Thứ 2, 20/05/2024, 22:26[GMT+7]

Vì người khuyết tật và trẻ mồ côi

Thứ 2, 30/07/2018 | 09:21:15
683 lượt xem
Gần 60.000 lượt người khuyết tật, trẻ mồ côi được trợ giúp; hơn 2.060 xe lăn, xe lắc, xe đạp được trao tặng; gần 1.000 người được dạy nghề, tạo việc làm… là kết quả các cấp hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi trong tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ 2013 - 2018, để lại dấu ấn cho cả người trợ giúp và người được hưởng lợi, góp phần cùng các cấp ủy đảng, chính quyền thực hiện tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.

Trao tặng xe lăn cho người khuyết tật huyện Thái Thụy.

Toàn tỉnh hiện có trên 10 vạn người khuyết tật (NKT), trẻ mồ côi (TMC). Là mái nhà chung của NKT, TMC, 5 năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tích cực vận động các tổ chức, cá nhân trong và ngoài tỉnh ủng hộ xây dựng quỹ hội với tổng số tiền, quà trị giá gần 25 tỷ đồng. Việc kêu gọi nguồn lực từ các tổ chức, cá nhân đã giúp các cấp hội tổ chức nhiều hoạt động thiết thực như: dạy nghề, hỗ trợ sinh kế, tặng quà, chăm sóc sức khỏe, hỗ trợ phương tiện đi lại... Nhờ đó, 5 năm qua đã có gần 60.000 lượt NKT được chăm sóc, bảo trợ. Tính riêng lĩnh vực y tế, Hội đã phối hợp với các cơ quan, đơn vị, các cơ sở khám chữa bệnh tổ chức khám bệnh, tư vấn sức khỏe, cấp thuốc miễn phí cho hàng nghìn NKT.

Để giúp NKT, TMC có phương tiện đi lại, Hội đã kêu gọi các tổ chức, cá nhân trao tặng gần 2.000 xe lăn, xe lắc và hơn 60 xe đạp. Những chiếc xe được trao tặng đã giúp NKT có thêm cơ hội hòa nhập cộng đồng, TMC bớt vất vả trên con đường tới trường. Cùng với đó, Hội cũng đã vận động xây mới, sửa chữa 16 nhà tình nghĩa, trao gần 300 suất học bổng từ quỹ trái tim nhân ái cho NKT, TMC.

Chị Nguyễn Thị Nga, chủ cơ sở in của người khuyết tật huyện Vũ Thư vượt lên chính mình.

Dạy nghề, tạo việc làm cho NKT được coi là nhiệm vụ mũi nhọn của Hội. Với sự năng động, nhạy bén, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tổ chức các lớp dạy nghề mây tre đan, đan móc sợi, điện tử, điện lạnh... cho gần 1.000 NKT từ nguồn kinh phí xã hội hóa, sự hỗ trợ của Hội Bảo trợ người tàn tật và trẻ mồ côi Việt Nam và của tỉnh. Sau đào tạo có trên 70% NKT có việc làm, trong đó khoảng 50% NKT có việc làm và thu nhập ổn định. Mạng lưới dạy nghề cho NKT không ngừng được mở rộng tại các huyện, thành phố. Hiện toàn tỉnh có gần 100 cơ sở dạy nghề và tạo việc làm cho NKT, trong đó 20 cơ sở được Sở Lao động - Thương binh và Xã hội cấp giấy chứng nhận là cơ sở kinh doanh của NKT. Đi lên từ gian khó, nhiều cơ sở đã khẳng định được mình với số vốn hàng tỷ đồng như doanh nghiệp may Phạm Xuân Thúy, xã Đông Phương (Đông Hưng), doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Lại Văn Điệp, xã Vũ Ninh (Kiến Xương), doanh nghiệp gỗ mỹ nghệ Doanh Liên, xã Thụy Dương (Thái Thụy)...

Nếu nhiệm vụ dạy nghề, tạo việc làm mang tính chất mũi nhọn thì việc hỗ trợ sinh kế được xác định là nhiệm vụ trọng tâm của các cấp hội. 5 năm qua, hưởng ứng phong trào cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh đã tích cực vận động nguồn lực hỗ trợ cây trồng, vật nuôi, tư liệu sản xuất cho gần 70 NKT tại các xã Vũ Đoài (Vũ Thư), Đông Xá (Đông Hưng), An Bình (Kiến Xương). 

Các chương trình hỗ trợ sinh kế đã mang lại hiệu quả thiết thực, giúp nhiều NKT thoát nghèo. Chương trình hỗ trợ lợn nái sinh kế cho NKT xã An Bình là một ví dụ. Xã An Bình có hơn 130 NKT, 15 TMC. Trước cuộc sống khó khăn của NKT trong xã, năm 2016, Hội đã vận động các tổ chức, cá nhân trao tặng 20 con lợn giống sinh sản trị giá 1,5 triệu đồng/con cho 20 hộ có NKT và khó khăn trong xã. Từ khi nuôi lợn nái, nhiều hộ đã sắm được những vật dụng thiết yếu, từng bước cải thiện cuộc sống.

Ông Nguyễn Ngọc Huân, xã An Bình (Kiến Xương) được hỗ trợ lợn nái sinh kế.

Cùng với hỗ trợ về vật chất, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh còn thường xuyên quan tâm tới đời sống tinh thần của NKT, TMC. Nhiều chương trình, hội thi được tổ chức như hội thi tay nghề giỏi, biểu dương NKT tiêu biểu, chương trình gói bánh chưng xanh, tiếng hát bên dòng sông Trà Lý, những trái tim khát vọng... đã động viên kịp thời NKT, TMC đồng thời mở ra cơ hội giao lưu, học tập giữa NKT, TMC các huyện, thành phố. Để NKT nắm bắt kịp thời các văn bản, chính sách liên quan đến quyền lợi của mình, các cấp hội đã đổi mới hình thức tuyên truyền, đưa chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và của tỉnh đến gần hơn với NKT, mở nhiều lớp tập huấn về công tác xã hội, trợ giúp NKT, giúp NKT nâng cao nhận thức, hòa nhập cộng đồng. 

Ông Mai Xuân Trường, Chủ tịch Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh cho biết: Kết quả của nhiệm kỳ 2013 - 2018 là nguồn động viên lớn lao cho cán bộ, hội viên. Thời gian tới, Hội sẽ tăng cường hơn nữa việc huy động nguồn lực xã hội nhằm cải thiện điều kiện sinh hoạt và hỗ trợ sinh kế, giảm nghèo cho NKT, TMC, tập trung thực hiện 6 chương trình trọng tâm là phẫu thuật chỉnh hình, phục hồi chức năng; tặng xe lăn, các dụng cụ trợ giúp đi lại; xây dựng quỹ hội; dạy nghề, tạo việc làm cho NKT; tặng học bổng, xe đạp cho học sinh mồ côi, khuyết tật; hỗ trợ cải thiện sinh hoạt, sinh kế, giảm nghèo cho NKT, TMC. Các cấp hội phấn đấu vận động nguồn lực hỗ trợ đạt khoảng 25 tỷ đồng; tặng quà cho trên 70.000 lượt NKT; dạy nghề cho khoảng 1.200 NKT... Toàn thể cán bộ, hội viên sẽ tiếp tục phấn đấu vượt qua mọi khó khăn để xứng đáng với tám chữ được trao tặng: “Sáng tạo - Nhân ái - Trách nhiệm - Hiệu quả”.


Ông Đỗ Văn Bình, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Hà

5 năm qua, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện Hưng Hà đã vượt qua khó khăn, tạo mọi điều kiện thuận lợi để người khuyết tật và trẻ mồ côi trong huyện vươn lên hòa nhập cộng đồng. Ngoài đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng Luật Người khuyết tật tới cộng đồng nhằm nâng cao nhận thức của người dân về công tác bảo trợ xã hội, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện đã huy động nguồn lực để người khuyết tật được vay vốn, phát triển sản xuất, kinh doanh, trẻ mồ côi có thêm điều kiện tới trường. Hội cũng đã hướng dẫn, tư vấn, tạo điều kiện giúp người khuyết tật có đủ điều kiện về sức khỏe được tham gia học nghề miễn phí tại các trung tâm dạy nghề nhân đạo. Chăm lo đời sống vật chất, tinh thần, hàng năm, vào dịp lễ, tết, Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện đã trao tặng nhiều phần quà, động viên kịp thời người khuyết tật và trẻ mồ côi. Từ sự quan tâm, tạo điều kiện của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức hội bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi huyện, nhiều người khuyết tật trong huyện đã tự tin vượt lên chính mình, có việc làm và thu nhập ổn định.

Bà Nguyễn Lân Phương, tổ 47, phường Bồ Xuyên (thành phố Thái Bình)

Xây dựng hòm từ thiện ở các gia đình, tổ chức trao tặng quà, hỗ trợ sinh kế... - những việc làm của tôi nhằm chia sẻ, giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn. Dù “của tuy tơ tóc” nhưng “nghĩa so nghìn trùng”. Dịp tết Nguyên đán Mậu Tuất vừa qua, tôi tròn 80 tuổi, mừng thọ bà, mỗi cháu biếu quà trị giá 100kg gạo, không tổ chức linh đình, tôi dành tất cả số tiền ấy đi làm từ thiện. Khi đưa ra ý tưởng ấy, 4 thế hệ trong gia đình đều đồng tình ủng hộ. Trong gia đình, các chắt tuy nhỏ nhưng thấy cụ làm từ thiện cũng hưởng ứng tích cực bằng việc mổ lợn nhựa, lấy tiền tiết kiệm góp cùng cụ nấu cháo cho bệnh nhân tâm thần. Làm từ thiện không chỉ đơn lẻ một mình mà phải phối hợp với các cấp, ngành, đoàn thể mới lan tỏa được tấm lòng nhân ái tới cộng đồng, vì thế, tôi thường xuyên cùng Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh vận động, kêu gọi các tổ chức, cá nhân hảo tâm cùng chung tay giúp đỡ người khuyết tật và trẻ mồ côi, bởi có yêu thương chia sẻ mới khắc sâu ân tình.

Chị Trần Thị Huyền, thôn Kênh, xã Tây Đô (Hưng Hà)

Khi chưa được học nghề, cuộc sống của tôi rất khó khăn, phụ thuộc vào gia đình bởi bản thân là người khuyết tật vận động. Sau khi được học nghề, hỗ trợ vay vốn của Hội Bảo trợ người khuyết tật và trẻ mồ côi tỉnh, năm 1999 tôi quyết định mở cơ sở riêng cho chính mình. Hiện nay, mỗi tháng sau khi trừ chi phí thu nhập của tôi cũng đạt trên 5 triệu đồng. Tôi đã có thể tự lo cho cuộc sống của mình và nuôi con ăn học. Để nhiều người khuyết tật có thêm cơ hội tìm việc làm, có thu nhập, nhiều năm qua tôi đều tổ chức dạy nghề. Bởi tôi thấy đây là nghề phù hợp với điều kiện sức khỏe, hạn chế phải đi lại của người khuyết tật. Số lượng người khuyết tật được đào tạo nghề may tại cơ sở của tôi đã đạt khoảng 20 người và tôi sẽ tiếp tục nhận dạy nghề nếu người khuyết tật có nhu cầu học nghề.

Hoàng Lanh