Thứ 7, 06/07/2024, 08:21[GMT+7]

5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng

Thứ 2, 16/07/2018 | 08:57:00
1,568 lượt xem
Ngày 16/7/2012, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã thông qua Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng. Pháp lệnh có hiệu lực thi hành từ ngày 1/9/2012. Để Pháp lệnh được triển khai thực hiện đồng bộ đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương, tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, trọng tâm là Kế hoạch số 88 của Tỉnh ủy triển khai thực hiện Nghị định số 31 ngày 9/4/2013 của Chính phủ quy định chi tiết, hướng dẫn một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng.

Người có công được hỗ trợ kinh phí để xây nhà ở.

Sau 5 năm thực hiện Pháp lệnh, người có công (NCC) được toàn xã hội quan tâm chăm lo về vật chất, tinh thần; được trân trọng, tôn vinh, đền ơn trả nghĩa. Trong việc thực hiện chế độ, chính sách ưu đãi NCC, đến cuối năm 2017 toàn tỉnh có gần 40 vạn người được xác nhận và giải quyết chính sách, có trên 70.000 NCC và thân nhân NCC đang hưởng trợ cấp ưu đãi thường xuyên. 5 năm qua, toàn tỉnh có gần 7 vạn người hưởng chế độ theo quy định tại Nghị định số 54 của Chính phủ được điều chỉnh chính sách hưởng theo chế độ quy định tại Nghị định số 31 của Chính phủ; có 145.000 lượt học sinh, sinh viên thuộc gia đình chính sách được thực hiện chế độ ưu đãi trong giáo dục, đào tạo với tổng số tiền 270 tỷ đồng; trên 7.000 trường hợp thân nhân NCC được hưởng mai táng phí; gần 10.000 người là thân nhân liệt sĩ được hỗ trợ kinh phí đi thăm viếng mộ liệt sĩ và di chuyển hài cốt liệt sĩ về địa phương...

Trong việc giải quyết hồ sơ NCC xác lập mới, trong 5 năm đã xác nhận và giải quyết trên 15.000 trường hợp hưởng chính sách ưu đãi NCC với cách mạng và thân nhân. Bên cạnh đó, công tác xã hội hóa và phong trào chăm sóc NCC với cách mạng được đẩy mạnh, kế thừa và phát huy đạo lý tốt đẹp của dân tộc “Uống nước nhớ nguồn, ăn quả nhớ người trồng cây”. Thực hiện Quyết định số 22 ngày 26/4/2013 của Thủ tướng Chính phủ về hỗ trợ nhà ở cho NCC, đến nay toàn tỉnh đã có 6.498 hộ NCC được hỗ trợ cải thiện nhà ở với tổng kinh phí trên 260 tỷ đồng. 

Ngoài chính sách hỗ trợ nhà ở, hàng năm đã trang cấp dụng cụ chỉnh hình cho trên 5.000 NCC và thân nhân liệt sĩ, cấp thẻ BHYT cho 171.000 NCC và thân nhân, thực hiện chế độ điều dưỡng cho 60.000 NCC. Dịp tết Nguyên đán, ngày Thương binh - Liệt sĩ 27/7, việc thăm hỏi, trao quà của Chủ tịch nước, của tỉnh và các huyện, thành phố, các tổ chức xã hội, doanh nghiệp cho NCC và thân nhân được thực hiện đầy đủ, chu đáo. 

Đánh giá kết quả 5 năm thực hiện Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, ông Nguyễn Văn Bái, Giám đốc Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết: Nhìn chung, Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng đã quy định tương đối đầy đủ các chế độ, chính sách ưu đãi đối với các nhóm đối tượng NCC. Nội dung các quy định cơ bản chặt chẽ, rõ ràng, dễ hiểu, dễ triển khai thực hiện, phù hợp với thực tế và nguyện vọng của đông đảo NCC và nhân dân. Việc triển khai đã góp phần tạo lòng tin của NCC và nhân dân vào đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần giáo dục lòng yêu nước, tinh thần cách mạng trong thế hệ trẻ...

Cũng theo ông Nguyễn Văn Bái, bên cạnh những kết quả đạt được, một số nội dung quy định của Pháp lệnh cũng bộc lộ một số điểm cần điều chỉnh, sửa đổi cho phù hợp: Điều 2 quy định đối tượng hưởng chế độ ưu đãi bao gồm 12 nhóm đối tượng NCC và thân nhân NCC, tuy nhiên, quy định này không thống nhất với quy định về chế độ ưu đãi với từng nhóm đối tượng NCC ở các điều khoản tiếp theo trong Pháp lệnh, dễ gây ra sự hiểu nhầm trong quá trình triển khai thực hiện. Một số chính sách, pháp luật hiện hành cũng còn nhiều nội dung cần sửa đổi, bổ sung cho phù hợp. Chẳng hạn như cần sớm có văn bản hướng dẫn xác nhận, thực hiện ưu đãi người hoạt động cách mạng trước ngày 1/1/1945, người hoạt động cách mạng từ 1/1/1945 đến trước tổng khởi nghĩa 19/8/1945; văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện các điều từ điều 34 đến điều 41 liên quan đến trách nhiệm, chức năng của các bộ, ngành... Một số chế độ ưu đãi về giáo dục và đào tạo, về chăm sóc sức khỏe, trang cấp dụng cụ chỉnh hình, phục hồi chức năng, chế độ trợ cấp... cũng cần phải sửa đổi, bổ sung để việc ưu đãi xã hội đồng bộ, đầy đủ và có tính khoa học, hợp lý hơn. Ngoài ra, một số điều kiện, tiêu chuẩn và các chế độ ưu đãi thân nhân liệt sĩ, Bà mẹ Việt Nam anh hùng, thương binh, người hưởng chính sách như thương binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học... cũng chưa phù hợp, cần sớm được sửa đổi.

Nguyễn Cường