Thứ 3, 02/07/2024, 06:28[GMT+7]

Đại hội đồng IPU-132 thảo luận những vấn đề “nóng” toàn cầu

Thứ 3, 31/03/2015 | 08:13:40
504 lượt xem
Kỷ niệm trọng thể 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị sĩ nữ Liên minh Nghị viện thế giới (IPU); thông qua Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”; tiếp tục thảo luận Dự thảo Nghị quyết về “Chiến tranh mạng”, chuyên đề “Theo dõi nghị quyết về quản trị nước của IPU: Tiến về phía trước” và chủ đề khẩn cấp liên quan tới lực lượng Bô-cô Ha-ram là nội dung của ngày làm việc thứ ba (30/3) của Đại hội đồng IP

Phiên thảo luận chung của IPU-132 ngày 30/3.

 

Xây dựng một thế giới tốt đẹp hơn cho phụ nữ và các bé gái

 

Lễ kỷ niệm 30 năm thành lập cơ chế Hội nghị sĩ nữ IPU và 20 năm thực hiện Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh diễn ra trong bối cảnh số lượng nghị sĩ nữ đã tăng đáng kể ở nhiều quốc gia trên thế giới. “Nếu năm 1931 tham dự Đại hội đồng IPU chỉ có 2 phụ nữ, chiếm 1% số đại diện tham dự IPU thì năm 2015, Đại hội đồng IPU-132 có thể tự hào khi nhìn vào cơ chế đoàn đại biểu đã có 30% là các nữ nghị sĩ với hơn 200 nữ nghị sĩ tham dự”, Chủ tịch IPU Xa-bơ Chao-đu-ri (Saber Chawdhury) tự hào nói.

 

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhấn mạnh: “Bình đẳng giới và trao quyền cho phụ nữ luôn là chính sách nhất quán của Việt Namon>. Tuyên bố và Cương lĩnh hành động Bắc Kinh cùng các cam kết quốc tế khác đã được thể chế trong pháp luật Việt Namon>. Quốc hội Việt Nam đã thành lập Nhóm nữ đại biểu Quốc hội từ năm 2008 và thu hút được nhiều nam đại biểu tham gia các hoạt động về bình đẳng giới trong Quốc hội”.

 

Tới dự và phát biểu tại lễ kỷ niệm với tư cách là khách mời, Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan kêu gọi cộng đồng quốc tế cùng chung tay, tăng cường nỗ lực nhằm đạt được những mục tiêu đã đặt ra, đồng thời bày tỏ hy vọng các nữ nghị sĩ, những người tham gia trực tiếp vào công tác lập pháp và giám sát thực thi pháp luật, sẽ đóng vai trò ngày càng lớn hơn trong việc thúc đẩy bình đẳng giới.

 

Cũng tại lễ kỷ niệm, bà Ma-ga-rét Uy-li-am (Margaret Williams), Chủ tịch Ủy ban điều phối Hội nghị sĩ nữ IPU đã đọc “Lời kêu gọi vì phụ nữ và bình đẳng giới”, bày tỏ tin tưởng rằng, các nghị sĩ có thể và cần phải tạo một thế giới tốt đẹp hơn cho tất cả phụ nữ và trẻ em gái thông qua hành động của mình.

 

Việt Namon> hoan nghênh IPU thông qua nghị quyết về chủ quyền quốc gia và quyền con người

 

Cùng ngày, trong khuôn khổ Đại hội đồng IPU-132, sau phiên thảo luận, Ủy ban Thường trực về Dân chủ và Nhân quyền đã thông qua dự thảo Nghị quyết “Luật pháp quốc tế trong vấn đề chủ quyền quốc gia, không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau và quyền con người”. Đây là dự thảo Nghị quyết được soạn thảo từ IPU-131 nhưng do còn ý kiến khác nhau nên chưa được thông qua.

 

Dự thảo nghị quyết được xây dựng dựa trên những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc, Tuyên ngôn Quốc tế nhân quyền, Tuyên bố Vienna cùng những văn kiện, chương trình hành động có liên quan… với mục đích thúc đẩy những nguyên tắc pháp luật giữa các quốc gia. Dự thảo đề cập 3 nội dung quan trọng trong đời sống quốc tế hiện nay là: Luật pháp quốc tế, Chủ quyền quốc gia và Quyền con người. Dự thảo nhấn mạnh, các quốc gia phải tôn trọng luật pháp quốc tế và xem luật pháp quốc tế là một công cụ để điều chỉnh và xử lý các xung đột; nhấn mạnh nguyên tắc chủ quyền quốc gia, luật pháp quốc tế tương thích với chủ quyền quốc gia và các quốc gia khẳng định quyền tự quyết, chống lại sự can thiệp của nước ngoài. Dự thảo nghị quyết nêu rõ, bên cạnh việc tôn trọng đề cao luật pháp quốc tế, thì các quốc gia cũng không được can thiệp vào công việc nội bộ của các quốc gia khác thành viên và phải tôn trọng chủ quyền quốc gia thành viên.

 

Đặc biệt, dự thảo nghị quyết lần này khẳng định quyền con người và xem quyền con người phải là yếu tố căn bản của cuộc sống ngày nay. Luật pháp quốc tế và chủ quyền quốc gia phải luôn luôn lấy quyền con người làm trung tâm. Trong đó nhấn mạnh quyền phụ nữ, quyền những người tị nạn và quyền trẻ em. Đó là những vấn đề cơ bản các nước quan tâm khi xử lý những vấn đề toàn cầu có liên quan tới con người.

 

Theo ông Lê Minh Thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban luật pháp của Quốc hội, đây là nghị quyết quan trọng, thể hiện mối quan hệ giữa luật pháp quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người. Việt Namon> đóng góp quan trọng trong quá trình thảo luận tại kỳ trước. “Việt Namon> đề cao luật pháp quốc tế và cho rằng luật pháp quốc tế cần phải được tuân thủ một cách nghiêm túc trong quan hệ quốc tế; đồng thời luật pháp quốc tế cũng phải tương quan, tương thích trong chủ quyền quốc gia. Không thể không tôn trọng chủ quyền quốc gia và quyền con người. Thực chất luật pháp quốc tế cũng nhằm bảo vệ quyền con người. Bởi vậy, Việt Nam hoan nghênh IPU thông qua nghị quyết quan trọng này và hy vọng sau khi được thông qua, nghị quyết quốc tế, chủ quyền quốc gia và quyền con người sẽ được các nước chú ý một cách nghiêm túc và tuân thủ một cách nhất quán”, ông Lê Minh Thông nhấn mạnh.

 

Cần đưa các tổ chức tài trợ cho khủng bố ra tòa

 

Vừa được Đại hội đồng IPU-132 lựa chọn tối 29-3 là chủ đề khẩn cấp thảo luận tại kỳ họp lần này, “Đối phó với nhóm khủng bố Bô-cô Ha-ram” là chủ đề được rất nhiều nghị sĩ quan tâm. Thực tế cho thấy, sự tàn bạo của Bô-cô Ha-ram đã làm nhiều người lo ngại khi chỉ trong một thời gian ngắn đã có hơn 20 người bị hành hình theo hình thức cắt cổ. Tháng 1-2015, có 2 trẻ em nữ 10 tuổi trở thành nạn nhân thông qua hình thức là thành viên khủng bố đánh bom liều chết của tổ chức Bô-cô Ha-ram. Chính vì thế, các nghị sĩ khẳng định cần chống lại mọi loại hình khủng bố; cần có những hành động cụ thể khuyến khích Quốc hội và Chính phủ lên án các tổ chức, cá nhân giúp đỡ Bô-cô Ha-ram theo nghị quyết của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc.

 

Theo đại diện đến từ đoàn Bỉ, bất kể tổ chức nào đã giúp đỡ tài chính cho các tội phạm chống lại loài người hay những tổ chức có các hành động như vậy cần phải bị đưa ra tòa án tội phạm quốc tế. Đồng thời, cần có chiến lược để ngăn cản các hình thức quảng cáo hay cung cấp thông tin của các tổ chức này.

 

Trong khi đó, ông Ri-sác Mờ-xô-vô-y-a (Richard Msowoya), đoàn Ma-la-uy đã đề ra 4 biện pháp để chống lại khủng bố. Đó là: Nỗ lực trao đổi để đi đến giải pháp cụ thể ngay tại diễn đàn IPU này; các nước cần hợp tác với nhau để chống lại khủng bố; cần hợp tác để ngăn chặn nguồn tiền tài trợ cho khủng bố; cần đưa ra điều luật để chống khủng bố.

 

* Trong khuôn khổ ngày làm việc thứ ba của Đại hội đồng IPU-132, các Ủy ban thường trực đã thảo luận và cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết “Định hình cơ chế mới về quản trị nguồn nước: Thúc đẩy hành động của Nghị viện trong vấn đề nước” và thảo luận chuyên đề “Theo dõi Nghị quyết về quản trị nguồn nước của IPU: Tiến về phía trước” cũng như chuyên đề “Chiến tranh mạng”.

Theo qdnd.vn

  • Từ khóa

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày