Thứ 6, 22/11/2024, 09:25[GMT+7]

Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật

Thứ 6, 17/08/2018 | 07:56:10
493 lượt xem
Sáng 16-8, tại Trụ sở Chính phủ, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chính phủ họp chuyên đề về xây dựng pháp luật.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì cuộc họp. Ảnh: TRẦN HẢI

Tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Dự án Luật Đầu tư công (sửa đổi) và Dự án Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch.

Theo Tờ trình của Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT), Luật Đầu tư công (ĐTC) là luật đầu tiên kể từ trước đến nay quy định những vấn đề liên quan quản lý các hoạt động ĐTC, quản lý và sử dụng vốn ĐTC. Sau hơn ba năm thực hiện, tuy đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng trong quá trình triển khai thực hiện, Luật ĐTC và các văn bản hướng dẫn thi hành vẫn còn tồn tại một số hạn chế, vướng mắc. Đó là khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện; một số quy định trong Luật còn cứng nhắc hoặc chưa đầy đủ nên dẫn tới tình trạng các quy định không đáp ứng yêu cầu của thực tiễn. Tồn tại một số điểm chưa thống nhất giữa Luật ĐTC với các luật khác, như: Luật Ngân sách nhà nước (NSNN), Luật Xây dựng, Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Quy hoạch... Việc hình thành nhiều quy trình mới, thủ tục phức tạp, dẫn tới các cơ quan, địa phương khó nắm vững và thực hiện thống nhất các quy định của Luật.

Ảnh: TRẦN HẢI

Phát biểu ý kiến mở đầu phiên họp, Thủ tướng cho rằng, Luật ĐTC là một tiến bộ trong quản lý, nhưng trong thực tiễn đã nảy sinh nhiều vấn đề, nhiều điểm khó vận dụng. Nêu rõ sự cần thiết sửa đổi các quy định về ĐTC và quy hoạch, Thủ tướng cho biết, để làm sao phân cấp, giao quyền rõ hơn, cải cách thủ tục hành chính tốt hơn, nêu cao trách nhiệm, nâng cao hiệu quả trong đầu tư, quản lý.

Trước tình hình bão số 4 đang đổ bộ vào nước ta, Thủ tướng cho biết, đã yêu cầu Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai trực tiếp đi kiểm tra. Thủ tướng yêu cầu địa phương tập trung vào công tác phòng chống bão để giảm thiệt hại tối đa do bão số 4.

Đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu các ý kiến để hoàn thiện dự thảo Luật, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần “không để vướng mắc nhiều hơn, tập trung vào quản lý vốn NSNN trong đầu tư, phân cấp giao quyền mạnh mẽ”. Về phạm vi áp dụng, Bộ KH-ĐT cần nghiên cứu bổ sung các quy định đối với các dự án ĐTC được thực hiện ở nước ngoài. Về khái niệm các nguồn vốn ĐTC thì cần quy định rõ hơn, bảo đảm đồng bộ Luật NSNN, Luật Xây dựng, Luật Đấu thầu và có quy định phân cấp quản lý phù hợp tính chất từng nguồn vốn, đồng bộ với nhiệm vụ chi. Về tiêu chí phân loại dự án đầu tư sử dụng NSNN, Bộ KH-ĐT cần báo cáo rõ căn cứ, lý lẽ về sửa đổi tiêu chí dự án quan trọng quốc gia, đồng thời báo cáo, giải trình về việc rà soát, sửa đổi, bổ sung tiêu chí đối với dự án nhóm A, B, C phù hợp với điều chỉnh tiêu chí dự án quan trọng quốc gia.

Về dự án có cấu phần xây dựng, cần rà soát lại, bảo đảm đồng bộ giữa Luật ĐTC và Luật Xây dựng về nội dung, trình tự, thủ tục, thẩm quyền quản lý nhà nước về vốn; làm rõ cơ quan chủ trì, cơ quan phối hợp thẩm tra, thẩm định, quyết định, tránh chồng chéo với tinh thần là không để một việc mà phải báo cáo cả hai bộ hoặc nhiều bộ. Thủ tướng đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu ý kiến, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh tinh thần không để có quá nhiều quy hoạch trên cùng một địa bàn, lĩnh vực; tạo thuận lợi, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ.

Về vấn đề thẩm quyền của Thường trực HĐND, Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần phân cấp, phân quyền mạnh mẽ, minh bạch và chịu trách nhiệm, không ôm đồm, tạo thuận lợi cho địa phương, cho cơ sở. Thủ tướng cũng nêu rõ nguyên tắc lập kế hoạch ĐTC phải sát với khả năng ngân sách, để tránh dàn trải, mất cân đối về đầu tư.

* Cũng tại phiên họp, Chính phủ đã thảo luận về Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các luật có quy định liên quan đến quy hoạch do Bộ KH-ĐT chủ trì soạn thảo.

Theo Bộ KH-ĐT, việc ban hành Luật này để đồng bộ Luật Quy hoạch là cần thiết, tránh tạo ra các khoảng trống pháp lý, các xung đột cũng như các vướng mắc trong công tác lập, thẩm định, phê duyệt và thực hiện các quy hoạch ngành và góp phần đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong đầu tư kinh doanh. Dự thảo Luật bao gồm 30 điều, trong đó có 31 điều quy định việc sửa đổi các luật và 1 điều về quy định hiệu lực thi hành luật.

Dự án Luật đã rà soát các quy định pháp luật hiện hành có nội dung quy định về quy hoạch về đầu tư phát triển hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm cụ thể, ấn định khối lượng, số lượng hàng hóa, dịch vụ, sản phẩm được sản xuất, tiêu thụ, đồng thời đề xuất phương án sửa đổi, bổ sung để loại bỏ các quy hoạch sản phẩm này nhằm bảo đảm phù hợp với quy định của Luật Quy hoạch. Các quy hoạch này được phản ánh là đang cản trở hoạt động đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp và người dân.

Cho ý kiến về Dự án Luật này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ KH-ĐT tiếp thu ý kiến, phối hợp các cơ quan liên quan hoàn thiện dự thảo Luật; nhấn mạnh tinh thần không để có quá nhiều quy hoạch trên cùng một địa bàn, lĩnh vực; tạo thuận lợi, phân cấp, giao quyền mạnh mẽ.

Theo: nhandan.com.vn

Tin cùng chuyên mục

Xem tin theo ngày