Thứ 3, 23/07/2024, 05:24[GMT+7]

Phong cách gần dân, thương người dân Thái Bình của Hồ Chủ Tịch

Chủ nhật, 02/09/2018 | 11:56:08
1,402 lượt xem
Khi được biết trong ba tháng, với sự cố gắng của nhân dân Thái Bình, hai quảng đê vỡ đã được đắp xong (đê Đìa - Hưng Nhân và đê Mỹ Lộc - Thư Trì) thì Bác rất vui và nhận lời về thăm lại hai quãng đê vỡ để chia vui cùng đồng bào.

Sáng sớm ngày 28/4/1946 Bác đã về. Cùng đi với Bác có cụ Huỳnh Thúc Kháng và ông Nguyễn Xiển, Chủ tịch Bắc bộ, kỹ sư Đỗ Xuân Dung….

Lần trước nhân dân Thái Bình chỉ được đón Bác, tiếp xúc với Bác một tiếng đồng hồ, lần này có lẽ để chia vui nên Bác đã ở lại lâu hơn. Trên năm vạn nhân dân Thái Bình đã tổ chức đón Bác. Nhà trí thể dục thị xã biến thành rừng người, đỏ một màu cờ và băng biển, khẩu hiệu. Bác bước lên lễ đài giữa tiếng hoan hô vang như sấm dậy.

Bác khen thành tích đắp đê của nhân dân Thái Bình. Bác hoan nghênh tinh thần đoàn kết, tăng gia lao động của nhân dân. Bác kêu gọi mọi người “ Phải ra sức diệt ba kẻ thù trước mắt là giặc đói, giặc dốt và giặc ngoại xâm. Mọi người ra sức đoàn kết, không phân biệt giầu nghèo, tôn giáo để góp phần vào công cuộc kháng chiến toàn quốc. Toàn dân tăng gia sản xuất không để một tấc đất hoang, các làng lập quỹ nghĩa thương để tương trợ nhau”.

Những lời nói chí lý, chí tình thấm sâu vào lòng người, thôi thúc, cổ vũ toàn dân Thái Bình hăng hái tham gia diệt ba thứ giặc mà Bác đã chỉ ra.

Quỹ nghĩa thương ở Thái Bình đã có từ tháng 9/1945 khi toàn tỉnh ai cũng hưởng ứng lời kêu gọi của Người “ Nhường cơm sẻ áo, hũ gạo cứu đói, ngày đồng tâm nhịn ăn…”. Xóm, làng nào cũng lập quỹ nghĩa thương để giúp những người túng thiếu.

Khẩu hiệu “ Tấc đất, tấc vàng” không chỉ thiết thực với nông dân mà khắp các cơ quan, đoàn thể, đơn vị, trường học…ở Thái Bình triệt để thực hiện có hiệu quả. Những nơi hoang hóa, gò đống, ven đê đều được cải tạo thành màu xanh của ngô, khoai, sắn, rau, đậu… Hơn mười ngàn mẫu ruộng hoang được khai phá, diện tích cây trồng tăng. Vụ chiêm năm 1946 bội thu, riêng sản lượng khoai lang tăng 10 lần so với năm 1945. Để động viên nhân dân Thái Bình, Bác đã trao thưởng 13 lá cờ cho đơn vị Vệ quốc đoàn tỉnh, 12 phủ huyện và một lá cờ cho đội thiếu niên thị xã.

Cũng như  người dân khắp mọi miền đất nước, người dân Thái Bình khi đó ý thức rất rõ rằng Cách mạng tháng Tám và Hồ Chủ tịch đã đổi đời cho họ. Từ thân phận nô lệ, họ thực sự được làm chủ, tự do xây dựng cuộc sống mới. Hồ Chủ tịch lại luôn theo dõi, cổ vũ, động viên, chỉ bảo và có lẽ vì lẽ đó mà người dân Thái Bình cảm thấy Hồ Chủ tịch gần gũi, thân thiết như thửa ruộng, mảnh vườn, như mái nhà của nhà mình vậy. Từ những niềm vui nho nhỏ như thu hoạch được củ khoai to, trồng được một quả bí lớn, dệt được một vuông vải đẹp… là người dân Thái Bình lại nghĩ ngay đến Hồ Chủ tịch. Ai cũng muốn được dâng lên Người những thành quả lao động của mình, hoặc viết thư báo cáo để Bác cùng chia vui với mình. Phải có một tình thương yêu bao la của một người có tâm hồn lớn như Hồ Chủ tịch mới có thể nhận lại những tình cảm chân thành và quý báu đó từ nhân dân.

Nhìn những món quà nhân dân địa phương dâng biếu Bác với những đồ chạm bạc Đồng Xâm, lụa Bộ La, lụa Nguyễn, đũi Cao Bạt, vải Bơn…Bác khen thợ Thái Bình khéo tay. Bác xúc động cảm ơn tình cảm của nhân dân Thái Bình và chỉ nhận có 10 củ khoai, một quả bí ngô, một quả bí đao. Mọi người khẩn khoản mãi Bác mới nhận thêm một mảnh vải khổ hẹp đủ may một bộ quần áo cộc.

Với tác phong giản dị, với tấm lòng rộng mở, bao dung, biết đồng bào đang chờ đợi được gặp Bác thì lần nào cũng vậy, Bác ra ngay với đồng bào. Mọi người quây quần bên Bác như vui đón người ông, người cha, người bác ruột thịt đi xa trở về.. Có người khóc khi ngồi bên Bác, được sờ vào áo Bác. Tuy rất vội, nhưng Bác vẫn hỏi chuyện từng người, nói chuyện thân mật với các cụ già, chị em phụ nữ…

Lần ấy trên đường về, đoàn dừng lại ở quãng đê vỡ. Bác xuống xe nhìn hai đầu đê cũ và mới giáp nhau, Bác nói:

    - Đắp như thế này không được, đất khô sẽ co lại, hai đầu giáp nhau sẽ hở, phải làm thành bậc thang, rồi đổ đất, đầm kỹ.

Nhìn vào xóm ở đầu đọan đê bị vỡ, Bác hỏi:

- Chỗ này nước làm trôi mất bao nhiêu nhà?

Đồng chí cán bộ địa phương trả lời Bác:

- Dạ, riêng chỗ này bị trôi mất năm gia đình ạ.

- Những gia đình này đã có nhà ở chưa?

- Thưa Bác, bà con đã  chuyển vào làm nhà ở trong làng rồi ạ.

Bước trên đê, thỉnh thoảng Bác lại nhún nhún chân xem đất đầm đã kỹ chưa.

Câu chuyện từ chuyến đi thực tế của Hồ Chủ tịch tháng 4/1946 với những việc gần dân nhất, sát dân nhất, bình dị nhất tại Thái Bình vẫn còn nguyên tính thời sự và ý nghĩa giáo dục cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân theo Chỉ thị số 05 của Bộ Chính trị khóa XII về “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” trong giai đoạn hiện nay.

TT