Ngày làm việc thứ 26, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII Tiếp tục chất vấn các thành viên Chính phủ, trưởng ngành
Ðại biểu QH thành phố Hồ Chí Minh đặt câu hỏi chất vấn tại Hội trường.
Ðáp ứng kịp thời nhu cầu thông tin của nhân dân
Tại phiên chất vấn Bộ trưởng TT và TT Nguyễn Bắc Son, các đại biểu Phạm Tất Thắng (Vĩnh Long), Huỳnh Thành (Gia Lai), Nguyễn Hữu Hùng (Tiền Giang) bày tỏ lo ngại về dịch vụ trò chơi trực tuyến (game online), có nhiều mặt tiêu cực với những hệ lụy. Trả lời về vấn đề này, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, game online là loại hình giải trí hiện đại. Không phải tất cả game online đều có hại. Nếu chơi vào thời gian phù hợp thì là giải trí, kích thích sử dụng, phát triển công nghệ thông tin. Theo đó, game online vào Việt Nam từ 2005, loại hình này đã và đang phát triển rất mạnh mẽ, nên kéo theo trò chơi (game) lậu nhập vào Việt Nam. Năm 2010, Bộ TT và TT đã phải dừng cấp phép game. Trong khi đó, nhu cầu về trò chơi này rất lớn, người chơi đã tải qua mạng game lậu từ nước ngoài vào. Thời gian tới, Bộ chủ trương cho phép nhập thêm game online phù hợp phong tục, tập quán Việt Nam, để đáp ứng nhu cầu người chơi và đẩy lùi game lậu nước ngoài. Các địa phương cần quản lý chặt chẽ các tụ điểm đăng ký phục vụ chơi game online; tích cực tuyên truyền, vận động nhân dân, nhất là giúp học sinh nhận thức rõ mặt trái của game online...
Ðại biểu Trần Quốc Khánh (Hà Nội), Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) băn khoăn, thời gian qua, còn nhiều sim rác trôi nổi trên thị trường, quảng cáo rác, bài viết, hình ảnh đăng tải trên mạng độc hại, gây phản cảm, bức xúc trong dư luận xã hội... Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, Bộ đã ra thông tư quản lý sim điện thoại di động vào năm 2009, dù đã đi vào cuộc sống nhưng kém hiệu quả. Ðến 2012 đã ra Thông tư 04 để tăng cường sự quản lý nhà nước; từ 131 triệu thuê bao đến tháng 9-2013 giảm xuống còn 117 triệu thuê bao, song sim rác vẫn còn... Thời gian tới, Bộ tiếp tục thanh tra, kiểm tra, bổ sung kịp thời chế tài cần thiết, hạn chế dùng sim rác, tin nhắn rác gây bức xúc cho xã hội.
Ðại biểu Trần Thùy Trang (TP Hồ Chí Minh) nêu câu hỏi ở nước ta có báo "lá cải" hay không? Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho rằng, hiện nay báo chí của chúng ta là cơ quan ngôn luận của Ðảng, Nhà nước và là diễn đàn của nhân dân. Trong xã hội ta không có báo "lá cải". Song có một số cơ quan báo chí quán triệt tôn chỉ mục đích chưa tốt, nên một số bài viết có khuynh hướng "lá cải". Thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục phối hợp các bộ, ngành và cơ quan chức năng ngăn chặn sai phạm này.
Cùng trong phiên chất vấn, Bộ trưởng Tư pháp Hà Hùng Cường cùng trả lời chất vấn của các đại biểu QH về quyền được thông tin và việc triển khai dự thảo Luật An toàn thông tin số sẽ đề nghị Chính phủ xem xét và dự kiến trình QH vào tháng 5-2014...
Kết luận phiên chất vấn Bộ trưởng TT và TT Nguyễn Bắc Son, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng: Bộ trưởng TT và TT Nguyễn Bắc Son giải quyết vấn đề được chất vấn một cách thấu đáo, cam kết trước QH sẽ phối hợp với các ngành khác, thúc đẩy hoạt động thông tin để đáp ứng nhu cầu thông tin của người dân. Thúc đẩy công tác quản lý nhà nước, hạn chế, từng bước đẩy lùi tiêu cực.
Thời gian tới, Bộ TT và TT cần xây dựng lực lượng mạnh trong lĩnh vực truyền thông báo chí; đánh giá được những mặt trái của thông tin ngoài luồng, để có biện pháp khắc phục, làm cho nền thông tin quốc gia lành mạnh. Phát triển hệ thống thông tin tuyên truyền đúng quy hoạch, đào tạo đội ngũ nhà báo có trình độ, kiến thức để tự mình có sức đấu tranh. Tăng cường hơn nữa công tác quản lý nhà nước về báo chí theo luật pháp hiện hành; tích cực đấu tranh trên mặt trận tư tưởng; bảo vệ an toàn và an ninh mạng.
Tòa án xét xử cần bảo đảm đúng người, đúng tội
Tại phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân (TAND) tối cao Trương Hòa Bình, các đại biểu tập trung chất vấn chung quanh về các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động của ngành tòa án; chất lượng xét xử, tránh oan sai, bỏ lọt tội phạm, chiến lược xây dựng cán bộ ngành tòa án trong thời gian tới.
Ðại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Ðồng), Lê Thị Nga (Thái Nguyên), Trần Xuân Hòa (Quảng Ninh) cho rằng, năm 2013, ngành tòa án giải quyết đơn đề nghị giám đốc thẩm còn chậm; đến nay vẫn còn hàng nghìn vụ đề nghị giám đốc thẩm xem xét lại, nhiều vụ xét xử còn oan sai, như vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang), ảnh hưởng đến niềm tin của nhân dân... Lỗi của tòa án, Viện kiểm sát (VKS) và trách nhiệm của cơ quan công an như thế nào trong vụ án này?
Chánh án TAND tối cao Trương Hòa Bình cho biết: Vụ án ông Nguyễn Thanh Chấn đã có bản án phúc thẩm từ năm 2004, sau khi xét xử, gia đình đã có đơn kêu oan. Ngày 4-11-2013, Viện trưởng VKSND tối cao đã kiến nghị phúc thẩm đối với bản án nói trên. TAND tối cao đã tổ chức triệu tập Hội đồng Thẩm phán TAND tối cao chấp nhận kiến nghị và hủy bản án trên để điều tra lại. Còn có oan sai hay không phải tuân thủ theo trình tự của pháp luật. Phải thông qua điều tra; nếu tiếp tục truy tố thì VKS phải truy tố, tòa án xét xử lại. Ép cung hay nhục hình là sai pháp luật, nhưng phải được chứng minh rõ ràng. Hiện nay, Bộ Công an đang chỉ đạo kiểm điểm về vấn đề này, trong quá trình điều tra có sự tham gia của VKS. Nếu có ép cung, nhục hình thì những người liên quan phải chịu trách nhiệm. Nếu thật sự có oan sai, trong từng giai đoạn xét xử, từng vụ việc, thuộc trách nhiệm cơ quan nào thì người đứng đầu cơ quan đó cũng phải chịu trách nhiệm...
Ðại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên) và một số đại biểu cho rằng, trong xét xử các vụ án tham nhũng, việc tuyên án treo còn nhiều. Chánh án TAND tối cao cho biết, thời gian qua, đối với các vụ án tham nhũng, vụ án điểm về tham nhũng chiếm đoạt tài sản lớn, tòa án đã xét xử nghiêm minh. Tuy nhiên ở một số địa phương việc xét xử một số vụ án về tội phạm tham nhũng cho hưởng án treo không đúng pháp luật. Vấn đề này, TAND tối cao đã chỉ đạo thẩm phán kiểm điểm và người đứng đầu cơ quan phải chịu trách nhiệm. Thời gian qua, ngành tòa án đã xử lý 71 trường hợp cán bộ trong ngành để xảy ra lỗi trong thực hiện nhiệm vụ.
Về vấn đề người vị thành niên phạm tội mà đại biểu Võ Thị Hồng Thoại (Bạc Liêu) nêu ra, Chánh án Trương Hòa Bình cho biết, số lượng người vị thành niên phạm tội có xu hướng tăng. Tuy nhiên, việc đưa người vị thành niên phạm tội ra xét xử lưu động thì sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển sau này của đối tượng và cũng không áp dụng hình phạt cao nhất đối với đối tượng này. Trong trường hợp, khi phạm tội chưa thành niên, khi đưa ra xét xử thì đã thành niên, tùy từng trường hợp cụ thể có thể đưa ra xét xử lưu động.
Trả lời chất vấn của đại biểu Dương Trung Quốc (Ðồng Nai) về bồi thường án oan sai, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao nhất trí là oan sai phải được bồi thường. Vấn đề là làm thế nào không để xảy ra oan sai. Ðồng chí cho biết, Tòa án Nhân dân tối cao đã đề ra ba giải pháp cơ bản để chống oan sai, như bảo đảm việc tranh tụng tại phiên tòa; tăng cường công tác giám đốc, kiểm tra; đào tạo nâng cao trình độ cán bộ tòa án... Chánh án Trương Hòa Bình cũng thừa nhận chất lượng xét xử các vụ án hành chính những năm qua là chưa cao.
Bộ trưởng Công an Trần Ðại Quang đã báo cáo bổ sung về án oan, ép cung, mớm cung, bức cung, nhục hình. Bộ Công an cũng đã đề ra năm giải pháp để chống oan sai, như chỉ đạo điều tra viên bên cạnh việc thu thập chứng cứ buộc tội, cũng chú ý thu thập chứng cứ gỡ tội; phải bảo đảm quyền bào chữa của bị can trong giai đoạn điều tra, xây dựng đề án phòng, chống tiêu cực trong Công an nhân dân. Bộ trưởng cũng trả lời về các kiến nghị của đại biểu QH, về việc lắp đặt ca-mê-ra ở các phòng hỏi cung và cho biết, Bộ Công an đang thực hiện giải pháp này.
Cũng liên quan đến hoạt động Tư pháp, Viện trưởng Viện Kiểm sát (VKS) Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết, để xảy ra án oan sai thì VKS nhân dân cũng có trách nhiệm. VKS Nhân dân tối cao đã đề ra một số giải pháp chống oan sai, như: không phê chuẩn quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can khi không đủ cơ sở; tiến hành phúc tra một số trường hợp... Ðối với các vụ án oan sai trong thực tế thì phải kịp thời minh oan cho người bị oan, phối hợp cơ quan điều tra xác minh sự thật, bồi thường cho người bị oan, tổ chức rút kinh nghiệm để tìm nguyên nhân và kiến nghị khắc phục.
Kết luận phần trả lời chất vấn của Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng cho rằng, qua chất vấn đã thể hiện rõ sự quan tâm đặc biệt của đại biểu QH và cử tri đối với hoạt động Tư pháp. Chủ tịch nhấn mạnh, yêu cầu thứ nhất là phải xây dựng đội ngũ cán bộ: đủ về lượng, nâng cao về chất. Do vậy phải tăng cường công tác đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ tòa án. Xây dựng lực lượng tòa án trong sạch, vững mạnh, có tài, có đức, thật sự là cán bộ liêm chính. Cần có biện pháp quản lý cán bộ tòa án từ T.Ư đến địa phương một cách chặt chẽ. Cần phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương, đại biểu QH để giám sát. Yêu cầu thứ hai là, cần kiện toàn về tổ chức, xác định mô hình xét xử. Ba là, phải nâng cao chất lượng xét xử, bảo đảm kịp thời về thời gian theo quy định của pháp luật và phải công khai. Thứ tư là, bảo đảm có tranh tụng: Tranh tụng là nguyên tắc sẽ phải được áp dụng ở các phiên tòa và phải kết luận đúng người, đúng tội, tránh oan sai. Năm là, hoàn thiện hệ thống pháp luật về tố tụng, kể cả án lệ. Cùng với đó là củng cố cơ sở vật chất, chế độ chính sách cho đội ngũ cán bộ.
Rà soát lại tất cả các dự án thủy điện
Thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng báo cáo giải trình làm rõ thêm một số vấn đề liên quan nội dung các nhóm vấn đề chất vấn và trực tiếp trả lời chất vấn của các đại biểu QH (Toàn văn Báo cáo đăng trên số báo hôm nay).
Ðại biểu Trần Thị Hiền (Hà Nam) đặt câu hỏi, Chính phủ có giải pháp nào mang tính đột phá nhằm kiểm soát lạm phát thời gian tới, nhất là trong bối cảnh chúng ta nâng trần bội chi ngân sách và phát hành thêm trái phiếu Chính phủ. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời, việc nâng trần bội chi và phát hành trái phiếu Chính phủ có thể khiến lạm phát tăng cao là băn khoăn chính đáng của đại biểu. Nếu chúng ta thực hiện đồng bộ giải pháp đã đề ra, thì mục tiêu tăng trưởng GDP 5,8% năm 2014 và 6% năm 2015, kiềm chế lạm phát như mục tiêu đề ra khoảng 7%, đồng thời giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, trả được nợ, bảo đảm nợ công quốc gia trong giới hạn an toàn là khả thi.
Trả lời câu hỏi của các đại biểu Hà Sỹ Ðồng (Quảng Trị), Ngô Văn Minh (Quảng Nam) về việc nợ đọng văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành các luật, pháp lệnh gây khó khăn trong thực thi pháp luật, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho biết, Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ luôn xem việc xây dựng, ban hành các văn bản pháp luật là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên. Thực tế, việc nợ văn bản pháp luật diễn ra từ nhiều năm, nhưng từ năm 2012, Chính phủ đã nhận thấy hạn chế, yếu kém và đưa ra các giải pháp khắc phục. Năm 2013, số lượng luật, pháp lệnh có hiệu lực tăng gấp hai lần so với 2012 và Chính phủ phải ban hành hơn 129 Nghị định, quy định hướng dẫn thi hành. Ngay từ đầu năm 2013 Chính phủ rất quan tâm và chỉ đạo thực hiện quyết liệt vấn đề này. Ðến nay, số lượng nợ đọng văn bản hướng dẫn thi hành pháp luật của Chính phủ và Thủ tướng là 19 văn bản. Chính phủ đang tiếp tục nỗ lực thực hiện với tinh thần không để tình trạng nợ đọng văn bản, cố gắng đến hết năm cơ bản hoàn thành việc ban hành văn bản. Cùng với bảo đảm số lượng, chất lượng ban hành văn bản cũng từng bước được nâng lên, nhưng còn một số ít quy định khi ban hành thiếu khả thi, không phù hợp thực tế, gây bức xúc trong dư luận. Ðể hoàn thiện công tác xây dựng, ban hành văn bản pháp luật, Chính phủ sẽ thực hiện các giải pháp, như đề cao trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị. Xây dựng đội ngũ chuyên trách để làm tốt công tác xây dựng văn bản. Rà soát, sửa đổi, bổ sung và kiến nghị sửa đổi, bổ sung những quy trình, thủ tục rườm rà, không cần thiết.
Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Hà Sỹ Ðồng (Quảng Trị) về việc có tình trạng "hội chứng xây dựng nhà máy lọc dầu" tại một số địa phương, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng cho rằng, Chính phủ đã ban hành Quy hoạch phát triển nhà máy lọc dầu đến 2020 và định hướng 2025. Hiện nay, những nhà máy lọc dầu đã đi vào hoạt động và đang triển khai các bước đầu tư, xây dựng, như: Dung Quất, Nghi Sơn, Phú Yên, Nhà máy lọc dầu số 3 tại Bà Rịa - Vũng Tàu, Nhà máy lọc dầu Cần Thơ và nhà máy lọc dầu tại Khánh Hòa đều nằm trong quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, có một dự án không nằm trong quy hoạch nhưng có tính khả thi cao nên Thủ tướng đồng ý là nhà máy lọc dầu 30 triệu tấn/năm dự kiến xây dựng tại Bình Ðịnh. Hiện, các cơ quan chức năng đang xem xét, nếu đủ điều kiện sẽ bổ sung vào quy hoạch. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định, các dự án lọc hóa dầu đều được Chính phủ kiểm soát rất chặt chẽ và bảo đảm hiệu quả.
Liên quan câu hỏi của các đại biểu Trần Thị Dung (Ðiện Biên), Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) về trách nhiệm trong việc quy hoạch, thi công, vận hành các nhà máy thủy điện gây ảnh hưởng cuộc sống người dân, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trả lời, thủy điện là tiềm năng, lợi thế lớn cần khai thác, sử dụng. Thực tế, thủy điện đóng góp rất lớn vào nguồn điện năng quốc gia. Nhưng bên cạnh đó cũng bộc lộ một số hạn chế, yếu kém cả trong quy hoạch, phê duyệt dự án, thi công, trong di dân tái định cư, trong bảo đảm môi trường sinh thái. Những hạn chế, yếu kém đó có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là yếu kém trong công tác quản lý nhà nước của Chính phủ và chính quyền các địa phương. Chính phủ đang tiếp tục tập trung chỉ đạo khắc phục những hạn chế, yếu kém đó, trên cơ sở tiếp tục phát huy những mặt tích cực của thủy điện, đồng thời thực hiện đồng bộ các giải pháp khắc phục nhanh, có hiệu quả những hạn chế, yếu kém, với tinh thần bảo đảm hiệu quả kinh tế, xã hội, môi trường và bảo đảm an toàn.
Ðối với các nhà máy đang vận hành, sẽ rà soát các điều kiện bảo đảm an toàn hồ đập, nếu không an toàn kiên quyết buộc ngừng hoạt động. Chính phủ cũng yêu cầu UBND các địa phương tăng cường quản lý, buộc chủ đầu tư thực hiện đúng quy trình vận hành hồ chứa và xử lý nghiêm những người vi phạm kể cả xử lý hình sự. Chính phủ sẽ ban hành chính sách bổ sung đối với hộ nghèo ở những vùng tái định cư phục vụ dự án thủy điện. Bổ sung cơ chế, chính sách, yêu cầu chủ đầu tư thực hiện trồng lại rừng theo đúng cam kết. Ðối với các dự án thủy điện đang khởi công xây dựng phải rà soát thiết kế kỹ thuật, nếu không an toàn phải dừng lại.
Ðối với những câu hỏi của các đại biểu liên quan tái cơ cấu nền kinh tế, công tác phòng, chống tham nhũng, các chính sách bảo đảm sản xuất nông nghiệp phát triển bền vững, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng sẽ trả lời bằng văn bản.
Phát biểu ý kiến tổng kết ba ngày chất vấn, Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng nêu rõ, những vấn đề được các đại biểu chất vấn đúng với những vấn đề đang đặt ra và được cử tri cả nước quan tâm. Các vị bộ trưởng, trưởng ngành trả lời chất vấn đầy đủ, thẳng thắn, nhìn thẳng vào hạn chế, yếu kém để đưa ra các giải pháp giải quyết trong thời gian tới. Chủ tịch QH đề nghị, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xây dựng Nghị quyết của QH về phiên chất vấn tại kỳ họp thứ sáu, trình QH xem xét, thông qua.
Theo nhandan
Tin cùng chuyên mục
- Đêm Gala “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn”: Đoàn kết là sức mạnh 21.12.2024 | 09:16 AM
- Khai mạc Chương trình giao lưu “Cảnh sát biển Việt Nam và những người bạn” lần thứ hai 19.12.2024 | 11:10 AM
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương 22.11.2024 | 18:11 PM
- Khai mạc Triển lãm tương tác Cột cờ Hà Nội kỷ niệm 70 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 09.10.2024 | 21:15 PM
- Mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc 02.10.2024 | 19:56 PM
- Bộ Quốc phòng quyết định không tổ chức diễu binh, diễu hành kỷ niệm 80 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam 22.09.2024 | 08:39 AM
- Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm gửi thư chúc Tết Trung thu năm 2024 cho các cháu thiếu niên, nhi đồng 13.09.2024 | 18:13 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định thăm Đại sứ quán, gặp mặt đại diện cộng đồng người Việt Nam tại Malaysia 08.08.2024 | 21:27 PM
- Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định gặp Chủ tịch Hội đồng Lập pháp Bang Selangor, Malaysia 08.08.2024 | 21:21 PM
- Nâng cao hiệu quả thực hiện nhiệm vụ cải cách hành chính 15.07.2024 | 14:28 PM
Xem tin theo ngày
-
Đặc sắc chương trình nghệ thuật kỷ niệm 110 năm ngày sinh Tổng Bí thư Nguyễn Văn Linh và chào mừng hợp nhất tỉnh Hưng Yên và tỉnh Thái Bình
- Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam Đỗ Văn Chiến thăm làm việc tại phường Phố Hiến
- Công bố nghị quyết, quyết định của Trung ương, địa phương về sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp xã và kết thúc hoạt động cấp huyện
- Báo Thái Bình - Một hành trình với những mốc son lịch sử
- Thư tòa soạn
- Công bố quyết định của Bộ trưởng Bộ Công an, Giám đốc Công an tỉnh về công tác tổ chức, cán bộ
- Khởi công dự án nhà máy đốt chất thải rắn phát điện công nghệ hiện đại tại xã Thụy Trình
- Khởi công dự án đầu tư xây dựng sân golf Cồn Vành và dự án đầu tư xây dựng khu bến cảng hàng lỏng Ba Lạt
- Việt Nam nâng tầm vị thế tại Hội nghị quốc tế về biển và đại dương
- Hội thảo khoa học: Đồng chí Nguyễn Văn Linh – Nhà lãnh đạo kiên định, sáng tạo của Đảng và cách mạng Việt Nam