Thứ 6, 22/11/2024, 14:57[GMT+7]

Thầy trò chủ động hơn với “bàn tay nặn bột”

Thứ 2, 23/07/2018 | 08:35:01
1,772 lượt xem
Dự một tiết học môn Khoa học lớp 5 về chủ đề “Đá vôi” của thầy giáo Phan Mạnh Hà, Trường Tiểu học Thanh Phú (Vũ Thư) theo phương pháp bàn tay nặn bột (BTNB), chúng tôi nhận thấy học sinh rất sôi nổi, năng động.

Học sinh Trường Tiểu học Vũ Đoài (Vũ Thư) trong tiết học áp dụng bàn tay nặn bột.

Trong tiết học, học sinh được làm một số thí nghiệm nhỏ với đá vôi. Học sinh sẽ nhỏ một vài giọt chanh vào đá vôi và đá cuội, từ đó tự đưa ra cách nhận biết đá vôi. Nhờ áp dùng phương pháp BTNB, tất cả học sinh trong lớp đều được tham gia thực hiện thí nghiệm từ việc chuẩn bị đến thuyết trình, quan sát... Giờ học của các em cũng bớt căng thẳng, sôi nổi và hào hứng hơn. 

Thầy giáo Phan Mạnh Hà chia sẻ: Khác với phương pháp dạy học thông thường, phương pháp BTNB đã phát huy được tối đa tinh thần làm việc theo nhóm của học sinh. Theo đó, học sinh tham gia hào hứng, tích cực trong việc dự đoán kết quả, tìm tòi, khám phá, lĩnh hội, từ đó nắm chắc và khắc sâu được kiến thức. Không chỉ vậy, phương pháp này còn góp phần giúp học sinh phát triển năng lực quan sát, thực hành, sức sáng tạo và độc lập trong suy nghĩ.

Kiến Xương là một trong những huyện triển khai sớm phương pháp BTNB đến tất cả các trường THCS trong toàn huyện. 

Ông Nguyễn Anh Minh, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện cho biết: Từ việc đánh giá kết quả học tập của học sinh, các nhà trường đã xây dựng kế hoạch dạy học, kiểm tra phù hợp với tiến trình thực hiện phương pháp BTNB. Bên cạnh đó, các trường, cụm trường thường xuyên tổ chức sinh hoạt chuyên môn, thông qua việc dự giờ để rút kinh nghiệm, hoàn thiện các chủ đề, tiến trình dạy học và phương pháp tổ chức hoạt động dạy học. Hiện nay, toàn huyện Kiến Xương có 37 trường THCS với 100% giáo viên đạt chuẩn và khoảng 95% giáo viên có trình độ trên chuẩn, hệ thống cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học cơ bản đáp ứng được công tác giảng dạy của các trường. Đó là điều kiện thuận lợi để áp dụng và nhân rộng phương pháp BTNB. 

Sau 4 năm áp dụng, phương pháp BTNB đã và đang tạo nên hiệu ứng tích cực trong các trường học ở Kiến Xương, giúp giáo viên rèn luyện kỹ năng xử lý tình huống và nâng cao nghiệp vụ sư phạm, giúp học sinh chủ động hơn trong quá trình chiếm lĩnh kiến thức, tiếp thu nội dung bài học nhanh và hứng thú hơn với tiết học. Bên cạnh đó, phương pháp còn giúp học sinh nâng cao khả năng phán đoán, lập luận, bảo vệ ý kiến, phát huy tính sáng tạo trong quá trình học tập.

Tuy nhiên, dạy học theo phương pháp BTNB cũng có những khó khăn. Các tài liệu hướng dẫn về phương pháp BTNB cho giáo viên ở một số địa phương còn thiếu; một số trường, điểm trường, phòng học chưa đủ không gian rộng cho các hoạt động của học sinh; trang thiết bị dạy học, đặc biệt là các dụng cụ thí nghiệm, thực hành chưa đồng bộ hoặc đã xuống cấp, độ chính xác không cao nên rất khó khi học sinh tự làm thí nghiệm; còn thiếu các phương tiện hỗ trợ hoạt động báo cáo, thảo luận của học sinh như máy tính, máy chiếu… 

Không chỉ vậy, ở nhiều trường, do số học sinh trên một lớp đông nên khó khăn trong việc tổ chức học tập theo nhóm và tổ chức các hoạt động thực tế còn hạn chế; thời gian dành cho tiết học theo phương pháp BTNB thường vượt quá thời gian của tiết học thông thường. Do đó, ở một số trường, mặc dù nhận thấy lợi ích từ việc dạy theo phương pháp BTNB là rất lớn nhưng phần lớn các tiết áp dụng phương pháp này mới chỉ là các tiết thao giảng.

Thời gian tới, để phương pháp BTNB được áp dụng hiệu quả hơn, phòng giáo dục và đào tạo các huyện, thành phố sẽ tiếp tục tổ chức tập huấn cho các đơn vị trường học; chỉ đạo các trường học tổ chức chuyên đề cấp trường nhằm nhân rộng những cách làm hay, hiệu quả nâng chất lượng các tiết dạy áp dụng BTNB trong năm học tới.

Đặng Anh