Thứ 6, 22/11/2024, 23:45[GMT+7]

Dệt may trên đất lúa (Kỳ 1)

Thứ 6, 01/06/2018 | 09:27:42
4,716 lượt xem
Với lợi thế là tỉnh có nguồn nhân lực dồi dào cùng với cơ chế, chính sách khuyến khích thu hút đầu tư nên ngành dệt may phát triển nhanh, trở thành ngành xuất khẩu chủ lực của tỉnh.

Dây chuyền dệt sợi của Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân.

Sự phát triển của ngành dệt may góp phần đẩy nhanh tốc độ tăng trưởng công nghiệp, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giải quyết nhiều việc làm cho người lao động, nhất là lao động vùng nông thôn. Tuy nhiên, trước tác động của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4, các doanh nghiệp dệt may cũng cần chủ động đưa ra giải pháp phát triển để vừa tiếp thu ứng dụng khoa học công nghệ vừa tạo việc làm cho người lao động nông thôn.

Kỳ 1: CÔNG NGHIỆP TỪ PHỐ VỀ LÀNG

Nếu như trước kia, nhắc tới Thái Bình người ta nhớ tới quê hương của “chị hai năm tấn”. Thế nhưng, từ khi tỉnh có chủ trương phát triển những ngành sử dụng nhiều lao động về các vùng nông thôn để sử dụng nguồn lao động tại chỗ theo phương châm “ly nông bất ly hương” thì người dân đều có thể vừa làm công nhân vừa làm nông nghiệp. Vì thế, hơn 10 năm qua ngành dệt may đã trở thành đặc thù của tỉnh, đem lại luồng sinh khí mới cho người dân ở các địa phương.

Hiện tại, toàn tỉnh có 315 doanh nghiệp dệt may, chiếm gần 10% tổng số doanh nghiệp đang hoạt động với tổng vốn đầu tư khoảng 12.500 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% vốn đầu tư toàn ngành công nghiệp. Tuy nhiên, ngành dệt may của Thái Bình chiếm trên 46% lực lượng lao động với trên 60.000 lao động, trong đó lao động ngành may chiếm đa số. Đặc biệt, ngành dệt may đóng góp trên 1/3 tổng giá trị sản xuất ngành công nghiệp và gần 80% tổng giá trị kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh, tập trung ở các sản phẩm như xơ, sợi, quần áo may sẵn với thị trường chủ yếu là các nước, vùng lãnh thổ: Bắc Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan, Trung Quốc, EU. 

Ông Trần Trọng Kim, Phó Tổng giám đốc Tổng công ty May 10, Giám đốc Xí nghiệp May Thái Hà cho biết: Từ năm 1995, đáp ứng lời đề nghị của lãnh đạo tỉnh Thái Bình, Tổng công ty May 10 đã đưa nghề may công nghiệp về địa phương với chủ trương nhằm tạo việc làm cho nhiều lao động vùng nông thôn. Thời điểm đó, May 10 có nhiều đơn hàng khác nhau nên đã đưa những đơn hàng rẻ hoặc dễ tính về địa phương sản xuất để phù hợp với tay nghề, thu nhập người lao động. Mô hình liên kết đó đã đem lại hiệu quả nhất là trong thời kỳ hội nhập, hiện nay định hướng đó vẫn hoàn toàn đúng. Đó là sự chuyển đổi sản xuất từ thành phố lớn về địa phương để thu hút lao động nhàn rỗi ở vùng nông thôn vào sản xuất công nghiệp, chuyển người lao động từ sản xuất nông nghiệp sang sản xuất công nghiệp, góp phần thay đổi tỷ trọng giá trị sản xuất công nghiệp nông thôn đúng với chủ trương của Đảng, Nhà nước và của tỉnh. Điều quan trọng hơn là doanh nghiệp vẫn ổn định về sản xuất, bảo đảm việc làm, an sinh xã hội nhưng người công nhân vẫn gắn bó được với gia đình, quê hương, không tạo sức ép cho các thành phố lớn. Bài toán đó lại có kết quả thỏa đáng, chính xác hơn khi đến nay các xí nghiệp May 10 ở Thái Bình còn là nơi sản xuất chính của Tổng công ty May 10 với hơn 3.000 lao động ở 4 nhà máy tạo ra những dòng sản phẩm cao cấp nhất, trong đó có sản phẩm veston ở Hưng Hà.

Không chỉ May 10 mà nhiều tập đoàn, công ty lớn khác đã đưa các nhà máy may về vùng nông thôn như Tổng công ty Đức Giang, ngoài nhà máy trên thành phố, năm 2017 còn mở thêm nhà máy may Đô Lương (Đông Hưng) thu hút hơn 1.000 lao động vào làm việc. Hay như Công ty Cổ phần May xuất khẩu Việt Thái từ năm 2012 đến nay đã mở thêm 3 nhà máy ở Kiến Xương và 1 nhà máy ở Thái Thụy tạo việc làm cho hơn 3.000 lao động ở trong và ngoài huyện.  

Cùng với đó, lĩnh vực dệt sợi phụ trợ cho ngành may ở Thái Bình đã được đánh giá có công nghệ hiện đại nhất và công suất cao nhất cả nước hiện nay. Nhiều công ty có quy mô, công suất lớn như Công ty TNHH Hợp Thành, Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân, Công ty Cổ phần Damsan, Công ty Cổ phần Sợi Trà Lý... 

Ông Vũ Huy Đông, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Damsan cho biết: Là đơn vị tiên phong trong ngành dệt sợi ở tỉnh hơn 10 năm qua, Damsan liên tục tăng trưởng, năm sau cao hơn năm trước với 3 nhà máy hiện đại cung ứng trên 16.000 tấn sợi và 5.000 tấn khăn mỗi năm xuất khẩu sang thị trường nước ngoài. Để có được thành quả này, ngay từ ngày đầu thành lập Công ty đã có định hướng đầu tư và phát triển theo hướng hiện đại. Đây là mũi nhọn chính để đưa doanh thu của Damsan tăng trưởng 20%/năm. Không dừng lại ở đó, năm 2018, Damsan còn tiếp tục đầu tư nhà máy sợi tại cụm công nghiệp An Ninh (Tiền Hải) do chính Công ty là nhà đầu tư hạ tầng cụm công nghiệp. Sau khi hoàn thành, cụm công nghiệp này sẽ thu hút từ 5 - 8 nhà đầu tư nước ngoài với tổng giá trị từ 3.000 - 5.000 tỷ đồng, thu hút từ 6.000 - 7.000 lao động ở 10 xã xung quanh, góp phần không nhỏ vào tạo việc làm cho các vùng nông thôn cũng như công tác xây dựng nông thôn mới của tỉnh.

Để ngành dệt may phát triển được như trên, trong giai đoạn vừa qua tỉnh đã có nhiều chính sách trong công tác huy động vốn, phát triển thị trường, phát triển nguồn nhân lực, chính sách về khoa học công nghệ, đặc biệt là chính sách thu hút đầu tư.


Ông Nguyễn Duy Chiến, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Đức Quân

Công ty được thành lập năm 2002 với lĩnh vực kinh doanh chính là dệt sợi với 3 nhà máy có quy mô gần 11 vạn cọc sợi, tương đương với công suất 17.000 tấn/năm xuất sang thị trường Hàn Quốc, Trung Quốc, Thổ Nhĩ Kỳ. Năm 2017, sản lượng của Công ty đạt khoảng 16.500 tấn sợi, kim ngạch xuất khẩu đạt 35,5 triệu USD, tăng 139,9% so với năm 2016. Kết quả đó đã đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế  - xã hội của tỉnh, góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu của tỉnh năm 2017 đạt 1.400 triệu USD. Dự kiến tháng 6 năm 2018, Công ty tiếp tục đưa thêm nhà máy dệt sợi số 6 ở Tiền Hải vào hoạt động nâng quy mô lên 16 vạn cọc sợi, sản lượng đạt khoảng 25.000 tấn/năm, thu hút thêm khoảng 350 lao động vào làm việc. Ước tính kim ngạch xuất khẩu năm 2018 của Công ty đạt 73 triệu USD trở lên.
Chị Phạm Thị Hương, Chủ tịch Công đoàn Xí nghiệp Veston Hưng Hà

Nói tới ngành may, nhiều người sẽ nghĩ tới công nhân nữ là chủ yếu, tuy nhiên điều đặc biệt ở Xí nghiệp Veston Hưng Hà là nam giới lại chiếm tới 44%. Ngoài làm ở các bộ phận chuyên dùng, hệ thống máy móc điều khiển tự động, nhiều công nhân nam rất khéo tay, có kỹ thuật may giỏi. Vì thế, đến nay Xí nghiệp còn được mệnh danh là đơn vị trẻ nhất của Tổng công ty May 10 với phần lớn công nhân ở thế hệ 9X. Họ đều là những lao động trẻ đi lên từ các miền quê, có bầu nhiệt huyết, tinh thần làm việc nhiệt tình thuận lợi cho việc áp dụng các sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trong nhà máy.

Anh Ngô Văn Nam, xã Quỳnh Sơn, huyện Quỳnh Phụ

Tôi đã gần 6 năm lặn lội tìm việc ở miền Nam với mong muốn có được công việc ổn định và nguồn thu nhập khá. Tuy nhiên, do ở xa nhà, phải trang trải vào nhiều việc, nhất là chi phí vào thuê nhà trọ, ăn uống nên không tiết kiệm được nhiều. Sau khi tìm hiểu thấy công nghiệp ở quê ngày càng phát triển, nhất là ngành may công nghiệp nên tôi quyết định về quê chọn nhà máy may Đô Lương thuộc Tổng công ty Đức Giang là điểm dừng chân của mình. Đây là đơn vị có tiềm năng, uy tín nên tôi rất hài lòng với công việc cũng như nguồn thu nhập và các chế độ đãi ngộ của Công ty.


(còn nữa)

Thu Thủy

  • Từ khóa