Thứ 6, 22/11/2024, 05:35[GMT+7]

Một số quy định của pháp luật về việc tập trung đông người nơi công cộng

Thứ 3, 12/06/2018 | 19:16:53
3,681 lượt xem
Để giữ gìn trật tự công cộng, góp phần bảo đảm quyền tự do dân chủ của công dân theo quy định của pháp luật, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 38/2005/NĐ-CP ngày 18/3/2005 quy định một số biện pháp bảo đảm trật tự công cộng

Ảnh minh họa.

Điều 5. Các hành vi bị nghiêm cấm

1. Lợi dụng các quyền tự do dân chủ của công dân để thực hiện hoặc lôi kéo, kích động, mua chuộc, cưỡng ép người khác tập trung đông người nhằm gây rối trật tự công cộng hoặc để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật khác.

2. Tập trung đông người trái với quy định của pháp luật ở lòng đường, vỉa hè, trước trụ sở cơ quan, tổ chức, tại khu vực đang diễn ra các hội nghị quốc tế, kỳ họp Quốc hội, Hội đồng nhân dân hoặc các hoạt động chính trị quan trọng khác của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc nơi công cộng khác.

3. Tiến hành các hoạt động quy định tại Điều 7 Nghị định này mà không được phép của Uỷ ban nhân dân cấp có thẩm quyền.

4. Gây cản trở hoạt động bình thường của cơ quan, tổ chức, của cán bộ lãnh đạo của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt   Nam và các tổ chức chính trị - xã hội hoặc cản trở, chống người thi hành công vụ.

5. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để dung túng, bao che hoặc xử lý không nghiêm minh các hành vi vi phạm pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng.

6. Các hành vi khác gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng, cuộc sống bình thường của nhân dân hoặc trái với thuần phong mỹ tục, nếp sống văn minh nơi công cộng.

Điều 7. Quy định về tập trung đông người ở nơi công cộng

Việc tập trung đông người ở nơi công cộng phải đăng ký trước với Uỷ ban nhân dân có thẩm quyền nơi diễn ra các hoạt động đó và phải thực hiện đúng nội dung đã đăng ký. Quy định này không áp dụng đối với các hoạt động do các cơ quan Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt   Nam và các tổ chức chính trị - xã hội tổ chức.

Điều 9. Các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng

1. Quy định khu vực bảo vệ, khu vực cấm tập trung đông người; cấm ghi âm, ghi hình, chụp ảnh.

2. Phân luồng giao thông, cấm hoặc hạn chế người và phương tiện giao thông ra, vào những khu vực nhất định.

3. Khi xảy ra tình trạng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến trật tự công cộng thì tuỳ theo tình hình cụ thể, cơ quan chức năng có trách nhiệm thực hiện các biện pháp sau đây để ổn định tình hình, bảo đảm trật tự công cộng và xử lý người vi phạm:

a) Thuyết phục, yêu cầu mọi người chấp hành nghiêm chỉnh các quy định của pháp luật về bảo đảm trật tự công cộng và chấm dứt ngay hành vi vi phạm;

b) Đặt rào cản, chốt giữ các nút giao thông;

c) Tạm đình chỉ hoạt động của các phương tiện giao thông;

d) Kiểm tra giấy tờ tuỳ thân; khám người, phương tiện; tạm giữ người, phương tiện vi phạm; thu giữ vũ khí và các vật dụng nguy hiểm theo quy định của pháp luật;

đ) Cưỡng chế người có hành vi vi phạm rời khỏi địa điểm tập trung đông người trái pháp luật;

e) Sử dụng công cụ hỗ trợ và các công cụ, phương tiện khác để bảo đảm trật tự công cộng;

g) Trưng dụng tạm thời phương tiện, cơ sở vật chất của cơ quan, tổ chức và công dân theo quy định của pháp luật để phục vụ cho các biện pháp cấp bách nhằm lập lại trật tự công cộng.

h) Các biện pháp khác do pháp luật quy định.

4. Bộ Công an hướng dẫn chi tiết thi hành việc áp dụng các biện pháp quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.

                                                                                                      BTB