Thứ 7, 23/11/2024, 03:37[GMT+7]

Quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học mới

Thứ 4, 05/09/2018 | 08:17:56
876 lượt xem
Hòa cùng niềm vui của học sinh, sinh viên và các thầy cô giáo trong cả nước, hôm nay, gần 400.000 học sinh Thái Bình bước vào năm học 2018 - 2019 trong niềm hân hoan, náo nức.

Đọc sách tại thư viện Trường THCS Thụy Liên (Thái Thụy).

Trong năm học vừa qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền, sự chăm lo của các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể và sự vào cuộc của toàn dân, ngành Giáo dục và Đào tạo tỉnh nhà đã nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được những kết quả đáng tự hào. 

Đặc biệt, các cuộc vận động và các phong trào thi đua của ngành đã đi vào chiều sâu, có hiệu quả rõ rệt. Công tác đổi mới quản lý giáo dục được đẩy mạnh, cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy và học được tăng cường, đội ngũ cán bộ, giáo viên không ngừng tự học, tự bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn giảng dạy, chất lượng giáo dục được nâng lên rõ rệt cả về chất lượng đại trà và chất lượng mũi nhọn. 

Nhiều chỉ tiêu của ngành đề ra trong năm học đã hoàn thành, tỷ lệ học sinh xếp loại hạnh kiểm khá và tốt cao. Có 38 học sinh đạt giải trong kỳ thi chọn học sinh giỏi quốc gia, 1 dự án đạt giải ba quốc gia cuộc thi sáng tạo khoa học và kỹ thuật dành cho học sinh trung học. Có 392 học sinh đạt giải học sinh giỏi cấp tỉnh lớp 9, 12. Toàn tỉnh có 99,36% học sinh lớp 12 đỗ tốt nghiệp THPT. Kết quả đó là sự nỗ lực phấn đấu của ngành Giáo dục cùng sự đồng lòng, chung tay hỗ trợ của toàn xã hội.

Bước vào năm học 2018 - 2019, ngành Giáo dục Thái Bình quyết tâm thực hiện thắng lợi nhiệm vụ năm học, tiếp tục nỗ lực đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo theo hướng chuẩn hóa, công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. Tổ chức thực hiện nghiêm các tiêu chí, tiêu chuẩn trường học, lớp học gắn với nâng cao chất lượng giáo dục trong quá trình tổ chức lại cơ cấu trường, lớp theo Kế hoạch số 45, 46 của UBND tỉnh về việc thực hiện Nghị quyết Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII. Tiếp tục thực hiện có hiệu quả đề án xây dựng xã hội học tập giai đoạn 2012 - 2020, đề án xóa mù chữ đến năm 2020; kiện toàn, củng cố mô hình hoạt động của trung tâm giáo dục nghề nghiệp - giáo dục thường xuyên và trung tâm học tập cộng đồng theo hướng một cơ sở thực hiện nhiều nhiệm vụ; dạy văn hóa kết hợp với dạy nghề và thường xuyên tổ chức thực hiện chương trình giáo dục khởi nghiệp tại các cơ sở giáo dục. Các cơ sở giáo dục chủ động báo cáo, đề xuất, tham mưu với cấp ủy, chính quyền địa phương và phối hợp với các ban, ngành để xây dựng môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, xóa bỏ các hiện tượng tiêu cực, bảo đảm an ninh, trật tự, an toàn trường học, phòng, chống tội phạm, bạo lực, tệ nạn xã hội trong nhà trường.

Về đội ngũ nhà giáo, tổ chức rà soát đánh giá thực trạng, xác định nhu cầu giáo viên theo môn học, lớp học, cấp học. Sắp xếp, bổ sung đội ngũ; xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục gắn với yêu cầu đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông, nhất là việc chuẩn bị giáo viên cho dạy học liên môn, dạy học tích hợp. Quan tâm phát triển đội ngũ tổ trưởng chuyên môn, giáo viên cốt cán các bộ môn, giáo viên chủ nhiệm lớp giỏi; nâng cao vai trò của giáo viên chủ nhiệm lớp, của tổ chức đoàn, hội, đội, gia đình và cộng đồng trong việc quản lý, phối hợp giáo dục toàn diện cho học sinh. Tập trung nâng cao chất lượng giáo dục, tích cực đổi mới phương pháp dạy và học, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng giáo dục toàn diện, chú trọng giáo dục đạo đức, kỹ năng sống, xây dựng môi trường giáo dục lành mạnh, kết hợp chặt chẽ giữa nhà trường với gia đình và xã hội. Tăng cường xây dựng cơ sở vật chất trường học theo hướng kiên cố hóa, chuẩn hóa, đồng bộ hóa, đáp ứng yêu cầu đổi mới chương trình giáo dục phổ thông và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện.

Về thực hiện đổi mới chương trình giáo dục mầm non, phổ thông, ngành Giáo dục sẽ hướng dẫn các cơ sở giáo dục mầm non thực hiện chương trình giáo dục mầm non sau chỉnh sửa. Các địa phương hỗ trợ cơ sở vật chất, tạo điều kiện thuận lợi để giáo dục mầm non thực hiện chương trình. Bên cạnh đó, hỗ trợ cha mẹ trẻ những kiến thức, kỹ năng chăm sóc giáo dục trẻ; xây dựng, triển khai các mô hình phối hợp gia đình - nhà trường - cộng đồng trong chăm sóc, giáo dục trẻ; tiếp tục thực hiện hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên ở các nhóm lớp độc lập tư thục. Cùng với đó, các cơ sở giáo dục cần lựa chọn sách giáo khoa phù hợp để sử dụng, chủ động tổ chức biên soạn bổ sung những nội dung về đặc điểm lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội của địa phương. Giáo dục phổ thông sẽ tích cực chuẩn bị các hệ điều kiện để thực hiện chương trình, sách giáo khoa mới, nhất là lớp 1.

Cùng với sự nỗ lực, cố gắng của ngành Giáo dục, các cấp, ngành, các tổ chức, đoàn thể và toàn xã hội sẽ chung tay tiếp tục chăm lo, thực hiện xã hội hóa công tác giáo dục, tạo điều kiện và môi trường tốt nhất để các thầy cô giáo và học sinh nâng cao chất lượng dạy và học, đưa sự nghiệp giáo dục và đào tạo tỉnh nhà ngày càng phát triển.

Trần Thị Bích Vân
(Phó Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo)