Không chủ quan với bệnh dại
Tại Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh, anh Nguyễn Văn Thanh vừa đưa con trai mới bị chó nuôi của nhà hàng xóm cắn đến để được bác sĩ tư vấn.
Anh Thanh cho biết, con trai anh hàng ngày vẫn sang hàng xóm chơi. Bình thường con chó nhà hàng xóm rất thân thiện, không sủa, không cắn vì con anh không phải người lạ. Song không hiểu sao hôm qua nó lại đuổi và cắn vào bắp chân. Cũng may cháu mặc quần dài và dầy nên vết chó cắn chỉ làm bầm tím, trầy xước da mà không chảy máu.
Song thời gian gần đây, nghe thông tin từ ngành Y tế và các phương tiện truyền thông có nhiều trường hợp bị chó cắn nhưng chủ quan không đi tiêm phòng bệnh dại dẫn đến phát bệnh và tử vong. Vì vậy, anh rất lo lắng, sau khi xử lý sát khuẩn vết thương anh đưa con đến Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh để được các bác sĩ tư vấn, nếu cần thì tiêm phòng cho yên tâm.
Bác sĩ Phạm Hữu Thắng, Trưởng khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm và vắc-xin, Trung tâmY tế dự phòng tỉnh cho biết: Theo số liệu của Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương (Bộ Y tế), năm 2017, cả nước có 74 người chết do bệnh dại, hơn 500.000 người phải điều trị dự phòng, trong đó 85% do chó cắn, tăng 21% so với năm 2016.
Tại Thái Bình, năm 2016 số người trong tỉnh bị động vật cắn nghi mắc bệnh dại phải đi tiêm phòng là 413 người, năm 2017 là 700 người. Đặc biệt, năm 2017, trên địa bàn tỉnh đã có 1 trường hợp người dân ở xã Chương Dương (Đông Hưng) bị chó cắn song chủ quan không đi tiêm phòng. 5 tuần sau khi bị chó cắn, người bệnh phát bệnh dại, dù đã được đưa đi bệnh viện cứu chữa nhưng vẫn tử vong. Sau các đợt tăng cường công tác tuyên truyền phòng, chống bệnh dại trên địa bàn tỉnh, người dân cũng đã ý thức hơn trong việc phòng, chống bệnh dại. Nhiều chủ vật nuôi đã chủ động phối hợp với cán bộ thú y tiêm phòng dại cho vật nuôi. Khi chẳng may bị chó, mèo cắn cũng đã chủ động đến các cơ sở y tế để được xử lý vết thương, tư vấn và điều trị dự phòng kịp thời, đúng cách.
Từ đầu năm 2018 đến nay, trung bình mỗi tháng Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh đón tiếp khoảng 80 người bị chó, mèo cắn đến khám, tư vấn và tiêm phòng dại. Số người chủ động đến khám khi bị chó, mèo cắn đã tăng hơn nhiều so với những năm trước.
Bác sĩ Phạm Hữu Thắng cũng cho biết: Các biểu hiện lâm sàng của bệnh dại trên người là sợ nước, sợ gió, co giật, liệt. Do bệnh dại chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, khi đã lên cơn dại tỷ lệ tử vong gần như 100% đối với cả người và động vật. Tuy bệnh dại là bệnh nguy hiểm song đã có vắc-xin và huyết thanh phòng bệnh. Tiêm vắc-xin dại cho cả người và động vật, chủ yếu là chó, mèo là biện pháp hiệu quả để phòng, chống bệnh dại.
Bác sĩ khuyến cáo, khi bị chó, mèo cắn, người dân không nên chủ quan, cần kịp thời xử lý ngay tại chỗ như rửa kỹ vết thương bằng nước và xà phòng đặc, dội nước sạch nhiều lần, tiếp tục rửa vết thương bằng cồn, rượu, bôi chất sát khuẩn, hạn chế làm dập nát làm vết thương rộng hơn và không được băng kín vết thương. Sau đó đến ngay cơ sở y tế gần nhất để được bác sĩ xử lý, tư vấn. Tùy từng trường hợp sẽ chỉ định tiêm phòng dại kịp thời. Người bị chó, mèo cắn và chủ vật nuôi cũng cần tiếp tục theo dõi tình trạng sức khỏe của chó, mèo trong vòng 15 ngày kể từ ngày bị cắn. Nếu con vật có biểu hiện bất thường như bị bệnh ốm, bỏ đi mất tích không theo dõi được hoặc chết thì thông báo ngay cho cơ sở tiêm phòng dại để được tư vấn. Trường hợp người bị chó, mèo hoang cắn cũng cần đến cơ sở y tế ngay để tiêm phòng bệnh dại...
Nuôi chó, mèo là một thú vui, sở thích của nhiều người. Song để phòng, chống bệnh dại ở vật nuôi và tránh lây truyền sang người, người nuôi chó, mèo cần ý thức tiêm phòng bệnh dại định kỳ cho vật nuôi theo đúng khuyến cáo của ngành thú y. Đặc biệt, các hộ nuôi chó, mèo cần giữ vật nuôi trong khuôn viên gia đình, không thả rông chó, mèo ở nơi công cộng. Chó ra đường phải được đeo rọ mõm, mọi người nhất là trẻ em không nên đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo tránh bị chúng tấn công.
Các ngành, các địa phương cần đẩy mạnh tuyên truyền, giúp người dân hiểu hơn về dấu hiệu nhận biết động vật mắc bệnh dại, những quy định của pháp luật về phòng, chống bệnh dại. Đồng thời, tích cực tham gia công tác phòng, chống bệnh dại nhằm sớm loại trừ bệnh dại ra khỏi đời sống cộng đồng.
Hà Dung
Tin cùng chuyên mục
- Thành phố: Tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ y tế tuyến cơ sở về cải thiện chăm sóc dinh dưỡng 11.10.2024 | 16:11 PM
- Bảo đảm an toàn thực phẩm tại bếp ăn các cơ sở khám chữa bệnh 18.09.2024 | 16:23 PM
- Nỗi lo an toàn vệ sinh thực phẩm mùa hè 31.05.2024 | 17:07 PM
- Đông Hưng: Thi tìm hiểu kiến thức về phòng, chống tác hại của thuốc lá trong trường học năm 2023 28.10.2023 | 18:42 PM
- Chủ động rà soát, phát hiện, xử lý kịp thời các bệnh truyền nhiễm không để dịch chồng dịch 16.03.2023 | 19:31 PM
- Tình hình dịch Covid-19 tuần qua 05.03.2023 | 20:43 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 11/2 11.02.2023 | 22:46 PM
- Truyền thông nha học đường "Chăm sóc sức khỏe răng, miệng" cho học sinh 31.10.2022 | 16:03 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/7 21.07.2022 | 18:41 PM
- Tình hình dịch Covid-19 đến ngày 21/5 21.05.2022 | 21:46 PM
Xem tin theo ngày
- Đồng chí Ngô Đông Hải giữ chức Phó Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận tại tổ về các dự án luật
- Họp Ban Cán sự đảng UBND tỉnh
- Ký kết Quy chế phối hợp công tác giữa Ban Cán sự đảng UBND tỉnh với Ban Cán sự đảng Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh
- Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ tám, Quốc hội thảo luận về các dự thảo nghị quyết
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh tiếp xúc cử tri tại thành phố Thái Bình
- Quốc hội tiếp tục họp đợt 2 của kỳ họp thứ tám
- Các đồng chí lãnh đạo tỉnh chúc mừng Sở Giáo dục và Đào tạo nhân ngày Nhà giáo Việt Nam
- Đồng chí Nguyễn Tiến Thành, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại xã Vũ Lăng
- Đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chúc mừng ngày Nhà giáo Việt Nam tại Trường Tiểu học và THCS Đông Vinh