai nhóm vấn đề lớn cần tập trung giải quyết: Thứ nhất là nhóm chính sách liên quan quỹ và đối tượng thụ hưởng.
Các đại biểu tham dự phiên thảo luận. (Ảnh: THỦY NGUYÊN).
Về đối tượng được vay ưu đãi, Bộ trưởng cho hay, dù đã triển khai gói tín dụng 120.000 tỷ đồng, tăng lên 145.000 tỷ đồng, nhưng đến tháng 4/2025 mới giải ngân được 3.042 tỷ đồng - chỉ đạt gần 3% trong 5 năm, cho thấy vướng mắc lớn nằm ở quy trình tín dụng và thủ tục giải ngân quá chặt chẽ khiến nhà đầu tư e ngại.
Thứ hai là nhóm thủ tục và quy trình đầu tư. Bộ trưởng cho biết, thời gian lựa chọn chủ đầu tư thông qua đấu thầu hiện nay kéo dài khoảng 300 ngày. Nếu áp dụng cơ chế đặc thù, thời gian này có thể rút xuống 75 ngày.
“Thủ tục đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thì phải thấy từ công tác chuẩn bị đầu tư cho đến kết thúc của quá trình đầu tư cũng hết khoảng 105 ngày, nhưng nếu gộp lại chỉ nằm trong bước thiết kế kỹ thuật, bản vẽ thi công và tổng dự toán cũng như kết hợp với điều kiện cấp giấy phép chỉ mất khoảng 35 ngày so với quy định hiện hành”, Bộ trưởng nêu rõ.
Ông Minh cũng cho biết, việc phê duyệt giá nhà ở xã hội sẽ không quy định giá sàn chung toàn quốc mà giao Sở Xây dựng và Sở Tài chính các địa phương xác định theo đơn giá dự toán thực tế, với mức chênh lệch tối đa không vượt quá 10% so với giá tổng dự toán.
Theo: nhandan.vn
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
-
Đoàn đại biểu tỉnh Thái Bình viếng đồng chí Trần Đức Lương, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam
- Ban Thường vụ Tỉnh ủy cho ý kiến về một số báo cáo, tờ trình
- Khởi công dự án khu phức hợp đô thị, du lịch sinh thái, sân golf Khoái Châu
- UBND tỉnh nghe và cho ý kiến vào một số nội dung quan trọng
- Thúc đẩy động lực tăng trưởng đầu tư công năm 2025
- Đưa tỉnh Thái Bình trở thành trung tâm kết nối của vùng, khu vực và quốc tế
- 110 tập thể, cá nhân đủ điều kiện, tiêu chuẩn xét khen thưởng cấp nhà nước năm 2024
- Tỉnh ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ tỉnh: Dâng hương tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Kế tục xuất sắc sự nghiệp vĩ đại của Chủ tịch Hồ Chí Minh
- Phát biểu của Tổng Bí thư Tô Lâm quán triệt tinh thần các Nghị quyết của Bộ Chính trị