Thứ 6, 05/07/2024, 06:22[GMT+7]

Hút thuốc lá...

Thứ 2, 06/08/2018 | 10:19:39
3,156 lượt xem
Hút thuốc lá có hại cho sức khỏe. Đó là câu nói cửa miệng của cả người lớn lẫn trẻ con, người già lẫn người trẻ, nam giới cũng như phụ nữ. Nói thì dễ nhưng để bỏ được thuốc lá, để thuốc lá không có hại cho sức khỏe thì không phải ai cũng làm được.

Ảnh minh họa.

Đã từ lâu quy định không hút thuốc lá ở nơi công cộng, cơ quan, công sở, rồi quy định cơ quan không khói thuốc, doanh nghiệp không khói thuốc đã được nhiều cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện. Nhưng đây thực sự là một việc khó, vì nếu ở cơ quan hay địa phương mà lãnh đạo hút thuốc thì nhân viên khó có thể bỏ được thuốc, thậm chí có người còn lấy lãnh đạo làm “gương” để hút thuốc. Chuyện nhân viên luôn lấy lãnh đạo làm “gương” thì ở đâu cũng vậy nhưng lãnh đạo thì mỗi người lại một tính, một nết nên theo được lãnh đạo, làm được như lãnh đạo thì nhân viên cũng khổ, thậm chí còn quá khổ, vì lãnh đạo thường hay hút những loại thuốc sang, đắt tiền lại khó tìm mua. 

Ngay ở thành phố cũng chỉ có một vài nơi bán, vì vậy khi có người đến mua, chủ cửa hàng chỉ cần hỏi mua thuốc cho ai, là bà chủ nói ngay: Anh ấy hay hút loại nào, giá là bao nhiêu và đã mua là thường mua cả cây nhưng khi thanh toán thì thật lắm kiểu. 

Cô nhân viên chuyên bán hàng ở cửa hàng K. kể với tôi, có anh cán bộ thường hay đến mua thuốc cho sếp, mỗi lần anh chỉ mua một bao nhưng tuần nào anh cũng dăm bảy lần đến mua. Hôm đó, anh lại mua cả cây thuốc với ý định, mỗi lần sếp cần sẽ đưa cho sếp một bao. Và đúng như vậy, vừa cầm cây thuốc về, ông sếp hỏi, anh bóc cây thuốc lấy ra một bao đưa cho ông. Nhưng điều đáng buồn, là lần sau ông lại không hỏi lấy một bao mà ông lại bảo mày mua cho tao một cây, thế là anh cán bộ ngậm đắng nuốt cay đi mua cây thuốc mới. 9 bao thuốc còn lại anh không biết để làm gì mà giá thuốc thì có phải rẻ đâu nên anh đành đến cửa hàng nói khó với bà chủ mua giúp 9 bao thuốc còn lại và chấp nhận bán với giá chỉ bằng 50% giá anh đã bỏ tiền ra mua.

Mới đầu giờ sáng mà chiếc xe hiệu BMW đã đến cơ quan, bước xuống xe là ông giám đốc doanh nghiệp từ Hà Nội về, đi cùng ông là cô thư ký khá xinh đẹp. Vừa ngồi xuống bàn uống trà, ông giám đốc đã móc trong cái bóp nhỏ ra một cái hộp nhựa màu vàng nắp đen, xoáy nắp hộp nhựa ông lấy ra 1 điếu xì gà to bằng đầu ngón chân cái, ông cũng móc từ trong bóp ra một cái máy lửa hiệu XIKAR EXE rồi bật châm điếu xì gà. Ông ngồi hút thuốc, mỗi lần ông rít hơi thuốc là hai má hóp lại, ông vừa hút vừa mời mọi người cùng bắn thử một hơi để cùng thưởng thức cái lạ. Khi ông khách ra khỏi phòng, anh bạn tôi lên mạng tra và bảo điếu thuốc này có giá một triệu ba trăm nghìn đồng đấy ông ạ, còn chiếc bật lửa cũng có giá một triệu hai trăm nghìn đồng. Tôi và mọi người đều lè lưỡi lắc đầu, vì nếu tính ra thóc thì ở quê tôi, người dân cấy cả vụ lúa chỉ để mua một điếu thuốc cũng không đủ. Thế mới biết doanh nhân thời @ cũng chịu ăn, chịu chơi.

Người xưa tổng kết miếng trầu là đầu câu chuyện, ngày nay phong trào ăn trầu không còn để lấp chỗ trống một thời, người ta lấy thuốc lá ra mời thay thế, nhưng rồi từ khi thực hiện cuộc vận động xây dựng nếp sống văn minh, gia đình văn hóa thì phong tục mời nhau hút thuốc cũng giảm nhiều, thay vào đó là chuyện ai phù hợp với loại thuốc nào thì tự mua mà hút. Vì vậy, nhìn người cầm điếu thuốc nhiều khi người ta cũng có thể biết được mức độ chịu ăn, chịu chơi của anh ta. Vì vậy đã có chuyện người không hút thuốc lá cũng cố tập hút cho sang, hút cho có bạn có bè, hút theo phong trào, lại có anh cán bộ để bao biện cho cái trò hút thuốc của mình đã đi sưu tầm tấm ảnh Bác Hồ hút thuốc mang về treo học đòi, nhưng chắc chắn anh không hiểu vì sao Bác phải hút thuốc và việc Bác bỏ thuốc như thế nào.

Nhìn ra nước ngoài mới thấy việc hút thuốc được mọi người thực hiện rất nghiêm túc, từng khu vực đều có nơi dành riêng cho người hút thuốc và mọi người dù có thèm thuốc cũng chỉ tìm đến những nơi dành riêng cho người nghiện thuốc lá, người ta hút thuốc để bớt đi cơn nghiện của mình nhưng cũng giữ cho cộng đồng không bị ảnh hưởng. 

Nhìn bạn ngẫm ta, nhiều nơi cũng có chỗ dành riêng cho người hút thuốc nhưng ít người tự giác đến đây, vì đức tính tự giác mình vì mọi người thường bị những người nghiện thuốc lá xem nhẹ. Bên cạnh đó thì công tác tuyên truyền cũng chưa được làm thường xuyên, thế rồi việc thực hiện chế tài với người vi phạm cũng chưa nghiêm nên bị người nghiện thuốc lá xem thường coi nhẹ.

Ước gì mọi người khi đã hiểu được hút thuốc lá có hại cho sức khỏe thì điều quan trọng hơn là cùng nhau tự giác thực hiện. Đó chính là con đường cùng nhau chung tay xây dựng cuộc sống trong lành hơn, một cuộc sống không khói thuốc.

Tuấn Dung