Chủ nhật, 24/11/2024, 02:39[GMT+7]

Vu Lan về hoa đạo nở hương thơm

Thứ 2, 27/08/2018 | 08:42:08
2,720 lượt xem
Từ đầu tháng bảy, nhiều cơ sở tự viện trên địa bàn tỉnh đã tổ chức lễ Vu Lan sớm để mọi người có cơ hội cùng thành tâm hướng nguyện, nhớ tới công ơn sinh thành dưỡng dục của cha mẹ, cầu cho cha mẹ hiện tiền được tăng phúc tăng thọ, cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng.

Hoa hồng trắng cài lên ngực những người không còn cha, còn mẹ.

Đã thành thông lệ, cứ mỗi mùa Vu Lan về, bà Trần Thị Bé, ở phố Bến, xã Mỹ Tân, huyện Mỹ Lộc, tỉnh Nam Định là tín đồ Phật tử chùa Pháp Quang, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang (Vũ Thư) lại trở về chùa để dự đại lễ Vu Lan báo hiếu. Với bà Bé, đây là dịp để bà tụng kinh, cầu siêu tế độ, nguyện cho cha mẹ quá vãng được thác hóa siêu thăng. Mùa Vu Lan nào bà cũng lặng lẽ cài lên ngực mình một bông hồng màu trắng như một sự nhắc nhở không bao giờ quên công ơn cha mẹ. 

Cũng giống như bà Bé, vào ngày nhà chùa tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu, chị Phạm Thị Nụ, thôn Tăng Bổng, xã Tân Lập (Vũ Thư) lại gác lại công việc bộn bề hàng ngày để đến tham gia cầu siêu tế độ cho cha mẹ được tăng phúc tăng thọ, bày tỏ lòng thành kính, hiếu thuận với ông bà, tổ tiên. 

Chị Nụ chia sẻ: Qua mỗi lời thuyết giảng của thầy chùa, tôi lại càng thấm thía công ơn của cha mẹ. Vì đã lập gia đình nên thời gian ở bên cạnh phụng dưỡng, chăm sóc cha mẹ không nhiều, song từ tận đáy lòng, tôi luôn cầu mong cha mẹ được sống vui vẻ, khỏe mạnh, hưởng phúc dài lâu bên con cháu.

Không phải ai cũng có được may mắn như chị Nụ, được cài lên ngực mình bông hoa hồng đỏ thắm, tượng trưng cho niềm hạnh phúc khi còn cha, còn mẹ. Màu đỏ của sự thương yêu, như màu máu trong tim mà mẹ cha đã vắt cạn một đời hy sinh cho ta tất cả. Màu ấy như một điều nhắc nhở, rằng ta phải nhớ về nguồn về cội, về những thâm ân to lớn của mẹ cha mà ta phải phụng dưỡng, đáp đền. Màu đỏ nhớ, màu đỏ thương, màu đỏ đã gói trọn vấn vương bởi những lo lắng, tảo tần suốt một đời cho ta, vì ta tất cả. Bên cạnh niềm hạnh phúc của những người còn cha, còn mẹ, là nỗi buồn, lặng lẽ cô đơn của những người không may mất đi cha mẹ của mình. Mỗi mùa Vu Lan về họ lại lặng lẽ cài lên ngực áo của mình đóa hoa buồn trinh trắng, để tưởng nhớ, để thành tâm hướng nguyện cầu cho cha mẹ ở thế giới khác được thác hóa siêu thăng. Đó là đức hiếu hạnh mà đạo Phật luôn luôn đề cao và muốn truyền hóa đến tất cả mọi người: “Trong muôn hạnh thì hạnh hiếu đi đầu. Trong muôn tội, bất hiếu là tội nặng nhất”. Vì đạo hiếu đã bao gồm cả sự từ bi trí tuệ, vô ngã vị tha, bởi thế truyền thống đạo hiếu luôn được nhân loại hướng về, tôn trọng và thực hiện.

Tuy nhiên, đôi lúc trong cuộc sống, mải lo về chuyện cơm áo gạo tiền, lợi danh sự nghiệp, đôi khi mỗi người chúng ta lỡ quên đi trách nhiệm và lơ đễnh trong việc phụng dưỡng, báo hiếu, để cho cha mẹ phải cô đơn, ốm đau bệnh tật, buồn tủi muộn phiền, không ai chăm sóc, lo toan. Vì thế, mùa Vu Lan hàng năm chính là dịp để nhắc nhở mỗi người chúng ta phải luôn nghĩ và nhớ đến công dưỡng dục và thâm ân nghĩa sinh thành cao cả, từ đó biết trân trọng những ngày tháng được sống bên cha mẹ, sống hiếu thuận hơn với cha mẹ. 

Thật khó để có quỹ thời gian bên cạnh cha mẹ mà không phải cuốn vào vòng xoay cơm áo gạo tiền, cũng thật khó để giữ cha mẹ mãi bên đời khi họ có thể lìa xa chúng ta bất cứ lúc nào. Và vì thế, trân quý những phút giây khi còn có thể là điều duy nhất ta có thể làm. 

Đối với những người kém may mắn, cha mẹ đã qua đời, mùa Vu Lan báo hiếu là dịp có ý nghĩa để những người con làm lễ cầu siêu, làm phúc, hồi hướng công đức cho người quá cố. Kinh Địa tạng của Phật giáo có dạy: “Đừng nên giới hạn ngày hiếu thảo vào rằm tháng bảy, mùa hiếu thảo và mùa Vu Lan. Tất cả những người con hiếu thảo phải thể hiện lời nói hiếu, hành động hiếu, ứng xử hiếu mọi lúc, mọi nơi, làm được thế thì hạnh phúc trong cuộc đời sẽ dài lâu”.

Sư thầy Thích Thiện Quang, trụ trì chùa Pháp Quang, thôn Thượng Điền, xã Tam Quang (Vũ Thư)

Vu Lan báo hiếu là một trong những ngày lễ thiêng liêng cao quý của Phật giáo. Đây là dịp để mọi người thể hiện lòng biết ơn đối với các đấng sinh thành, vì thế ngày này luôn nhận được sự quan tâm đông đảo của người dân. Hàng năm, chùa Pháp Quang đều tổ chức đại lễ Vu Lan báo hiếu để hướng các tín đồ Phật tử trở về với cội nguồn dân tộc, về với đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, về với tiên tổ, nhắc nhở mọi người nhớ về công ơn sinh thành, dưỡng dục của cha mẹ, từ đó sống hiếu thuận hơn, góp phần xây dựng mối quan hệ hài hòa, tốt đẹp trong xã hội.
Chị Nguyễn Thị Hồng Mỵ, phường Đề Thám, thành phố Thái Bình

Giây phút xúc động nhất trong buổi lễ Vu Lan báo hiếu là lúc những đóa hồng được cài lên ngực các tín đồ Phật tử và người dân đến tham dự buổi lễ. Việc nhớ về bậc sinh thành và cài lên ngực một bông hoa ngát hương thể hiện tâm hướng về cha mẹ, cầu mong cho cha mẹ những điều an lành, cũng như tỏ lòng biết ơn sâu sắc. Những ai còn cha, còn mẹ sẽ cài lên ngực áo một đóa hoa hồng đỏ thắm với niềm hạnh phúc vô biên vì còn cha, còn mẹ là còn tất cả. Còn đóa hồng màu trắng như một nỗi bất hạnh, sự thiếu vắng tình thương và niềm nhớ nhung da diết khi đã mất cả cha mẹ.
Em Hoàng Thị Lê, học sinh lớp 12, Trường THPT Hùng Vương


Lần đầu đi cùng đoàn thanh thiếu niên Phật tử đến tham dự lễ Vu Lan báo hiếu, em rất xúc động. Qua buổi lễ, em được tu tập, hiểu nhiều hơn về lễ Vu Lan và biết rằng mình cần phải sống có trách nhiệm và biết yêu thương, chăm sóc, phụng dưỡng cha mẹ mình ngay từ bây giờ để sau này không phải hối hận điều gì. Không có gì hạnh phúc bằng khi vẫn còn cha mẹ luôn song hành bên cuộc đời.

Đào Quyên