Thứ 3, 30/07/2024, 11:28[GMT+7]

Ngày làm việc thứ ba, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Tòa án, Viện kiểm sát

Thứ 6, 23/05/2014 | 09:04:45
653 lượt xem
Trong ngày làm việc thứ ba của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII, sáng 22/5, Quốc hội (QH) nghe trình bày Tờ trình và báo cáo thẩm tra dự án Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) (sửa đổi); nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Bảo hiểm y tế (BHYT) và thảo luận tại hội trường về dự án luật này. Buổi chiều, QH thảo luận tổ về hai dự án luật: Tổ chức Tòa án nhân dân (TAND) (sửa đổi); Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu phát biểu ý kiến tại hội trường.

Tổ chức Viện KSND phải phù hợp cải cách tư pháp

Trình bày Tờ trình dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi), Viện trưởng Viện KSND tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu những nội dung mới cơ bản, góp phần hoàn thiện hệ thống lý luận, cơ sở pháp lý cho hoạt động của ngành KSND, tháo gỡ nhiều khó khăn của thực tiễn.

Báo cáo thẩm tra dự án luật này, Ủy ban Tư pháp của QH tán thành nhiều nội dung được sửa đổi, bổ sung. Tuy nhiên, để thể chế hóa rõ hơn quy định của Hiến pháp (sửa đổi) và các chủ trương của Đảng về cải cách tư pháp, cần bổ sung và quán triệt, thể hiện xuyên suốt trong các chế định, quy định của dự thảo Luật quan điểm về cơ cấu, tổ chức bộ máy, cán bộ của Viện kiểm sát (VKS). Theo đó, VKS cần được tổ chức khoa học, gọn nhẹ, hiệu quả; kết hợp hài hòa giữa tính độc lập tuân theo pháp luật của mỗi cấp VKS, của mỗi Kiểm sát viên với sự chỉ đạo của Viện trưởng và sự chỉ đạo, lãnh đạo thống nhất của Viện trưởng Viện KSND tối cao.

Ủy ban Tư pháp của QH đề nghị Viện KSND tối cao nghiên cứu, quy định rõ hơn nội dung và mối quan hệ giữa nguyên tắc "Khi thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, Kiểm sát viên tuân theo pháp luật và chịu sự chỉ đạo của Viện trưởng Viện KSND" với nguyên tắc "Tranh tụng trong xét xử được bảo đảm" trong Hiến pháp (sửa đổi) để tạo cơ sở cho việc quy định nhiệm vụ, quyền hạn, thẩm quyền, trách nhiệm của Kiểm sát viên, của Viện trưởng VKS trong các đạo luật tố tụng và sự chỉ đạo trên thực tiễn của Viện trưởng đối với Kiểm sát viên khi thực thi nhiệm vụ.

Thực hiện BHYT bắt buộc

Thảo luận dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật BHYT, nhiều đại biểu nhấn mạnh, việc quy định BHYT bắt buộc cùng với việc Nhà nước hỗ trợ ngân sách theo lộ trình cho một số nhóm đối tượng tham gia BHYT sẽ thúc đẩy mạnh mẽ hơn quá trình mở rộng đối tượng, thực hiện mục tiêu BHYT toàn dân và bảo đảm an sinh xã hội. Tính pháp lý của việc bắt buộc tham gia BHYT mang ý nghĩa nhân văn vì lợi ích chăm sóc sức khỏe cho người dân, chia sẻ trách nhiệm với cộng đồng.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh (Hòa Bình) và một số đại biểu đề nghị, để bảo đảm tính khả thi và thúc đẩy việc thực hiện chính sách BHYT bắt buộc, Nhà nước cần tăng cường hoạt động tuyên truyền vận động các đối tượng, bảo đảm nguồn lực, nâng cao y đức và chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, đổi mới phương thức thực hiện chính sách BHYT để khuyến khích, hỗ trợ người dân chủ động tham gia, nâng cao trách nhiệm an sinh đối với bản thân, gia đình mình và xã hội. Đại biểu Hồ Thị Thủy (Vĩnh Phúc) cho rằng, để thu hút người dân tham gia BHYT, hướng tới BHYT toàn dân, cần sửa đổi Luật BHYT theo hướng quy định cụ thể việc tham gia BHYT theo hộ gia đình và Nhà nước có cơ chế hỗ trợ khi toàn bộ thành viên trong gia đình tham gia BHYT.

Bảo đảm hiệu quả hoạt động của Tòa án và Viện kiểm sát

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về hai dự án luật: Tổ chức TAND (sửa đổi), Tổ chức Viện KSND (sửa đổi).

Đề cập nhiệm kỳ của Thẩm phán trong dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi), cụ thể, đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán TAND tối cao, một số đại biểu đồng tình với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Tư pháp của QH. Đối với nhiệm kỳ của Thẩm phán khác, một số ý kiến nhất trí với phương án nêu trong dự thảo Luật quy định nhiệm kỳ của Thẩm phán khác là 10 năm, không phân biệt lần đầu hay lần tái nhiệm tiếp theo.

Điều này bảo đảm thận trọng trong đánh giá, bổ nhiệm cán bộ, nâng cao phẩm chất đạo đức, trách nhiệm của Thẩm phán trong thực thi nhiệm vụ.

Thảo luận dự án Luật Tổ chức Viện KSND (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng, qua hơn 10 năm thi hành Luật Tổ chức Viện KSND, Pháp lệnh Kiểm sát viên Viện KSND... đã bộc lộ một số vướng mắc, bất cập. Việc sửa đổi Luật cần làm rõ hơn những nguyên tắc mới, tiến bộ của tố tụng tư pháp liên quan trực tiếp đến hoạt động của Viện KSND. Dự thảo Luật lần đầu tiên quy định rõ đối tượng, nội dung, phạm vi, mục đích của từng chức năng thực hành quyền công tố, kiểm sát hoạt động tư pháp, xác định rõ các mặt công tác và thẩm quyền cơ bản của Viện KSND trong từng lĩnh vực, đặt nền tảng cho việc hình thành cơ sở lý luận về chức năng của Viện KSND, bảo đảm thống nhất nhận thức và hoạt động có hiệu quả trên thực tế. Dự thảo Luật đã thể chế hóa yêu cầu cải cách tư pháp, nhằm tăng cường trách nhiệm công tố trong hoạt động điều tra, gắn công tố với hoạt động điều tra. Đồng thời, cụ thể hóa các nguyên tắc tư pháp tiến bộ được quy định trong Hiến pháp (sửa đổi) có liên quan trực tiếp hoạt động của Viện KSND.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày