Thứ 6, 10/01/2025, 20:18[GMT+7]

Hệ thống quỹ tín dụng nhân dân: Phát triển theo mô hình “ngân hàng thu nhỏ” ở nông thôn

Thứ 7, 12/06/2021 | 22:05:54
985 lượt xem
Hoạt động với đầy đủ chức năng của một “ngân hàng thu nhỏ”, thời gian qua, các quỹ tín dụng nhân dân (TDND) trên địa bàn tỉnh luôn nỗ lực để người dân trên địa bàn, đặc biệt là người dân khu vực nông thôn được tiếp cận và sử dụng các dịch vụ ngân hàng một cách nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả nhất.

Nguồn vốn tín dụng của Quỹ TDND Thụy Văn đã giúp gia đình anh Nguyễn Như Văn (thôn An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) phát triển cơ sở sản xuất đồ gỗ, tạo việc làm ổn định cho 25 lao động.

“Điểm tựa” phát triển kinh tế 

Nhắc đến gia đình anh Nguyễn Như Văn (thôn An Định, xã Thụy Văn, huyện Thái Thụy) không ai không biết đến bởi sản phẩm đồ gỗ mỹ nghệ do cơ sở sản xuất đã có mặt ở khắp nơi trên thị trường, từ Thái Bình, Hà Nội, Hưng Yên, Bắc Ninh đến các tỉnh phía Nam. Từ một cơ sở ban đầu chỉ có 2 lao động trên diện tích nhà xưởng 300m2, sau 13 năm anh Văn đã phát triển cơ sở lên quy mô hơn 1.000m2, tạo việc làm cho 25 lao động với thu nhập trung bình 7 triệu đồng/người/tháng. Anh Văn tâm sự: Gia đình tôi có được cơ ngơi như ngày hôm nay là phải kể đến đóng góp rất tích cực của Quỹ TDND Thụy Văn, luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để tôi được vay vốn với thủ tục đơn giản, thuận lợi nhất.

Với lợi thế là hoạt động gần dân, sát dân, vì lợi ích của nhân dân, thời gian qua, cùng với các quỹ TDND trong hệ thống, Quỹ TDND Thụy Văn tích cực đồng hành, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho khách hàng vay vốn phát triển sản xuất. Ông Đào Viết Thuận, Giám đốc Quỹ cho biết: Đến hết tháng 4/2021, Quỹ TDND Thụy Văn có 518 khách hàng vay vốn để phát triển kinh tế với dư nợ cho vay đạt 89,55 tỷ đồng, trong đó cho vay nông nghiệp chiếm 3,46%, cho vay công nghiệp - xây dựng chiếm 29,31%, cho vay dịch vụ chiếm 11,91%, cho vay khác chiếm 53,93%. 

Trên địa bàn tỉnh hiện có 85 quỹ TDND hoạt động, trong đó có 45 quỹ mở rộng địa bàn hoạt động sang 64 xã liền kề. Tranh thủ sự quan tâm, hỗ trợ của cấp ủy đảng và chính quyền các địa phương, hệ thống quỹ TDND đã xây dựng đồng bộ các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn trong việc trả nợ vốn vay của thành viên; đồng thời, đổi mới tác phong giao dịch, giải quyết nhanh các thủ tục vay vốn, không gây phiền hà để giúp các thành viên nhanh chóng có vốn phát triển sản xuất, từ đó trở thành điểm tựa giúp nhân dân phát triển kinh tế ở địa phương. Đến hết tháng 4/2021, tổng nguồn vốn huy động của hệ thống quỹ TDND đạt 10.972 tỷ đồng, tăng 10,53% so với thời điểm 31/12/2020; tổng dư nợ cho vay thành viên đạt hơn 8.419 tỷ đồng, tăng 2,11% so với thời điểm 31/12/2020; tỷ lệ nợ xấu chiếm 0,52% tổng dư nợ cho vay. Trước diễn biến phức tạp của dịch Covid-19, nhiều quỹ TDND trên địa bàn tỉnh đã chủ động cắt giảm lợi nhuận kinh doanh để thực hiện các biện pháp hỗ trợ, chia sẻ khó khăn với khách hàng. Điển hình như Quỹ TDND Cộng Hòa (Hưng Hà) miễn, giảm lãi cho 29 khách hàng với dư nợ 4,2 tỷ đồng; Quỹ TDND Hưng Nhân (Hưng Hà) miễn, giảm lãi cho 602 khách hàng với dư nợ 122,4 tỷ đồng và cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 8 khách hàng với dư nợ 1,4 tỷ đồng; Quỹ TDND Quỳnh Hưng (Quỳnh Phụ) cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho 5 khách hàng với dư nợ 700 triệu đồng... 

Chuyển tiền nhanh chóng, hiệu quả  

Không chỉ thực hiện tốt vai trò điều hòa vốn trong phát triển kinh tế ở địa phương, với mục tiêu hướng tới phát triển hoạt động theo mô hình “ngân hàng thu nhỏ”, thời gian qua, hệ thống quỹ TDND trên địa bàn tỉnh còn chủ động mở rộng, phát triển dịch vụ chuyển tiền, từ đó đáp ứng kịp thời các nhu cầu giao dịch của khách hàng.

Những năm gần đây, Quỹ TDND Thống Nhất (Hưng Hà) không chỉ luôn dẫn đầu hệ thống về công tác huy động và cho vay thành viên mà còn là đơn vị đầu tiên trong hệ thống quỹ TDND của tỉnh triển khai thực hiện dịch vụ chuyển tiền điện tử (CF-eBank) của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh mang lại hiệu quả cao. Việc triển khai dịch vụ CFeBank không chỉ giúp người dân trên địa bàn hoạt động của Quỹ thuận tiện trong chi trả mà còn tiết kiệm được thời gian đi lại, đặc biệt là tránh được rủi ro khi phải cầm theo tiền mặt đi giao dịch tại các ngân hàng. Ông Nguyễn Văn Đoán, Giám đốc Quỹ TDND Thống Nhất cho biết: Ngay sau khi Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh triển khai dịch vụ CFeBank, để nâng cao hiệu quả sử dụng dịch vụ, Quỹ đã đầu tư kinh phí đồng thời cử cán bộ đi đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ. Sau 10 năm triển khai thực hiện cho thấy dịch vụ chuyển tiền đã trở thành hoạt động không thể thiếu đối với Quỹ TDND Thống Nhất; không chỉ nâng cao uy tín, vị thế, thương hiệu trên địa bàn hoạt động mà còn giúp Quỹ mở rộng thị trường, thu hút đông đảo khách hàng giao dịch tại Quỹ. 5 tháng đầu năm 2021, tổng doanh số chuyển tiền của Quỹ TDND Thống Nhất đạt hơn 12 tỷ đồng, trong đó doanh số chuyển đi đạt 10 tỷ đồng, doanh số chuyển đến đạt hơn 2 tỷ đồng. 

Đến nay, toàn hệ thống đã có 53/85 quỹ TDND thực hiện dịch vụ CF-eBank của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh, trong đó có 40 quỹ được cấp hạn mức thấu chi tài khoản thanh toán, từ đó giúp các quỹ linh hoạt về vốn, chuyển tiền được thuận lợi và nhanh chóng. Ông Cao Văn Ngoạn, Giám đốc Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh cho biết: Với vai trò là ngân hàng của các quỹ TDND, những năm qua, Chi nhánh đã không ngừng đầu tư công nghệ, xây dựng và cung ứng các dịch vụ ngân hàng hiện đại, từ đó mở ra cơ hội lớn cho các quỹ TDND trong việc đáp ứng kịp thời nhu cầu sử dụng dịch vụ của các thành viên cũng như khách hàng ở địa bàn nông thôn. Trong năm 2020, các quỹ TDND đã thực hiện qua hệ thống chuyển tiền điện tử nội bộ của Ngân hàng Hợp tác xã Việt Nam Chi nhánh tỉnh với tổng số gần 40.000 lệnh chuyển đến và đi với số tiền gần 2.200 tỷ đồng. 

Ngoài 85 quỹ TDND, trên địa bàn tỉnh hiện còn có 26 ngân hàng đã thành lập 8 chi nhánh huyện, thành phố, 93 phòng giao dịch và 260 điểm giao dịch của Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh tại các xã, phường, thị trấn. Với sự cạnh tranh đó, các quỹ TDND thực hiện đa dạng hóa các loại hình dịch vụ là việc làm quan trọng và cần thiết nhằm mục tiêu hướng tới phát triển hoạt động theo mô hình “ngân hàng thu nhỏ” ở nông thôn. 

Một số dịch vụ cơ bản của quỹ tín dụng nhân dân:
  • Huy động vốn; 
  • Hoạt động cho vay; 
  • Cung ứng dịch vụ chuyển tiền, thực hiện các nghiệp vụ thu hộ, chi hộ cho các thành viên;
  • Cung ứng dịch vụ tư vấn về ngân hàng, tài chính cho các thành viên;
  • Nhận ủy thác và làm đại lý một số lĩnh vực liên quan đến hoạt động ngân hàng, quản lý tài sản theo quy định của Ngân hàng Nhà nước... 

Minh Hương