Thứ 5, 25/07/2024, 00:32[GMT+7]

Ngày làm việc thứ 17, Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XIII Thông qua hai Nghị quyết

Thứ 3, 10/06/2014 | 09:24:29
741 lượt xem
Ngày 9/6, buổi sáng, các đại biểu QH thảo luận ở tổ về Dự án Luật Căn cước công dân (CCCD) và Dự án Luật Hộ tịch. Buổi chiều, QH làm việc tại hội trường, biểu quyết thông qua hai Nghị quyết và thảo luận về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015.

Đại biểu QH tỉnh Bình Phước phát biểu ý kiến tại hội trường.

Tạo thuận lợi cho người dân Thảo luận ở tổ về Dự án Luật CCCD, đại biểu Nguyễn Thị Phúc (Bình Thuận) cho rằng, nội dung các điều luật thể hiện chưa rõ, chưa thống nhất, Ban soạn thảo cần điều chỉnh, bổ sung cho thống nhất, phù hợp với tên gọi. Đề cập việc cấp thẻ CCCD, đại biểu Phạm Xuân Thường (Thái Bình) cho rằng, để phù hợp Hiến pháp và quyền của công dân, Luật cần quy định đơn giản hóa các thủ tục hành chính; cần định danh cá nhân ngay từ khi mới sinh ra và nên cấp thẻ CCCD thay cho giấy khai sinh, làm cơ sở để công dân khi lớn lên làm các loại giấy tờ khác, như đi học, công tác... Đồng thời, cần quy định số và hạn sử dụng của thẻ CCCD bảo đảm tính ổn định, hạn chế việc thay đổi thẻ CCCD, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân.

Một số đại biểu cho rằng, trong thời đại kỹ thuật số và công nghệ thông tin như hiện nay, cần áp dụng công nghệ tiên tiến vào việc xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, để tiết kiệm thời gian, bảo đảm thuận tiện cho công tác quản lý. Một số đại biểu còn băn khoăn, luật này được thông qua và thực hiện từ ngày 1-7-2015, song công tác chuẩn bị lộ trình thực hiện còn nhiều vướng mắc, như về chứng minh thư nhân dân dùng để ký kết liên quan đến tài chính, ngân hàng (nhất là các doanh nghiệp), nhiều thủ tục ký kết với nước ngoài... Do vậy, việc thực hiện Luật phải có lộ trình phù hợp, các bộ, ngành liên quan phải triển khai tích cực, có quy định cụ thể.

Thảo luận về Dự án Luật Hộ tịch, một số đại biểu cho rằng, phạm vi điều chỉnh của Luật nhiều, liên quan nhiều mối quan hệ, bao gồm công dân từ khi sinh ra đến khi mất, do vậy vấn đề hộ tịch, hộ khẩu cần bổ sung, điều chỉnh vào Luật cụ thể hơn. Đề cập trách nhiệm đăng ký khai sinh (Điều 15), một số đại biểu cho rằng, hiện nay, nhiều người Việt Nam đi lao động, buôn bán ở nước ngoài, khi sinh con đã mang về Việt Nam đăng ký khai sinh để các cháu được đi học nhưng còn gặp nhiều vướng mắc, phải tiến hành nhiều thủ tục hành chính từ cấp xã, huyện, tỉnh đến Bộ Ngoại giao...

Trong phiên thảo luận, các đại biểu: Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng), Thuận Hữu (Bà Rịa-Vũng Tàu) và một số đại biểu cho rằng, dự thảo Luật CCCD và Luật Hộ tịch có nhiều điều, khoản quy định trùng lặp, chồng chéo. Vì thực tế, hộ khẩu thì do công an quản lý, còn hộ tịch do ngành tư pháp quản lý; trong khi đó, hiện nay ở vùng sâu, vùng xa, trang thiết bị còn nhiều khó khăn..., cho nên khi hai luật này được ban hành, tính khả thi sẽ không cao, đề nghị Ban soạn thảo gộp hai luật nêu trên thành một Luật và đề nghị Chính phủ giao cho một bộ quản lý, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân thực hiện khi Luật được ban hành.

Chú trọng hiệu quả sau hoạt động giám sát Buổi chiều, sau khi nghe Báo cáo tiếp thu, giải trình về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012 và dự thảo Nghị quyết của QH phê chuẩn quyết toán ngân sách nhà nước năm 2012, đa số đại biểu QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết này.

Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của QH đã trình bày Báo cáo tiếp thu, giải trình ý kiến đại biểu QH về phương án bảo đảm cân đối ngân sách T.Ư và ngân sách địa phương năm 2013 và đại diện Đoàn Thư ký kỳ họp trình bày dự thảo Nghị quyết về phân bổ, sử dụng từ nguồn tăng bội chi ngân sách nhà nước và giảm chi ngân sách T.Ư năm 2013. Đa số đại biểu QH đã biểu quyết thông qua nghị quyết nêu trên.

Theo chương trình làm việc, sau khi nghe Chủ nhiệm Văn phòng QH trình bày Tờ trình về dự kiến Chương trình hoạt động giám sát của QH năm 2015, các đại biểu QH đã thảo luận về nội dung này. Theo đó, nhiều ý kiến nhất trí và đề nghị QH triển khai giám sát hai chuyên đề: tình hình oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự, việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự; và việc thực hiện chính sách, pháp luật về quản lý, sử dụng đất. Thực trạng oan sai trong tố tụng hình sự là vấn đề bức xúc trong nhân dân, cần được tập trung giám sát, từ đó đề ra những giải pháp cụ thể để củng cố lòng tin của người dân vào luật pháp. Bên cạnh đó, công tác quản lý đất đai trong các nông, lâm trường quốc doanh đang tồn tại nhiều bất cập, hạn chế và đây là khởi đầu của nhiều vụ khiếu kiện, khiếu nại đông người, vượt cấp. Vì vậy, việc giám sát nội dung công việc này là rất cần thiết.

Một số đại biểu nêu ý kiến, QH cần tập trung giám sát, xem xét Hiến pháp sửa đổi, các luật được thông qua đã thật sự đi vào cuộc sống hay chưa? Hiện nay, công tác xây dựng văn bản pháp luật đang tồn tại nhiều hạn chế, như: nhiều văn bản pháp luật chưa được ban hành kịp thời, hàng trăm dự thảo văn bản có dấu hiệu không hợp hiến... Trong khi đó, giải pháp để khắc phục tình trạng này còn chung chung, chưa cụ thể. Có đại biểu đề nghị, QH cần bổ sung giám sát thị trường xuất, nhập khẩu các mặt hàng phục vụ sản xuất để có thể khắc phục tình trạng người nông dân mua phải vật tư nông nghiệp giả, kém chất lượng...

Nhiều đại biểu đề nghị QH cần xem xét hiệu quả, hiệu lực sau giám sát, tránh những kiến nghị sau giám sát rơi vào tình trạng chung chung, không được giải đáp, thực hiện thỏa đáng.

Cũng tại phiên họp chiều qua, QH đã nghe Chính phủ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thi hành án dân sự và nghe Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.

Theo nhandan.com.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày