Thứ 5, 15/05/2025, 09:24[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 30, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội khóa XIII Thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện và Nghị quyết về công tác tư pháp

Thứ 5, 28/11/2013 | 08:28:38
689 lượt xem
Ngày 27-11, Kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIII tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, QH thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện và thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Buổi chiều, QH thông qua Nghị quyết về công tác tư pháp (bao gồm cả nội dung về công tác phòng, chống tham nhũng) và thảo luận về dự án Luật Đầu tư công.

Đại biểu QH tỉnh Quảng Bình phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước về giao thông đường thủy nội địa

Mở đầu phiên họp buổi sáng, QH nghe Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về dự thảo "Nghị quyết về tăng cường công tác quản lý quy hoạch, đầu tư xây dựng, vận hành khai thác công trình thủy điện". Báo cáo cho biết: Căn cứ ý kiến các vị đại biểu QH phát biểu tại tổ (ngày 1-11-2013), tại hội trường (ngày 13-11-2013) và các góp ý trực tiếp vào dự thảo Nghị quyết, UBTVQH đã chỉ đạo các cơ quan của QH phối hợp cơ quan của Chính phủ nghiên cứu, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Nghị quyết này. QH đã tiến hành biểu quyết với 88,96% tổng số đại biểu tán thành thông qua Nghị quyết về quy hoạch tổng thể về thủy điện.

Tiếp đó, các đại biểu QH thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giao thông đường thủy nội địa. Các đại biểu: Huỳnh Minh Thiện (TP Hồ Chí Minh), Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Bùi Thị An (Hà Nội) và một số đại biểu nêu rõ, nước ta có hơn 80 nghìn km đường sông, kênh, rạch, trong đó hơn 42 nghìn km có hoạt động giao thông vận tải đường thủy nội địa (GTĐTNĐ). Nhưng cơ quan nhà nước mới quản lý được hơn 17 nghìn km có hoạt động GTĐTNĐ, còn hơn 23 nghìn km chưa được quản lý. Thời gian qua, việc phân cấp quản lý hoạt động này còn nhiều bất cập, manh mún, chồng chéo... Do vậy, dự thảo Luật cần quy định rõ trách nhiệm quản lý của từng cấp, từng ngành, từ T.Ư đến địa phương, bảo đảm tính thống nhất, nhằm tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về hoạt động GTĐTNĐ.

Đề cập điều kiện hoạt động của phương tiện GTĐTNĐ, đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) và một số đại biểu cho rằng, thời gian qua, tuyến GTĐTNĐ xảy ra nhiều vụ tai nạn, gây thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước và nhân dân. Do vậy, dự thảo Luật cần xem xét, mở rộng diện phương tiện GTĐTNĐ phải đăng ký, đăng kiểm; phân định rõ cơ quan cấp phép, thẩm định để quản lý chặt chẽ hoạt động này, bảo đảm an toàn về người, phương tiện và hàng hóa khi tham gia GTĐTNĐ. Cùng với đó, các cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động này cần đổi mới thủ tục hành chính, tránh gây phiền hà cho chủ phương tiện. Tuy nhiên đại biểu Đỗ Văn Vẻ (Thái Bình) lại cho rằng, nên miễn đăng ký, đăng kiểm các loại phương tiện GTĐTNĐ từ một tấn đến dưới 15 tấn. Vì loại phương tiện này số lượng ít, hơn nữa giá trị tài sản không lớn, trong khi đó thủ tục đăng ký, đăng kiểm còn rườm rà, gây khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Cũng trong phiên thảo luận, một số đại biểu góp ý bổ sung vào dự thảo Luật các nội dung, điều khoản về công tác cứu hộ, cứu nạn, việc quy hoạch, phát triển, quản lý, khai thác hoạt động GTĐTNĐ gắn quy hoạch phát triển vùng và kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội của các địa phương...

Tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm

Buổi chiều, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Nguyễn Văn Hiện đã trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu QH về dự thảo Nghị quyết về tăng cường các biện pháp đấu tranh phòng, chống tội phạm.

Nghị quyết của Quốc hội quyết nghị, Chính phủ tăng cường chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương thực hiện tốt Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng, lãng phí giai đoạn 2012-2016 và Chiến lược Quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020; tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng vốn, tài sản nhà nước trong cơ quan, đơn vị, tổ chức và trong lĩnh vực quản lý; kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các vi phạm kinh tế, tham nhũng, thu hồi tiền và tài sản bị chiếm đoạt. Người đứng đầu, người có thẩm quyền phải chịu trách nhiệm khi để xảy ra tham nhũng, không kịp thời phát hiện và xử lý hành vi tham nhũng trong cơ quan, tổ chức, đơn vị mình; chịu trách nhiệm về những trường hợp xử lý hành chính, kỷ luật không đúng quy định pháp luật để lọt tội phạm, bao che cán bộ do mình quản lý có hành vi tham nhũng.

Hằng năm, Chính phủ báo cáo kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia về phòng, chống tội phạm, Chương trình hành động phòng, chống tham nhũng; nêu rõ các bộ, ngành, địa phương làm tốt và chưa tốt. Trong năm 2014, Chính phủ ban hành hướng dẫn chi tiết về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; xác định trách nhiệm người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong phát hiện, xử lý hành vi tham nhũng; hướng dẫn việc bảo vệ, biểu dương, khen thưởng người tố giác tội phạm. QH đã biểu quyết thông qua Nghị quyết nêu trên với 85,34% tổng số đại biểu QH tán thành.

Tạo bước đột phá về thể chế và quá trình tái cơ cấu đầu tư

Tiếp theo, các đại biểu QH thảo luận tại Hội trường về dự án Luật Đầu tư công. Về nội dung liên quan chủ trương đầu tư và lập, thẩm định, phê duyệt các chương trình, dự án đầu tư công, các đại biểu: Trương Văn Vở (Đồng Nai), Hà Sĩ Đồng (Quảng Trị), Nguyễn Thị Hồng Hà (Hà Nội)... nhất trí việc phân cấp thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư như quy định tại Điều 11 với mục tiêu tăng cường quản lý nhà nước đối với toàn bộ quá trình đầu tư công, đồng thời xác định rõ thẩm quyền và trách nhiệm của các cấp trong việc ra quyết định chủ trương đầu tư. Đại biểu Lê Công Đỉnh (Long An) phản ánh thực tế trong quá trình xem xét chủ trương, thẩm định, đánh giá và giám sát đầu tư công, vai trò của các cơ quan dân cử khá mờ nhạt. Ở nhiều nơi, thẩm quyền được giao cho các cơ quan hành chính Nhà nước. Vì thế, cần quy định rõ vai trò, trách nhiệm cũng như công cụ giám sát của cơ quan dân cử, trong đó được quyền thuê đơn vị tư vấn giám sát khi cần thiết.

Một số đại biểu đề nghị, cần xác định cụ thể hơn trách nhiệm cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu, người có thẩm quyền phê duyệt quyết định chủ trương đầu tư, dự án đầu tư để nâng cao tính chế tài của Luật đối với các trường hợp phê duyệt dự án đầu tư sai, kém hiệu quả, tổng mức đầu tư tăng so với dự toán ban đầu, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện, gây thất thoát, lãng phí... Đại biểu Huỳnh Văn Tiếp (Cần Thơ) và một số đại biểu nhất trí đề nghị quy định ở Điều 76, Khoản 2 nêu, người đứng đầu tổ chức, cơ quan phê duyệt chủ trương đầu tư các chương trình dự án sai, kém hiệu quả, không cân đối được nguồn vốn để thực hiện gây thất thoát, lãng phí phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về những tổn thất đó. Đồng thời, phải bị xử lý kỷ luật về mặt hành chính, nếu gây hậu quả nghiêm trọng bị xử lý về mặt hình sự.

Theo nhandan

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày