Thứ 4, 03/07/2024, 17:22[GMT+7]

Sáng mãi ngôi nhà chung của những người làm báo

Thứ 5, 21/06/2018 | 08:24:47
1,196 lượt xem
Ngày 21/6/1925, tại Quảng Châu (Trung Quốc), Báo Thanh Niên do lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc sáng lập ra số đầu tiên. Từ đó, nền báo chí cách mạng Việt Nam bắt đầu hình thành.

Bạn đọc với các ấn phẩm của Báo Thái Bình tại Hội báo toàn quốc 2018.

Từ khi có Báo Thanh Niên, báo chí Việt Nam luôn giương cao ngọn cờ cách mạng, nói lên ý chí, khát vọng của dân tộc Việt Nam và chỉ rõ phương hướng đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì độc lập, tự do và chủ nghĩa xã hội. Báo Thanh Niên đã tiên phong mở đầu cho cuộc cách mạng tư tưởng, đưa nền tảng tư tưởng truyền thống của dân tộc lên một tầm cao mới. Chủ tịch Hồ Chí Minh là người đào tạo lớp làm báo vô sản đầu tiên của Việt Nam và các thế hệ làm báo Việt Nam sau này.

Ngày 2/6/1950, Chính phủ chính thức quyết định cho thành lập Hội những người viết báo Việt Nam, tiền thân của Hội Nhà báo Việt Nam ngày nay. Tháng 7/1950, Tổ chức Báo chí quốc tế (OIJ) nhóm họp ở Phần Lan đã công nhận Hội những người viết báo Việt Nam là thành viên chính thức của Tổ chức. Nhằm nâng cao vai trò và trách nhiệm xã hội của báo chí, thắt chặt mối quan hệ giữa báo chí với công chúng, tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với báo chí, tháng 2/1985, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Ban Bí thư Trung ương Đảng ra Quyết định số 52 lấy ngày ra số đầu tiên của Báo Thanh Niên làm ngày Báo chí Việt Nam (21/6/1925).

Ngày 21/6/1985, lần đầu tiên giới báo chí cả nước tổ chức lễ kỷ niệm ngày Báo chí Việt Nam. Đây là ngày lễ không chỉ của riêng giới báo chí mà là ngày lễ của nhân dân cả nước, vì báo chí là sự nghiệp của toàn dân.

Nhân kỷ niệm 75 năm ngày Báo chí Việt Nam ngày 21/6/2000, theo đề nghị của Hội Nhà báo Việt Nam, Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đồng ý gọi ngày Báo chí Việt Nam là ngày Báo chí cách mạng Việt Nam.

Sau ngày thống nhất đất nước, báo chí nước ta đã phát triển khá nhanh cả về số lượng và chất lượng, hình thành nên hệ thống thông tấn, báo chí, phát thanh, truyền hình rộng khắp cả nước. Nội dung thông tin của báo chí ngày càng đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Báo chí đã đi sâu vào thực tiễn đời sống, phát hiện, giới thiệu, cổ vũ các nhân tố mới, điển hình mới. Báo chí đã thể hiện rõ quan điểm bảo vệ và phát huy bản sắc, truyền thống văn hóa dân tộc, tuyên truyền, cổ vũ toàn dân phát huy có chọn lọc nền văn hóa tiên tiến của nhân loại, góp phần nâng cao dân trí, ngăn chặn văn hóa lai căng len lỏi xâm nhập vào Việt Nam. Báo chí đã khơi dậy, cổ vũ, tạo động lực và biến nhiều hoạt động xã hội, từ thiện trở thành phong trào của toàn xã hội.

93 năm qua, nền báo chí cách mạng Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, rèn luyện và lãnh đạo đã luôn đồng hành cùng những chặng đường đấu tranh vì độc lập dân tộc, xây dựng và phát triển đất nước. Bước vào thời kỳ đổi mới, báo chí đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, đóng góp to lớn vào sự nghiệp chung của đất nước. Ngày nay, trong bối cảnh Đảng và Nhà nước đang thực hiện nhiều chủ trương, chính sách phát triển đất nước, quyết tâm phòng, chống tham nhũng, lãng phí và những hành vi tiêu cực, các cơ quan báo chí có nhiệm vụ tuyên truyền, cổ vũ những nhân tố tích cực, đấu tranh, phòng, chống mặt tiêu cực. Vai trò đó được đội ngũ nhà báo trên khắp cả nước thể hiện qua việc thực hiện các phóng sự điều tra, tham gia giám sát, phản biện, vì sự công bằng và những giá trị tốt đẹp trong xã hội. Vinh quang của nghề báo luôn đi đôi với những gian nan, nhọc nhằn, thậm chí là hiểm nguy, đòi hỏi niềm đam mê với nghề, bản lĩnh nghề nghiệp và ý chí vững vàng. Hoạt động của báo chí trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, trong quá trình hội nhập quốc tế và cơ chế thị trường, trong thời đại bùng nổ thông tin hiện nay đã và đang phát triển như vũ bão. Trước những yêu cầu mới, báo chí cách mạng Việt Nam mãi mãi kiên định mục tiêu lý tưởng của Đảng, thực hiện tốt chức năng báo chí là cơ quan ngôn luận của Đảng, Nhà nước, tổ chức xã hội và là diễn đàn của nhân dân.

Cùng với sự trưởng thành lớn mạnh không ngừng của báo chí cách mạng Việt Nam, trên 30 năm qua, kể từ ngày Hội Nhà báo tỉnh được thành lập (12/6/1985) đến nay, Hội đã trải qua 7 kỳ đại hội. Vượt lên bao khó khăn, thử thách, Hội Nhà báo tỉnh đã có những bước phát triển, trưởng thành rất đáng tự hào. Ngày đầu thành lập Hội có vài chục hội viên, đến nay có trên 150 hội viên công tác ở 5 chi hội nhà báo thuộc các cơ quan báo chí, tạp chí trong tỉnh và câu lạc bộ nhà báo cao tuổi. Theo Quyết định số 979/QĐ-HNBVN ngày 6/4/2018 của Ban Thường vụ Hội Nhà báo Việt Nam, kể từ ngày 1/7/2018 các cơ quan báo chí trung ương thường trú tại Thái Bình sẽ chuyển về sinh hoạt hội tại Hội Nhà báo tỉnh. Nhìn chung, cán bộ, hội viên của Hội đều có bản lĩnh chính trị vững vàng, có phẩm chất đạo đức trong sáng, có trình độ chuyên môn, nghiệp vụ vững vàng. Hội thật sự đã trở thành ngôi nhà chung của những người làm báo và tạo nên những thành tích quan trọng trong hoạt động báo chí và công tác hội. Hội Nhà báo tỉnh nhiều năm được Hội Nhà báo Việt Nam tặng cờ tập thể hội xuất sắc. Nhiều cán bộ, hội viên đạt danh hiệu chiến sĩ thi đua cấp cơ sở, cấp tỉnh và giành được nhiều giải thưởng cao quý trong các cuộc thi báo chí, liên hoan phát thanh, truyền hình toàn quốc...

Những người làm báo tỉnh nhà nhận thức sâu sắc rằng yếu tố quyết định hàng đầu để Hội Nhà báo tỉnh phát triển vững mạnh như ngày nay đó chính là có sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo sâu sắc, thường xuyên của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh, của các cơ quan chủ quản, định hướng tư tưởng và cơ quan quản lý báo chí. Những năm qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh luôn quan tâm trong việc quy hoạch, phát triển, định hướng nội dung thông tin, lựa chọn, đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, đầu tư kinh phí, tăng cường cơ sở vật chất, trang thiết bị kỹ thuật cho các cơ quan báo chí. Cùng với đó là sự phối hợp, giúp đỡ, ủng hộ của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh, sự nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi của các thế hệ cán bộ, hội viên, những người làm báo tỉnh nhà.

Cùng với những thành tích đạt được trong những năm qua, Hội Nhà báo tỉnh cũng nhận thấy còn một số tồn tại, hạn chế nhất định trong việc tập hợp những người làm báo nâng cao nhận thức chính trị, trình độ nghiệp vụ chuyên môn, ý thức chấp hành pháp luật và 10 quy định đạo đức nghề nghiệp của người làm báo Việt Nam.

Để khắc phục những tồn tại, hạn chế trên, Hội Nhà báo tỉnh tiếp tục phát huy tinh thần đoàn kết, nỗ lực khắc phục mọi khó khăn, tích cực học tập, tu dưỡng, rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, nâng cao bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp, trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, nghiệp vụ; bám sát chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, chủ trương, chính sách của tỉnh, khắc phục mọi khó khăn, thử thách, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ chính trị được giao.

Kỷ niệm 93 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2018), 33 năm ngày thành lập Hội Nhà báo tỉnh (12/6/1985 - 12/6/2018), Hội Nhà báo tỉnh bày tỏ lòng biết ơn sâu sắc đối với Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh những năm qua luôn quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi để Hội Nhà báo tỉnh hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trân trọng cảm ơn sự quan tâm, phối hợp có hiệu quả của các sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh; cảm ơn những người làm báo và đông đảo bạn đọc đã kề vai, sát cánh, sẻ chia, cảm thông với những khó khăn để Hội Nhà báo tỉnh ngày càng đổi mới và phát triển.

Phí Văn Thành
(Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo tỉnh)