Thứ 6, 02/08/2024, 09:15[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 16, Kỳ họp thứ bảy, Quốc hội khóa XIII Nâng cao hiệu quả các chính sách giảm nghèo

Thứ 2, 09/06/2014 | 14:38:41
596 lượt xem
Ngày 7/6, các đại biểu Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về Báo cáo kết quả giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về giảm nghèo, giai đoạn 2005 - 2012.

Ðại biểu Quốc hội tỉnh Lai Châu phát biểu ý kiến tại hội trường.

Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhưng chưa bền vững

Ða số ý kiến phát biểu cho rằng, công tác thực hiện chính sách pháp luật về giảm nghèo thời gian qua được đẩy mạnh, góp phần nâng cao hiệu quả công tác giảm nghèo. Thông qua các chương trình, dự án hỗ trợ, nhiều hộ dân đã thoát nghèo và đời sống ngày càng được nâng lên. Trong giai đoạn 2005 - 2012, tỷ lệ giảm nghèo cả nước đều đạt và vượt chỉ tiêu, bình quân mỗi năm giảm từ 2,3 đến 2,5%. Tuy nhiên, công tác giảm nghèo vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức và kết quả chưa tương xứng với nguồn lực đã đầu tư.

Ðại biểu Nguyễn Thị Hương Thảo (Hải Dương) và một số đại biểu khác cho rằng, công tác giảm nghèo chưa bền vững, khoảng cách giàu nghèo trong xã hội ngày càng cao, tỷ lệ tái nghèo cao. Tỷ lệ nghèo giữa các vùng, miền còn khoảng cách khá lớn, nhiều vùng có tỷ lệ nghèo cao, như miền núi Tây Bắc, miền núi Ðông Bắc và Tây Nguyên. Tỷ lệ nghèo cao trong đồng bào dân tộc thiểu số là khó khăn, thách thức đối với mục tiêu giảm nghèo giai đoạn tới. Do vậy, Nhà nước cần có sự phân loại từng vùng miền, từng nhóm hộ nghèo cụ thể để có chính sách hỗ trợ hiệu quả, đúng hướng và phù hợp đặc điểm cũng như tránh tình trạng hỗ trợ đối với hộ nghèo dàn trải, cào bằng, dẫn đến thiếu công bằng và không tạo được động lực giúp người dân vươn lên. Cùng với đó, tăng cường tuyên truyền, giáo dục để người dân nhận thức được sự hỗ trợ của Nhà nước chỉ là ở giai đoạn ban đầu, mang tính hỗ trợ, từ đó xác định hướng đi lâu dài cho mình trong cuộc sống. Nhiều đại biểu cũng đề nghị QH ra Nghị quyết về giảm nghèo theo tiêu chí mới cho phù hợp với thực tế.

Ðề cập hiệu quả các chương trình, dự án giảm nghèo, nhiều ý kiến cho rằng, việc thực hiện còn dàn trải và hiệu quả chưa cao, nhiều chương trình, dự án chưa phù hợp điều kiện thực tế ở địa phương. Các đại biểu Tôn Thị Ngọc Hạnh (Ðác Nông), Ðặng Ngọc Nghĩa (Thừa Thiên - Huế) đề nghị, thời gian tới, Nhà nước cần tăng cường lồng ghép các chương trình, dự án và giao UBND các địa phương điều phối nguồn vốn và chịu trách nhiệm về chất lượng thực hiện. Trong đó, tập trung nguồn lực cho hai chương trình trọng điểm là xóa đói, giảm nghèo và xây dựng nông thôn mới.

Liên quan chính sách bảo đảm an sinh xã hội cho người dân vùng miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, đại biểu Nguyễn Thu Anh (Lâm Ðồng) cho rằng, chính sách y tế đối với người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số được đẩy mạnh, nhưng nguồn lực còn hạn chế, thiếu bác sĩ trầm trọng khiến công tác chăm sóc sức khỏe cho người dân gặp nhiều khó khăn. Do vậy, cần có sự ưu tiên, bổ sung kinh phí nâng cao điều kiện vật chất và tăng cường bác sĩ đối với tuyến y tế cơ sở.

Tăng cường hỗ trợ về việc làm và sản xuất, kinh doanh

Ðề cập các biện pháp giảm nghèo bền vững, nhiều đại biểu nêu rõ, biện pháp quan trọng và mang tính quyết định trong công tác giảm nghèo là tạo việc làm ổn định cho người dân. Tỷ lệ hộ nghèo và tái nghèo chủ yếu tập trung vào các hộ dân có khó khăn về việc làm, đời sống không ổn định. Do vậy, cần có giải pháp thoát nghèo bền vững theo hướng tập trung dạy nghề cho người lao động, nhất là khu vực nông thôn gắn với chương trình, dự án như chương trình xây dựng nông thôn mới và thu hút nhà đầu tư vào địa phương, giúp người lao động có việc làm ổn định, vươn lên thoát nghèo bền vững. Các đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh), Thân Ðức Nam (Ðà Nẵng) đề nghị, cần gắn kết giữa các ngành trong thực hiện chính sách giảm nghèo một cách thống nhất, tập trung nguồn lực, nhất là chính sách hỗ trợ tín dụng cho người dân. Bên cạnh đó, có chính sách ưu đãi nhằm khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp và chế biến nông sản, nhất là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, vì đây là nhóm doanh nghiệp thu hút nhiều lao động nhất là ở khu vực nông thôn, miền núi.

Một số đại biểu nêu thực trạng, hiện nay người dân rất khó tiếp cận các nguồn tín dụng, nhất là các hộ nghèo do thủ tục rườm rà, lãi suất vẫn ở mức cao, thời gian cho vay, hạn mức tối đa cho vay chưa linh hoạt, chưa phù hợp đối với một số ngành nghề sản xuất và một số vùng trồng cây công nghiệp. Bên cạnh đó, việc cho người dân vay vốn sản xuất, kinh doanh nhưng chưa gắn kết với chuyển giao khoa học kỹ thuật, hướng dẫn cách thức sản xuất, kinh doanh, chưa kết nối sản xuất với thị trường hàng hóa, cho nên sử dụng đồng vốn chưa hiệu quả. Ðại biểu Trần Khắc Tâm (Sóc Trăng) đề nghị, Chính phủ cần đẩy mạnh chính sách tăng cường liên kết giữa các ngành, như ngân hàng, các cơ sở nghiên cứu chuyển giao khoa học kỹ thuật và các doanh nghiệp, giúp người dân lên phương án sản xuất, kinh doanh ngay từ khâu vay vốn nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Cùng với đó, Nhà nước cần đưa ra dự báo dài hạn về thị trường nông sản và có chính sách ưu đãi trong thu mua nông sản đối với các hộ nghèo, giúp người dân ổn định sản xuất.

Tại phiên thảo luận, một số bộ trưởng phát biểu ý kiến làm rõ một số vấn đề liên quan chính sách giảm nghèo. Theo Bộ trưởng Kế hoạch và Ðầu tư Bùi Quang Vinh, Quốc hội, Chính phủ luôn dành nguồn lực lớn cho công tác xóa đói, giảm nghèo. Trong giai đoạn 2005 - 2012, Nhà nước đã dành 864 nghìn tỷ đồng, bình quân mỗi năm dành 120 nghìn tỷ đồng cho lĩnh vực xóa đói, giảm nghèo.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày