Chủ nhật, 04/08/2024, 15:16[GMT+7]

Ngày làm việc thứ chín, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII Thảo luận hai dự án luật và quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012

Thứ 6, 30/05/2014 | 10:33:50
598 lượt xem
Ngày 29/5, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XIII sang ngày làm việc thứ chín. Buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi), Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề. Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, thảo luận về quyết toán ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2012.

Đại biểu QH tỉnh Thừa Thiên - Huế phát biểu ý kiến tại hội trường.

Giải quyết tình trạng nợ đọng bảo hiểm xã hội

Theo báo cáo của Chính phủ, quỹ hưu trí và tử tuất có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần, tỷ trọng giữa số tiền chi trả chế độ so số thu từ đóng góp của người lao động và người sử dụng lao động hằng năm có xu hướng tăng nhanh, nếu như năm 2007, tỷ trọng số chi so số thu chỉ chiếm 57,2% thì đến năm 2013 là khoảng 76,6%. Do vậy, cần phải điều chỉnh chính sách bảo hiểm hưu trí thông qua việc nâng thời gian đóng BHXH, nâng tuổi nghỉ hưu của người lao động lên cao hơn so quy định hiện hành.

Ðại biểu Nguyễn Văn Hưng (TP Hồ Chí Minh) băn khoăn lo "vỡ" quỹ, nhưng kết dư thừa hàng nghìn tỷ đồng nếu xảy ra tình trạng đem đi đầu tư tài chính bị thiệt hại thì trách nhiệm thuộc về ai?

Một số đại biểu đề nghị việc sửa luật BHXH cần theo hướng giúp người đóng bảo hiểm thấy hấp dẫn hơn, chế độ tốt hơn. Bên cạnh đó, đại biểu Trương Trọng Nghĩa (TP Hồ Chí Minh) yêu cầu sửa luật phải khắc phục được tình trạng nợ đọng BHXH đang diễn ra phức tạp ở nhiều địa phương. Dự thảo Luật cần quy định một số điều cấm, tránh đem nguồn quỹ BHXH đầu tư sai mục đích, không đúng quy định, gây thiệt hại lớn. Quan trọng hơn, phải bảo đảm quyền lợi của người lao động.

Nhiều đại biểu đề nghị trong tổng thể điều chỉnh, sửa đổi luật lần này, cần nghiên cứu cơ chế thanh tra, kiểm tra lĩnh vực BHXH, như thực hiện các nhiệm vụ quản lý nhà nước khác về thuế. Ban soạn thảo cần nghiên cứu, đưa ra cơ chế phù hợp, tăng cường công tác quản lý, kịp thời giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo nếu có.

Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dạy nghề, một số đại biểu cho rằng, để đổi mới và tạo sức hút mạnh mẽ hơn nữa đối với người học nghề, cơ quan soạn thảo nên nghiên cứu, bổ sung một số chính sách, hình thức ưu đãi khác cho người học nghề sau khi tốt nghiệp về chính sách tiền lương, tôn vinh người lao động giỏi... Có đại biểu đề nghị Dự án Luật cần bổ sung quy định về chế tài xử phạt khi doanh nghiệp không thực hiện nghĩa vụ quy định trong luật, nhằm khắc phục tình trạng doanh nghiệp thiếu trách nhiệm trong hoạt động đào tạo nghề.

Khắc phục hạn chế trong thu, chi NSNN

Buổi chiều, các đại biểu QH thảo luận tại hội trường về quyết toán NSNN năm 2012.

Theo báo cáo của Chính phủ, quyết toán thu cân đối NSNN năm 2012 là 1.058.140 tỷ đồng, trong đó, các khoản thu theo dự toán được QH quyết định là 754.572 tỷ đồng (tăng 1,9%, bằng 14.072 tỷ đồng) và tăng 11.382 tỷ đồng so số đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ năm. Tuy nhiên, nhiều đại biểu phân tích, do chưa tính đủ số tiền hoàn thuế giá trị gia tăng (GTGT), cho nên thực chất thu NSNN năm 2012 không đạt dự toán được QH quyết định.

Ðại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) và một số đại biểu nêu rõ: Trong cơ cấu các nguồn thu NSNN, thu nội địa từ hoạt động sản xuất, kinh doanh còn thấp (chiếm 56% thu cân đối NSNN); số tăng thu chủ yếu là thu từ dầu thô và các khoản thu về đất đai, đồng thời, các khoản thu này cũng chiếm tỷ trọng khá lớn trong tổng thu NSNN, thể hiện tính thiếu ổn định, bền vững của nguồn thu.

Ðại biểu Ðặng Ngọc Quỳnh (Hưng Yên) nêu thực trạng nợ đọng thuế năm 2012 vẫn còn lớn, tăng cao so năm 2011. Bên cạnh nguyên nhân nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn do ảnh hưởng của suy thoái kinh tế, còn có nguyên nhân từ việc đôn đốc thu nợ chưa triệt để, việc xử lý nợ chưa thật sự kiên quyết, nghiêm minh.

Về quyết toán chi cân đối NSNN năm 2012 là 1.170.924 tỷ đồng, tăng 8,3% so dự toán được QH quyết định (978.463 tỷ đồng) và tăng 72.673 tỷ đồng so số đã báo cáo QH tại kỳ họp thứ năm. Ðại biểu Danh Út (Kiên Giang) cho rằng, công tác quản lý chi NSNN năm 2012 còn một số hạn chế, nhất là chi thường xuyên vẫn còn tình trạng lãng phí, chi sai chế độ quy định, không đúng mục đích; một số khoản chi quan trọng không đạt dự toán; chi đầu tư xây dựng cơ bản còn thất thoát, lãng phí, sai phạm trong quản lý đầu tư xây dựng vẫn nhiều, nợ đọng khối lượng xây dựng cơ bản đã hoàn thành lớn, số dự án đầu tư hoàn thành chưa quyết toán tồn đọng nhiều; chi cho chương trình mục tiêu quốc gia hiệu quả chưa cao.

Một số đại biểu phân tích, trong điều kiện thu ngân sách tăng thấp thì chi quản lý hành chính tại hầu hết các địa phương đều vượt dự toán (tăng 12,5%, tương đương 9.924 tỷ đồng), nhưng một số khoản chi quan trọng lại thực hiện thấp hơn dự toán được QH quyết định, ảnh hưởng đến thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và gây lãng phí nguồn lực NSNN.

Nhiều đại biểu kiến nghị Chính phủ cần phân tích, đánh giá sâu sắc nguyên nhân chủ quan, khách quan để có giải pháp khắc phục tình trạng này. Ðồng thời, xác định lộ trình cụ thể để xử lý những khoản nợ và khoản ứng nhằm bảo đảm tính chủ động trong điều hành NSNN, bảo đảm an ninh tài chính quốc gia.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày