Thứ 2, 25/11/2024, 17:37[GMT+7]

Nỗ lực chống khai thác hải sản bất hợp pháp

Thứ 5, 09/08/2018 | 08:40:02
3,406 lượt xem
Ngay sau khi Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị số 45/CT-TTg ngày 13/12/2017 về một số nhiệm vụ, giải pháp cấp bách để khắc phục cảnh báo của Ủy ban châu Âu (EC) về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), Thái Bình đã triển khai đồng bộ các biện pháp bảo đảm thiết thực, hiệu quả.

Ngư dân Tiền Hải vươn khơi, bám biển làm giàu.

Các cấp, các ngành trong tỉnh đã tích cực triển khai công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật cho các ngư dân. Chi cục Thủy sản đã tổ chức 23 lớp tập huấn, tuyên truyền những quy định của EC về chống khai thác IUU; hướng dẫn ghi nhật ký khai thác, công tác xác nhận, chứng nhận nguồn gốc sản phẩm khai thác cho hơn 1.000 lượt chủ tàu và người dân các huyện: Thái Thụy, Tiền Hải, Kiến Xương. Cấp phát tờ rơi, 300 sổ nhật ký khai thác thủy sản và tổ chức cho 519 chủ tàu khai thác thủy sản ký cam kết thực hiện nghiêm các quy định về khai thác và bảo vệ nguồn lợi thủy sản, không sử dụng xung điện, chất độc, chất nổ để khai thác thủy sản, không vi phạm vùng biển nước ngoài để đánh bắt hải sản trái phép. Cùng với đó, các cơ quan báo chí trong tỉnh và hệ thống đài truyền thanh cơ sở thường xuyên tuyên truyền nâng cao nhận thức của ngư dân về nuôi trồng và khai thác thủy hải sản theo quy định của pháp luật.

Ông Hoàng Minh Giang, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản cho biết: Từ đầu năm 2018 đến nay, đơn vị đã triển khai thu hồi 20 bộ thiết bị giám sát hành trình tàu cá (Movimar) bàn giao lại cho Công ty TNHH MTV Thông tin điện tử Hàng Hải để bảo dưỡng, sửa chữa. Lập danh sách 29 tàu cá có chiều dài lớn nhất từ 24m trở lên, đề nghị Tổng cục Thủy sản phân bổ lắp đặt Movimar trong thời gian tới. Đặc biệt, Chi cục đã xây dựng kế hoạch nâng cấp trạm bờ và máy thông tin liên lạc lắp trên tàu cá bảo đảm kết nối tự động giữa tàu và trạm bờ của tỉnh, nhằm đáp ứng nhiệm vụ giám sát hành trình, truy xuất nguồn gốc hải sản khai thác và phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, giúp ngư dân yên tâm vươn khơi.

Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm soát nghề cá tỉnh thực hiện tốt công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm soát đối với tàu cá cập bến, xuất bến, kiểm tra sổ nhật ký với sản lượng khai thác được để làm cơ sở thực hiện việc xác nhận, chứng nhận nguồn gốc khai thác hải sản theo quy định. Văn phòng tổ chức 6 chuyến tuần tra, kiểm soát trên biển, tuyên truyền nhắc nhở 235 tàu cá, xử lý 5 tàu vi phạm với các lỗi: không đăng kiểm tàu cá, không mua bảo hiểm thuyền viên, tàng trữ công cụ kích điện trên tàu cá.

Cùng với đó, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, các sở, ngành liên quan, các huyện ven biển, nhất là các lực lượng thực thi pháp luật trên biển tăng cường các biện pháp quản lý ngư trường khai thác, ngăn chặn tàu cá của ngư dân khai thác bất hợp pháp vùng biển các nước trong khu vực, đồng thời không để tàu cá nước ngoài xâm nhập khai thác trái phép vùng biển Việt Nam.

UBND tỉnh đã xây dựng, triển khai thực hiện chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thủy sản trên địa bàn tỉnh, giai đoạn 2017 - 2020, định hướng đến năm 2025; chỉ đạo hạn chế phát triển tàu cá làm nghề lưới kéo, cấm phát triển đóng mới tàu cá khai thác ven bờ; triển khai đồng bộ các biện pháp quản lý tàu cá từ đóng mới, cải hoán đến đăng ký, kiểm tra cấp giấy chứng nhận an toàn kỹ thuật, giấy phép khai thác thủy sản cho ngư dân.

Nhờ vậy, đến nay nhận thức pháp luật của ngư dân được nâng lên; hiện tượng người dân ngang nhiên sử dụng các công cụ, phương pháp khai thác thủy sản mang tính hủy diệt như: chất nổ, xung điện và chất độc đã giảm rõ rệt. Một số chủ tàu cá đã chuyển dần sang các nghề khai thác mang tính chọn lọc như: nghề lưới rê, nghề chụp, nghề lồng bẫy và dịch vụ hậu cần nghề cá... Toàn tỉnh có 262 tàu cá công suất trên 90CV đánh bắt xa bờ, không có trường hợp nào khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài và bị nước ngoài bắt giữ, xử phạt.

Khắc Duẩn